Hai tháng vừa qua, các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn, chủ động triển khai kịp thời nhiều chủ trương, biện pháp nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 có quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh nhất từ trước đến nay với diễn biến rất phức tạp, khó lường ở khá nhiều địa phương, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, đời sống, sức khoẻ của nhân dân và hoạt động sản xuất - kinh doanh. Ngày 21-7, Thường trực Ban Bí thư đã có điện gửi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, các đảng uỷ đơn vị sự nghiệp Trung ương về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19. Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20-7-2021 Phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19.
Nghị quyết nêu rõ: Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là ở TP. Hồ Chí Minh. Thủ tướng Chính phủ đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg (Chỉ thị 16) tại 19 tỉnh, thành phố phía nam nhằm sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị đang căng mình chống dịch như chống giặc. Tuy nhiên, kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch của một số cơ quan nhà nước và một bộ phận người dân chưa cao, chưa đúng quy định, hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương thực hiện giãn cách với các địa phương khác vẫn thiếu hụt và ách tắc cục bộ; việc cung ứng hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân tại các địa phương thực hiện giãn cách có nơi, có lúc vẫn còn chưa thật sự chủ động, hiệu quả; việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa thật chặt chẽ; một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực phòng, chống dịch trên địa bàn.
Trong lúc cả hệ thống chính trị đang căng mình chống dịch, thật lạc lõng và thiếu trách nhiệm khi có người khoe mẽ được tiêm vắc-xin loại này, loại nọ do có mối quan hệ, được giúp đỡ. Lại có nhưng phần tử thoái hóa, biến chất được hà hơi tiếp sức từ những kẻ thù bên ngoài kích động, kêu gọi dân chúng xuống đường biểu tình…
Trước hết cần khẳng định phải siết chặt kỷ cương trong phòng, chống dịch. Bài học của Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam… còn nóng hổi. Cụ thể, ngày 13-6, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đã phê bình Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn vì để số ca F0 xuất hiện nhiều trong khu cách ly tập trung. Ngày 7 và 9-7, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã phê bình nghiêm khắc Chủ tịch UBND huyện Lục Nam khi không làm tốt công tác quản lý, giám sát nghiêm công dân cách ly tại nhà; Chủ tịch UBND huyện Tân Yên, Nguyễn Viết Toàn bị phê bình và tạm đình chỉ hoạt động điều hành vì lơ là chống dịch "dẫn đến hậu quả nghiêm trọng"; Chủ tịch UBND TP. Bắc Giang, Đặng Đình Hoan và Ban Chỉ đạo chống dịch thành phố đã bị phê bình do không giám sát nghiêm phòng, chống dịch dẫn đến nhiều ca nhiễm dương tính; Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng có quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với đồng chí Trần Văn Học, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã Tiền Phong. Đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh: "Một số lãnh đạo cấp huyện, cấp xã bị phê bình, tạm dừng điều hành, xem xét kỷ luật là việc làm cần thiết để củng cố sức mạnh lãnh đạo nhằm chống dịch hiệu quả hơn..
Cũng trong đợt bùng phát dịch lần thứ 3, đồng chí Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, chỉ trong 5 ngày Vĩnh Phúc đã tạm đình chỉ công tác 7 cán bộ trong đó có cả Phó Giám đốc Sở Y tế do lơ là, chậm trễ trong công tác chống dịch. Ngoài ra, Vĩnh Phúc đã khởi tố một vụ án hình sự về việc tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép; bắt tạm giam 66 người Trung Quốc nhập cư trái phép; 1 người Việt Nam bị khởi tố bị can và bắt tạm giam; cảnh cáo 37 trường hợp; xử phạt 386 trường hợp không đeo khẩu trang. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã đình chỉ 4 doanh nghiệp, trong đó có Quán bar Sunny.
Tại Hà Nam, đã đình chỉ công tác đối với Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đạo Lý và Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân do có thiếu sót trong quản lý, điều hành, dẫn đến làm lây lan dịch bệnh COVID-19 ra cộng đồng. Còn tại Yên Bái, Chủ tịch UBND tỉnh đã có quyết định đình chỉ công tác Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Yên Bái và quyết định cảnh cáo do vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch. Cụ thể là việc quản lý khu cách ly tập trung của chuyên gia nước ngoài.
Có thể thấy trong đợt bùng phát dịch lần thứ 3 ở phía bắc, các tỉnh ủy và các cấp ủy đảng tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hải Dương, Yên Bái… luôn nêu cao tinh thần quyết tâm, quyết liệt, nhất là về công tác cán bộ trong công tác phòng, chống dịch; kịp thời khen thưởng; kiên quyết phê bình, thậm chí đình chỉ công tác đối với cán bộ lơ là công tác phòng, chống dịch. Trong những lúc khó khăn nhất cần phải thực hiện nguyên tắc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, đồng thời cá nhân hóa những nhiệm vụ cụ thể để đánh giá đúng thực chất khả năng của cán bộ.
Trong tình hình phức tạp hiện nay, Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác “đặc biệt” của Chính phủ đặt tại TP. Hồ Chí Minh. Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các bộ, ngành tăng cường chỉ đạo tập trung, thống nhất, chuyên sâu đối với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam ở cấp liên vùng; đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức chấp hành của người dân, bảo đảm thực hiện chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16, đặc biệt có thể thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao hơn đối với các địa bàn có diễn biến dịch tễ phức tạp tại một số địa phương. Các đồng chí thành viên là thứ trưởng các bộ thực hiện quyền hạn của bộ trưởng trong việc trực tiếp giải quyết các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ mình. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tổ công tác theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Quy chế hoạt động của Tổ công tác thực hiện theo quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia. Giao đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác khẩn trương thống nhất với các thành viên của Tổ về quy chế tạm thời hoạt động của Tổ công tác để kịp thời triển khai Nghị quyết này, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia. Với quyết sách mạnh mẽ này mong dịch bệnh sớm được dập tắt.
Trần Công