1- Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng.
Là Đảng cầm quyền, Đảng ta luôn xác định phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt và công tác cán bộ là then chốt của then chốt. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, Đảng ta đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ vững vàng về chính trị, năng động sáng tạo, hăng hái thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước. Đa số có phẩm chất đạo đức cách mạng tốt, thể hiện tiến bộ vững chắc về trình độ kiến thức, năng lực quản lý xã hội, năng lực khoa học kỹ thuật trên nhiều lĩnh vực, bảo đảm đất nước ổn định chính trị, có bước tiến mới về kinh tế- xã hội, văn hóa và có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào một số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Nhiều cán bộ, trong đó có người đứng đầu chưa tiền phong gương mẫu, quan liêu, cửa quyền, không sâu sát thực tế, cơ sở.
Qua 19 lần thông báo kết luận của Ủy Ban Kiểm tra Trung ương vừa qua, số cán bộ đảng viên và tổ chức đảng bị kỷ luật lần sau nhiều hơn lần trước. Sáu tháng đầu năm 2017, cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 87 tổ chức đảng và 6.000 đảng viên, tăng 61% tổ chức đảng và 16% đảng viên so với cùng kỳ năm 2016. Ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 1.648 đảng viên. Ủy Ban kiêm tra Trung ương thi hành kỷ luật 6 cán bộ, đảng viên và 1 tổ chức đảng. Sáu tháng cuối năm, Ủy Ban kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật tới 4 ban thường vụ cấp tỉnh và kỷ luật đảng viên từ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nhiều bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, trưởng ban, phó trưởng ban, cấp tỉnh, cấp bộ, ban trực thuộc Trung ương và các ban cán sự Đảng cấp tỉnh và cơ quan Trung ương. Nhiều cán bộ bị xử lý theo pháp luật.
Nguyên nhân do cả khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là cơ bản. Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa chặt chẽ. Chưa có cơ chế để xử lý thay thế kịp thời những cán bộ lãnh đạo, quản lý yếu về năng lực, giảm sút uy tín, trì trệ trong công tác, kém hiệu quả trong phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Chậm ban hành quy định xử lý tổ chức, cá nhân, có biểu hiện suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Một bộ phận cán bộ thiếu rèn luyện, ngại học tập bộc lộ chủ nghĩa cá nhân cao độ, lợi dụng chức vụ cao, quyền lực lớn để tham nhũng, tham ô. Một bộ phận liên kết quyền lực với kinh tế tạo ô dù bảo kê, hình thành lợi ích nhóm lũng đoạn kinh tế, xã hội, Nhà nước.
2-Đất nước ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) và hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Đặc trưng nổi bật của nền văn minh trí tuệ là phát triển quốc gia ít dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, mà dựa chủ yếu vào tri thức khoa học - công nghệ, tức là dựa vào các nguồn lực có khả năng tái sinh và tự sinh sản. Thông tin và tri thức trở thành yếu tố đầu vào của hệ thống sản xuất, quản lý, đó là công cụ để sáng tạo của cải, là chìa khóa quyền lực và an ninh kinh tế -xã hội. Sau khi có đường lối đúng đắn thì cán bộ là yếu tố quyết định thành công. Vì vậy, theo tôi, thực hiện chiến lược cán bộ trong giai đoạn này cần coi trọng hai yếu tố cơ bản: Có tầm nhìn rộng và quy hoạch chuyên sâu, để vừa nhanh chóng nắm bắt xu thế chung vừa giải quyết sâu sắc, có chất lượng từng lĩnh vực.
Công tác quy hoạch cán bộ phải nhìn thấu xu hướng đổi mới công nghệ đang tổ chức lại một cách cơ bản đời sống xã hội con người cả về kinh tế và văn hoá, nắm bắt hình thái phát triển của xã hội để xây dựng cấu trúc đội ngũ cán bộ toàn diện và đủ tầm dẫn dắt sự phát triển của xã hội theo định hướng Cương lĩnh xây dựng đất nước của Đảng. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Làm công tác quy hoạch cán bộ là để có tầm nhìn xa, có khung để đào tạo, bố trí cán bộ, nên phải “động” và “mở”. Kiên trì mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt người đứng đầu trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đầu ngành kỹ thuật có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiền phong gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân. Có đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục và vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng công nghiệp 4.0 và mở rộng hội nhập quốc tế. Quy hoạch phải chuyên sâu đến từng cấp, từng ngành, từng loại hình cán bộ và từng vị trí được bổ nhiệm với 3 đội tuổi. Đặc biệt là người đứng đầu từ cấp thấp đến cấp cao phải thể hiện rõ hai yếu tố: trí tuệ và nhân cách. Người đứng đầu không những phải giỏi về chuyên ngành mà phải được bồi dưỡng nắm chắc nghiệp vụ quản lý, quản trị, và những kỹ năng mềm như kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng viết, kỹ năng hùng biện, kỹ năng đối thoại…để thực hiện tốt công tác điều hành.
Đồng thời với quy hoạch, phải đổi mới, luôn bổ sung nội dung, quy trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: cán bộ là cái gốc của mọi công việc và huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Các khâu khác: đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển khoa học chặt chẽ, tuyển chọn được người tài thực sự. Nắm được tác động khách quan tiêu cực và những hành vi chống đối, phá hoại, mua chuộc đội ngũ cán bộ để cảnh báo và đề xuất những biện pháp ngăn ngừa kết hợp một chính sách phù hợp nhằm giữ trong sạch đội ngũ cán bộ, hoạt đông có hiệu lực, hiệu quả.
Đội ngũ làm công tác cán bộ là yếu tố quan trọng trong thực hiện chiến lược cán bộ. Tố chất cơ bản của người làm công tác cán bộ là phải có tầm nhìn xa, rộng, có tâm trong sáng, công tâm, khách quan, trung thực, am hiểu nghiệp vụ sâu sắc. Xây dựng đội ngũ những người làm công tác cán bộ vừa hồng vừa chuyên là một yếu tố cơ bản thực hiện thành công chiến lược cán bộ của Đảng.
Trần Công Huyền