Vấn đề cần đổi mới trong thu hút, trọng dụng nhân tài ở Đồng Nai
Nhân tài - mối quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia

Nhiều năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền ở Đồng Nai đều nhận thức thu hút và trọng dụng nhân tài là vấn đề quan trọng, góp phần thúc đẩy tiến trình CNH, HĐH địa phương. Vì thế, tỉnh đã chú ý đưa các cán bộ có khả năng, có tài vào quy hoạch; chỉ đạo đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phát triển mạng lưới giáo dục chuyên nghiệp và phổ thông, trong đó có việc phát hiện, trọng dụng người tài. Tuy nhiên, trong công tác cán bộ của Tỉnh ủy Đồng Nai đối với nhân tài cần tiếp tục đổi mới.

Thứ nhất, trong ban hành và tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy liên quan đến nguồn nhân lực, công tác cán bộ, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ đều phải có nội dung về nhân tài. Nghị quyết không dừng ở kêu gọi chung chung, mà phải nêu mục tiêu, giải pháp và xác định cơ quan, tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện cụ thể. Các cơ quan tham mưu cho Tỉnh ủy về công tác cán bộ phải đề xuất được các biện pháp mang tính đột phá và khả thi giúp Tỉnh ủy đề ra chủ trương thu hút và trọng dụng nhân tài đúng đắn, kịp thời. Tỉnh ủy cần coi trọng công tác chỉ đạo thực hiện, tháo gỡ các khó khăn và tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc.

Thứ hai, thực hiện
đồng bộ, toàn diện cơ chế chính sách đối với cán bộ tài năng. Trước hết, giải quyết tốt chính sách tiền lương, chính sách thu hút nhân tài và phát triển tài năng trẻ. Tiền lương phải tương xứng với trình độ, năng lực thực tế, khả năng đóng góp của cán bộ, của nhân tài đối với xã hội. Để cán bộ thực sự chuyên tâm vào công việc, có điều kiện nâng cao trình độ, không ngừng phấn đấu vươn lên thì tiền lương phải là nguồn thu nhập chính, đảm bảo cho cán bộ đủ sống để tái sản xuất sức lao động. Cần có chế độ đãi ngộ, khen thưởng thỏa đáng đối với các hoạt động sáng tạo tùy theo các công trình và giá trị thực tế để thu hút, khuyến khích nhân tài đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, địa phương. Thực hiện chế độ trả lương cao cho các chuyên gia có trình độ cao và ưu tiên về điều kiện làm việc cho họ. Xây dựng cơ chế, chính sách mới về trọng dụng nhân tài phù hợp với các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở. Trong chính sách sử dụng nhân tài, cần xét theo giá trị xã hội của mỗi người, ai có tài thì phải được trọng dụng chứ không ưu tiên theo chức vụ, thứ bậc, tuổi tác...

Thứ ba, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một khâu quan trọng của công tác cán bộ. Cùng với đào tạo phổ cập, đại trà cho cán bộ, cần có chương trình, nội dung và phương thức đào tạo, bồi dưỡng riêng cho cán bộ tài năng. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải gắn liền với đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện hệ thống giáo dục - đào tạo quốc dân, trên cơ sở đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, tăng cường công tác quản lý đào tạo và thực hiện xã hội hóa giáo dục - đào tạo, hướng trọng tâm vào đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực, nhân tài cho đất nước, cho địa phương. Ở mỗi cương vị, chức vụ khác nhau, cần có mục tiêu, quy trình và yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với công tác chuyên môn, lãnh đạo quản lý; vừa bảo đảm tính toàn diện về phẩm chất chính trị, đạo đức, vừa đảm bảo tính chuyên sâu theo yêu cầu công việc và sự liên thông giữa các cấp học, bậc học. Kết hợp chặt chẽ các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt chú ý đến việc tự học của cán bộ, lấy tự học làm chính.

Thứ tư, trong quy trình tuyển chọn cán bộ, để thu hút, phát hiện được người tài đức, cần thực hiện dân chủ trong công tác tuyển chọn cán bộ. Có quy trình thi tuyển nghiêm ngặt và hợp lý vào các chức danh khác nhau theo nguyên tắc bình đẳng, dân chủ, khách quan, trung thực. Bất kỳ một vị trí, một cương vị nào cũng được giới thiệu công khai, rộng rãi về yêu cầu, tiêu chuẩn, điều kiện cần thiết để mọi người có thể tham gia thi tuyển, tránh tiêu cực, bất công cũng như tránh lãng phí tiền của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trọng tâm của việc đổi mới quy trình tuyển chọn cán bộ, tuyển chọn nhân tài ở nước ta cũng như Đồng Nai hiện nay là phải xây dựng được quy chế tuyển chọn thích ứng với yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế tri thức, chọn đúng người, đúng lúc, cán bộ phát huy được năng khiếu, sở trường, năng lực chuyên môn. Như thế sẽ khắc phục được tình trạng cán bộ chỉ lo chạy chức, chứ không lo học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ; lo đối phó, chịu trách nhiệm với cấp trên mà không quan tâm, chịu trách nhiệm trước cấp dưới và nhân dân.

Thứ năm, trong kiện toàn, nâng cao chất lượng và đổi mới phong cách làm việc của các cơ quan tham mưu, Ban Tổ chức là cơ quan chuyên trách, chịu trách nhiệm tham mưu cho Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy. Do vậy, xây dựng, củng cố và đổi mới phong cách làm việc của Ban Tổ chức Tỉnh ủy là việc làm hết sức có ý nghĩa. Cần xây dựng và hoàn thiện quy chế làm việc của
Ban Tổ chức Tỉnh ủy theo hướng phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho từng bộ phận, từng vị trí công tác; kiện toàn tổ chức, sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, chuyên sâu và thực sự khoa học; quan tâm lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chất lượng cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ; tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng đối với bộ máy làm công tác cán bộ. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất