Từ thực trạng của thành phố
Trong những năm qua, Đảng đoàn, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động TP. Hải Phòng đã tập trung tuyên truyền, phổ biến, thành lập mới tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Trọng tâm là việc tổ chức triển khai, quán triệt và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Kết luận 80-KL/TW ngày 29-7-2010 của Ban Bí thư tiếp tục thực hiện Chỉ thị 07-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị định 98/2014/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định việc mọi thành phần kinh tế”, “Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW ngày 30-1-2013 của Ban Tổ chức Trung ương về “Thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng”, “Nghị quyết số 28-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, hợp tác xã, trường học ngoài công lập”. Thông qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân và người lao động về vị trí, vai trò và sự cần thiết phải thành lập tổ chức đảng, đoàn thể, coi đó là điều kiện bảo đảm, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn thành phố lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2013- 2018, Ban Chấp hành liên đoàn lao động thành phố đã xây dựng Chương trình hành động số 647/Ctr-LĐLĐ ngày 30-12-2013 thực hiện Nghị quyết, trong đó xác định rõ trách nhiệm của tổ chức công đoàn các cấp tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng giai cấp công nhân thành phố vững mạnh, đồng thời xác định chỉ tiêu cụ thể trong cả nhiệm kỳ, đó là: Hằng năm, giới thiệu ít nhất 3.000 đoàn viên công đoàn, công nhân ưu tú để Đảng bồi dưỡng kết nạp, phấn đấu kết nạp 70.000 đoàn viên, 90% trở lên số doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên có tổ chức công đoàn.
Qúa trình triển khai thực hiện, các cấp công đoàn thành phố đã xây dựng Kế hoạch cụ thể triển khai chỉ đạo của Thành ủy và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với chỉ tiêu rõ ràng, phân công cán bộ phụ trách cũng như có các biện pháp cụ thể hỗ trợ công đoàn cơ sở, đặc biệt quan tâm các doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, tổ chức công đoàn. Các cấp công đoàn đã triển khai các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Thành ủy và Tổng Liên đoàn cho đội ngũ cán bộ công đoàn, người sử dụng lao động và lãnh đạo các doanh nghiệp, đặc biệt là lãnh đạo các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đồng thời mở các lớp tập huấn về phát triển các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, chú trọng công tác đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở.
Theo thống kê, tính đến 30-6-2018, thành phố Hải Phòng có 30.424 doanh nghiệp, 467 tổ chức đảng, trong đó có 330 chi bộ doanh nghiệp ngoài Nhà nước, 95 chi bộ hợp tác xã, 42 chi bộ sự nghiệp ngoài công lập. Tổng số công đoàn cơ sở là 2.677 đơn vị, trong đó công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước là 1.273 đơn vị, chiếm 47,5% với 174.653 đoàn viên. Nhiệm kỳ 2013-2018, các cấp công đoàn thành phố đã kết nạp mới 144.040/74.000 đoàn viên, đạt 194% kế hoạch, thành lập mới 639 công đoàn cơ sở, trong đó có 599/410 công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước đạt 146% kế hoạch.
Thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc phấn đấu mỗi năm bình quân mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu ít nhất 1 công nhân lao động ưu tú cho Đảng, Liên đoàn Lao động thành phố đã thống nhất giao chỉ tiêu vận động, giới thiệu đến các cấp công đoàn trực thuộc, bình quân mỗi năm toàn thành phố giới thiệu đến các cấp công đoàn trực thuộc, bình quân mỗi năm từ năm 2013 đến nay, các cấp công đoàn toàn thành phố đã giới thiệu được 16.374 đoàn viên ưu tú cho Đảng, trong đó có 12.506 đoàn viên được kết nạp lại đạt 66,8% tổng số đảng viên mới được kết nạp trong toàn Đảng bộ thành phố; có 4.223 đảng viên là công nhân lao động ở các loại hình doanh nghiệp đạt 22,57% tổng số đảng viên mới được kết nạp Đảng.
Mặc dù số lượng các doanh nghiệp có tổ chức đảng, đoàn thể còn ít so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, số lượng đảng viên là công nhân lao động được kết nạp Đảng chưa tương xứng với sự phát triển nhanh của lực lượng công nhân lao động thành phố, tuy nhiên bước đầu đã làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cán bộ đảng viên, đoàn viên, người lao động và chủ doanh nghiệp. Ở những doanh nghiệp thành lập được chi, đảng bộ, tổ chức đoàn thể đã góp phần củng cố được mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền, đoàn thể với doanh nghiệp; đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, công nhân lao động.
Qúa trình hoạt động, các tổ chức đảng, đoàn thể dần khẳng định được vị trí, vai trò trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên và người lao động thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động, chăm lo xây dựng hệ thống chính trị trong doanh nghiệp vững mạnh. Nhiều đồng chí cán bộ, đảng viên trong doanh nghiệp đã thể hiện được tính tiền phong, gương mẫu trong sản xuất kinh doanh, có ý thức rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, có đạo đức lối sống thân thiện, gần gũi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, người lao động, chủ doanh nghiệp tín nhiệm, yêu mến.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phát triển đảng trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước của TP. Hải Phòng còn gặp một số khó khăn như: Nhận thức của phần lớn công nhân lao động ngại tham gia hoạt động chính trị, không có ý thức tu dưỡng, rèn luyện để trở thành đảng viên, Số lượng công nhân lao động tăng nhanh song chất lượng nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, điều này tạo ra trở ngại lớn trong công tác vận động, bồi dưỡng công nhân lao động vào Đảng. Số lượng các tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể còn ít so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn, phân bố không đều ở giữa các quận, huyện, các khu vực nên việc bồi dưỡng, giúp đỡ công nhân lao động vào Đảng còn gặp khó khăn.
Vai trò, trách nhiệm, sự chủ động, tích cực của tổ chức công đoàn các cấp chưa được phát huy triệt để. Một số công nhân lao động trong doanh nghiệp đã là đảng viên, do nơi làm việc chưa có tổ chức đảng nên số đảng viên này về sinh hoạt tại địa phương nơi cư trú nhưng tổ chức công đoàn không nắm được. Mô hình tổ chức có nơi không thống nhất, thuộc nhiều đầu mối quản lý, do vậy, ít nhiều gây khó khăn cho việc lãnh, chỉ đạo cũng như tổ chức sinh hoạt của đảng viên, của cấp ủy, chi bộ trong các loại hình doanh nghiệp. Nội dung, phương thức hoạt động, nhất là vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa chủ doanh nghiệp và người lao động còn bất cập. Sự phối hợp của các cơ quan chức năng với tổ chức công đoàn trong việc xây dựng giai cấp công nhân, chăm lo đời sống, bảo đảm quyền lợi chính trị cho công nhân lao động thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, lãnh đạo tổ chức đoàn thể chưa thực sự quyết liệt, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới công tác xây dựng đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp giai đoạn hiện nay. Nhiều chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đúng mức vị trí, vai trò của tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp ngoài nhà nước nói riêng. Tác động của xu thế hội nhập quốc tế, mặt trái của cơ chế thị trường, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp để tồn tại ngày càng quyết liệt làm cho việc thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người lao động ngày càng phức tạp hơn, Thậm chí có giới chủ, người sử dụng lao động và đại diện của họ không muốn thành lập tổ chức hoặc làm giảm uy tín của tổ chức đảng, đoàn thể… Chính những khó khăn này đã khiến cho số lượng công nhân lao động được kết nạp Đảng tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước còn ít so với tổng số đảng viên mới được kết nạp cũng như số lượng công nhân lao động trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Đến những giải pháp phù hợp
1. Nhằm khắc phục những khó khăn, tồn tại trong công tác phát triển đảng trong công nhân lao động trên địa bàn TP. Hải Phòng, nhằm xây dựng giai cấp công nhân đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước và TP. Hải Phòng trong giai đoạn 4.0 hiện nay, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất về nhận thức trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên và chủ doanh nghiệp về nhiệm vụ xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.
2. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước phải hướng vào thúc đẩy thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp; phát huy vai trò các đoàn thể cùng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ lợi ích chính đáng cho người lao động và doanh nghiệp.
3. Phải thường xuyên quan tâm chỉ đạo chặt chẽ công tác xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể, quan tâm kết nạp đảng đối với chủ doanh nghiệp, những công nhân trẻ có trình độ. Việc tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng phải chú ý đến những quần chúng có uy tín, nắm giữ các vị trí quan trọng là cán bộ công đoàn cơ sở. Nghiên cứu việc phát triển đảng viên đối với những quần chúng ưu tú được công đoàn bồi dưỡng ở nơi chưa có tổ chức đảng.
4. Tổ chức công đoàn phải làm tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích của công nhân lao động ở từng doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa các phong trào hành động cách mạng, thi đua yêu nước với những nội dung cụ thể, thiết thực trong công nhân. Qua đó, phát hiện, bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện những đoàn viên công đoàn ưu tú để giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp.
5. Cấp ủy, chi bộ, đảng ủy khối doanh nghiệp, đảng ủy khu kinh tế cần mở các lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp đảng với nội dung và tài liệu ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng, bố trí thời gian, địa điểm thích hợp, sắp xếp thời gian ngoài giờ, tổ chức riêng cho đối tượng là công nhân tại các khu công nghiệp phù hợp và hiệu quả.
6. Gắn việc xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước với công tác thi đua khen thưởng của nhà nước để tạo thuận lợi trong việc thúc đẩy thành lập tổ chức đảng cũng như tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp.