Xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ở Lào Cai
Là một tỉnh vùng cao biên giới, dân số trên 68 vạn người, với 25 dân tộc, trong đó 64,1% là đồng bào dân tộc thiểu số, Lào Cai luôn xác định vấn đề dân tộc, đoàn kết dân tộc và chính sách dân tộc có vai trò vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng, đổi mới và phát triển của tỉnh. Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số, tỉnh Lào Cai đã sớm xây dựng Đề án về quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số, đồng thời ban hành các chỉ thị, quy định về ưu tiên tuyển dụng, sử dụng, bố trí người dân tộc thiểu số vào các cơ quan Đảng, Nhà nước, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số của tỉnh ngày càng trưởng thành, lớn mạnh về số lượng và chất lượng, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng, đổi mới và phát triển của tỉnh.

Số lượng cán bộ người dân tộc thiểu số ngày càng tăng. Đến nay, đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai đã chiếm tỷ lệ tương đối cao (26,43%) trong cơ cấu đội ngũ cán bộ của tỉnh. Trong đó: cấp xã chiếm 62,2%; khối Nhà nước cấp tỉnh, huyện chiếm 16,3%; khối các cơ quan Đảng, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, huyện 26,6%; viên chức sự nghiệp 21,7%. Tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số là lãnh đạo, quản lý từ phó trưởng phòng trong các cơ quan hành chính trở lên đạt 17,3%, trong đó: trưởng các sở, ban, ngành là 11/42 người, chiếm 26%; phó các sở, ban, ngành là 25/115 người, 22%; trưởng phòng và tương đương là 80/426 người, 19%; phó trưởng phòng và tương đương là 103/680 người, 15%.

Chất lượng cán bộ người dân tộc thiểu số cũng ngày càng được nâng lên. Ở cấp tỉnh, huyện: 85 cán bộ có trình độ sau đại học, tăng 50 người so với năm 2012, trong đó có 6 tiến sỹ, 79 thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa cấp I, cấp II; 2.190 người có trình độ đại học, tăng 998 người so với năm 2012; 1.768 người có trình độ cao đẳng, tăng 371 người so với đầu năm 2012; 2.930 người có trình độ trung cấp, sơ cấp, chưa qua đào tạo, giảm 103 người so với năm 2012. Về lý luận chính trị: Cán bộ dân tộc thiểu số có trình độ cử nhân, cao cấp là 230 người, tăng 50 người so với năm 2012, trung cấp 223 người, tăng 40 người so với năm 2012. Ở cấp xã: 440 cán bộ dân tộc thiểu số có trình độ đại học, cao đẳng, tăng 330 người so với năm 2012; 1.561 người có trình độ trung cấp trở xuống, giảm 606 người so với năm 2012; 17 người có trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân, 792 người trình độ trung cấp. Đặc biệt, trong số cán bộ dân tộc thiểu số của tỉnh có 2 cán bộ (đồng chí Bí thư và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy) thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Được Đảng và Nhà nước quan tâm bằng các chính sách đãi ngộ đặc thù của địa phương để phát triển, đến nay số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiếu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ở tỉnh Lào Cai vẫn còn một số hạn chế như: Tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số tuy đã được tăng lên, nhưng phân bố tỷ lệ cán bộ giữa các dân tộc không đồng đều, cá biệt có dân tộc tỷ lệ cán bộ dân tộc rất thấp (Hà Nhì 0,1%). Cơ cấu cán bộ dân tộc thiểu số cũng không đồng đều giữa các khối, ngành, chủ yếu tập trung ở cấp xã. Số cán là người dân tộc thiểu số có trình độ chuyên môn cao như tiến sỹ, thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa còn ít. Đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ở cơ sở còn nhiều hạn chế về năng lực, về lý luận, thực tiễn và không đồng đều, nhất là ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Nguồn sinh viên người dân tộc thiểu số tốt nghiệp các trường đại học, chuyên nghiệp ngày càng nhiều song nhu cầu tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh có hạn do không có biên chế...

Thực hiện chiến lược về công tác dân tộc trong thời kỳ đổi mới, trong những năm tới, Đảng bộ tỉnh Lào Cai tiếp tục thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, các cơ chế, chính sách của tỉnh đối với công tác cán bộ dân tộc thiểu số. Đảm bảo tỷ lệ cơ cấu hợp lý cán bộ người dân tộc thiểu số trong từng cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành. Từng bước nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức nói chung và cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số nói riêng. Ưu tiên tuyển dụng sinh viên người dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp các trường đại học vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị, điạ phương; xây dựng, ban hành chính sách ưu tiên, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp nhận người dân tộc thiểu số vào làm việc, đặc biệt là số sinh viên người dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp kỹ thuật chưa tìm được việc làm. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về công tác cán bộ dân tộc thiểu số.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất