Nhiều hành động, chung ý chí
Các chiến sỹ bộ đội đi chợ hộ và phát lương thực đến tận nhà dân.

Bài 1: Mỗi xã, phường là một pháo đài, quân với dân một ý chí

Dự báo thời gian tới, diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, có khả năng kéo dài, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch và các hoạt động kinh tế - xã hội; tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống của nhân dân. Trước tình hình đó, Hội nghị cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước đã thống nhất phân công Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch; trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, đáp ứng yêu cầu huy động nhanh nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, biện pháp để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước. Các đồng chí bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ trong đó khẳng định trong cuộc chiến chống dịch này lấy xã, phường là pháo đài, chỉ đạo trực tiếp là bí thư đảng ủy, chỉ huy trực tiếp là chủ tịch xã, phường, mỗi người dân là một chiến sỹ. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị căn cứ vào tình hình dịch tễ, TP. Hồ Chí Minh phải xác định mỗi xã, phường là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sỹ, thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt ổ dịch để kiểm soát dịch bệnh. Về công tác chỉ huy ở phường, xã, Thủ tướng yêu cầu dựa vào hệ thống chỉ huy của thành phố, tỉnh, các bộ, ngành tăng cường lực lượng, phối hợp hỗ trợ thật tốt cùng TP. Hồ Chính Minh kiểm soát dịch. Thủ tướng yêu cầu người dân TP. Hồ Chí Minh tuyệt đối ai ở đâu thì ở đó, người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, xã, phường cách ly với xã, phường. Theo người đứng đầu Chính phủ, khi đã phong tỏa thì không để người dân nào bị đói, thiếu ăn, thiếu mặc; phải đáp ứng nhu cầu y tế thiết yếu của mọi người ở mọi lúc, mọi nơi; bảo đảm an ninh trật tự, an sinh xã hội, chia sẻ, động viên, kêu gọi, hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Đồng chí nhấn mạnh đây là quyền lợi, nghĩa vụ và cũng là trách nhiệm của công dân, vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Thủ tướng yêu cầu khi quyết định giãn cách để phong tỏa ổ dịch phải tìm ra được F0, nhanh chóng đưa ra khỏi cộng đồng, có hướng điều trị phù hợp. Và muốn làm được điều này phải xét nghiệm đại trà, đồng thời đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin và có thể huy động thêm lực lượng Công an, Quân đội hỗ trợ. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế tổng hợp lực lượng y tế, cần bao nhiêu điều dưỡng, bác sỹ phải có ngay cho TP. Hồ Chí Minh; cần bao nhiêu công an, cảnh sát để đồng hành cùng TP. Hồ Chí Minh Bộ Công an sẽ đáp ứng; Quân đội cũng phải tăng cường phối hợp giúp địa phương trong nhiều công tác phòng, chống dịch. Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được giao phối hợp với chính quyền thành phố đảm bảo cung ứng đầy đủ thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho những khu vực phong tỏa. Đồng thời, TP. Hồ Chí Minh cần có cơ chế huy động nguồn lực tư nhân như khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc tư nhân trong phòng, chống dịch. Thủ tướng quyết liệt chỉ đạo: Đừng chần chừ nữa, nói gì là phải làm ngay, cháy nhà chết người thì không làm ngay sao được?!

Ngày 23-8, phát biểu trước 1.096 y, bác sỹ của Học viện Quân y được tăng cường vào miềm Nam, Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang cho biết: Quân đội sử dụng tất cả các lực lượng hiện có để giúp TP. Hồ Chí Minh chống dịch theo nhiệm vụ Chính phủ giao. Bộ Quốc phòng quyết tâm bằng mọi cách, mọi biện pháp, sử dụng mọi lực lượng hiện có, kể cả không quân, vận tải bộ, vận tải thủy với khả năng của mình, thậm chí vượt cả khả năng của mình, để hỗ trợ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác bảo đảm cuộc sống cho người dân; thực hiện cách ly an toàn để phòng, chống COVID-19; quyết tâm cùng với nhân dân TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai và các địa bàn có dịch, sớm kiểm soát dịch bệnh, để cuộc sống của người dân có thể trở lại bình thường. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: Đây là trận chiến, không thắng không về.

Hơn 15.000 nhân viên y tế cả nước được điều động chi viện cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch, chưa kể lực lượng tình nguyện viên, dân quân, lực lượng y tế địa phương, thế nhưng TP. Hồ Chí Minh vẫn thiếu nhân lực chống dịch. Trong tình hình đó, Chính phủ quyết định đưa Quân đội tham gia chống dịch. Đây là một quyết định kịp thời để Quân đội phối hợp cùng các lực lượng khác tham gia nhiều công đoạn trong công tác phòng, chống dịch đang bị quá tải. Từ ngày 23-8, bộ đội đã có mặt trên từng địa bàn ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Đặc biệt, các chiến sĩ quân y đã có mặt tại hơn 400 trạm y tế lưu động ở TP Hồ Chí Minh, bắt tay ngay vào công việc chăm sóc các F0 đang điều trị tại nhà, quản lý dịch tễ trên địa bàn từng phường, ứng phó các trường hợp cấp cứu khẩn cấp, cung cấp từng bình ô-xy, viên thuốc... Chỉ tính riêng lực lượng quân y tại cơ sở đã giúp các bệnh viện tuyến trên giảm tải rất rõ rệt, đặc biệt đã cứu sống nhiều bệnh nhân trong trường hợp thập tử nhất sinh.

Trưa 22-8, tại phường Long Bình Tân, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Sư đoàn 309 (Quân đoàn 4) tổ chức Lễ xuất quân cho gần 1.000 cán bộ chiến sĩ tham gia làm nhiệm vụ phòng, chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Tiếp theo là Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4), Sư đoàn 5 (Quân khu 7), Lực lượng 230 cán bộ quân y Hải quân và các học viên trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân đã xuất quân lên đường hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch. Đây là những đơn vị anh hùng, có thành tích lẫy lừng trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Giờ đây, họ tiếp tục đối mặt với kẻ thù hết sức đặc biệt, vô hình nhưng vô cùng nguy hiểm. Dù đa số quân nhân đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin nhưng vẫn có nguy cơ bị lây nhiễm. Các chiến sỹ nhận nhiệm vụ với tinh thần sẵn sàng chiến đấu trên mặt trận không tiếng súng đầy khó khăn, gian khổ khôn lường.

Chiều 22-8, bác sỹ Đào Huy Hiếu (học viên sau đại học Học viện Quân y) cùng 2 cộng sự là sinh viên năm thứ 5 Học viện Quân y được phân công về Phường 12, quận Tân Bình phụ trách Trạm y tế lưu động tại trụ sở sinh hoạt khu phố. Đây là địa bàn có gần 39.000 dân, với 120 ca F0 cách ly tại nhà đang cần được chăm sóc. Vừa tới địa bàn nhận nhiệm vụ, ngồi chưa ấm chỗ, thân nhân 1 ca F0 mời bác sỹ đến xem bệnh, đồng thời đề nghị test nhanh COVID-19 cho 8 thành viên trong gia đình. Bất ngờ, kết quả test cho ra thêm 5 ca F0 khác không triệu chứng. Trấn an bệnh nhân, tư vấn chăm sóc sức khỏe tại nhà, bác sỹ Hiếu kê toa thuốc cho F0 và trở về Trạm y tế lưu động.

Sau chuyến hành quân kéo dài từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh nhận nhiệm vụ, mặc dù mệt mỏi, chưa có phút giây nghỉ ngơi nhưng bác sỹ Hiếu vẫn “ôm” điện thoại tư vấn cho 10 ca F0 ở Phường 12 đến 1 giờ sáng và không bỏ sót tin nhắn nào. Đến sáng 23-8, các F0 báo cáo sức khỏe tốt, sinh hoạt bình thường, bác sỹ Hiếu thấy lòng vui lên.

Một "mặt trận" khác mà trong những ngày qua các chú bộ đội mang quân hàm binh nhì, binh nhất, hạ sỹ quan đảm nhận, đó là "đi chợ hộ" cho dân, giúp người dân ai ở đâu ở đó để phòng, chống dịch. Đây là một "mặt trận" hết sức lạ lẫm với những chú bộ đội 18, đôi mươi. Thế nhưng họ vẫn âm thầm hoàn thành nhiệm vụ được giao, len lỏi vào từng con hẻm đưa hàng hóa thiết yếu đến hàng vạn hộ dân. Là những người lính, hành động theo mệnh lệnh, họ chấp nhận hy sinh như đang ở chiến trường khi sẵn sàng đối mặt nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, sẵn sàng phục vụ nhân dân. 

Cái nắng buổi chiều còn rất nóng nhưng không khí các khu nhà trọ trên Đường số 1, Phường 16, Quận 8, TP. Hồ Chí Minh dường như hối hả hơn khi cấp ủy, chính quyền địa phương cùng bộ đội Trung đoàn 31, Sư đoàn 309 triển khai phát lương thực, nhu yếu phẩm đến tận hộ gia đình. Thực hiện các quy định phòng, chống dịch, hơn 250 phòng trọ với hàng trăm người lao động tại đây đã chấp hành nghiêm quy định “ai ở đâu, ở yên đó”. Thoăn thoắt đôi tay, cùng nhịp chân nhanh nhẹn, cán bộ, chiến sỹ đơn vị đã nhanh chóng đưa gạo, mì gói, dầu ăn, nước tương... cùng nhiều nhu yếu phẩm khác đến từng gia đình. Dù mồ hôi lấm tấm trên trán nhưng ánh mắt các chiến sỹ trẻ đều ánh lên niềm vui khi được hỗ trợ người dân với công việc ý nghĩa. Hình ảnh các những chú bộ đội trẻ với những hành động còn vụng về, luống cống nhưng thật dễ thương, dễ mến vì họ tận tâm, tận tình, tất cả với tinh thần vì nhân dân phục vụ. Có khi chúng ta lại bắt gặp họ ngồi vỉa hè ăn vội bát mì tôm, hộp cơm nguội ngắt, hay bánh lương khô dành cho lính trận, thật xúc động và biết ơn nhường nào.

Trung úy Nguyễn Tuấn Anh, Phụ trách Tổ công tác số 29 của Trung đoàn 31 cho biết: Sau những nhiệm vụ trực chốt, tuần tra kiểm soát dịch, đây là lần đầu tiên, tổ công tác chúng tôi cùng với địa phương trao lương thực, nhu yếu phẩm đến người dân. Được chứng kiến, cảm nhận tình cảm của người dân dành cho bộ đội, chúng tôi rất xúc động và sẽ phát huy trách nhiệm, tinh thần làm việc cao hơn nữa để có thể hỗ trợ tốt nhất người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Nhận được túi lương thực từ tay cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 31, ông Huỳnh Văn Tre xúc động chia sẻ: Tôi ở trọ tại đây hơn 10 năm, qua thông tin các cấp, chúng tôi biết sẽ có lực lượng Quân đội về hỗ trợ đưa hàng hóa nhu yếu phẩm đến người dân. Hôm nay được chứng kiến các chú bộ đội đến tận nhà để trao lương thực, tôi và bà con xóm trọ ở đây cảm thấy ấm lòng lắm. Bà Ngô Thị Lệ Quyên, đơn vị tài trợ hàng hóa cho đợt phát lương thực, nhu yếu phẩm tại khu nhà trọ bày tỏ: Chúng tôi đã thực hiện hỗ trợ khu vực này được nhiều lần. Nếu trước đây, phải mất một ngày mới xong công việc thì hôm nay được sự giúp sức của các anh bộ đội chương trình đã rút ngắn thời gian rất nhiều, hiệu quả công việc cao. Cám ơn sự tận tâm, trách nhiệm của các anh bộ đội Trung đoàn 31.

Những hình ảnh bộ đội Cụ Hồ không quản ngày đêm, có mặt trong mọi ngõ xóm, con đường chăm sóc sức khoẻ, cung cấp lương thực cho người dân là những hình ảnh xúc động, nhận được nhiều tình cảm của người dân cả nước nói chung, nơi tâm dịch nói riêng, tô thắm truyền thống hào hùng, quân dân như “cá với nước” của quân đội Việt Nam.

Bên cạnh việc hỗ trợ địa phương trong công tác chăm lo an sinh xã hội, ổn định cuộc sống người dân, cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 31, Sư đoàn 309 cũng kề vai, sát cánh với lực lượng Công an, dân quân... thực hiện canh gác, chốt chặn các tuyến đường, khu cách ly, tuần tra lưu động để tuyên truyền, kiểm soát công tác phòng, chống dịch. Trung tá Lê Văn Hiệp, Phó Chính ủy Trung đoàn 31, Sư đoàn 309 cho biết: “Toàn đơn vị luôn quán triệt phương châm hỗ trợ địa phương, nhân dân phải tận tâm, trách nhiệm cao nhất, không quản ngại bất cứ khó khăn nào, không kể ngày hay đêm đều sẵn sàng tiếp nhận và thực hiện công việc với kết quả tốt nhất. Chúng tôi luôn giáo dục, quán triệt các chiến sỹ nhận thức rõ ý nghĩa của nhiệm vụ, tự giác, chủ động trong công việc và bảo đảm an toàn cao. Toàn đơn vị luôn an tâm tư tưởng, phấn đấu cùng địa phương sớm đẩy lùi dịch bệnh”. Đồng chí Lê Minh Thông, Bí thư Đảng ủy Phường 16 khẳng đinh: Chúng tôi đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 31 đã hỗ trợ tích cực cho địa phương trong phòng, chống dịch với tinh thần “vì nhân dân quên mình”, “vì nhân dân phục vụ”. Hiệu quả từ sự giúp sức của bộ đội đã tạo niềm tin, động lực để người dân đồng hành cùng các cấp phòng, chống dịch hiệu quả trong thời gian tới”.

(Còn nữa)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất