Theo Báo cáo tiếp thu giải trình của Đoàn Chủ tịch do đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đọc tại Đại hội, từ chiều 12-1 đến hết ngày 14-1, Đại hội thảo luận phần văn kiện. Đã có 1.402 lượt ý kiến phát biểu ở đoàn và 27 ý kiến ở hội trường. Không khí thảo luận sôi nổi, có trao đổi, tranh luận. Nội dung các ý kiến rất phong phú, thẳng thắn, tâm huyết.
Hầu hết các ý kiến đồng tình với các văn kiện trình Đại hội và cho rằng, nội dung các văn kiện trình Đại hội XI đề cập đến các vấn đề quan trọng của Đảng, của đất nước; các văn kiện đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, khoa học và nghiêm túc, có sự đổi mới cả về nội dung và cách thể hiện; đã nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực tế tình hình của đất nước và của Đảng, có tính tổng kết và khái quát cao; đã tiếp thu nghiêm túc, có chọn lọc ý kiến của đại hội đảng bộ các cấp, góp ý của các tổ chức và nhân dân; có nhiều điểm mới so với các văn kiện gửi đại hội đảng bộ các cấp và công bố lấy ý kiến nhân dân, chất lượng được nâng lên; đã đạt được sự thống nhất cao trong những vấn đề lớn cả về lý luận và thực tiễn.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, giữa các văn kiện chưa có sự ăn khớp về một số nội dung, chưa thể hiện rõ tinh thần đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc; một số chủ trương và giải pháp chưa cụ thể, sát thực và tính khả thi cao; chưa tập trung giải quyết những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn, những vấn đề bức xúc của xã hội, của nhân dân.
Một số ý kiến cho rằng, cần xem lại một số nhận định, khái niệm và một số chi tiết cụ thể để bảo đảm tính chính xác, thống nhất giữa các báo cáo, cũng như giữa các phần trong mỗi báo cáo. Các ý kiến phát biểu tại Đại hội đã phân tích làm sáng tỏ, sâu sắc thêm và bổ sung nhiều nội dung quan trọng, cả trong quan điểm chung và trong từng lĩnh vực cụ thể.
Đoàn Chủ tịch đề nghị Đại hội tiếp thu những ý kiến hợp lý, xác đáng để hoàn chỉnh các văn kiện Đại hội, đồng thời để chỉ đạo trong hoạt động thực tiễn sắp tới. Đối với một số vấn đề khó, còn có ý kiến khác nhau, ghi nhận để tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn sau Đại hội XI. Những kiến nghị sửa đổi một số từ ngữ, sắp xếp lại câu chữ hoặc chữa một số lỗi văn bản, giao cho Bộ Chính trị khóa XI chỉ đạo sửa chữa, hoàn thiện trước khi công bố chính thức.
Đoàn Chủ tịch Đại hội đã trình bày rõ thêm một số vấn đề lớn, quan trọng trong các văn kiện để Đại hội xem xét, quyết định.
Về Chủ đề Đại hội XI, Đoàn Chủ tịch kiến nghị Đại hội khẳng định chủ đề của Đại hội XI là: “Tiếp tục nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.”
Về Dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển), tên gọi của Cương lĩnh, đa số ý kiến đồng ý tên gọi của Cương lĩnh như Dự thảo, Đoàn Chủ tịch đề nghị Đại hội cho biểu quyết để lựa chọn một trong hai phương án.
Phương án 1: Giữ tên gọi như Dự thảo: “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)”. Phương án 2: Bổ sung cụm từ “và bảo vệ”: “Cương lĩnh xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)".
Về đặc trưng kinh tế của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, Đoàn Chủ tịch đề nghị Đại hội cho biểu quyết để lựa chọn một trong hai phương án. Phương án 1: “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu” (như Dự thảo). Phương án 2: “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với các quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp” (như tinh thần Đại hội X, có bổ sung thêm từ “tiến bộ”).
Về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đoàn Chủ tịch đề nghị giữ nội dung như Dự thảo về quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa, về chính sách chung đối với các thành phần kinh tế. Về vai trò của kinh tế nhà nước, Đoàn Chủ tịch đề nghị Đại hội cho giữ cụm từ “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” như Dự thảo.
Về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, Đoàn Chủ tịch báo cáo Đại hội nội dung tiếp thu, giải trình về: Tình hình đất nước và bối cảnh quốc tế; Quan điểm phát triển; Mục tiêu chiến lược và các khâu đột phá; Định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm thực hiện thắng lợi Chiến lược; Tổ chức thực hiện Chiến lược.
Về Báo cáo chính trị, Đoàn Chủ tịch đã báo cáo tiếp thu, giải trình về đánh giá thực hiện Nghị quyết Đại hội X; về các “nguy cơ”; về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong 5 năm 2011-2015; về đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị.
Về một số vấn đề bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng, Đoàn Chủ tịch báo cáo, làm rõ một số vấn đề: Về quá trình chỉ đạo tổng kết thực hiện Điều lệ Đảng khóa X và kiến nghị những nội dung bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng; về giới thiệu người vào Đảng; về thẩm quyền kỷ luật đảng viên của cấp ủy các cấp; về thẩm quyền kỷ luật đảng viên của ủy ban kiểm tra từ cấp huyện, quận và tương đương trở lên.
Về báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương khóa X, Đoàn Chủ tịch báo cáo giải trình, tiếp thu một số ý kiến góp ý của các đại biểu về phần kiểm điểm của tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; kiểm điểm của cá nhân các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư; về việc phân định rõ trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị…
Tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu về kết quả đạt được trên một số lĩnh vực còn hạn chế như việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của kinh tế nhà nước, phát triển kinh tế tập thể, quản lý đất đai, khắc phục phân hóa giàu nghèo…, Đoàn Chủ tịch đề nghị Đại hội giao cho Ban chấp hành Trung ương khóa XI sắp tới cần lưu ý để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ nét hơn đối với các lĩnh vực này.
Đoàn Chủ tịch cũng đã giải trình ý kiến của các đại biểu vào phần đánh giá trong Báo cáo về các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước; tình trạng nhập siêu, bội chi ngân sách, nợ nước ngoài của Chính phủ và quốc gia; nguy cơ lạm phát; chất lượng, hiệu quả cạnh tranh của nền kinh tế…
Các đại biểu đã đóng góp thêm một số ý kiến cụ thể vào Báo cáo tiếp thu giải trình. Đóng góp vào nội dung đặc trưng kinh tế của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng đã được đề cập trong Cương lĩnh; đại biểu Lê Đức Thúy ủng hộ phương án hai mà Đoàn Chủ tịch đưa ra: “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp.”
Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, Phó chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị đề nghị, xác định xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại không nên để là “từng bước hiện đại.”
Về vấn đề “xây dựng nền công nghiệp quốc phòng an ninh” đại biểu không đồng tình với quan điểm này và cho rằng công nghiệp quốc phòng không phải là công nghiệp của quân đội mà là một phần của công nghiệp nhà nước đặt trên nền tảng phát triển công nghiệp của quốc gia, không nên quan niệm công nghiệp quốc phòng là của quân đội, vì vậy cần bỏ từ “an ninh” trong cụm từ “công nghiệp quốc phòng an ninh”...
Cũng tại phiên họp toàn thể sáng 18-1, Ban kiểm phiếu Đại hội Đảng XI đã báo cáo kết quả bầu cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI gồm 175 ủy viên chính thức, 25 ủy viên dự khuyết.
Theo chương trình, chiều 18-1, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI họp phiên thứ nhất, bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Sáng 19-1, Đại hội họp phiên bế mạc tại Hội trường.
Nguồn: TTXVN/Vietnam+