Kinh nghiệm xây dựng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý ở Tp.Hồ Chí Minh

Đảng bộ Tp.Hồ Chí Minh là một trong số không nhiều đảng bộ được đánh giá là có tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy khóa mới tăng so với yêu cầu của Chỉ thị 37 và so với nhiệm kỳ trước. Cụ thể: Tỷ lệ nữ trong Ban Chấp hành đảng bộ Thành phố đạt 18,84% (tăng 1,89% so với đầu nhiệm kỳ trước), Ban Thường vụ Thành ủy đạt 29,41% (tăng 22,75% so với đầu nhiệm kỳ trước); cấp ủy khối quận, huyện đạt 26,63% (tăng 0,01% so nhiệm kỳ trước); cấp ủy cấp trên cơ sở đạt 15,40% (tăng 0,53% so nhiệm kỳ trước); cấp ủy phường, xã, thị trấn đạt 31,44% (tăng 3, 85% so nhiệm kỳ trước). Kết quả trên là do có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở.
Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Ban Thường vụ Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh đã xây dựng, triển khai Chương trình hành động số 31-CTr/TU, ngày 13-3-2008, lãnh đạo các cấp ủy, địa phương, đơn vị trực thuộc; đặc biệt tăng cường chỉ đạo công tác phát hiện, bổ sung quy hoạch, luân chuyển, đào tạo cán bộ nữ để chuẩn bị giới thiệu tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2010-2015. Các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, các cấp hội phụ nữ Thành phố đã tập trung quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả  Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Thành ủy, từ đó đã tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong thực hiện các phong trào của phụ nữ và công tác cán bộ nữ ở Tp.Hồ Chí Minh, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2010-2015 tăng so với nhiệm kỳ trước, đạt và vượt chỉ tiêu của Trung ương.
Từ thực tiễn của Đảng bộ Tp.Hồ Chí Minh, rút ra một số kinh nghiệm bước đầu về việc xây dựng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý và cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cấp ủy các cấp, người đứng đầu địa phương, đơn vị về ý nghĩa, tầm quan trọng của bình đẳng giới, công tác phụ nữ, trong đó có công tác cán bộ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế là yếu tố đầu tiên, có tác dụng thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả công tác phụ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng. Coi trọng xây dựng và thực hiện chương trình hành động về công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ. Thường xuyên kiểm tra đôn đốc, chỉ đạo, khắc phục những vướng mắc khó khăn. Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy đã đề ra nhiều chỉ tiêu phấn đấu khá cao so với chỉ tiêu của Trung ương (đơn cử chỉ tiêu cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp, phấn đấu đến năm 2010 đạt từ 30% trở lên). Trên tinh thần đó, các cấp ủy cấp trên cơ sở, nhất là các quận, huyện ủy thực hiện nghiêm túc công tác cán bộ nữ ở địa phương, đơn vị mình. Ở một số đơn vị tỷ lệ nữ là lãnh đạo, quản lý hoặc quy hoạch vào cấp ủy thấp thì kiên quyết chỉ đạo thực hiện rà soát bổ sung.
Thứ hai, quan tâm phát hiện, lựa chọn cán bộ nữ để quy hoạch, đào tạo, đề bạt bổ nhiệm. Công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ là công việc thường xuyên của cấp ủy các cấp. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Thành ủy luôn thể hiện rõ quan điểm, đề ra chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ nữ, yêu cầu cấp ủy các cấp tập trung  thực hiện. Theo đó, tỷ lệ cán bộ nữ quy hoạch cán bộ dự bị cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2010-2015 đều tăng so với quy hoạch lần trước (cán bộ dự bị nữ cấp thành phố đạt 23%, cấp quận, huyện đạt 29,97%). Năm 2009, thực hiện chủ trương bổ sung 10% cấp ủy viên cấp thành phố và quận, huyện nhằm tăng cán bộ trẻ để đào tạo, kết quả có 25% cán bộ nữ trẻ được bổ sung vào Thành ủy và 50% cán bộ nữ trẻ được bổ sung vào cấp ủy quận, huyện ủy và tương đương. Thực hiện chủ trương của Thành ủy về quy hoạch, đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi, đã có 643 nữ (53,40%) được đưa vào quy hoạch. Đến nay, trong số cán bộ trẻ diện quy hoạch đã có 205 nữ (46,91%) được đề bạt các chức danh trưởng, phó phòng cấp quận, huyện, sở, ngành, cán bộ chủ chốt cấp phường, xã. Cán bộ nữ được quan tâm tạo điều kiện học tập nâng cao năng lực, trình độ. Khi chọn cử cán bộ nữ đi đào tạo, bồi dưỡng căn cứ yêu cầu, tác dụng của chương trình học đối với công việc của cán bộ đang đảm trách để xem xét quyết định, về tuổi thì xem xét linh hoạt. Ban Thường vụ Thành ủy có chính sách trợ cấp đối với cán bộ nữ được cử đào tạo tập trung, dài hạn, cán bộ nữ đi học có con nhỏ dưới 5 tuổi, do đó số cán bộ nữ tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng đạt tỷ lệ khá cao. Giai đoạn 2006-2010 có 38,49%  là cán bộ nữ (2.659/6907) được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, có 50,52% là cán bộ nữ trẻ (242/479) được đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong khi quy định của Trung ương là “cần bảo đảm tỷ lệ nữ tham gia các khoá đào tạo tại các trường lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước từ 30% trở lên”.
Thứ ba, Thành ủy luôn chăm lo cho cán bộ nữ về vật chất, tinh thần, hỗ trợ kinh phí, thời gian tổ chức các hoạt động của giới, nhằm tạo mọi điều kiện cho cán bộ nữ được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tham quan học tập. Cấp thành phố, cấp trên cơ sở, quận, huyện, hầu hết đều có câu lạc bộ cán bộ nữ. Nhân dịp Quốc tế Phụ nữ (8-3), Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10), các câu lạc bộ tổ chức nhiều hoạt động phong phú, bổ ích, thiết thực, giúp cán bộ nữ thêm tự tin, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng.
Thứ tư, Ban Vì Sự tiến bộ phụ nữ các cấp thường xuyên được quan tâm chỉ đạo hoạt động và kiện toàn, hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng lên. Qua hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ thành phố, nhận thức về bình đẳng giới trong cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và ngoài xã hội có chuyển biến theo chiều hướng tích cực; việc lồng ghép các nội dung về giới, bình đẳng giới và công tác vì sự tiến bộ phụ nữ với các chương trình, kế họach công tác của chính quyền ngày càng cụ thể và đạt hiệu quả cao hơn. UBND Thành phố tiến hành kiểm tra, đánh giá hoạt động của Ban vì sự tiến bộ các cấp hằng năm và từng giai đoạn theo quy định của Trung ương một cách nghiêm túc, có chiều sâu, thực chất, từ đó có tác dụng nâng cao trách nhiệm, đòi hỏi các cấp lãnh đạo tập trung thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, góp phần thúc đẩy công tác cán bộ nữ trên địa bàn Thành phố.
Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý, cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp ở Tp.Hồ Chí Minh thời gian qua tăng về số lượng, nâng cao chất lượng, nhưng vẫn còn một số lĩnh vực, một số sở, ngành chưa có cán bộ nữ trong ban lãnh đạo; năng lực cán bộ nữ nhìn chung chưa ngang tầm nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế. Ban Tổ chức Thành ủy Tp.Hồ Chí Minh xác định cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm, tăng cường nghiên cứu xây dựng các giải pháp, chính sách cán bộ nữ, tham mưu cấp ủy thực hiện có hiệu quả công tác cán bộ nữ trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Thành phố đủ sức hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ IX đã đề ra.                

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất