Bàn về nội dung, phương thức cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam

1. Đảng cầm quyền và đảng cộng sản cầm quyền

Khái niệm đảng cầm quyền (ĐCQ) xuất hiện rất sớm trong đời sống chính trị các nước tư bản chủ nghĩa (TBCN), ngay sau khi các đảng chính trị đầu tiên ra đời, các đảng đó đã trở thành chỗ dựa chính trị cho các đại biểu tư sản nắm giữ, chi phối các cơ quan nhà nước như chính phủ, quốc hội. Sự ra đời của Đảng Tô-ry và Đảng Uých (nước Anh) sau những năm 1688 là ví dụ điển hình[1]

Lịch sử ra đời của các chính đảng tư sản trong cách mạng tư sản cho thấy, do cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản chống phong kiến, nhiều đảng tư sản đại diện cho các tập đoàn tư bản khác nhau, cùng hợp tác đấu tranh chống chế độ chuyên chế phong kiến, nên thành quả của cách mạng là thành quả chung, được phân chia cho các chính đảng khác nhau tuỳ theo thế và lực của mỗi đảng. Từ đó, hình thành chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, các đảng vừa hợp tác, vừa đấu tranh với nhau cho mục tiêu cầm quyền của đảng mình. Hiện nay, để trở thành ĐCQ ở các nhà nước dân chủ tư sản, vận hành trong khuôn khổ pháp quyền tư sản, các đảng chính trị nhất thiết phải qua đấu tranh nghị trường giành sự tín nhiệm của cử tri, thông qua việc nhân dân bầu cử cho đảng, hoặc cho các đại biểu của đảng vào nghị viện (quốc hội), đảng nào giành được đa số các ghế trong nghị viện, sẽ đứng ra lập chính phủ và trở thành ĐCQ. Nếu không giành được số ghế cần thiết thì phải liên minh với một trong các đảng chính trị khác để thành lập chính phủ (liên minh cầm quyền). 

Về vấn đề đảng cộng sản (ĐCS) cầm quyền, tuy C.Mác và Ph.Ăng-ghen chưa dùng cụm từ “ĐCS cầm quyền” nhưng các cụm từ “giai cấp vô sản giành lấy chính quyền”, “giai cấp vô sản trở thành giai cấp thống trị”, “chuyên chính của giai cấp vô sản”… được các ông sử dụng khá thường xuyên và phân tích ở những khía cạnh khác nhau. Trong Tuyên ngôn của ĐCS, C.Mác và Ph.Ăng-ghen chỉ ra rằng: “Mục đích trước mắt của những người cộng sản cũng là mục đích trước mắt của tất cả các đảng vô sản khác: tổ chức những người vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản giành chính quyền”[2]. Trong Lời kêu gọi của BCH Trung ương gửi Liên đoàn những người cộng sản, tháng 3-1850, C.Mác và Ph.Ăng-ghen nhấn mạnh: “Lợi ích của chúng ta và nhiệm vụ của chúng ta là phải làm cho cách mạng trở thành cách mạng không ngừng, cho đến khi tất cả các giai cấp ít hay nhiều hữu sản đều bị gạt ra khỏi chính quyền, cho đến khi giai cấp vô sản giành được chính quyền nhà nước”[3]. Đặc biệt, khi tổng kết kinh nghiệm của Công xã Pa-ri (1871), tư tưởng cơ bản về “đảng cộng sản cầm quyền” đã được thể hiện trong tác phẩm Nội chiến ở Pháp và một số lời tựa Ph.Ăng-ghen viết cho các lần xuất bản các tác phẩm của C.Mác thời kỳ này. C.Mác viết: “Giữa những hành vi đớn hèn và phản bội của giai cấp thống trị, những người vô sản Pa-ri đã hiểu rõ rằng đã đến lúc phải tự mình quản lý lấy công việc xã hội để cứu vãn tình thế… Giai cấp vô sản hiểu rõ rằng nghĩa vụ tối cao và quyền tuyệt đối của mình là phải tự mình làm chủ vận mệnh của mình, tự mình nắm lấy chính quyền”[4]

Trước Cách mạng Tháng Mười, trong một số tác phẩm, V.I.Lê-nin đã khẳng định vấn đề chính quyền là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng; đi sâu làm rõ nội hàm của khái niệm nhà nước chuyên chính vô sản, một nhà nước kiểu mới, chỉ xuất hiện sau thắng lợi của cách mạng vô sản do đảng tổ chức và lãnh đạo. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười năm 1917, V.I.Lê-nin thường dùng các thuật ngữ: Người cộng sản giành chính quyền, giữ chính quyền, ĐCQ, đảng chấp chính... V.I.Lê-nin cho rằng: “Sự phát triển của Đảng Bôn-sê-vích, là đảng hiện nay đang cầm quyền ở Nga, đã chỉ ra một cách đặc biệt rõ ràng cho chúng ta thấy rằng bước ngoặt lịch sử mà chúng ta đang trải qua - cái bước ngoặt nói lên đặc điểm của tình thế chính trị hiện nay và đòi hỏi chính quyền Xô-viết phải tìm ra phương hướng mới tức là cách thức mới để đề ra những nhiệm vụ mới - là như thế nào”[5].

Như vậy, có thể hiểu, ĐCS cầm quyền là thuật ngữ phản ánh thời kỳ cách mạng thành công, chính quyền thuộc về giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng được giai cấp công nhân và nhân dân uỷ quyền xây dựng, bảo vệ và sử dụng chính quyền cách mạng để thực hiện mục tiêu xây dựng thành công CNXH, vì lợi ích của nhân dân.


2. Về Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “Đảng ta là một ĐCQ - Di chúc” trong khi vẫn còn có hai đảng chính trị khác là Đảng Dân chủ (thành lập năm 1944) và Đảng Xã hội (năm 1946). Hai đảng này tự giải thể năm 1988. Cho đến nay, ĐCS Việt Nam luôn được nhân dân tin tưởng, thừa nhận là “ĐCQ lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, và được khẳng định trong Hiến pháp 2013. 

Hiện nay, đang có những ý kiến khác nhau về khái niệm “ĐCS Việt Nam cầm quyền” hay “ĐCS Việt Nam lãnh đạo chính quyền”. Thật ra, đây là 2 mặt của một thực thể, thống nhất với nhau và cùng tồn tại. Khi nói đến ĐCS Việt Nam cầm quyền là nói đến vị trí cầm quyền của Đảng, còn khi nói ĐCS Việt Nam lãnh đạo là nói đến chức năng, vai trò lãnh đạo của Đảng. Năng lực cầm quyền của Đảng dung chứa trong nó cả năng lực lãnh đạo chính trị và năng lực xây dựng, sử dụng chính quyền nhà nước. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị (HTCT) và thông qua đó Đảng thực hiện nhiệm vụ cầm quyền. ĐCS Việt Nam cầm quyền, nghĩa là Đảng được nhân dân uỷ cho quyền thiết lập, xây dựng, sử dụng bộ máy nhà nước và bố trí đội ngũ cán bộ của Đảng vào các cơ quan nhà nước để thực thi quyền lực nhà nước. Từ những lý giải trên, có thể tạm quan niệm: ĐCS Việt Nam cầm quyền là khi Đảng lãnh đạo cách mạng thành công, chính quyền thuộc về giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng được nhân dân uỷ quyền thiết lập xây dựng, bảo vệ và sử dụng chính quyền thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, phục vụ lợi ích của nhân dân và dân tộc.

Hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau về khái niệm "nội dung cầm quyền" và "phương thức cầm quyền" của ĐCS Việt Nam. Rất mong bạn đọc Tạp chí Xây dựng Đảng trao đổi làm rõ thêm về những nội dung này. Ý kiến phản hồi có thể ghi phía dưới bài viết này, hoặc gửi email: toasoan@xaydungdang.vn, hoặc gửi bài viết về Tòa soạn theo địa chỉ: Tạp chí Xây dựng Đảng, số 105B Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội.


[1]. Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng, Lịch sử thế giới cận đại, Nxb Giáo dục, H.1999, tr.32.
[2], [3]. C.Mác và Ph.Ăng-ghen (1995), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 4, tr.615; tập 7, tr.346-347.
[4]. C.Mác và Ph.Ăng-ghen (1981), Tuyển tập, Nxb Sự thật, H. tập 4, tr.87- 88.
[5]. V.I.Lê-nin, Toàn tập (1978) Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, tập 36, tr.208-210.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất