Đảng viên bỏ sinh hoạt đảng không còn là chuyện hiếm
Tính đến tháng 1-2019, Đảng bộ thành phố Hà Nội có 52 đảng bộ trực thuộc với 2.523 TCCSĐ. Tổng số đảng viên của toàn Đảng bộ là 441.341 đồng chí, sinh hoạt tại 17.273 chi bộ. Theo Ban Tổ chức Thành ủy, hiện nay chưa có kết quả khảo sát cụ thể về tình hình đảng viên bỏ sinh hoạt đảng trong Đảng bộ, nhưng qua theo dõi trong thời gian gần đây, tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt có chiều hướng gia tăng. Trong đó, số đảng viên bỏ sinh hoạt chưa bị xem xét, xử lý nhiều nhưng mới chỉ nắm được số đảng viên bỏ sinh hoạt đã bị cấp ủy có thẩm quyền quyết định xóa tên trong danh sách đảng viên. Từ đầu nhiệm kỳ 2015 -2020 đến nay, các cấp ủy trực thuộc Thành ủy đã xem xét, quyết định xóa tên 1.141 đảng viên do bỏ sinh hoạt Đảng. Trong đó, từ tháng 6-2015 đến tháng 12-2015 là 125 đảng viên; năm 2016 là 195 đảng viên; năm 2017 là 339 đảng viên; năm 2018 là 396 đảng viên; từ tháng 1-2019 đến 3-2019 là 86 đảng viên.
Đảng viên bỏ sinh hoạt đảng ở Đảng bộ TP. Hà Nội chủ yếu gồm các đối tượng: Đảng viên đi xuất khẩu lao động nước ngoài, không làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng ra tổ chức đảng ở ngoài nước, tự bỏ sinh hoạt đảng. Đảng viên đi làm ăn xa không tham gia sinh hoạt chi bộ hoặc được cấp ủy cơ sở cho đảng viên tạm miễn công tác và sinh hoạt trong thời gian tối đa là 1 năm. Quá thời gian đó đảng viên không tiếp tục sinh hoạt đảng cũng không báo cáo với chi bộ cho tiếp tục tạm miễn công tác và sinh hoạt đảng. Đảng viên trẻ là quân nhân xuất ngũ hoặc mới tốt nghiệp đại học ra trường chuyển sinh hoạt đảng về nơi cư trú, do việc làm không ổn định, nhận thức chưa đầy đủ nên tự bỏ sinh hoạt đảng. Đảng viên nghỉ hưu, mất sức, xuất ngũ, chấm dứt hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp không làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng về nơi cư trú hoặc có làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng nơi chuyển đi nhưng không nộp hồ sơ chuyển sinh hoạt đảng nơi chuyển đến. Đây là đối tượng đảng viên bỏ sinh hoạt đảng nhiều nhất nhưng cấp ủy có thẩm quyền rất ít xem xét đưa ra khỏi Đảng. Các đảng viên thuộc đối tượng này chủ yếu bị xem xét đưa ra khỏi Đảng khi có vi phạm pháp luật, cơ quan chức năng phát hiện trước đây đã từng là đảng viên nhưng hiện tại không tham gia sinh hoạt đảng. Nguyên nhân của thực trạng này là do sự phối hợp giữa tổ chức đảng có đảng viên chuyển đi với tổ chức đảng có đảng viên chuyển đến chưa chặt chẽ. Nơi chuyển đi không thực hiện đầy đủ viết phiếu báo đảng viên chuyển sinh hoạt đảng hoặc nơi đảng viên chuyển đến tiếp nhận phiếu báo đảng viên chuyển sinh hoạt đảng không theo dõi, xử lý kịp thời khi đảng viên không nộp hồ sơ chuyển sinh hoạt đảng.
Đi tìm nguyên nhân...
Chi bộ 6 thuộc Đảng bộ xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, 2 năm trước tiếp nhận 3 đảng viên là Đặng Duy Phương, Trịnh Bá Huỳnh, Đặng Xuân Hiếu xuất ngũ, chuyển về địa phương sinh hoạt. Tuy nhiên cũng trong 2 năm đó cả 3 đồng chí đều không chấp hành nghiêm túc quy định sinh hoạt đảng. Trước mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ, khi không thông báo trực tiếp được cho những đảng viên này, đồng chí bí thư chi bộ thường phải đến tận nhà nhờ sự giúp đỡ của những người thân trong gia đình họ. Tuy vậy, cũng không mấy khi họ sinh hoạt đủ. Bởi vậy, đầu năm 2019 chi bộ phải tiến hành thủ tục gửi cấp ủy có thẩm quyền xoá tên cả 3 đảng viên. Đồng chí Đinh Văn Tuấn, Bí thư Chi bộ cho biết: Trong quá trình gần 2 năm về sinh hoạt tại địa phương, chi bộ rất quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện, tạo điều kiện cho các đồng chí miễn sinh hoạt đảng để đi làm kinh tế. Nhưng hết thời gian 1 năm theo quy định, các đồng chí tiếp tục không tham gia sinh hoạt, cuối năm tổng kết để bình xét đảng viên các đồng chí cũng không về dự. Sau một thời gian động viên, xem xét, cuối cùng chi bộ đã họp đề nghị xem xét xóa tên đảng viên.
Lý giải việc theo quy định, trong vòng 3 tháng, đảng viên không tham dự sinh hoạt, cấp uỷ chi bộ đã phải tiến hành xem xét để xoá tên đảng viên, tuy nhiên, ở đây thời gian kéo dài tới 2 năm. Đồng chí Đinh Văn Tuấn chia sẻ: Để kết nạp được một đảng viên ở chi bộ nông thôn không dễ. Hơn nữa, các đồng chí còn trẻ, lại là nguồn từ quân đội chuyển về rất quý. Chúng tôi cũng muốn các đồng chí ở lại phục vụ cống hiến cho Đảng, nhưng anh em trả lời thật là vì bận làm kinh tế, không sắp xếp được thời gian và muốn xin ra khỏi Đảng. Dù nhiều trăn trở, nhưng không thể để đảng viên không khắc phục khó khăn thực hiện nhiệm vụ đảng viên, dù chỉ là tham gia sinh hoạt đầy đủ.
Là một trong những quận đi đầu của thành phố trong việc thực hiện các nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, thực hiện việc rà soát, sàng lọc đảng viên, Quận ủy Hai Bà Trưng đã xây dựng và ban hành Kế hoạch 139/KH/QU triển khai thực hiện. 86/86 TCCSĐ trực thuộc Quận uỷ đã tổ chức quán triệt nội dung đến cán bộ, đảng viên trong đảng bộ, chi bộ. Quận ủy ban hành kế hoạch kiểm tra nghiệp vụ công tác đảng viên tại 30/86 TCCSĐ, trong đó có nội dung về rà soát, sàng lọc đảng viên bỏ sinh hoạt đảng. Hằng năm, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác xây dựng Đảng, Quận ủy đều chỉ đạo cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy cơ sở kiểm tra việc thực hiện quy định về chế độ sinh hoạt đảng, chế độ đóng đảng phí, báo cáo Quận ủy. Năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, Ban Thường vụ Quận ủy quyết định xóa tên 37 đảng viên tự ý bỏ sinh hoạt đảng. Hiện nay, Quận ủy đang tiến hành các thủ tục xóa tên 35 đảng viên tự ý bỏ sinh hoạt đảng; 8 đảng viên đã chuyển công tác nhưng chưa chuyển sinh hoạt đảng; 8 đảng viên Quận ủy đã nhận được phiếu báo chuyển sinh hoạt đảng nhưng đảng viên chưa đến nộp hồ sơ. Các đảng viên chủ yếu tập trung ở các chi bộ trên địa bàn dân cư và doanh nghiệp tư nhân.
Kế hoạch 52/KH/ĐU của Đảng ủy phường Thanh Lương về thực hiện Chỉ thị 28 của Ban Bí thư và Kế hoạch 130 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quy định rõ: Định kỳ 6 tháng, Đảng ủy phường sẽ tiến hành kiểm tra các chi bộ thực hiện quy định về sinh hoạt đảng và quản lý đảng viên, thông báo kết quả kiểm tra, yêu cầu khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. Theo đó, đầu năm 2019, qua rà soát, sàng lọc đảng viên sinh hoạt tại 19 chi bộ thuộc Đảng bộ phường, Đảng ủy đang triển khai các thủ tục xóa tên 5 đảng viên bỏ sinh hoạt đảng gửi Quận ủy Hai Bà Trưng xem xét, xử lý. Ngoài ra, phường Thanh Lương được Quận ủy thông báo có 8 trường hợp chuyển sinh hoạt đảng về phường từ tháng 10-2018, nhưng cho đến nay đảng viên vẫn chưa chuyển hồ sơ về sinh hoạt.
Theo đồng chí Vũ Đức Loan, Bí thư Chi bộ 12, Đảng bộ Phường Thanh Lương: Chi bộ12 đã tiến hành rà soát, sàng lọc, đang triển khai các thủ tục gửi cấp ủy có thẩm quyền xem xét xoá tên đối với 2 trường hợp do không tham gia sinh hoạt đảng, nhiều tháng liền không đóng đảng phí. Trường hợp đồng chí Nguyễn Phương Thanh, đồng chí Bí thư Chi bộ đã gặp gỡ, động viên, trao đổi nhiều lần, tạo điều kiện để đồng chí miễn sinh hoạt tạm thời nếu bận. Nhưng do điều kiện công tác trong doanh nghiệp có vốn nước ngoài, thường xuyên phải đi công tác, không chấp hành được đúng quy định sinh hoạt đảng. Theo quy định Điều lệ Đảng, chi bộ kiên quyết sàng lọc, làm thủ tục gửi cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.
Làm việc với Đảng ủy phường Trần Phú (quận Hoàng Mai) chúng tôi được biết, từ năm 2012 đến nay đã tiến hành các thủ tục gửi cấp ủy có thẩm quyền xem xét xoá tên 8 đảng viên do vi phạm quy định sinh hoạt đảng, trong đó có đảng viên bỏ sinh hoạt đảng 12 tháng chi bộ mới tiến hành các thủ tục. Lý giải về việc này, đồng chí Trần Thu Hằng, cán bộ Văn phòng Đảng ủy cho biết các đảng viên đều lấy lý do bận việc gia đình, không đến, không liên lạc được.
Đồng chí Trần Quyết Thắng, Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Hai Bà Trưng cho biết: Phát triển đảng viên nói chung và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp cần chú ý đến chất lượng. Trong giai đoạn hiện nay, quá trình cổ phần hóa diễn ra rất nhanh, các doanh nghiệp có môi trường hoạt động ở địa bàn khác nhau… nên việc theo dõi, bồi dưỡng, hướng dẫn thưc hiện việc kết nạp rất khó khăn. Đã thế, lại chịu áp lực về chỉ tiêu số lượng kết nạp đảng viên khiến không ít tổ chức đảng chạy theo số lượng, ảnh hưởng đến chất lượng đảng viên được kết nạp. Nhiều đảng viên trẻ chưa nhận thức đúng đắn được mục đích vào Đảng, về vai trò và trách nhiệm của đảng viên. Sau khi được kết nạp do bận công việc, đi công tác… nên bỏ sinh hoạt đảng. Đó cũng chính là nguyên nhân cần được khắc phục trong phát triển đảng viên.
Đồng chí Bí thư Chi bộ 3 và Chi bộ 12 của phường Thanh Lương đều khẳng định: Phải tiến hành thủ tục xóa tên 1 đảng viên quả thực rất đau xót, trăn trở và cân nhắc rất kỹ của cấp ủy. Kỳ thực, tổ chức đảng không muốn phải đưa đảng viên ra khỏi Đảng bởi kết nạp được một đảng viên không dễ. Nhưng không thể không làm để giữ nghiêm kỷ luật đảng và nâng cao chất lượng đảng viên, thà ít mà tốt.
Dù với bất cứ lý do gì thì việc đảng viên bỏ sinh hoạt đảng là biểu hiện suy thoái, thiếu ý chí phấn đấu, rèn luyện vì mục tiêu lý tưởng của Đảng. Có những đồng chí khi đang công tác thì sinh hoạt đảng để tiến thân, khi về nghỉ hưu thì không muốn tham gia sinh hoạt đảng. Có những đồng chí lấy lý do sức khỏe để miễn sinh hoạt đảng, nhưng kỳ thực vẫn có thể đi thăm thân, du lịch... Khi đảng viên phai nhạt lý tưởng, không còn thiết tha với Đảng, thực hiện nhiệm vụ của đảng viên theo quy định tại Điều lệ Đảng, tự ý bỏ sinh hoạt đảng, tổ chức đảng không chỉ cần phát hiện, sàng lọc mà phải kiên quyết đưa ra khỏi hàng ngũ đảng viên.
(Còn nữa)
Bài 2: Không để khó khăn thành lực cản