Mỗi người dân là một “chiến sĩ” quyết tâm đẩy lùi dịch COVID-19

Nỗi lòng của Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh và những quyết sách mạnh mẽ từ Quốc hội

Đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 với diễn biến rất nhanh chóng trên diện rộng, đặc biệt là khu vực phía Nam với trọng điểm là TP. Hồ Chí Minh. Từ 23-1-2020 đến 13-5-2021, mỗi ngày cả nước có bình quân 7,7 người nhiễm mới. Ngày 13-5-2021 có 87 người nhiễm mới, và ngày 24-7-2021 có tới 9.200 người nhiễm mới, gấp 105 lần ngày 13-5-2021 và gấp 1.100 lần bình quân giai đoạn trước ngày 13-5-2021. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, TP. Hồ Chí Minh buộc phải thực hiện các biện pháp như nâng mức độ giãn cách, mở rộng diện phong tỏa, thực hiện Chỉ thị 16 ở nhiều nơi. Đây đều là những quyết định không hề dễ dàng, phải chuẩn bị phương án, kịch bản kỹ càng và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại một trung tâm kinh tế - xã hội như TP. Hồ Chí Minh là một quyết định hết sức khó khăn vì sẽ tác động rất lớn đến nhiều mặt, không chỉ riêng TP. Hồ Chí Minh mà toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngoài ra, khi áp dụng Chỉ thị 16, các biện pháp phòng dịch gây khó khăn cho đời sống người dân là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, sau 16 ngày thực hiện Chỉ thị 16, dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh vẫn diễn biến phức tạp. Đội ngũ y tế và các lực lượng tuyến đầu đã kiên cường chiến đấu; người dân TP. Hồ Chí Minh cùng cả nước đã chung sức đồng lòng chống dịch. Chỉ trong 12 ngày đã có hơn 12.000 bệnh nhân COVID-19 xuất viện, trong đó có nhiều người bị bệnh rất nặng cùng nhiều kết quả trong các lĩnh vực xét nghiệm, quản lý hoạt động khu vực cách li, thành lập các bệnh viện dã chiến kịp thời đáp ứng yêu cầu điều trị; bảo đảm cung ứng hàng hóa, chăm sóc đời sống người dân và huy động được sự tham gia của cộng đồng… Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên xúc động: Vẫn còn rất nhiều việc chưa làm được, nhiều người chưa cứu được. Đó là nỗi đau chung, khuyết điểm của hệ thống chính trị, người đứng đầu các cấp. Chúng tôi xin nhân dân lượng thứ".

Với tinh thần cần phải có những giải pháp đặc biệt để kịp thời xử lý những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường và nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19 hiện nay, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã quyết nghị một số nội dung: Để kịp thời xử lý những vấn đề vướng mắc về mặt pháp lý, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được quyền chủ động quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bao gồm cả các biện pháp theo quy định được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh; các giải pháp, biện pháp chưa được pháp luật quy định hoặc khác với quy định của một số luật. Việc giao thẩm quyền này cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thực hiện có thời hạn và chỉ phục vụ trực tiếp cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Chính phủ phải báo cáo Quốc hội tình hình và kết quả thực hiện các biện pháp này tại kỳ họp Quốc hội gần nhất.

Việc Quốc hội “trao quyền” cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định các giải pháp phòng, chống dịch cũng là một việc mà trước nay chưa có tiền lệ. Trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc” thì những quyết định trên càng thể hiện tinh thần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân là trước hết, trên hết. Thực tiễn cuộc sống đã thúc đẩy hoạt động nghị trường vì mục tiêu tối thượng là phục vụ lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Biện pháp cứng rắn, chỉ huy quyết liệt 

Với tình hình diễn biến dịch COVID-19 như hiện nay, với con số người nhiễm mới mỗi ngày, kể cả chúng ta có thể xây thêm bệnh viện dã chiến thì hệ thống y tế vẫn sẽ quá tải trầm trọng ở các địa phương có dịch nặng. Vì vậy chúng ta không những phải thay đổi, tổ chức lại công tác điều trị, tập trung chữa trị các ca bệnh nặng, hạn chế thấp nhất số người tử vong, mà trước hết phải thực hiện các biện pháp cứng rắn và quyết liệt để hạn chế số ca nhiễm mới. Lúc này cần phải làm thật tốt hơn nữa công tác phổ biến, tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân hiểu rõ, thấm sâu về sức phá hoại của COVID-19. Bởi có hiểu rõ “giặc” COVID-19 thì mới đánh được “giặc”. COVID-19 với biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh, lại đánh vào “tử huyệt” của con người là hai lá phổi, cực kỳ nguy hiểm nhưng chúng ta chưa có thuốc đặc trị. Nhưng COVID-19 cũng có những hạn chế. Chúng chỉ lây lan từ người sang người, vi-rút vào con người chỉ bằng đường thở và đường tiếp xúc, đời sống COVID-19 chỉ khoảng 14 ngày. Đây cũng là “thời gian vàng” để ta tách con vi-rút ra khỏi con người.

Từ những hiểu biết về COVID-19, để ngăn chặn nó chúng ta phải thực hiện các biện pháp cứng rắn và quyết liệt: thực hiện 5K, giãn cách, phong tỏa và chiến lược vắc-xin. Cần phải xem đây là một biện pháp kỷ luật, không còn là sự khuyến cáo, hay yêu cầu.

Kỷ luật là sức mạnh, trước hết siết chặt kỷ luật trong Đảng, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân và chịu trách nhiệm trước tổ chức, nâng cao trách nhiện người đứng đầu. Sự gương mẫu của đảng viên là sức mạnh lãnh đạo, tấm gương để mọi người làm theo, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Bài học của Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nội về siết chặt, giữ nghiêm kỷ luật, sẳn sàng đình chỉ ngay chức vụ đối với những người lơ là công tác điều hành, hoặc điều hành không hiệu quả, bất cứ ở cấp nào, chức vụ gì.

Việc chấp hành sự chỉ huy thống nhất của tất cả các cấp sẽ tạo nên sức mạnh to lớn ngăn chặn dịch bệnh. Thủ tướng đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt được coi như "Bộ Chỉ huy tiền phương" đặt ở vùng trọng điểm có dịch, do Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia trực tiếp chỉ đạo hoạt động các tổ công tác đặc biệt. Các địa phương, ở mỗi cấp thành lập ban chỉ huy phòng, chống dịch. Các bộ, ngành thành lập các tổ công tác đặc biệt để tham mưu cho "Bộ Chỉ huy" của Chính phủ và giúp các địa phương theo chức năng của từng bộ, ngành. Các ban chỉ huy phòng, chống dịch làm việc theo nguyên tắc chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy. Với các địa phương thực hiện Chỉ thị 16, Thủ tướng Chính phủ quy định bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch UBND tỉnh, thành trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn một cách quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả với phương châm: “Rõ, Nghiêm, Chắc, Hiệu quả”. Bảo đảm kịp thời đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất phòng, chống dịch. Phải đủ số lượng ô-xy và máy thở. Tổng hợp nhu cầu hỗ trợ về bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên phục vụ chống dịch trên từng địa bàn để kịp thời xử lý điều phối. Không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu  mặc, thiếu các nhu yếu phẩm thiết yếu. Tận dụng tối đa “thời gian vàng” khi giãn cách để tăng tốc làm sạch các ổ dịch, các vùng dịch trong tuần đầu thực hiện giãn cách, dứt khoát không để phát sinh ổ dịch mới, hình thành vùng an toàn vững chắc nhanh nhất có thể.

Mỗi người dân là một "chiến sĩ" trên mặt trận chống dịch    

Nghị quyết Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV là thông điệp hiệu triệu gửi đến toàn dân, lời kêu gọi sự đoàn kết, thống nhất cao, đồng lòng cùng Chính phủ, lãnh đạo các địa phương và các lực lượng tuyến đầu tập trung sớm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Chiến đấu với chủng Delta hết sự nguy hiểm, ý thức tự phòng vệ của mỗi người càng phải nâng cao, là yếu tố quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định và không gì thay thế được trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại thời điểm này.

Tình hình dịch bệnh phức tạp càng kéo dài, công việc nhiều, áp lực lớn nên cả hệ thống chính trị, hệ thống y tế và người dân đều sẽ bị "xuống sức", không thể tránh khỏi bị động, lúng túng, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của chính quyền và chấp hành giãn cách của người dân. Song chúng ta tuyệt đối không đồng tình với những hành vi thiếu ý thức, vô kỷ luật, lách luật như; làm, bán giấy xét nghiệm giả, bán giấy đăng ký tiêm vắc-xin giả, mua áo đồng phục giả danh người vận chuyển hàng, nhờ người thân cấp giấy thông hành để được tham gia lưu thông khi không có nhu cầu cần thiết, không đúng đối tượng… làm tăng thêm nguy cơ lây bệnh cho cộng đồng. Cần phải hiểu rằng rất nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt nhưng họ đã nén nỗi đau, lau nước mắt vì nhiệm vụ, vì tính mạng của nhân dân. Còn gì đau đớn hơn người mẹ vượt 500km từ TP. Hồ Chí Minh về quê nhìn mặt con lần cuối, vội vàng chạy đến bên linh cữu con, liên tục gào khóc, gọi tên con trong tuyệt vọng, nhưng chỉ được 5 phút là phải đi cách ly. Rồi những trường hợp bố, mẹ, người thân mất không được về đưa tang. Đội ngũ y bác sĩ và những chiến sĩ ở nơi phong tỏa hoặc nơi biên cương giữ chốt chống dịch…, nhiều người đã hi sinh hạnh phúc riêng để tham gia vào tuyến đầu chống dịch. Có người đã phải lập bàn thờ bố, mẹ ở nơi chống dịch vì nhiệm vụ không thể về. Và đây là lời khẩn cầu của một người làm nhiệm vụ phun thuốc khử khuẩn:

“Chúng tôi ngày đêm dập dịch các tụ điểm F0, F1.
Các bạn ơi đừng ra đường nữa khi không cần thiết!
Chỗ vừa dập xong, chỗ khác lại có thì đến bao giờ.
Bây giờ mấy hẻm đang phong toả vì các bạn đó.
Những bạn bị kẹt lại đâu đó khó khăn, thậm chí không có cơm ăn, nhịn đói cầu cứu thực phẩm.
Hãy đứng ở chỗ chúng tôi nhìn lại, vác máy phun 50kg, mang khẩu trang N95, bộ đồ và kính bảo hộ, thêm mặt nạ phòng độc khó thở chỉ 1/10 lượng ô-xi bình thường đang thở và mệt cỡ nào; chúng tôi không sợ, không tiếc bản thân mình, mặc dù ai cũng có gia đình con nhỏ.
Chúng tôi sẵn hi sinh hay chấp nhận rủi ro dính COVID-19 nhưng không sợ, cái chúng tôi sợ là ý thức của các bạn!
Hãy thương chúng tôi đừng ra đường khi không cần thiết, chân thành cảm ơn”.

Vì sức khỏe và tính mạng của chính mỗi chúng ta, hi vọng mọi người sẽ nâng cao ý thức phòng dịch hơn nữa, đã coi đây là cuộc chiến để bảo vệ tính mạng con người thì khó khăn, gian khổ sẽ là thử thách buộc chúng ta phải vượt qua. Chỉ khi mỗi người tự coi mình là một chiến sĩ trong cuộc chiến chống lại COVID-19 thì dịch bệnh mới có thể dập tắt. Việc kiểm soát dịch COVID-19 không chỉ là vai trò của Chính phủ và hệ thống y tế mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng để một lần nữa chúng ta chiến thắng được đại dịch COVID-19.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất