Bài 2: Tình nghĩa đong đầy, kiên quyết dập dịch
Đợt bùng phát dịch lần thứ tư có tốc độ lây lan rất nhanh, rộng, ngấm sâu vào cộng đồng ở nhiều khu vực thuộc địa bàn TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố trong cả nước với số người bị nhiễm rất cao, gây tổn hại rất lớn về tính mạng, sức khỏe và đời sống nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ đã ra Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6-8-2021 về các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 của Quốc hội khóa XV. Theo đó, Nghị quyết yêu cầu: “triển khai thực chất, nghiêm ngặt, chặt chẽ, mạnh mẽ, quyết liệt, xuyên suốt trong tất cả các cấp; làm việc gì phải dứt khoát việc đó, không chần chừ, do dự, chập chờn, thiếu cương quyết, thiếu bản lĩnh".
Trao ô-xy – nối dài sự sống
Trạm đổi bình ô-xy hay còn gọi “ATM ô-xy” hoạt động từ ngày 2-8-2021 tại TP. Hồ Chí Minh là dự án kết hợp của anh Hoàng Tuấn Anh với Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh và Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Anh cũng là người đầu tiên lập “ATM gạo” hỗ trợ người dân trong đợt dịch bùng phát đầu năm 2020, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Với tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp ở TP. Hồ Chí Minh, số ca F0 tăng nhanh, ý tưởng “Trao ô-xy – nối dài sự sống” đã hình thành. Anh Hoàng Tuấn Anh lại đôn đáo ngược xuôi để “ATM ô-xy” ra đời và đi vào hoạt động. Xuất phát từ 90 bình ô-xy loại 8 lít ban đầu và triển khai tại các trạm ở Quận đoàn trên địa bàn quận 7, 8, 10, Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình Chánh... mô hình sẽ mở rộng lên khoảng 900 bình với khoảng 24 trạm “ATM ô-xy” được triển khai để hỗ trợ công tác điều trị COVID-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Với “ATM ô-xy”, bệnh nhân cần đổi bình ô-xy có thể liên hệ đường dây nóng 0796.555.564, các tình nguyện viên sẽ chở ô-xy đến tận nhà. Với người chưa có bình và hoàn cảnh khó khăn, “ATM ô-xy” sẽ cho mượn miễn phí.
Sáng kiến bồn chứa 32 tấn ô-xy
Bác sĩ Nguyễn Đức Tâm cho biết, Bệnh viện Quận 7 được thành lập nhằm làm cầu nối trạm y tế phường với các bệnh viện tuyến trên, có biên chế 5 bác sỹ và 5 điều dưỡng. Nhiệm vụ của bệnh viện lúc đó cũng chỉ đơn thuần là những chăm sóc cơ bản cho những bệnh nhân đang điều trị COVID-19 như chăm sóc, thở ô-xy, truyền dịch… Khi số lượng bệnh nhân COVID-19 tăng nhanh, tuyến trên quá tải và bệnh nhân nặng bị ách tắc tại bệnh viện. Bắt buộc lúc này, các bác sỹ phải xử lý cấp cứu và điều trị nâng lên một bậc: thở máy HFNC, đặt nội khí quản để cứu sống bệnh nhân. Lúc đầu bệnh viện dự tính chỉ có khoảng 15 giường dành cho bệnh nặng. Sau 2 ngày từ 15 giường bệnh nhân nặng đã tăng lên 70 giường. Một đêm số ô-xy phải tiêu tốn khoảng 200 bình/ngày (bình ô-xy 40 lít); bình ô-xy chất cao như núi, nhưng bệnh nhân vẫn không có đủ ô-xy để thở.
Bệnh nhân tăng lên từng ngày, số lượng bệnh nhân cần thở ô-xy cũng tăng theo cấp số nhân. Không chấp nhận nhìn bệnh nhân thoi thóp, thậm chí sẽ chết vì thiếu ô-xy. Trong tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp như vậy, ban lãnh đạo Bệnh viện Quận 7 đã báo cáo ban lãnh đạo Quận ủy tính toán làm bồn ô-xy. Chỉ trong 2 ngày, đơn vị thi công đã gấp rút xây dựng hệ thống đường dẫn và bồn chứa 32 tấn, tương đương với 5.000 bình ô-xy 40 lít, đường dẫn tới tận giường bệnh. Hiện nay, hệ thống ô-xy này cung cấp cho 200 bệnh nhân cần ô-xy và chạy được 1,5 tháng.
Khi đã có bồn chứa ô-xy, những chiến sỹ áo trắng vui mừng khôn xiết, họ có nhiều thời gian hơn để chăm sóc bệnh nhân. Nhờ có hệ thống ô-xy bồn, số lượng bệnh nhân phục hồi trở lại tăng, giảm áp lực cho tuyến trên. Trong 2 tuần ở bệnh viện, bệnh nhân đang thở ô-xy được điều trị đã có thể trở về cuộc sống bình thường. Tính tới thời điểm hiện tại, bệnh viện đã có 80 ca bệnh nặng đã được ra viện, về theo dõi y tế tại nhà. Mỗi ngày bệnh viện đã cho xuất viện khoảng 20-30 người trước đó từng phải nằm cấp cứu. Giải pháp ô-xy bồn đã góp phần thay đổi được cục diện điều trị bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng, giảm được tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân.
Tình nghĩa đong đầy
Đánh giá 12 ngày đầu tiên TP. Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã nói: Người dân TP. Hồ Chí Minh cùng cả nước chung sức đồng lòng chống dịch, đã làm được nhiều việc nhưng vẫn còn rất nhiều việc chưa làm được, nhiều người chưa cứu được. Đó là nỗi đau chung, khuyết điểm của hệ thống chính trị, người đứng đầu các cấp. Chúng tôi xin nhân dân lượng thứ. Khi Thành phố phải quyết định kéo dài thời gian giãn cách, để tiếp tục chống dịch với quyết tâm mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, nhiều người dân ở các vùng lân cận, và ở các tỉnh xa cư trú tại TT. Hồ Chí Minh đã tự ý rời khỏi Thành phố về quê. Một hành trình chưa ai lường hết được khó khăn, nguy cơ lây nhiễm thế nào ai cũng biết và nhiều rủi ro sẽ gặp phải trên con đường vạn dặm ấy. Thấu hiểu nỗi lòng bà con, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên với lời lẽ chân thành xúc động: “mời bà con ở lại tiêm vắc-xin!”. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi cho biết: Thành phố không có chủ trương đưa người dân ngoại tỉnh ở TP. Hồ Chí Minh về quê. Bởi, mỗi người dân đến với Thành phố đều có đóng góp cho sự phát triển chung. Thành phố sẽ thành lập các trung tâm an sinh xã hội để giúp bà con đủ cái ăn, đảm bảo sức khỏe, cùng Thành phố vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, nếu bà con có nguyện vọng về và được địa phương đồng ý thì Thành phố sẽ hỗ trợ, kể cả tiêm vắc-xin, để bà con về quê hương vững tin hơn. Ai cũng biết lúc này rất nhiều người muốn trở về căn nhà thân thương, quê hương ruột thịt nhưng về quê trong thời điểm này cũng kéo theo nhiều vấn đề phải giải quyết trong công tác phòng, chống dịch. Thành phố sẵn sàng lo nhưng người dân cần hợp tác, không đi lại tự do gây nguy cơ lây nhiễm cho các tỉnh. Một triệu túi dân sinh đang được triển khai nhanh chóng để người dân không bị thiếu ăn, và với những nhiệt tình, trách nhiệm trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách khác, để bảo đảm nhu cầu dân sinh cho người dân ở lại thành phố, mong rằng Thành phố sớm kiểm soát được dịch bệnh để người dân trở lại cuộc sống bình thường.
Câu chuyện lo cho người quá cố do bệnh dịch cướp đi cũng là vấn đề nhiều trăn trở với lãnh đạo thành phố. Để giảm nỗi đau của thân nhân người đã mất và người ra đi cũng yên lòng, lực lượng Quân đội đã vào cuộc, cán bộ chiến sĩ tham gia chăm sóc hậu sự cho đồng bào coi đó là trách nhiệm, vinh dự được tiễn đưa đồng bào không may trong bước cuối của cuộc đời, khi bên cạnh họ không có người thân. Cán bộ, chiến sỹ nâng niu từng phần xương thịt đồng bào, cung kính thắp hương và chia ca canh thức. Chiến đấu cùng dịch bệnh trong bệnh viện có các chiến sĩ áo trắng, còn nơi đây, những người lính sẽ nâng giấc linh hồn đồng bào. Ban chỉ huy quân sự của quận, huyện, và TP. Thủ Đức sẽ liên hệ người thân chuyển về nhà. Giáo hội Phật giáo cho biết đã dành chỗ cho những gia đình nào có nguyện vọng để ở chùa. Trường hợp ở tỉnh xa, các chiến sĩ sẽ tổ chức đưa hài cốt về tỉnh. Nếu gia đình nào chưa có điều kiện nhận ngay, các anh sẽ hương khói mỗi ngày.
Đại dịch ập đến gây cho đất nước chúng ta nhiều tổn thất, mất mát nhưng trong cơn hoạn nạn, tình cảm quân - dân, trách nhiệm chính quyền cũng được bộc lộ, đó là truyền thống nhân ái, nghĩa tình ngàn năm của dân tộc Việt Nam.
Kiên quyết dập dịch
Thủ phạm sát hại hàng loạt con người là vi-rút chúng ta không nhìn thấy bằng mắt thường, nó lây nhiễm nhanh, độc lực mạnh. Nhiều trường hợp người bị nhiễm không có triệu chứng, chỉ khi xét nghiệm mới biết vi-rút đã đã xâm nhập cơ thể. Nhưng nó chỉ lây nhiễm từ người sang người và chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định. Khi chúng ta chưa có thuốc đặc trị, chưa chủ động nguồn vắc-xin, thì biện pháp tích cực nhất là cách ly giữa người với người trong một thời gian nhất định, đó “là thời gian vàng” để loại những F0 ra khỏi cộng đồng.
Kết luận Hội nghị trực tuyến sáng 15-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý hàng loạt giải pháp để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có thể, quyết không để khủng hoảng y tế, khủng hoảng kinh tế, củng cố niềm tin chiến thắng và huy động sự vào cuộc, ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp để vượt qua đại dịch, đưa đất nước tiếp tục đi lên, người dân được ấm no, hạnh phúc, an toàn. Thủ tướng nhấn mạnh, phòng chống dịch quan trọng nhất là chống lây nhiễm giữa người với người, kiểm soát được con người sẽ cắt được lây nhiễm. Khi quyết định thực hiện giãn cách xã hội phải thực hiện nghiêm, thực chất, đúng tinh thần “ai ở đâu ở đó”, và phải giãn cách xã hội trên phạm vi rộng, đồng thời "thần tốc" xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn nhằm phát hiện nhanh nhất, phong tỏa ổ dịch, cách ly bằng được nguồn lây, phân loại F0 để điều trị phù hợp. Tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm nhanh nhất, tiện lợi nhất. Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia đã đi vào hoạt động, đề nghị các địa phương thiết lập các trung tâm công nghệ phòng, chống dịch tại những nơi có trung bình khoảng 500 nghìn người dân, riêng TP. Hồ Chí Minh lập tại cấp quận.
Thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ, thời gian qua, TP. Hà Nội đã nâng cao năng lực xét nghiệm đạt trên 200.000 mẫu/ngày (bao gồm trả kết quả xét nghiệm); tổ chức xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng bảo đảm nguyên tắc nhanh nhất, chính xác, an toàn, hiệu quả. Thành phố đã tập trung ưu tiên xét nghiệm tại các khu vực có nguy cơ cao, khu vực phong tỏa, cách ly “vùng đỏ”và đang triển khai rất quyết liệt các giải pháp nhằm kiểm soát tình hình, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đáp ứng mọi tình huống của dịch như: Chuẩn bị 65.000 chỗ cách ly F1 và trên 30.000 chỗ thu dung điều trị F0 có triệu chứng nhẹ và không triệu chứng; trên 10.000 giường cho bệnh nhân có triệu chứng trung bình, nặng và nguy kịch. Tập trung mua sắm trang bị đầy đủ hệ thống ô-xy, máy thở và xe cứu thương cho 100% cơ sở điều trị…
Kết luận Hội nghị trực tuyến sáng 15-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đây là ưu tiên số 1 trên phạm vi cả nước, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch. Chiến thắng hay không phụ thuộc vào lòng dân, sự tham gia của người dân có tính chất quyết định, người dân là chủ thể, là trung tâm của công tác phòng, chống dịch. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải là một pháo đài, nhất là ở cơ sở, mỗi người dân là một chiến sĩ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền, sự vào cuộc của MTTQ và các đoàn thể nhân dân, chúng ta nhất định chiến thắng!
Trần Công