Từ năm 1948 trở về trước, công tác kiểm tra của Đảng do các cấp ủy và chi bộ tiến hành. Cuối năm 1948 đến nay, căn cứ yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, quy mô tổ chức, điều kiện hoạt động của Đảng trong từng thời kỳ, cơ quan kiểm tra chuyên trách của Đảng từng bước được tổ chức, kiện toàn, ngày càng hoàn chỉnh. Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên của Đảng được thành lập ngày 16-10-1948 theo Quyết nghị số 29-QN/TW của Ban Thường vụ Trung ương Đảng (khoá I) do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng ký. Tiếp đó, ban kiểm tra của cấp khu ủy được thành lập vào những năm 1948, 1949. Tháng 3 năm 1951, BCH Trung ương có Nghị quyết quy định: "Ban Kiểm tra Trung ương kiêm Ban Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm kiểm tra cả trong quân đội". Ban kiểm tra của cấp tỉnh ủy, thành ủy được thành lập vào những năm 1956, 1957. Tháng 4 năm 1957, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 16-CT/TW, tách Ban Kiểm tra của Đảng và Ban Thanh tra của Chính phủ. Đến Đại hội III (1960) của Đảng, ban kiểm tra được thành lập đến cấp huyện ủy và tương đương. Từ Đại hội thứ lần thứ IV của Đảng (1976), ban kiểm tra được tổ chức đến đảng ủy cơ sở.
Thực tế hiện nay, ủy ban kiểm tra các cấp do cấp ủy cùng cấp bầu và cấp ủy cũng ban hành quy chế làm việc cho ủy ban kiểm tra. Do đó, bàn về đổi mới tổ chức bộ máy và hoạt động của ủy ban kiểm tra rất khó. Trước hết phải đổi mới tư duy của các cấp ủy, cần đổi mới từ gốc, tức là đổi mới từ cách thức thành lập ủy ban kiểm tra các cấp để ủy ban kiểm tra các cấp là cơ quan chuyên trách về kiểm tra, giám sát của Đảng, không phải cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy. Vấn đề là phải trở lại quan điểm về xây dựng Đảng kiểu mới của V.I.Lê-nin: Ủy ban kiểm tra các cấp do đại hội đảng cấp đó bầu ra.
1. Đổi mới cách thức thành lập ủy ban kiểm tra
Cần phải có quyết tâm chính trị cao trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó cần phải đổi mới nhận thức và nâng vị thế của ủy ban kiểm tra lên thành cơ quan kiểm tra và giám sát của Đảng, có tính độc lập tương đối với cấp ủy trong việc thực nhiệm vụ kiểm tra, giám sát do Điều lệ Đảng quy định. Trước hết, việc thành lập ủy ban kiểm tra nên do đại hội đảng cùng cấp bầu.
Tổ chức bộ máy, số lượng ủy viên ủy ban kiểm tra các cấp đã được xác định trong Điều lệ Đảng và các quy định, quyết định, hướng dẫn của BCH Trung ương, Bộ Chính trị. Nhưng hiện nay vẫn chưa thống nhất, nơi thì ủy viên ủy ban kiểm tra đều là chuyên trách, nơi thì có ủy viên ủy ban kiểm tra kiêm nhiệm. Nên chăng: Bỏ cơ cấu thành viên ủy ban kiểm tra kiêm nhiệm để tăng cường ủy viên chuyên trách. Vì trong thực tế, ở nhiều nơi số đồng chí là ủy viên kiêm nhiệm hoạt động hạn chế, ít hiệu quả do phải tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn là chính, lại chưa có chế độ đãi ngộ nên cũng chưa nhiệt tình với công tác kiểm tra, giám sát.
2. Đổi mới hoạt động của ủy ban kiểm tra
Đổi mới mối quan hệ giữa cấp ủy với ủy ban kiểm tra và mối quan hệ giữa ủy ban kiểm tra cấp trên với ủy ban kiểm tra cấp dưới. Đây là những mối quan hệ cơ bản chi phối toàn bộ quá trình hoạt động của Ngành Kiểm tra Đảng, quyết định chất lượng, hiệu quả toàn bộ hoạt động công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng.
Đổi mới mối quan hệ giữa cấp ủy với ủy ban kiểm tra:
Một là, cần đổi mới nhận thức trong quan hệ giữa cấp ủy với ủy ban kiểm tra. Khắc phục tình trạng cấp ủy "khoán trắng" công tác kiểm tra, giám sát cho ủy ban kiểm tra. Tình trạng một số cấp ủy vẫn "khoán trắng" công tác kiểm tra, giám sát cho ủy ban kiểm tra đã từng diễn ra trong thời gian dài và khá phổ biến. Nguyên nhân có phần do nhận thức chưa đúng của cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy hoặc tuy cấp ủy nhận thức được vai trò lãnh đạo đối với ủy ban kiểm tra, nhưng do những khó khăn, phức tạp nên có tư tưởng né tránh, đùn đẩy cho ủy ban kiểm tra.
Hai là, cần nhận thức đúng về tính độc lập tương đối của ủy ban kiểm tra trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Hằng năm, cấp ủy lãnh đạo ủy ban kiểm tra thực hiện Điều 32 Điều lệ Đảng, định kỳ yêu cầu ủy ban kiểm tra báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao… Nhưng trong quá trình lãnh đạo cần giải quyết tốt quan hệ giữa tập trung lãnh đạo với tạo điều kiện để ủy ban kiểm tra hoạt động đúng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Điều lệ Đảng quy định, tạo cho ủy ban kiểm tra thực hiện nhiệm vụ có tính độc lập tương đối - chỉ tuân thủ theo quy định của Điều lệ Đảng và quy định của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Bảo đảm tính khách quan, nghiêm minh, chính xác, kịp thời khi xem xét, kết luận và chịu trách nhiệm trước cấp ủy.
Ba là, đổi mới cách truyền đạt thông tin của cấp ủy đối với ủy ban kiểm tra. Định kỳ thông tin cho ủy ban kiểm tra những vấn đề quan trọng để ủy ban kiểm tra có điều kiện thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy và thực hiện nhiệm vụ cấp ủy giao.
Bốn là, phải duy trì tốt việc thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy và quy chế làm việc của ủy ban kiểm tra, coi đó là cơ sở để duy trì thường xuyên mối quan hệ giữa cấp ủy với ủy ban kiểm tra. Một trong những hạn chế thường xảy ra ở nhiều cấp ủy là có xây dựng quy chế làm việc, song không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ những nội dung quy định trong quy chế. Cần đổi mới và hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy, trong đó có cả nội dung lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác kiểm tra, giám sát.
Trong các quy chế hoạt động của tất cả các cấp ủy đều có điều khoản giao cho ủy ban kiểm tra giúp cấp ủy giám sát việc thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy cấp mình. Qua thực tế cho thấy, quy định như trên là thiếu tính khả thi vì ủy ban kiểm tra không có điều kiện giám sát toàn diện. Vì vậy, nên giao cho ủy ban kiểm tra cấp trên nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy cấp dưới trực tiếp. Khi ủy ban kiểm tra cấp trên tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy cấp dưới sẽ có tác động rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo của cấp ủy đối với ủy ban kiểm tra cùng cấp.
Làm rõ mối quan hệ giữa ủy ban kiểm tra và cơ quan ủy ban kiểm tra:
Về chức năng của cơ quan ủy ban kiểm tra cần xác định rõ tham mưu, giúp cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy; giúp ủy ban kiểm tra cấp mình và thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát theo quy định.
Về nhiệm vụ, quy định cụ thể nhiệm vụ của cơ quan ủy ban kiểm tra để không lẫn với nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra. Cơ quan ủy ban kiểm tra có phương pháp làm việc như các ban khác của Đảng trong cùng hệ thống.
Đổi mới mối quan hệ giữa ủy ban kiểm tra cấp trên với ủy ban kiểm tra cấp dưới:
Nếu ủy ban kiểm tra do cấp ủy cùng cấp bầu như hiện nay thì theo quy định của Điều lệ Đảng, mối quan hệ giữa ủy ban kiểm tra cấp trên với ủy ban kiểm tra cấp dưới là quan hệ chỉ đạo, hướng dẫn về công tác kiểm tra và kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của cấp dưới. Bản chất của mối quan hệ này là quan hệ chỉ đạo và chấp hành theo nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Theo đó, ủy ban kiểm tra cấp trên chỉ đạo và kiểm tra, giám sát những vấn đề thuộc về nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát. Ủy ban kiểm tra cấp dưới có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh, đồng thời kiến nghị, đề xuất với ủy ban kiểm tra cấp trên những vấn đề cần thiết, được cụ thể hoá trong quy chế làm việc của ủy ban kiểm tra mỗi cấp. Tuy nhiên, trên thực tế việc chỉ đạo của ủy ban kiểm tra cấp trên đối với ủy ban kiểm tra cấp dưới rất hạn chế. Vì vậy, việc đổi mới hoạt động của ủy ban kiểm tra cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Giao quyền chuẩn y ủy ban kiểm tra cấp dưới cho ủy ban kiểm tra cấp trên trực tiếp. Việc giao quyền chuẩn y này vừa bảo đảm việc chuẩn y nhanh, vừa bảo đảm thời gian để cấp ủy tập trung vào công việc lãnh đạo, chỉ đạo chung mà không phải sa vào các sự vụ cụ thể. Đồng thời, bước đầu bảo đảm việc quy hoạch, đào tạo và quản lý cán bộ trong Ngành Kiểm tra Đảng, để dần dần tiến tới việc quản lý cán bộ theo ngành dọc như ngành Kiểm sát, Toà án, Công an, Quân đội. Ủy ban kiểm tra cấp trên phối hợp với cấp ủy cấp dưới trong công tác tổ chức - cán bộ của ủy ban kiểm tra cấp dưới.
Ủy ban kiểm tra cấp trên quy định và hướng dẫn ủy ban kiểm tra cấp dưới theo thẩm quyền về nghiệp vụ chuyên môn của công tác kiểm tra, giám sát. Ủy ban kiểm tra cấp dưới phát hiện, đề xuất những vấn đề có liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, báo cáo ủy ban kiểm tra cấp trên xem xét giải quyết. Trong trường hợp cần thiết ủy ban kiểm tra cấp trên lãnh đạo, chỉ đạo ủy ban kiểm tra cấp dưới giải quyết các vấn đề cụ thể thuộc các nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra theo quy định của Điều lệ Đảng.
Ủy ban kiểm tra cấp trên cần giao ban theo định kỳ với ủy ban kiểm tra cấp dưới. Đổi mới cách báo cáo và biểu mẫu báo cáo, thống kê của ủy ban kiểm tra khoa học, thống nhất, thuận lợi việc tổng hợp.
Đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong Đảng nói chung và công tác thi đua khen thưởng trong Ngành Kiểm tra Đảng nói riêng.
3. Đổi mới tổ chức bộ máy và hoạt động của cơ quan ủy ban kiểm tra các cấp
Đổi mới tổ chức bộ máy cơ quan ủy ban kiểm tra. Hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng phụ thuộc rất lớn vào mức độ hoàn thiện tổ chức bộ máy cơ quan ủy ban kiểm tra. Vì vậy, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để đổi mới tổ chức bộ máy cơ quan ủy ban kiểm tra cho hợp lý, bảo đảm thực hiện có hiệu lực, hiệu quả và chất lượng nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật trong Đảng.
Đổi mới hoạt động của cơ quan ủy ban kiểm tra. Trước hết, phải đổi mới nhận thức của đội ngũ cán bộ cơ quan ủy ban kiểm tra. Hiện nay, ngay một số cán bộ của các cơ quan ủy ban kiểm tra vẫn cho rằng mình là cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy, không muốn phụ thuộc vào sự lãnh đạo, điều hành, quản lý của ủy ban kiểm tra. Thậm chí còn có những nhận thức lệch lạc là muốn tách cơ quan ủy ban kiểm tra ra khỏi ủy ban kiểm tra, để cơ quan ủy ban kiểm tra độc lập như các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy. Chính điều này đã dẫn đến những bất cập như quy định cơ quan ủy ban kiểm tra cũng là chủ thể kiểm tra, giám sát… Do vậy phải nhận thức lại cho đúng là: cơ quan ủy ban kiểm tra là cơ quan tham mưu, giúp việc ủy ban kiểm tra cấp đó. Có nhận thức đúng thì mới có đổi mới hoạt động một cách có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả.
Hai là, khi họp ban lãnh đạo cơ quan ủy ban kiểm tra (thường trực ủy ban) liên quan đến lĩnh vực, địa bàn, đơn vị do đồng chí ủy viên ủy ban trực tiếp phụ trách thì nhất thiết phải mời đồng chí ủy viên ủy ban đó dự họp để khắc phục tình trạng đồng chí là ủy viên ủy ban trực tiếp phụ trách đơn vị trong cơ quan lại không được tham dự vì không trong ban lãnh đạo cơ quan ủy ban kiểm tra dẫn đến nhiều chủ trương, vụ việc của cơ quan chậm được triển khai đến các đơn vị không có phó chủ nhiệm phụ trách trực tiếp.
Ba là, phân định rạch ròi giữa cơ chế thủ trưởng trong hoạt động của cơ quan ủy ban kiểm tra với cơ chế tập thể trong hoạt động của ủy ban kiểm tra, đồng thời xác định rõ những công việc điều hành, quản lý trực tuyến và công việc quản lý, điều hành có tầng nấc trung gian (gián tiếp), những công việc phải kết hợp giữa quản lý, điều hành trực tuyến với gián tiếp. Đây là vấn đề diễn ra ở hầu hết các cơ quan ủy ban kiểm tra. Cần xác định lại khái niệm tổ chức đảng cho đúng để từ đó chỉ rõ cơ quan ủy ban kiểm tra là một cơ quan làm công tác đảng chứ không phải là tổ chức đảng như quan niệm hiện nay. Chính việc quy định các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp ủy, trong đó có cơ quan ủy ban kiểm tra là những tổ chức đảng dẫn đến nhiều bất hợp lý như: trong tổ chức đảng đó còn có nhiều người chưa phải là đảng viên; là tổ chức đảng phải hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ - cơ chế tập thể, nhưng các cơ quan này lại hoạt động theo cơ chế thủ trưởng.
Bốn là, trong hoạt động của cơ quan ủy ban kiểm tra chưa có cơ chế giám sát nội bộ các đoàn kiểm tra, giám sát, trong khi lĩnh vực, địa bàn lại được khép kín đối với một số cán bộ kiểm tra, thiếu sự phối hợp và trao đổi thông tin trong hoạt động. Chưa có cơ chế, chế tài về trách nhiệm của cán bộ kiểm tra theo dõi lĩnh vực, địa bàn để nơi đó mất ổn định chính trị - xã hội, tham nhũng, tiêu cực lớn.
Tổ chức là lực lượng, là sức mạnh. Nhưng sức mạnh của tổ chức tuỳ thuộc vào những điều kiện cơ bản để hình thành, tồn tại và phát triển của tổ chức và tuỳ thuộc vào việc xây dựng và điều hành, sử dụng tổ chức trong điều kiện, hoàn cảnh, nhiệm vụ cụ thể. Đó chính là khoa học và cũng là nghệ thuật trong công tác tổ chức.
Ủy ban kiểm tra và cơ quan ủy ban kiểm tra các cấp là những tổ chức của Đảng nên việc xây dựng cũng phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản về xây dựng tổ chức đảng. Đồng thời, phải căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng đảng bộ, trong từng thời kỳ để xây dựng cơ quan ủy ban kiểm tra cho phù hợp. Các cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp phải thường xuyên quan tâm xây dựng, kiện toàn cơ quan ủy ban kiểm tra, thực hiện đúng các nguyên tắc, chế độ làm việc, tạo các yếu tố, điều kiện để phát huy đầy đủ năng lực của tổ chức, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ.
TS. Trần Duy Hưng
Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương