Họ là đảng viên cộng sản

Cán bộ Biên phòng Quảng Trị thăm hỏi ông Hồ Khắc Lợi.

Sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giang sơn thu về một mối, hai nước Việt - Lào cùng bước vào công cuộc tái thiết đất nước, tiến theo con đường chủ nghĩa xã hội. Giữa bộn bề công việc, lãnh đạo hai Đảng, hai đất nước đã sớm thống nhất giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ. Ngày 18-7-1977, “Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào” đã được kí kết.


Cũng như 10 tỉnh biên giới Việt - Lào khác, vùng biên giới Quảng Trị cũng có nhiều thay đổi về hành lang, mốc giới giữa hai nước, dẫn đến việc có nhiều vùng đất của bạn quy thuộc về ta và ngược lại. Tháng 7-1979, đồng chí Hồ Lôi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy huyện Nam Hướng Hóa đã bàn giao cho chính quyền bạn các bản quy thuộc sang đất Lào. Đảng viên và nhân dân đang sinh sống tại các bản được trưng cầu ý kiến là chuyển về Việt Nam hay ở lại bản cũ.

Khi ấy, có 7 đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam do điều kiện lịch sử đã chọn ở lại nơi chôn nhau cắt rốn và được bạn hướng dẫn, làm thủ tục để trở thành đảng viên Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, đồng thời có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của khu vực biên giới tỉnh Sa-la-van hôm nay. Điển hình là ông Hồ Khắc Lợi, dân tộc Pa Cô, nguyên Chủ tịch Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh và ông Thi Văn Ngọa, dân tộc Pa Cô, nguyên cựu chiến binh Đoàn Bắc Sơn, nguyên cán bộ văn hóa của tỉnh.

Trong cuốn lịch sử đảng bộ huyện Sa Muội, có những trang viết chi tiết về cuộc đời và sự nghiệp của người đảng viên đặc biệt Hồ Khắc Lợi. Sinh năm 1942 tại huyện vùng biên Hướng Hóa, người thanh niên Pa Cô ấy đã hoạt động cách mạng từ khi còn rất trẻ với bí danh Sô-vê La-va. Ngày 2-3-1961, khi đang chiến đấu tại khu vực A Lưới, ông vinh dự được kết nạp và trở thành đảng viên Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam do đồng chí Phạm Hùng làm Bí thư. Ông Lợi cho biết, ông từng được cử ra học nghiệp vụ tại Trường Công an nhân dân vũ trang tại Sơn Tây và được điều động nhận công tác tại lực lượng an ninh miền Nam, có nhiệm vụ chỉ đạo công tác bảo vệ cho dân công vận tải lương thực, đạn dược tiếp ứng cho mặt trận Bình Trị Thiên để chuẩn bị giải phóng miền Nam.

Khi quê hương Tù Muồi của ông quy thuộc về đất Lào cũng là lúc ông Lợi đang đảm nhận vai trò Bí thư Đảng ủy xã. Sau đó xã Tù Muồi được đổi tên thành cụm bản Ba và giữ nguyên tên gọi đó cho tới nay. Đảng viên Hồ Khắc Lợi cũng được Đảng bộ huyện Sa Muội hướng dẫn làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng và trở thành đảng viên Đảng Nhân dân Cách mạng Lào từ năm 1980. Vốn là một chiến sĩ an ninh miền nam, giỏi nghiệp vụ và công tác dân vận, lại thông thạo ba thứ tiếng (tiếng Việt, tiếng Lào, tiếng Pa Cô - Vân Kiều) nên ông Lợi đặc biệt phát huy tốt vai trò xây dựng cơ sở chính trị và phát triển kinh tế cho vùng biên giới mới giải phóng còn nhiều hoang vu, khắc nghiệt.

Năm 1990, ông được tín nhiệm bầu là tỉnh ủy viên, giữ chức Bí thư Huyện ủy huyện Sa Muội. Thật khó có thể kể hết những khó khăn mà người chiến sĩ cộng sản ấy phải trải qua để cùng Đảng bộ và Nhân dân huyện Sa Muội vươn lên thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Thời điểm đó từ huyện lên tỉnh chưa có đường ô tô, mỗi lần đi họp là phải đi bộ mất mấy ngày đường nhưng ông vẫn miệt mài lên gặp các đồng chí lãnh đạo tỉnh Sa-la-van cũng như huyện Hướng Hóa, Việt Nam để đề xuất những dự án nhằm giúp đỡ cho nhân dân trong huyện phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng và kết nối tình đoàn kết giữa nhân dân hai bên biên giới.

Ông Khăm Tà, Bí thư Huyện ủy Sa Muội chia sẻ, những năm tháng đồng chí Hồ Khắc Lợi làm Bí thư Huyện ủy, bà con 8 cụm bản trực thuộc huyện Sa Muội đã quen với hình ảnh người Bí thư cùng nhân dân xắn quần lội ruộng, xắn tay áo san đường, lấp hố để nối thông các bản, giúp bà con không phải luồn rừng mà đi như trước. Năm 1993, Bí thư Hồ Khắc Lợi được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh Sa-la-van cho tới năm 2004 mới nghỉ hưu, trở lại sinh sống tại quê nhà và tiếp tục đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ cụm bản Ba. Hai người con của ông đều là cán bộ, đảng viên của huyện Sa Muội. Ở tuổi 75, trong trái tim người đảng viên, người chiến sĩ cách mạng lão thành ấy, sắc cờ đỏ búa liềm luôn tươi thắm dẫu có bay trên đất Việt hay đất Lào, thúc giục ông cống hiến nhiều hơn nữa cho nhân dân và tình đoàn kết giữa hai dân tộc.

Nếu người dân Hướng Hóa - Sa Muội có niềm tự hào về Bí thư Hồ Khắc Lợi thì bà con vùng biên giới Quảng Nam cũng luôn nhắc tới người có biệt danh “Linh hồn người Quảng ở Sê Kông”. Thảnh thơi sống những tháng ngày bình dị ở bản Nô-mi-say, huyện Lạ Màn, tỉnh Sê Kông, ông Buôn Nhơn, tên Việt là Lê Viết Muồng vẫn thường tiếp đón những người đồng chí từ Việt Nam sang thăm hỏi. Trên tường nhà, ông trang trọng treo những tấm Huy chương Chiến thắng, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động của Nhà nước Việt Nam và Lào. Năm 2014, khi cùng đoàn làm phim của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam sang ghi hình cho bộ phim “Quảng Nam - Sê Kông sâu nặng nghĩa tình” tôi đã có dịp trò chuyện cùng bậc lão thành cách mạng ấy...

Sinh ra trên vùng đất Hội An cổ kính năm 1928, trong Cách mạng Tháng Tám, người trai xứ Quảng tên Lê Viết Muồng đã gia nhập Trung đoàn quân sự bảo vệ tỉnh Quảng Nam. Sau quá trình học tập đường lối cách mạng, cương lĩnh của Đảng Cộng sản và tham gia một khóa huấn luyện kỹ- chiến thuật tác chiến, Lê Viết Muồng cùng 9 đồng chí khác được Khu ủy khu V chọn cử sang hoạt động giúp bạn xây dựng lực lượng và cơ sở cách mạng tại các tỉnh Nam Lào.

Ông kể rằng, ngày ấy vừa chiến đấu, vừa công tác giữa bối cảnh cách mạng hai nước đều còn non trẻ, cán bộ hoạt động trên đất bạn đã phải trải qua rất nhiều cam go, thử thách. Rừng dày sương lạnh luôn rình rập quật ngã con người, lương thực, thực phẩm lúc nào cũng thiếu mà lòng người biên giới còn hoang mang, lo sợ và chưa tin tưởng vào cách mạng, vào bộ đội Việt Nam. Để hòa mình cùng cuộc sống với dân làng, ông và cán bộ trong Đội công tác đã tự nguyện “cà răng, căng tai”, đóng khố như đồng bào...

Trưởng thành trên đất bạn, năm 1949, ông Muồng trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau khi mỗi quốc gia ở Đông Dương có đảng riêng, năm 1955, tại Đại hội lần thứ nhất Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, ông trở thành một trong gần 400 đảng viên của đảng này. Ông cũng chính thức là công dân Lào với tên gọi là Buôn Nhơn. Nói tiếng Lào thông thạo và am hiểu văn hóa, phong tục nước bạn, trong quá trình làm nhiệm vụ cách mạng, cùng một lúc Buôn Nhơn đảm nhận rất nhiều vai trò. Có nơi ông là thầy giáo dạy chữ Lào cho con trẻ, có bản ông hướng dẫn bà con trồng cấy theo phương pháp của người Việt để có năng suất cao. Hoặc ông trở thành cán bộ xây dựng phong trào văn hóa, là kỹ sư cầu đường vận động bà con mở đường chiến lược cho Quân đội.

Những căn cứ cách mạng vững chắc của hai Đảng, hai đất nước cứ ngày một nhiều hơn lên trên khu vực biên giới các tỉnh Hạ Lào. Năm 2014, hơn 400 người của các bản Tăng Ta Lăng, Tăng Noong, Chi Tơ… thuộc hai huyện Kà Lừm và Đăk Chưng của tỉnh Sê Kông đã được Tỉnh ủy Quảng Nam khen thưởng và hỗ trợ kinh phí vì đã có nhiều đóng góp cho cách mạng Việt Nam. Họ cũng chính là những người đồng chí, đồng đội của Buôn Nhơn trong những năm tháng gian khó “đóng khố, ăn măng le” đánh giặc.

Năm 1970, Buôn Nhơn được bầu làm tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Sa-la-van. Ông đã có nhiều sáng kiến để cùng với đảng bộ và chính quyền các cấp lãnh đạo nhân dân các bộ tộc Lào khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống và hàn gắn vết thương chiến tranh. Năm 1981, Buôn Nhơn trở lại Việt Nam theo học tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Cho tới năm 1984, khi tỉnh Sê Kông được thành lập, ông trở thành Ủy viên BCH Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư Tỉnh ủy Sê Kông. Tiếp đó, ông được bổ nhiệm làm Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Nghỉ hưu năm 1992, ông tham gia Hội hữu nghị Quảng Nam - Sê Kông và tiếp tục nỗ lực vun đắp cho tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai tỉnh, hai đất nước.

Ngược về biên giới Hà Tĩnh, một vùng đất cũng là nơi tỏa sáng tình đoàn kết gắn bó giữa hai đảng, hai dân tộc Việt - Lào. Đi một vòng tham quan cụm bản thuộc huyện Căm Cớt, tỉnh Bô-ly-khăm-xay, phóng tầm mắt về phía đông ngắm đỉnh núi Giăng Màn trùng điệp giữa mây ngàn sương trắng lại khiến chúng ta hình dung về những đôi vai trần của bao chàng trai, cô gái Lào năm xưa đã sát cánh cùng bộ đội Việt Nam tạo nên những cây cầu tre bắc trên vai người để hàng ngàn tấn vũ khí, lương thực, thuốc men vượt qua truông, qua suối, chuyển vào tuyến lửa. Rồi những ngày tháng sau, nhân dân các bản Thoọng Pẹ, Na Pê, Lạc Xao, Na Hạt… cũng là những người đầu tiên đổ ra đường chào đón hàng vạn quân tình nguyện Việt Nam sang chiến đấu vì đất nước và nhân dân Lào anh em. Nghĩa tình ấy sẽ còn mãi, còn mãi.

Khi đến Căm Cớt, bạn sẽ luôn được nghe câu chào dễ thương của những người bạn Lào hồn hậu: “Việt Nam - Lào Xa-ma-khi” (Việt - Lào đoàn kết). Bạn cũng đừng ngạc nhiên khi nghe ai đó nói một câu tiếng Việt “Anh chị mới ở quê ta sang đấy à”. Đại úy Phạm Hùng Sơn, phiên dịch viên tiếng Lào của Đồn Biên phòng cửa khẩu Cầu Treo đưa chúng tôi đến thăm nhà một số gia đình người Mông của xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Nghệ An hiện đang an cư tại bản Thoọng Pẹ từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, nay đã trở thành một phần quan trọng trong cộng đồng cư dân ở bản. Một cách tích cực, họ đã có nhiều đóng góp trong việc tham mưu giúp lãnh đạo bản và nhân dân trong việc phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống.

Ông Dông Dé, Trưởng bản Thoọng Pẹ cho biết, thời điểm đó có 4 đồng chí đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam do sang sinh sống cùng với con là Vừ Song Dở, Vừ Dông Nụ, Vừ Nhìa Bì và Vừ Ga Rê đã đề nghị với chính quyền và chi bộ đảng cơ sở cho đăng kí hộ khẩu và sinh hoạt đoàn thể chính trị. Khi mới sang, Huyện ủy Căm Cớt đã tạo điều kiện cho 4 đồng chí sinh hoạt đảng 3 năm để từng bước ổn định cuộc sống. Tiếp đó, bạn hướng dẫn, giúp đỡ chuyển giấy tờ từ Việt Nam sang, chính thức nhập quốc tịch Lào và chuyển Đảng, trở thành đảng viên Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Khi tham gia sinh hoạt đảng, các đảng viên mới chuyển này cũng đã có nhiều đóng góp hữu ích trong việc tham gia xây dựng cơ sở, xây dựng Đảng cho chính quyền của bản.

Ông Vừ Dông Nụ, một trong 4 đảng viên được giúp đỡ chuyển Đảng ngày ấy đã trở thành Chủ tịch Mặt trận Lào xây dựng đất nước của bản Thoọng Pẹ trong nhiều khóa. Ông được Trưởng bản Dông Dé coi như anh em ruột vì đã giúp trưởng bản được “việc tốt nhiều nhiều” và giúp dân bản Thoọng Pẹ biết thêm nhiều điều hay, cái đầu sáng thêm nhiều ý tốt. Nhà của Dông Nụ bây giờ khá giả lắm, có tới 3 ô tô cùng 3 héc-ta đất ruộng, 15 héc-ta đất rẫy. Hai người con của ông đều là đảng viên, công tác tại Phòng Kế hoạch đầu tư huyện Căm Cớt.

Cũng như Dông Nụ, gia đình các ông Vừ Nhìa Bì, Vừ Song Dở, Vừ Ga Rê cũng đã trở thành những hộ có kinh tế vững chắc của bản. Con trai ông Vừ Nhìa Bì cũng là đảng viên, hiện là Trưởng phòng Giáo dục huyện Viêng Thoong, tỉnh Bô-ly-khăm-xay. Cho tôi xem những tấm thẻ đảng của cả hai Đảng, các ông đều bảo nhớ quê nhiều, bất cứ lúc nào quê hương, bà con thân thuộc của các ông gặp khó cần giúp đỡ là sẽ giúp hết sức mình. Còn đại úy, bác sĩ Nguyễn Việt Đức, Trạm trưởng Trạm y tế Thoọng Pẹ thì cho biết, Huyện ủy Căm Cớt cũng như các đảng viên của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào thuộc chi bộ Thoọng Pẹ đều ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của các đảng viên Việt Nam trong quá trình sinh sống, làm việc và sinh hoạt đảng trên đất nước bạn.

Đặc biệt, dù đã sâu rễ bền gốc trên quê hương mới, được nhân dân các bộ tộc Lào cưu mang, giúp đỡ, nhưng những người đảng viên sống dọc dải đất biên giới vẫn nặng lòng hướng về triền Đông chang chang nắng đốt. Ở đó, cha ông họ hay chính bản thân họ đã được mẹ chôn cuống nhau xuống đất ấm để nhắc nhở trong mình vẫn đang chảy dòng máu Việt Nam. Họ là sợi dây kết nối tình đoàn kết giữa nhân dân các bộ tộc Lào và nhân dân Việt Nam sống hai bên biên giới. Đồng thời, họ cũng là “tai mắt” giúp Bộ đội Biên phòng Việt Nam trong việc nắm bắt mọi diễn biến trên khu vực biên giới, cung cấp thông tin về các đường dây tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy và hàng lậu từ Lào về Việt Nam.

Rời Thoọng Pẹ giữa mùa hoa gừng nở, tôi hiểu thêm rằng, để biên cương mãi thắm màu xanh của núi rừng, sắt son tình hữu nghị hai nước Việt Nam - Lào rất cần đến sự chung tay, góp sức của biết bao người, trong đó có những con người giản dị mà tôi đã gặp.

-----

(1) Trích bài hát “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn” của nhạc sĩ Hoàng Hà.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất