Công khai, dân chủ
Quy định nêu rõ phạm vi áp dụng, mục đích, nguyên tắc và phương pháp đối thoại. Nguyên tắc đối thoại được quy định như sau: Đối thoại trực tiếp với nhân dân phải tuân thủ các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và quản lý, điều hành của chính quyền theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Đồng thời, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Đối thoại trực tiếp với nhân dân được tiến hành công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, thẳng thắn, chân tình, đúng trọng tâm, trọng điểm với tinh thần xây dựng vì lợi ích chung, phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình theo những nội dung tại quy định này và các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan.
Nhân dân trực tiếp tham gia đối thoại (hoặc cử đại diện tham gia) và đưa ra các vấn đề mình quan tâm để trao đổi, đối thoại; tôn trọng sự điều hành và lắng nghe ý kiến của người chủ trì đối thoại. Nội dung thông tin bảo đảm chính xác, rõ ràng, cụ thể, chịu trách nhiệm về các nội dung thông tin mà mình cung cấp tại buổi đối thoại.
Không đối thoại với người không có năng lực hành vi dân sự, người đang trong tình trạng sử dụng rượu, bia và các loại chất kích thích khác, người vi phạm nội quy, quy định đối thoại, người khiếu kiện đã được cấp có thẩm quyền có quyết định giải quyết cuối cùng nhưng vẫn tiếp tục khiếu kiện...
Người đứng đầu cấp ủy đối thoại trực tiếp với nhân dân
Người đứng đầu cấp ủy đảng phải đối thoại trực tiếp với nhân dân gồm: Bí thư Tỉnh ủy, huyện ủy, thị ủy, đảng ủy xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp tỉnh, huyện, xã). Chế độ đối thoại được thực hiện ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã định kỳ mỗi năm ít nhất một lần, ngoài ra có thể tổ chức đối thoại đột xuất khi cần thiết. Trường hợp vì lý do bất khả kháng, người đứng đầu cấp ủy có văn bản ủy quyền cho cấp phó thực hiện một số hoặc toàn bộ quy trình đối thoại trực tiếp (trong đó ghi rõ thời hạn ủy quyền, nội dung ủy quyền; phạm vi ủy quyền; trách nhiệm của người được ủy quyền trước người ủy quyền, trước tập thể cấp ủy...) và phải được ban thường vụ cấp ủy cùng cấp thống nhất.
Nội dung đối thoại bao gồm: Thông báo cho nhân dân khái quát về công tác xây dựng Đảng, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và những vấn đề quan trọng của địa phương mà nhân dân quan tâm trong thời gian qua; những nội dung liên quan đến chủ đề đối thoại.
Nhân dân tham gia ý kiến đóng góp về các chủ trương, chính sách quan trọng của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của nhân dân.
Nhân dân trao đổi, phản ánh về sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; về mối quan hệ giữa cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên với nhân dân; về đạo đức, lối sống, thái độ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong quá trình thực thi công vụ. Nhân dân phản ánh về những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng.
Nhân dân trao đổi, thảo luận, đề xuất giải quyết những vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm; kiến nghị những vấn đề bức xúc liên quan đến việc chỉ đạo của cấp ủy đảng.
Trực tiếp chỉ đạo, giải quyết vướng mắc, kiến nghị của nhân dân trong quá trình tiếp xúc, đối thoại và chỉ đạo hoặc kiến nghị giải quyết sau khi kết thúc tiếp xúc, đối thoại.
Đối thoại ít nhất mỗi năm một lần
Người đứng đầu chính quyền các cấp phải đối thoại trực tiếp với nhân dân gồm: Chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện, xã. Chế độ đối thoại được thực hiện ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã định kỳ mỗi năm ít nhất một lần, ngoài ra có thể tổ chức đối thoại đột xuất khi cần thiết. Trường hợp vì lý do bất khả kháng, người đứng đầu chính quyền có văn bản ủy quyền cho cấp phó thực hiện một hoặc toàn bộ quy trình đối thoại trực tiếp (trong đó ghi rõ thời hạn ủy quyền, nội dung ủy quyền; phạm vi ủy quyền; trách nhiệm của người được ủy quyền trước người ủy quyền, trước thường trực HĐND, tập thể UBND cùng cấp...), văn bản ủy quyền phải được thường trực HĐND, tập thể UBND cùng cấp thống nhất.
Nội dung đối thoại gồm: Thông báo cho nhân dân khái quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và những vấn đề quan trọng của địa phương mà nhân dân quan tâm trong thời gian qua, tập trung đối với nội dung liên quan đến chủ đề đối thoại.
Nhân dân góp ý đối với chính quyền các cấp về việc thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết HĐND và các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là những văn bản có liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của nhân dân; việc thực hiện cải cách hành chính; việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác; công tác tiếp dân và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân.
Nhân dân phản ánh về việc quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu chính quyền các cấp trong quá trình thực thi công vụ. Nhân dân phản ánh về những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng.
Nhân dân trao đổi, kiến nghị, thảo luận, đề xuất giải quyết về những vấn đề mà nhân dân bức xúc, những nội dung liên quan đến chủ đề đối thoại. Trực tiếp chỉ đạo, giải quyết vướng mắc, kiến nghị của nhân dân trong quá trình đối thoại và chỉ đạo hoặc kiến nghị giải quyết sau khi kết thúc đối thoại.
Quy định cũng nêu cụ thể quy trình tổ chức đối thoại, yêu cầu: Hằng năm, người đứng đầu cấp ủy phải báo cáo kết quả tổ chức đối thoại và kết quả giải quyết các kiến nghị sau đối thoại với ban thường vụ cấp ủy cùng cấp và cấp ủy cấp trên trực tiếp; đồng thời gửi cho UBMTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp để theo dõi, giám sát. Đối với chính quyền, hằng năm, người đứng đầu phải báo cáo kết quả tổ chức đối thoại và kết quả giải quyết các kiến nghị sau đối thoại với ban thường vụ cấp ủy, chính quyền cùng cấp và chính quyền cấp trên trực tiếp; đồng thời gửi cho MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp để theo dõi, giám sát.
B.T