Công tác quy hoạch
Khi có Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII), nhất là thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30-11-2004 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý thời kỳ đẩy mạnh CHH, HĐH đất nước, công tác quy hoạch cán bộ ở Hưng Yên có bước chuyển biến rõ nét. Công tác quy hoạch cán bộ đã được xác định là một nội dung trọng yếu, bảo đảm cho công tác cán bộ đi và nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mặt và lâu dài.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã chỉ đạo thực hiện đúng quy định xây dựng quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ mới vào năm thứ hai của nhiệm kỳ đại hội đảng, định kỳ hằng năm đều tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch của cả nhiệm kỳ mới và nhiệm kỳ hiện tại. Việc xây dựng quy hoạch được thực hiện một cách đồng bộ từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, lấy kết quả quy hoạch cấp dưới làm cơ sở cho quy hoạch cấp trên. Câp ủy các địa phương, đơn vị đã chủ động xây dựng quy hoạch cán bộ cấp mình, đồng thời hướng dẫn, đôn đốc cấp dưới xây dựng quy hoạch cán bộ theo phân cấp quản lý, đảm bảo quán triệt đầy đủ mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, phương châm, nội dung, quy trình xây dựng quy hoạch cán bộ. Trong cơ cấu quy hoạch luôn chú ý đảm bảo tính kế thừa và phát triển; phấn đấu giảm tuổi bình quân, đạt tỷ lệ cơ cấu cán bộ nữ, cán bộ trẻ đã đề ra trong Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30-11-2004 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 3-11-2005 và Đề án quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý trẻ của Tỉnh ủy.
Đối với cấp ủy tỉnh, nhằm tạo nguồn cán bộ, đảm bảo về số lượng, chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, đồng thời tạo sự chủ động trong công tác cán bộ; xây dựng Đề án số 03-ĐA/TU ngày 21-6-2012 rà soát, bổ sung quy hoạch Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, quy hoạch Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020. Đề án xác định rõ mục đích yêu cầu, tiêu chuẩn xác định nguồn quy hoạch; nội dung, phương pháp thục hiện; cụ thể hóa các bước tiến hành xây dựng quy hoạch; định hướng cơ cấu, số lượng đưa vào quy hoạch Tỉnh ủy.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy cơ sở, các đơn vị trực thuộc tiến hành xây dựng quy hoạch cán bộ cấp cơ sở, phát hiện nguồn và thực hiện các bước giới thiệu cán bộ đưa vào quy hoạch các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý theo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TU gắn với việc thực hiện Đề án số 01-ĐQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ, Hướng dẫn số 10 và Hướng dẫn số 03 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Công tác quy hoạch cán bộ đã gắn với các khâu khác trong công tác cán bộ. Cán bộ trong quy hoạch được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cả về lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ; từng bước thực hiện việc bổ nhiệm và giới thiệu nhân sự theo quy hoạch.
Tuy nhiên, công tác quy hoạch cán bộ còn bộc lộ những hạn chế như: một số cơ quan, đơn vị chưa gắn quy hoạch cán bộ với các khâu khác trong công tác cán bộ; quy hoạch còn mang tính hình thức, chưa có tầm nhìn xa, thiếu tính khả thi, bó hẹp ở từng ngành, từng địa phương, chưa liên thông được cấp dưới, cấp trên; chất lượng quy hoạch cán bộ chưa cao, cơ cấu cán bộ quy hoạch chưa cân đối, số cán bộ trẻ, cán bộ nữ còn ít. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa thật gắn chặt với quy hoạch cán bộ; nội dung, chương trình tuy có đổi mới nhưng còn chậm; sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo và các cấp ủy cử cán bộ đi học và cơ quan quản lý cán bộ trong việc theo dõi, quản lý học tập và bố trí công tác cán bộ còn nhiều hạn chế…
Công tác đạo tạo, bồi dưỡng
Cấp ủy các cấp đã coi trọng việc gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh được chú trọng cả về số lượng và chất lượng; đã kết hợp giữa nâng cao trình độ lý luận, bồi dưỡng, cấp nhật kiến thức mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức, dự nguồn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, hoàn chỉnh tiêu chuẩn ngạch bậc cho cán bộ, công chức nói chung. Kết quả đã đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho 433 đồng chí; trung cấp lý luận chính trị cho 2.508 đồng chí; đào tạo chuyên môn sau đại học cho 276 đồng chí.
Cùng với việc đào tạo về chuyên môn và lý luận chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm cử một số đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ trong diện quy hoạch có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia các đoàn tham quan, khảo sát, nghiên cứu thực tế, học tập ngắn ngày và bồi dưỡng nghiệp vụ tại nước ngoài theo các chương trình, kế hoạch của tỉnh và Trung ương. Cụ thể: cử 30 đồng chí tham gia bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp do Trung ương tổ chức; 10 đồng chí Bí thư các huyện, thành phố tham gia lớp bồi dưỡng bí thư cấp ủy huyện; 15 đồng chí trưởng, phó các Ban xây dựng Đảng tỉnh và Văn phòng Tỉnh ủy đi bồi dưỡng nghiệp vụ; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh; 9 đồng chí đối tượng 1 và 191 đồng chí đối tượng 2.
Thực hiện Quy định số 164-QĐ/TW ngày 1-2-2013 của Bộ Chính trị quy định về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, tỉnh đã triển khai 4 lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho 560 đồng chí đối tượng 3, 3 lớp cho 350 đồng chí đối tượng 4. Hiện tỉnh đang xây dựng kế hoạch mở lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025.
Đối với cán bộ diện ban thường vụ huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh quản lý, đã cử 115 đồng chí trưởng, phó các ban xây dựng đảng huyện và văn phòng huyện ủy đi bồi dưỡng nghiệp vụ; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh 610 đồng chí đối tượng 3 và 5.073 đồng chí đối tượng 4; bồi dưỡng bí thư cấp xã, phường, thị trấn 155 đồng chí; 1 lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện cho 315 đồng chí; 15 lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã cho 4.079 đồng chí; 11 lớp nghiệp vụ đoàn thể cho 1.593 người; 4 lớp quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính cho 520 người; bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng cho 585 người; bồi dưỡng công chức cấp tỉnh, huyện mới được tuyển dụng 234 người; công chức cấp xã mới tuyển dụng 400 người.
Nhìn chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã được các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy triển khai thực hiện nghiêm túc ở đơn vị mình. Hầu hết cán bộ lãnh đạo, quản lý đã qua đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đều nâng cao nhận thức chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống, năng lực công tác, năng lực quản lý và đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị.
Để làm tốt công tác quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cấp ủy các cấp ở Hưng Yên xác định triển khai một số giải pháp sau:
Một là, đổi mới công tác quy hoạch, đào tạo nguồn cán bộ. Trên cơ sở các tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, cơ cấu theo quy định của Trung ương, chủ động xây dựng quy hoạch ngay từ đầu nhiệm kỳ; chú trọng việc tạo nguồn cán bộ. Đối với cán bộ diện quy hoạch đào tạo lâu dài, cần xem xét lựa chọn nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch là những nhân tố trẻ, điển hình từ phong trào thi đua của các ngành, các cấp, các lĩnh vực công tác. Định kỳ rà soát, bổ sung cán bộ đủ tiêu chuẩn, có triển vọng đưa vào diện quy hoạch.
Hai là, thực hiện tốt phương châm “động” và “mở”, kết hợp quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý với quy hoạch cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, quản trị doanh nghiệp…
Ba là, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, bộ máy, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài; xây dựng, cụ thể hóa tiêu chuẩn các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành làm cơ sở cho công tác phát hiện, tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo và bố trí, sử dụng cán bộ.
Bốn là, đổi mới, cập nhật kiến thức trong giảng dạy; đổi mới cách dạy, cách học, phát huy tính tích cực của học viên, vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn.
Năm là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp, hình thức, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo các tiêu chuẩn chức danh; gắn lý thuyết với thực hành và kỹ năng xử lý những tình huống nảy sinh trong thực tiễn đối với từng chức danh, ở từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực công tác; chú trọng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng như cán bộ dự nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý, trang bị kiến thức hội nhập quốc tế, pháp luật, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống.
Sáu là, tạo điều kiện để tập trung đào tạo chuyên môn sau đại học trên các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, công nghiệp và thương mại kinh tế, tài chính, y tế, giáo dục.
Bảy là, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và tăng cường cơ sở vật chất, kinh phí cho hệ thống trường chính trị và trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố.
Mai Thị Yến
Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh