Bài 1: Chỉ huy kiên quyết , nhiều cách làm hay
Đợt bùng phát dịch lần thứ tư có tốc độ lây lan rất nhanh, rộng, ngấm sâu vào cộng đồng ở nhiều khu vực thuộc địa bàn TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố trong cả nước với số người bị nhiễm rất cao, gây tổn hại rất lớn về tính mạng, sức khỏe và đời sống nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ đã ra Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6-8-2021 về các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 của Quốc hội khóa XV. Theo đó, Nghị quyết yêu cầu: “Triển khai thực chất, nghiêm ngặt, chặt chẽ, mạnh mẽ, quyết liệt, xuyên suốt trong tất cả các cấp; làm việc gì phải dứt khoát việc đó, không chần chừ, do dự, chập chờn, thiếu cương quyết, thiếu bản lĩnh”.
Từ phong cách chỉ huy thời chiến...
Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Để tận dụng tối đa "thời gian vàng", đưa Hà Nội trở lại trạng thái bình thường mới theo thời hạn Chính phủ giao, Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội quyết liệt như mệnh lệnh thời chiến, “trên sôi sục thì dưới cũng phải sục sôi”. Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh: Để có kết quả chống dịch tốt, từng quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn đến thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư phải thực hiện thật tốt; vì chỉ cần 1-2 nơi lơ là, chểnh mảng, cả thành phố có thể phải vất vả làm lại từ đầu. Đã quyết tâm “chống dịch như chống giặc” thì chỉ huy các cấp phải thể hiện bản lĩnh, quyết tâm, sắc sảo, khôn khéo và mưu lược như đánh giặc.
Sau 12 giờ thực hiện giãn cách xã hội ở Thủ đô Hà Nội, đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố đã chủ trì phiên họp giao ban trực tuyến với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã. Đồng chí Chu Ngọc Anh cho biết: Tính chất của cuộc họp là cập nhật những diễn biến mới nhất sau khi TP. Hà Nội thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23-7-2021 nên chỉ nêu các vấn đề nóng bỏng để Thành phố tập trung chỉ đạo, tháo gỡ những vướng mắc phát sinh. Sau khi nắm chắc tình hình, đồng chí yêu cầu: Thứ nhất, phải tăng cường trên thực địa để nhắc nhở, kiểm tra, xử lý đối với người dân vi phạm Chỉ thị số 17/CT-UBND. Thứ hai, thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã là thành viên Sở chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 của Thành phố,và là chỉ huy trưởng sở chỉ huy của đơn vị. Kiện toàn ngay tổ chức, lập tức cập nhật danh sách thành viên; thực hiện chế độ báo cáo 3 lần một ngày vào lúc 6h, 12h, 18h để Sở chỉ huy thành phố có các chỉ đạo, xử lý kịp thời. Thông tin về Sở chỉ huy tập trung vào 3 nội dung: Phản ánh của người dân, hệ thống khai báo y tế; tốc độ sàng lọc dịch tễ tiến tới “khóa chặt” triệt tiêu các mầm bệnh; cập nhật thường xuyên dữ liệu khai báo y tế để đẩy nhanh công tác sàng lọc dịch tễ, coi việc khai báo y tế đầy đủ là một trong những biện pháp cần được nhân dân nghiêm túc thực hiện. Chủ tịch UBND cấp quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện và toàn quyền chỉ huy lực lượng phòng, chống dịch. Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 cấp quận, huyện, cấp xã phải trực 24/24h và 7 ngày/tuần. Các địa phương phải tăng cường trao đổi, học hỏi lẫn nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó nên tham khảo mô hình huyện Đông Anh cách ly “3 lớp” với sự tham gia tự quản, tự giám sát của người dân rất hiệu quả. BTV các quận, huyện, thị xã phải phân công, gắn trách nhiệm cá nhân với địa bàn phụ trách. Nơi nào làm tốt, có sáng kiến, sáng tạo thì phải biểu dương, tuyên truyền động viên ngay; nơi nào thiếu trách nhiệm, làm chưa tốt phải phê bình, kỷ luật nghiêm; lấy hiệu quả thực hiện làm “thước đo” năng lực, uy tín, trách nhiệm cán bộ.
Chủ tịch UBND thành phố, Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 thành phố tin tưởng sâu sắc, nếu tận dụng hiệu quả “thời gian vàng” trong thời gian giãn cách, toàn hệ thống chính trị và người dân Thủ đô sẽ cùng chung sức, đồng lòng, triển khai những hành động thiết thực để từng bước kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, đưa Thủ đô bình yên trở lại.
...Đến những cách làm hay
Thông tin phải thông suốt
Để những thông tin của lãnh đạo và các quy định của chính quyền đến từng nhà, từng người, vấn đề quan trọng nhất là hệ thống thông tin cần được nhanh chóng thông suốt. Các tổ dân phố ở phường Cổ Nhuế 2, quân Bắc Từ Liêm đã có cách làm hay đó là hệ thống Zalo theo nhóm của chi bộ, hội cựu chiến binh, các hộ liên gia từng ngõ được thiết lập. Do đó, dù bất kỳ thời điểm nào trong ngày, bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng xóm, các chi hội trưởng hội đoàn thể đều thông báo được với từng thành viên, từng gia đình thông tin về tình hình phòng, chống dịch mà không cần tiếp xúc. Một đôi vợ chồng trẻ làm nghề cắt tóc, gội đầu đến thuê nhà ở trọ, nhưng nhiều ngày không có việc làm. Vừa từ bệnh viện về sau 3 ngày sinh con, vợ chồng gặp khó khăn, không có gia đình thân cận, không có gạo, thực phẩm, thiếu tiền, thiếu sữa. Thông tin được đồng chí trưởng ban mặt trận thông báo tới các gia đình, chỉ trong vài giờ, bà con đã ủng hộ 13 triệu đồng, 20kg gạo, thực phẩm đầy đủ, vừa chia sẻ khó khăn trong mùa dịch, vừa chia vui cùng gia đình mới sinh cháu bé.
Bảo vệ "vùng xanh" từ cấp độ "tế bào"
Việc thành lập các chốt “vùng xanh” được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhiều chốt có sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của người dân, hộ gia đình thay phiên nhau trực; khớp nối giúp bà con đi chợ, không phải ra khỏi nhà mà vẫn có đủ lương thực, thực phẩm. Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Tuấn Anh cho biết, tính đến ngày 10-8, trên địa bàn 14 phường thuộc quận đã có 504 chốt “vùng xanh”. Trong đó, có 302 chốt ở khu dân cư truyền thống, 192 chốt ở tòa chung cư, 7 chốt do UBND phường thực hiện với 4.334 thành viên tham gia chốt trực. Với phương châm “mỗi gia đình là một chốt”, “mỗi khu dân cư là một chốt”, chính quyền và người dân các quận, huyện đã và đang nỗ lực, huy động mọi nguồn lực, duy trì, lập thêm những “vùng xanh” an toàn nhằm ngăn chặn dịch COVID-19, bảo vệ cộng đồng. Việc xây dựng "vùng xanh" trong cuộc chiến chống COVID-19 đang là một trong những giải pháp tốt giảm mức độ dịch từ vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ) thành vùng nguy cơ cao (vùng cam), vùng nguy cơ (vùng vàng) và tiến tới trở thành địa bàn an toàn - vùng xanh. Bảo vệ “vùng xanh” ở cấp độ “tế bào” (tổ dân phố, ngõ, xóm) được xem là “vắc-xin cộng đồng”, mũi giáp công hiệu quả trong chiến lược chuyển hướng từ phòng ngự sang phản công. Điều quan trọng, mô hình này được nhân dân đánh giá cao và nhiệt thành hưởng ứng, tham gia.
Có một nơi thực hiện “3K” hiệu quả
“Không để bất cứ người nông dân nào phải bỏ rau trên đồng ruộng - Không để bà con phải ra khỏi thôn, xã - Không để bị lây lan COVID-19”, đó là mục tiêu "3K" mà chính quyền và người dân xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đang thực hiện hiệu quả trong những ngày Thủ đô căng mình chống dịch.
Rau màu là sinh kế của người nông dân. Ở vùng xanh nông nghiệp như Duyên Hà , nhà nhà trồng rau, người người trồng rau, nếu bà con không tiêu thụ được thì chỉ có cách “vứt trên đồng ruộng”. Theo đồng chí Phạm Thị Thúy, Bí thư Đảng ủy xã Duyên Hà: “Chúng tôi rất lo lắng cho bà con nhân dân trên địa bàn, nếu như vì muốn bán nông sản mà đi sang các khu vực khác thì sẽ không an toàn, có thể bị lây lan dịch bệnh về địa phương. Xã đã thống nhất không để bà con ra khỏi địa bàn của thôn, xã để đi bán rau. Chúng tôi đã trao đổi với Hợp tác xã Đại Lan thu mua toàn bộ rau của bà con theo giá bình ổn. Cùng với đó, xã liên hệ với Phòng Kinh tế huyện và các xã lân cận hiện đang nằm trong diện bị cách ly, phong tỏa, để cung ứng, hỗ trợ, ủng hộ cho bà con ở các khu vực này bằng nguồn nông sản của bà con xã Duyên Hà. Đúng là “cái khó ló cái khôn”, các hợp tác xã trong thôn đã thực hiện chương trình tiêu thụ nông sản cho bà con để mang đến ủng hộ các vùng dịch bị cách ly với mục tiêu "3K" hiệu quả. Tìm hiểu về cách làm này, chúng tôi được đồng chí Phạm Thị Thúy cho biết thêm: Xã Duyên Hà là vùng rau an toàn của TP. Hà Nội. Trước đây, sau khi thu hoạch, bà con mang rau ra các chợ lân cận để bán buôn, bán lẻ. Tuy nhiên, khi tình hình dịch trở nên phức tạp, các chợ xung quanh địa bàn có những ca F0 bị phong tỏa, cùng với đó là Chỉ thị giãn cách xã hội khiến cho việc tiêu thụ nông sản của bà con rơi vào bế tắc. Để tìm “lối ra” cho bà con, Đảng ủy, chính quyền xã Duyên Hà đã đưa ra giải pháp thu mua rau cho bà con, gửi tới các vùng dịch bị cách ly. Kinh phí thu mua rau của bà con từ nguồn hỗ trợ của thôn, hợp tác xã, kêu gọi ủng hộ của các mạnh thường quân, phòng kinh tế huyện và xã Duyên Hà.
Trần Công