Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp xã – Thực tế của thị xã Thái Hòa, Nghệ An
Chủ tịch UBND thị xã Lê Phúc Ân đối thoại với nhân dân phường Quang Tiến
Thị xã Thái Hòa nằm ở phía Tây bắc tỉnh Nghệ An, được thành lập ngày 15-11-2007, trên cơ sở chia tách huyện Nghĩa Đàn, gồm 4 phường, 6 xã và 126 khối, xóm dân cư. Thị xã Thái Hòa được xác định là một trong những điểm đầu tư phát triển thành đô thị loại 3 trong tương lai, là đô thị động lực của vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ theo Quyết định 1447/QĐ-TTg ngày 16-9-2009 của Thủ tướng Chính phủ. Khi nền kinh tế thị trường phát triển nhanh, mạnh cả về tính chất, quy mô và tốc độ thì Thái Hòa có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển vững chắc. Trong những năm gần đây, Thái Hòa đã có sự thu hút vốn đầu tư mạnh và có mức tăng trưởng kinh tế khá cao. Tốc độ tăng kinh tế (bình quân 5 năm từ năm 2008-2012) đạt 19%. Đạt được kết quả trên là có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, sự quyết tâm của hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã.

Tuy nhiên, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế phát triển khá nhưng chất lượng, hiệu quả, tính bền vững chưa cao, sức cạnh tranh của nhiều ngành kinh tế còn thấp. Kết cầu hạ tầng kinh tế, xã hội chưa đồng bộ, đời sống của nhân dân còn khó khăn… Để thực hiện mục tiêu của thị xã đến năm 2025 trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, tài chính - ngân hàng của vùng Tây bắc Nghệ An và trở thành thành phố loại 3 của vùng kinh tế Nam Thanh - Bắc Nghệ , yêu cầu đặt ra là cần phải có các giải pháp thiết thực nhằm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp cơ sở của thị xã vững mạnh, đồng bộ, có phẩm chất và năng lực theo tinh thần nghị quyết của Đảng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Những năm qua, nhận thức rõ tầm quan trọng, vai trò của đội ngũ cán bộ, công tác cán bộ trên địa bàn, Đảng bộ thị xã đã bám sát quan điểm, nhiệm vụ chính trị, quy định, quy chế và các giải pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ, nội dung, phương pháp, cách làm có đổi mới, tiến bộ; dân chủ, công khai trong công tác cán bộ được mở rộng; đảm bảo nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đồng thời phát huy trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ.

Các cấp ủy đã tích cực chăm lo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực công tác cho cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ, thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Phong cách, ý thức trách nhiệm và lề lối làm việc đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp xã có chuyển biến tiến bộ theo hướng gần dân, sát dân và có trách nhiệm với dân hơn, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền; được chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức về quản lý nhà nước, đến nay 98,3% cán bộ có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trong đó 64,9% có trình độ đại học, 1,7% có trình độ thạc sĩ.

Về trình độ lý luận chính trị, 100% cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ từ sơ cấp trở lên, trong đó 86% có trình độ trung cấp lý luận chính trị, 5,3% có trình độ cao cấp chính trị. Tỷ lệ cán bộ được bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước đạt 64,9%, tăng hơn so với nhiệm kỳ trước là 19,6%, tỷ lệ cán bộ có trình độ tin học (từ chứng chỉ A trở lên) đạt 62,5%, tăng so với nhiệm kỳ trước là 25,3%.

Số lượng cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc được quan tâm, tin tưởng giao phó đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt cấp xã để thử thách, đào tạo và tạo nguồn cán bộ, trong đó tỷ lệ cán bộ nữ là 10,5%, tăng hơn so với nhiệm kỳ trước là 1,1% cán bộ là người dân tộc là 17,5%, tăng hơn so với nhiệm kỳ trước là 1,4%; khả năng triển khai thực hiện và cụ thể hóa đường lối, chủ trương nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước được nâng lên rõ rệt; năng lực lãnh đạo, điều hành, quản lý, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở có chuyển biến tích cực, nhất là trong lĩnh vực kinh tế; thích nghi hơn với cơ chế thị trường và tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm; tính chủ động, sáng tạo được phát huy; nhiệt tình tham gia các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm và có những đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp xã trên địa bàn thị xã Thái Hoà trong giai đoạn hiện nay còn bộc lộ một số hạn chế, đó là: Một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp xã chưa thật sự gương mẫu trong nhận thức và hành động, thiếu tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ không tốt, có biểu hiện quan liêu, hách dịch, xa rời thực tế, xa dân, gây phiền hà cho nhân dân, nói nhiều làm ít, làm việc không có kế hoạch, cục bộ địa phương. Một bộ phận cán bộ lhạn chế về năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động trong hệ thống chính trị cấp xã; khả năng nhận thức, tổ chức thực hiện và xử lý những tình huống phát sinh ở địa phương còn nhiều lúng túng; một số cán bộ thiếu khả năng độc lập, quyết đoán trong giải quyết công việc, thụ động trong thực thi các nhiệm vụ; thiếu khả năng bao quát tình hình; thiếu kỹ năng trong công tác tuyên truyền, tập hợp, vận động quần chúng nhân dân chấp hành, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai, thực hiện các phong trào ở địa phương. Việc giải quyết các vấn đề phức tạp về lĩnh vực quản lý kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội, thông tin, tôn giáo, tranh chấp về đất đai, bảo vệ tài nguyên, môi trường còn yếu. Chưa thật sự quyết tâm, học hỏi kinh nghiệm để phát huy tiềm năng, lợi thế, bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời khắc phục khó khăn ở địa phương; còn thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của thị xã. Chất lượng, trình độ về chuyên môn, lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp xã đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ vững bản chất giai cấp công nhân, giáo dục rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp xã. Làm tốt công tác giáo dục tư tưởng chính trị, trang bị kiến thức lý luận về Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, nghị quyết của Đảng, để có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng; cương quyết đấu tranh chống lại mọi quan điểm, khuynh hướng sai trái trên mọi lĩnh vực, bảo vệ đường lối của Đảng, quyết tâm thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng ở địa phương.

Hai là, tích cực nghiên cứu, xây dựng, cụ thể hóa các quy định của Đảng, Nhà nước về tiêu chuẩn chức danh đối với từng chức vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cấp xã, làm cơ sở để đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ có đủ trình độ, năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao.

Việc xác định tiêu chuẩn cán bộ là cần thiết và quan trọng, là cơ sở để lựa chọn cán bộ, thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, là yêu cầu đối đặt ra để mỗi cán bộ tự đối chiếu để tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực công tác, đáp ứng được yêu cầu đặt ra, là khâu quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ.

Ba là, tiến hành rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp xã, thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ, như quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng, bổ nhiệm cán bộ,để nâng cao chất lượng, phát huy vai trò, khả năng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp xã trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Bốn là, thường xuyên tiến hành đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp xã. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp theo chức danh; khuyến khích cán bộ tự học, tự đào tạo để nâng cao trình độ. Đào tạo cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp xã phải căn cứ vào quy hoạch, tiêu chuẩn chức danh và nhu cầu bố trí, sử dụng cán bộ, đồng thời quan tâm đầo tạo về kiến thức quản lý kinh tế, quản lý đô thị là những lĩnh vực đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp xã hiện nay đang rất yếu, tránh tình trạng đạo tạo chuyên môn chỉ để chuẩn hoá.

Năm là, phát huy vai trò của cấp ủy trong công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm túc công tác tự phê bình và phê bình, công tác đánh giá phân loại cán bộ, đảng viên định kỳ và hằng năm; kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, xử lý nghiêm minh những cán bộ vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật để răn đe.

Sáu là, tiếp tục nghiên cứu cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá cán bộ, phân loại đảng viên hằng năm; bổ sung hoàn thiện quy chế, quy trình đánh giá cán bộ, để việc đánh giá cán bộ được sát đúng với thực chất, đánh giá đúng cán bộ.

Bảy là, có chính sách đối với đội ngũ cán bộ cấp xã phù hợp điều kiện thực tiễn ở địa phương, tạo điều kiện làm việc, đời sống vật chất cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp xã.yên tâm công tác, ngăn ngừa những tiêu cực xẩy ra.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất