Niềm vui từ cơ sở
Đồng chí Trần Lưu Hải (phải) trao đổi với phóng viên Tạp chí về những vấn đề ở cơ sở. Ảnh: Thu Huyền

Tết là tín hiệu một mùa xuân mới, một năm mới bắt đầu với nhiều niềm vui. Công cuộc đổi mới của đất nước ta được chính thức khởi xướng từ Đại hội VI của Đảng qua mỗi Tết, mỗi xuân càng tươi hơn bởi nhiều nét mới trên tất cả các lĩnh vực cuộc sống. Trong dòng chảy đổi mới chung ấy, đại hội các TCCSĐ nhiệm kỳ 2010-2015 có nhiều nét mới. Những nét đổi mới căn bản nhất trong đại hội TCCSĐ được thể hiện ở những nội dung sau:

1. Dân chủ trong Đảng được mở rộng, phát huy quyền dân chủ trực tiếp của đảng viên, làm cơ sở cho việc mở rộng và phát huy dân chủ trong xã hội.   

Trong dịp đại hội các TCCSĐ, cùng với việc tổ chức đại hội theo quy định của Điều lệ Đảng, các cấp ủy đã chọn và chỉ đạo thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cơ sở (ĐBCS) trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư ở 1.405 ĐBCS đại diện cho các loại hình cơ sở, chiếm 6,39% tổng số ĐBCS trong toàn Đảng. Trong số các ĐBCS thực hiện thí điểm có 53,2% đảng bộ xã, phường, thị trấn, 15,3% đảng bộ ở cơ quan và đơn vị sự nghiệp, 12,3% đảng bộ trong các loại hình doanh nghiệp và 19,2% đảng bộ trong lực lượng vũ trang. Qua thực hiện thí điểm chủ trương đại hội ĐBCS trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cho thấy: Tuy là vấn đề mới chưa được quy định trong Điều lệ Đảng và Quy chế bầu cử trong Đảng, nhưng là việc làm nhằm mở rộng dân chủ trong Đảng, phát huy quyền dân chủ trực tiếp của đảng viên, phù hợp với quy chế dân chủ ở cơ sở, nên được đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Thực hiện mở rộng dân chủ trực tiếp của đảng viên trong đại hội đã đề cao hơn trách nhiệm của cấp ủy các cấp trong công tác chỉ đạo và chuẩn bị nhân sự cấp ủy khoá mới nói chung, các chức danh cán bộ chủ chốt ở cơ sở nói riêng, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và đề cao ý thức của đảng viên trong đại hội. Thực tế cho thấy khi thực hiện chủ trương đại hội đảng bộ trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, nếu công tác chuẩn bị nhân sự của cấp ủy đương nhiệm chưa kỹ, thiếu dân chủ, khách quan hoặc có những biểu hiện chủ quan, hữu khuynh, né tránh sẽ không được đại hội chấp nhận.

Qua tổng hợp kết quả bầu cử, có hơn 1.000 ủy viên ban thường vụ, hơn 600 bí thư và gần 800 phó bí thư cấp ủy cơ sở được bầu ngoài dự kiến, chuẩn bị của cấp ủy đương nhiệm. Trong đó, 293 đồng chí là chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn được cấp ủy đương nhiệm giới thiệu tái cử nhưng không trúng cử. Điều đó cho thấy, trước yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới, đòi hỏi đội ngũ cấp ủy viên nói chung, đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở nói riêng phải nâng cao hơn nữa về phẩm chất, năng lực và tác phong, lề lối, phương pháp công tác. Những cán bộ chủ chốt là cấp ủy viên đương nhiệm được cấp ủy giới thiệu tái cử nhưng không trúng cử là do một số nguyên nhân chủ yếu sau: Đa số do bản thân các đồng chí đó có thiếu sót, khuyết điểm nên tín nhiệm thấp. Trong quá trình chuẩn bị nhân sự, một số cấp ủy chưa thực sự mở rộng dân chủ, còn gò ép hoặc nể nang, né tránh, giới thiệu cả những đồng chí có khuyết điểm nên không được đại hội tín nhiệm. Một số cấp ủy cấp trên do chưa nắm chắc cán bộ hoặc biết cán bộ có khuyết điểm nhưng hữu khuynh, chỉ đạo thiếu kiên quyết. Một số nơi do tư tưởng cục bộ địa phương, thôn, xóm, dòng họ, nên một số đồng chí dù có trình độ, năng lực nhưng cũng không trúng cử. Một số trường hợp được dự kiến tham gia cấp ủy để bố trí vào vị trí công tác mới nhưng không được thảo luận, làm rõ định hướng phân công sau đại hội nên cũng không trúng cử.

Qua thực hiện thí điểm chủ trương mở rộng dân chủ trực tiếp trong bầu cử ở ĐBCS cho thấy: Nếu đại hội đảng bộ ở các cấp đều trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư thì đại hội sẽ phải bầu cử nhiều lần (ít nhất là 6 lần) sẽ làm cho đại hội nặng nề, căng thẳng và ít thời gian dành cho thảo luận các báo cáo, không cân đối giữa các nội dung của đại hội. Đây cũng là căn cứ thực tiễn rất quan trọng để Trung ương đưa ra lấy ý kiến của đại hội đảng các cấp về việc bổ sung, sửa đổi nội dung này trong Điều lệ Đảng theo hướng: Đại hội đảng bộ các cấp bầu cấp ủy, sau đó bầu bí thư cấp ủy trong số các ủy viên ban chấp hành vừa trúng cử theo quy định, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương.

2. Số lượng cấp ủy viên ở hầu hết các cơ sở đều tăng, cơ cấu và chất lượng cấp ủy ở cơ sở đã tạo được bước chuyển biến tích cực so với nhiệm kỳ trước.

Kết quả đại hội TCCSĐ lần này cho thấy: Số lượng cấp ủy viên ở hầu hết các TCCSĐ đều tăng so với nhiệm kỳ trước, nơi tăng nhiều nhất là 6 cấp ủy viên (trước đây cấp ủy cơ sở nhiều nhất là 15 đồng chí, lần này nhiều nhất là 21 đồng chí). Việc tăng thêm vừa nhằm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với những địa bàn, lĩnh vực trọng yếu vừa tạo cơ sở để bổ sung thêm số cấp ủy viên là nữ và trẻ tuổi. Kết quả bầu cử tại đại hội các TCCSĐ nhiệm kỳ 2010-2015: Số cấp ủy viên mới tham gia bình quân đạt tỷ lệ 43%, nhiều nơi trên 50%, vượt yêu cầu đề ra trong Chỉ thị số 37 của Bộ Chính trị; tỷ lệ cấp ủy viên là nữ bình quân đạt 18,1%, số cấp ủy viên tuổi trẻ (dưới 35 tuổi) đạt 15% và cả hai chỉ tiêu này đều tăng hơn so với nhiệm kỳ trước và chỉ có ở cấp cơ sở cả hai chỉ tiêu này mới đạt và vượt chỉ tiêu, yêu cầu đề ra trong Chỉ thị 37 của Bộ Chính trị. Điều đó thể hiện rõ ở đại hội lần này các cấp ủy đảng đã quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, chú ý nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Do làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nên trình độ học vấn, lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cấp ủy viên ở cơ sở được nâng lên rõ rệt so với nhiệm kỳ trước, nhất là đội ngũ cấp ủy viên ở khu vực xã, phường, thị trấn. Đại hội các TCCSĐ bầu những đại biểu có đủ phẩm chất, năng lực, tiêu biểu cho trí tuệ của đảng bộ, chi bộ đi dự đại hội đại biểu đảng bộ cấp trên đã góp phần quan trọng cho sự thành công của đại hội các đảng bộ cấp trên và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

3. Đã triển khai thực hiện thí điểm chủ trương nhất thể hoá hai chức danh cán bộ chủ chốt ở cơ sở.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khoá X) về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở” và nhằm tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tại đại hội các TCCSĐ lần này, đã triển khai thực hiện rộng rãi chủ trương nhất thể hóa hai chức danh cán bộ chủ chốt (đối với các loại hình cơ sở ở cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp) và từng bước thực hiện thí điểm chủ trương đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Qua thực hiện, bước đầu nhận thấy: Khi bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND thì việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương được gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng đảng và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; vị trí và vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ sở được đề cao. Việc triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy cấp trên nhanh chóng, kịp thời hơn và tiết kiệm được thời gian, kinh phí. Đề cao và phát huy hơn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy. Tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp công tác, sự hiểu biết, thông cảm lẫn nhau hơn giữa đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác đảng, các đoàn thể quần chúng với đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ...

Tuy nhiên, đây là vấn đề mới và khó, có liên quan đến tổ chức và hoạt động của cả hệ thống chính trị nên cần phải nghiên cứu hết sức thận trọng. Mặt khác, những đơn vị thực hiện thí điểm vừa qua hầu hết là những đơn vị vững mạnh, có đội ngũ cán bộ khá đồng đều và đặc biệt là có cán bộ đủ năng lực để thực hiện được nhiệm vụ của hai chức danh trên. Vì vậy, vấn đề này không phải nơi nào cũng có thể thực hiện được và do thời gian thí điểm còn ngắn, nên cần tiếp tục thực hiện thí điểm một thời gian nữa để có cơ sở nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và bổ sung, hoàn thiện.

Những nét mới trong đại hội TCCSĐ đã tạo được không khí phấn khởi trong cán bộ, đảng viên và là cơ sở để tiếp tục đổi mới hoạt động của TCCSĐ. Đồng thời, đó là những tín hiệu vui về chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên - nhân tố quyết định phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, tiêu cực gây bức xúc, giảm niềm tin của dân với Đảng. Sau đại hội, nhiều cấp ủy đã khẩn trương kiện toàn tổ chức, cán bộ; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp ủy viên; xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc của cấp ủy; xây dựng chương trình công tác toàn khóa của ban chấp hành và tập trung lãnh đạo thực hiện ngay một số nhiệm vụ trọng tâm, bức xúc ở cơ sở, tạo được không khí dân chủ, phấn khởi, tin tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Kết quả đạt được qua đại hội các TCCSĐ nhiệm kỳ 2010-2015 có tác động tích cực trong việc xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và góp phần quan trọng cho sự thành công của đại hội đảng bộ các cấp và là cơ sở để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất