Tình hình dịch COVID-19 những ngày gần đây đang diễn biến rất phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước. TP. Hồ Chí Minh đã kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ. Từ 6 giờ ngày 24-7, TP. Hà Nội đã có quyết định thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ trên phạm vi toàn thành phố. Trạng thái xã hội căng như dây đàn. Chỉ cần có một thông tin liên quan đến công tác phòng, chống dịch dù là tích cực hay giả tạo, xấu độc đều có thể được lan truyền mạnh mẽ, nhanh chóng trên mạng xã hội, đến mọị ngõ ngách, người dân. Ngày 23-7, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Văn bản số 2765/BTTTT-PTTH&TTĐT về việc thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ và tăng cường xử lý tin giả, sai sự thật về COVID-19 trên mạng gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, qua thực tiễn công tác chỉ đạo, quản lý, giám sát thông tin trên không gian mạng thời gian qua, tình trạng phát tán tin giả, sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch COVID-19 có dấu hiệu gia tăng, trong đó tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vắc-xin COVID-19; xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vắc-xin của Chính phủ; việc sử dụng Quỹ vắc-xin phòng, chống COVID-19. Các thông tin giả, sai sự thật cũng liên quan đến diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng như TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương... Đáng chú ý, nhiều thông tin có nguồn từ các video của những người cách ly, người dân trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa.
Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc cùng số lượng lớn các video “tự phát” được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào công tác phòng, chống dịch bệnh; gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội; nếu không xử lý tốt sẽ dễ phát sinh điểm nóng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương; gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước. Những thông tin giả, xấu độc và được đăng tải thiếu ý thức, trách nhiệm thường có các loại:
Một là, những thông tin của một bộ phận thích khoe mẽ, thể hiện “ta đây nhà có điều kiện” nhưng thiếu hiểu biết nên vô tình gây hậu quả tai hại. Kiểu như chuyện cô con gái nói với mẹ muốn về nhà nhưng sợ ra đường bị phạt 3 triệu đồng. Để cô con gái được đi lại thoải mái trong điều kiện giãn cách, người bố là Giám đốc Hợp tác xã Môi trường Phú Nhuận đã ký, đóng dấu lên tờ giấy thông hành, rồi cô gái đã khoe lên mạng xã hội. Hay như cô gái nọ khoe được "ông ngoại" xin cho tiêm vắc-xin không cần đăng ký, được chọn loại vắc-xin để tiêm. Xã hội vốn không lạ với những màn "khoe của", “khoe gia thế”, “khoe có sự nâng đỡ” của những "cậu ấm, cô chiêu". Cũng là chuyện muôn màu trong cuộc sống, chẳng có gì để bàn luận nếu chuyện đó không ảnh hưởng đến người khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang hoành hành ở nhiều địa phương trên cả nước, hàng chục triệu người đang lao đao, khốn khổ thì sự khoe khoang của hai cô gái kia đã tác động không nhỏ đến tâm lý người dân, ảnh hưởng đến nỗ lực phòng, chống dịch của cả hệ thống chính trị, và các thế lực phản động có thể lợi dụng các sự việc này để kích động.
Rồi đây, các cơ quan thẩm quyền sẽ xem xét và xử lý hành động của những ông bố, bà mẹ "dụng công vi tư". Trong bất cứ hoàn cảnh nào, đừng vì mục đích cá nhân mà quên mất đại cục!
Hai là, những thông tin giả, sai sự thật về tình hình dịch bệnh được đưa lên mạng xã hội nhằm gây hoang mang, tâm lý bất ổn, hoảng loạn trong nhân dân, dẫn đến mất niềm tin vào các chủ trương, đường lối trong công tác phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước. Đây là loại thông tin tuyên truyền, kích động chống phá Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Các đối tượng tung tin giả kiểu này thường cắt ghép hình ảnh để xuyên tạc sự thật, đánh lừa dư luận, như những hình ảnh rất nhiều thi thể bày la liệt ở đâu đó nhưng lại được ghi chú đó là Bệnh viện Chợ Rẫy. Để “thuyết phục” người dân, chúng tạo ra hình ảnh các tin nhắn của bác sĩ, cán bộ UBND TP. Hồ Chí Minh với nội dung đại loại như: Tình hình TP. Hồ Chí Minh không còn kiểm soát, không khống chế được đại dịch COVID-19; dịch bệnh ở đây không thua Ấn Độ và hai tuần nữa sẽ rất thê thảm. Chính vì sự tinh vi, xảo quyệt đó, rất nhiều người dân đã mắc bẫy, đổ xô đi mua tích trữ hàng hóa, khiến tình hình trở nên phức tạp, khan hiếm hàng hóa cục bộ. Thực ra những loại tin này không phải là mới, đã từng xảy ra trước đây trong công tác phòng, chống dịch ở các địa phương khác.
Có thể thấy rằng sự xuất hiện, lan truyền các tin giả đã và đang tác động không nhỏ đến tâm lý, đời sống cộng đồng. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, sự hoảng hốt, lo sợ thái quá dễ gây phản ứng dây chuyền, không đáng có, nguy cơ gây mất kiểm soát và có thể dẫn đến những hậu quả rất khó lường. Thực tế thời gian qua vì những thông tin thiếu chính xác như vậy không ít tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Do đó trong lúc này, người dân cần hết sức bình tĩnh, hợp tác với chính quyền và cơ quan chức năng, khai báo y tế, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh, hạn chế tụ tập đông người. Người dân cũng cần tỉnh táo, thận trọng khi tiếp nhận các thông tin trên mạng xã hội; tránh tin, nghe theo những thông tin không có căn cứ, chưa được kiểm chứng; đồng thời tuyệt đối không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng.
Ba là, những thông tin xuyên tạc, chống đối chủ trương, chính sách của Đảng, âm mưu phá hoại đất nước. Trên mạng xã hội đã từng lan truyền dòng trạng thái của một facebooker xuyên tạc phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 để đưa ra những thông tin suy diễn vô căn cứ dễ khiến người đọc hoảng sợ như: “dịch bùng ra một cái, chắc chắn Việt Nam sẽ bứt lên Top 1 ngay”; “không có việc Nhà nước lo và ra viện được tặng hoa nữa đâu”; “Hà Nội 11 triệu dân chỉ có khoảng 300 cái (máy thở)”... Nguy hiểm hơn là những thông tin trên được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, gây ra những phản ứng tiêu cực trong cộng đồng mạng. Chỉ trong 3 ngày 12, 13 và 14-5-2021, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 chủ tài khoản facebook có hành vi đăng thông tin giả mạo, sai sự thật về ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Hay như câu chuyện bị can Điệp Anh bịa đặt chuyện một người tự thiêu ở TP. Thủ Đức để phản đối cách phòng, chống đại dịch COVID-19 của chính quyền TP. Hồ Chí Minh. Chỉ cần là một người tỉnh táo, ai cũng có thể nhận ra ngay đây là tin giả. Vậy thì rõ ràng đây là hành vi xuyên tạc, bịa đặt có chủ đích, thể hiện động cơ, ý đồ xấu. Quả nhiên là qua xác minh, cơ quan an ninh đã phát hiện trên trang facebook cá nhân của bị can Điệp Anh không chỉ có tin giả nói trên, mà còn nhiều thông tin sai sự thật nhằm xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Nguy hiểm hơn lại có những đối tượng chống đối, được hà hơi tiếp sức của các thế lực thù địch kêu gọi dân chúng biểu tình, gây rối trật tự hòng phá việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, phá hoại sự bình ổn và đời sống vốn đang rất khó khăn của nhân dân. Chúng muốn tạo ra sự hỗn loạn để làm cuộc bạo loạn trên đất nước ta.
Để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ tại Nghị quyết 78/NQ-CP; kịp thời chấn chỉnh tình trạng nêu trên, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh chủ động thực hiện nghiêm túc quy định về phát ngôn, cung cấp thống tin cho báo chí; cử người phát ngôn, chủ động cung cấp thông tin, trong mọi tình huống bảo đảm thông tin được cung cấp nhanh nhất, không bị động, bất ngờ; tuân thủ kỷ luật phát ngôn, thống nhất đầu mối phát ngôn, tránh tình trạng cùng một sự việc nhưng các ngành, địa phương lại phát ngôn không thống nhất dẫn tới việc bị suy diễn, xuyên tạc. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời tin giả, sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch tại bộ, ngành, địa phương. Khi phát hiện tin giả, sai sự thật, cần chỉ đạo lực lượng công an, các lực lượng có liên quan kịp thời xác minh đối tượng phát tán tin giả, phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông để thẩm định nguồn tin, công bố, cảnh báo tin giả, sai sự thật; chủ động xử lý nghiêm các đối tượng phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên địa bàn. Dịch bệnh sẽ được kiểm soát và ngăn chặn nếu có sự đồng lòng, quyết tâm của mọi tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị.
Trần Huyền