Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội XIII của Đảng có ghi: "Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hoá, thực hiện tốt cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" và phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" thêm "dân giám sát, dân thụ hưởng". Đây là một điểm mới trong Báo cáo chính trị lần này, đồng thời thể hiện nền dân chủ xã hội ngày càng được mở rộng, đi vào nền nếp trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân với quan điểm xuyên suốt: nước lấy dân làm gốc. Để thêm "dân giám sát, dân hưởng thụ" là một quá trình hơn 30 năm đổi mới đất nước, được trải nghiệm, chứng minh qua thực tiễn cũng như đòi hỏi của cuộc sống của người dân, nay đã chín muồi.
Trong mấy chục năm qua, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã rất quen thuộc đối với nhiều người dân. Nhưng không phải ai cũng nhớ rõ câu nói này xuất hiện từ bao giờ, trong hoàn cảnh nào và nó đã phát huy tác dụng trong thực tế ra sao. Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) đề ra đường lối đổi mới, đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, mở ra thời kỳ phát triển mới. Xuất phát từ thực tiễn, Đảng ta đã rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc về dân: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”; “Đảng không có mục đích nào khác là đấu tranh vì hạnh phúc của nhân dân”; “Quần chúng là người làm nên lịch sử”. Tại Đại hội này, Đảng ta đã đề ra cơ chế “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý”, đồng thời khẳng định “thực hiện có nền nếp khẩu hiệu dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đại hội VI của Đảng khẳng định: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, đó là nền nếp hằng ngày của xã hội mới, thể hiện chế độ nhân dân lao động tự quản lý Nhà nước của mình”. Lần đầu tiên phương châm này được gọi là “khẩu hiệu”.
Tuy nhiên, trong một thời gian khá dài, nói chung, khẩu hiệu trên đây vẫn chỉ là khẩu hiệu, khó đi vào cuộc sống bởi vì chưa có cơ chế cụ thể quy định dân được biết những gì? Dân được bàn việc gì bàn như thế nào? Dân được làm ra sao? Và dân được kiểm tra ai, kiểm tra gì, kiểm tra ở đâu? Cho đến Đại hội VIII (tháng 6-1996), Đảng ta đề ra nhiệm vụ: “Xây dựng cơ chế cụ thể để thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đối với các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước” (tại Đại hội này, khái niệm “khẩu hiệu” được thay bằng khái niệm “phương châm”).
Cách đây hơn 20 năm, sau một số vụ việc xảy ra ở nông thôn tỉnh Thái Bình và một vài địa phương khác được giải quyết, tháng 2-1998, Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW “Về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, trong đó nêu rõ “thực hiện chế độ dân chủ trực tiếp ở cơ sở để nhân dân bàn bạc và quyết định trực tiếp những công việc quan trọng thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình”. Thực hiện chủ trương này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11-5-1998, sau đó là Nghị định 79/2003/NĐ-CP ngày 7-7-2003 “Về quy chế thực hiện dân chủ ở xã”; Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 8-9-1998 “Về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan”; Nghị định số 07/1998/NĐ-CP “Về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp Nhà nước”. Sau một thời gian thực hiện, năm 2007, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 34/2007/PL/UBTVQH “Về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”; Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2007/NĐ-CP “Về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn” và một số nghị định cho các loại hình cơ sở khác. Như vậy, cùng với hình thức dân chủ đại diện, với Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị, sau đó là các nghị định của Chính phủ, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lần đầu tiên, người dân thực hiện các hình thức dân chủ trực tiếp ở cơ sở một cách đồng bộ với những quy định, quy chế được chính người dân ở cơ sở xây dựng và thực hiên. Như vậy, phải mất 12 năm (từ năm 1986 đến năm 1998), phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mới thực sự đi vào cuộc sống khi Nhà nước ban hành cơ chế, quy định cụ thể để người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp trong việc được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra.
Sau hơn 20 năm xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã đạt được những kết quả và tạo ra sự chuyển biến tích cực ở nhiều loại hình cơ sở: 1) Đã từng bước nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, tác phong, nền nếp thực hành dân chủ XHCN ở cơ sở, đã tạo ra một không khí dân chủ cởi mở hơn trong từng loại hình cơ quan, đơn vị cơ sở cùng như trong toàn xã hội. 2) Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh, trật tự ở cơ sở. 3) Góp phần củng cố, nâng cao chất lượng các tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở, nhiều chủ trương, chính sách nhằm mở rộng dân chủ trực tiếp trong xây dựng các tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị ở cơ sở. 4) Quyền làm chủ trực tiếp của người dân được tôn trọng, mở rộng, đặc biệt là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” những vấn đề liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân đầu tư cộng đồng ở khu dân cư.
Tuy nhiên, đến nay, ở nhiều nơi, trong đó có cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp nhà nước, dân chủ vẫn còn hình thức, quần chúng, nhân dân không được biết những vấn đề, nội dung liên quan đến quyền lợi thiết thân của họ. Một điều nổi lên là dân chủ ở cơ sở nông thôn được thực hiện tốt hơn ở nhiều loại hình cơ sở khác. Và nguyên nhân chính của sự hạn chế là phương châm của Đảng, nói chung, vẫn chưa được thể chế hóa. Do vậy, trong Nghị quyết Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục đề ra nhiệm vụ “thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Đến nay, trong quá trình thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nổi lên một số vướng mắc cả trong nhận thức cũng như trong hành động. Ngay từ tháng 3-1997, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đồng thời trong nhiều diễn dàn, hội nghị, hội thảo các giai đoạn sau này, đã có một số ý kiến đề cập nên đưa thêm khái niệm “dân giám sát, dân thụ hưởng” vào phương châm nói trên. Trong thực tiễn, bởi vì phương châm của Đảng chưa được thể chế hóa, cho nên nhiều nơi hiểu và thực hiện chưa được thống nhất giữa các cơ sở với nhau. Một trong những vấn đề chưa được nhận thức một cách thống nhất, đồng thời cũng chưa được thể chế hóa và lúng túng khi vận dụng phương châm của Đảng là khái niệm “dân kiểm tra”. Có ý kiến cho rằng, chức năng kiểm tra ở cơ sở thuộc về các cấp ủy, tổ chức đảng. Cũng có ý kiến rằng, người dân khó có thể kiểm tra việc làm của tổ chức, cấp ủy đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội khi không được cấp có thẩm quyền cho phép. Hơn nữa, muốn kiểm tra cần có chuyên môn, nghiệp vụ, không phải bất người dân nào cũng có thể kiểm tra. Hơn nữa, hiện nay, các cấp ủy đảng vừa có chức năng kiểm tra, vừa có chức năng giám sát cho nên người dân rất khó thực hiện nhiệm vụ kiểm tra. Trong các quy chế, quy định chưa cụ thể hóa người dân, cán bộ, công chức, viên chức được kiểm tra ai, kiểm tra cái gì hoặc có đề ra cũng chỉ là hình thức vì người dân khó có điều kiện và không có thẩm quyền kiểm tra, giám sát nhiều vấn đề, nội dung. Bởi vì nội dung kiểm tra của Đảng đã được quy định trong Điều lệ Đảng. Về phía chính quyền đã có hệ thống cơ quan thanh tra của Chính phủ, thanh tra các cơ quan, đơn vị và thanh tra nhân dân. Giám sát chủ yếu dựa vào các cơ quan dân cử (Quốc hội, HĐND, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND). Đồng thời, trong năm 2013, Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Người dân chỉ thông qua đại diện của mình, chưa thể trực tiếp kiểm tra, giám sát được. Trên thực tế, những năm qua, thực chất người dân mới chỉ có thể kiểm tra, giám sát những dự án, chương trình đầu tư mà kinh phí do dân đóng góp, trên chính địa bàn cơ sở họ cư trú, trong cộng đồng dân cư. Nhiều chương trình, dự án vốn đầu tư của nước ngoài hoặc của cấp trên ở địa bàn khu dân cư nhưng chính người dân ở đó nhiều khi cũng không được biết nói chi đến việc kiểm tra, giám sát? Thực chất, ở nhiều nơi, người dân không thể thực hiện được công tác kiểm tra theo phương châm của Đảng. Do vậy, rất cần cụ thể hóa, thể chế hóa dân kiểm tra để phát huy vai trò của người dân trong công tác xây dựng Đảng.
Dân kiểm tra là một trong những nội dung rất cần thiết và quan trọng, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng và xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Trong các tổ chức đảng đều có ủy ban kiểm tra các cấp làm công tác kiểm tra, kỷ luật đối với các tổ chức, cấp ủy đảng, với tất cả đảng viên. Trong Điều lệ Đảng đã ghi rõ: “Đảng… chịu sự giám sát của nhân dân...”. Do vậy, từ lâu đã có nhiều ý kiến đề nghị thay khái niệm kiểm tra bằng khái niệm giám sát trong phương châm nói trên. Tuy nhiên, theo Từ điển tiếng Việt thì kiểm tra là xem xét tình hình thực tế để đánh giá, nhận xét. Còn giám sát là theo dõi và kiểm tra xem có thực hiện đúng những điều quy định hay không. Như thế, quyền giám sát bao gồm cả quyền kiểm tra và rộng hơn cả kiểm tra và quyền giám sát. Tuy nhiên giữa kiểm tra và giám sát có những nội hàm giống nhau và trên thực tế, trong kiểm tra có giám sát, trong giám sát có kiểm tra. Cho nên, từ mấy năm trước, để tránh nhầm lẫn với công tác kiểm tra của Đảng, có người đề xuất: có thể gọi là dân kiểm tra - giám sát có lẽ phù hợp hơn? Đến nay, Dự thảo Báo cáo chính trị đưa khái niệm dân giám sát vào phương châm là rất đúng đắn, phù hợp, rộng đường công luận cũng như dễ thực hiện trong thực tiễn.
Có kiểm tra hay giám sát thì công việc này của dân với công tác xây dựng Đảng hiện nay còn nhiều bất cập, nhất là công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, đảng viên ở khu dân cư. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, nhưng mấu chốt, sâu xa nhất là chưa thể chế hóa, cụ thể hóa vấn đề này thành các quy định mang tính pháp chế bắt buộc. Do vậy, trong khi chờ những quy định cụ thể của Đảng, Nhà nước thì cần có chế tài để người dân kiểm tra, giám sát tài sản, phẩm chất đạo đức, tác phong, lối sống, quan hệ với quần chúng, nhân dân của đảng viên ở khu dân cư cũng như người nhà của họ. Muốn vậy, cần có quy định chặt chẽ về sự liên hệ thường xuyên của cán bộ, đảng viên đương chức với cấp ủy đảng, chính quyền nơi cư trú. Việc công khai tài sản thu nhập của cán bộ, đảng viên đương chức cũng như gia đình, người thân của họ cũng cần có quy định để dân được biết, được kiểm tra, giám sát. Định kỳ hằng năm hoặc trước khi luân chuyển, đề bạt, cất nhắc cần phải được công khai tự phê bình trước người dân, để người dân góp ý, nhận xét, đánh giá. Việc nhận xét, đánh giá đảng viên “sinh hoạt hai chiều” cũng cần được thực hiện một cách chặt chẽ, công khai, thực chất, tránh hình thức, nể nang, chiếu lệ.
Cũng như vấn đề kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng cũng được một số người đề cập nên đưa vào phương châm của Đảng. Nhưng, trong thực tế, dù khái niệm này có đưa vào phương châm hay không thì thực chất, người dân vẫn được thụ hưởng (lợi ích vật chất và tinh thần) những gì họ đóng góp, xây dựng nên. Điều này cũng nhất quán và phù hợp với quan điểm của Đảng ta đề ra ngay trong những năm đầu thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám BCH Trung ương (khóa VI), số 8B-NQ/HNTW ngày 27-3-1990 khẳng định:“Động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hòa các lợi ích, thống nhất quyền lợi với nghĩa vụ công dân”.
Như vậy, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” sau hơn 30 năm thực hiện và vận động trong cuộc sống đã đem lại hiệu quả rất tích cực, cụ thể trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là ở các loại hình cơ sở. Đến nay, Đảng ta bổ sung, đề ra chủ trương thể chế hóa, cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” là rất đúng đắn, phù hợp cả về lý luận và đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Sau khi Đại hội XIII của Đảng thông qua phương châm này, cần được thể chế hóa bằng cơ chế, pháp luật, chính sách và vận hành trơn tru, nền nếp, nhanh chóng đi vào cuộc sống, phù hợp với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Vũ Lân