Trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, báo chí đóng vai trò quan trọng, không chỉ là vũ khí sắc bén của những người cộng sản trong tuyên truyền, thức tỉnh, giác ngộ quần chúng, giúp họ lựa chọn con đường, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước mà còn là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân trong công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Luật Báo chí Việt Nam khẳng định: Báo chí là tiếng nói của Đảng, các cơ quan Nhà nước, của các đoàn thể và là diễn đàn của nhân dân. Tiếng nói của báo chí không chỉ phán ánh kịp thời, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống mà còn là kênh thông tin tin cậy để nhân dân “gửi gắm” tâm tư nguyện vọng, “vũ khí” giám sát của mình đối với Đảng và Nhà nước. Từ đó, tìm ra tiếng nói chung của “ý Đảng lòng dân”, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng tâm hợp lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu cách mạng đề ra.
Ý thức được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của báo chí, sau bao năm tìm kiếm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, việc làm đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc khi về Quảng Châu - Trung Quốc hoạt động là sáng lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, ra tờ báo Thanh Niên vào ngày 21-6-1925 - cơ quan ngôn luận của Hội. Tờ báo có vai trò rất lớn trong quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, giáo dục ý thức giai cấp, lý tưởng cộng sản cho cán bộ, đảng viên và quần chúng lao động. Báo Thanh Niên không chỉ là phương tiện tuyên truyền Chủ nghĩa Mác-Lênin, giác ngộ, thức tỉnh nhân dân, đưa họ ra đấu tranh mà còn góp phần không nhỏ trong quá trình chuẩn bị chính trị, tư tưởng, tổ chức của Nguyễn Ái Quốc cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam; tập hợp mọi lực lượng yêu nước, tiến bộ thành sức mạnh tổng hợp, vùng lên đấu tranh giải phóng dân tộc dưới ngọn cờ của Đảng. Vì vậy, ngày 21-6 hằng năm được lấy làm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhằm tôn vinh những người làm báo, phát huy truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng và nêu cao ý thức trách nhiệm, vai trò của báo chí trước vận mệnh dân tộc.
Xuyên suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, báo chí cách mạng Việt Nam luôn thể hiện được vai trò quan trọng của mình là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng trong cuộc chiến tranh trường kỳ và anh hùng của dân tộc. Báo chí là người tuyên truyền, cổ động, định hướng cho quần chúng làm cách mạng. Trong điều kiện chưa có chính quyền, sự thống nhất trong Đảng và trong các tổ chức cách mạng về chính trị, tư tưởng và tổ chức giữ vai trò vô cùng quan trọng, có tính chất quyết định đối với công tác xây dựng Đảng và hoạt động lãnh đạo phong trào cách mạng của Đảng. Vì vậy, báo chí là người lãnh đạo tư tưởng của Đảng, phát triển chân lý về lý luận và cả nguyên lý về sách lược, về tư tưởng tổ chức chung, những nhiệm vụ chung của toàn Đảng trong một thời kỳ này hay một thời kỳ khác. Khi có chính quyền cách mạng, vai trò của báo chí không hề giảm mà tiếp tục tăng lên theo tiến trình phát triển của cách mạng. Báo chí vẫn tiếp tục thực hiện các chức năng tuyên truyền, cổ động và tổ chức, là vũ khí tư tưởng mạnh mẽ nhất của Đảng. Báo chí cũng là người tuyên truyền những cái mới, tiên tiến nảy sinh từ sự sáng tạo của quần chúng. Lê-nin cho rằng: Tờ báo không chỉ có vai trò phổ biến tư tưởng, giáo dục chính trị, mà còn là nơi thu hút các đồng minh; tờ báo không những là người tuyên truyền tập thể và cổ động tập thể mà còn là người tổ chức tập thể. Và, sinh thời, Bác Hồ thường căn dặn các nhà báo: Báo chí phải phục vụ nhân dân, CNXH, đại đoàn kết dân tộc và hòa bình thế giới. Người làm báo phải là chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Chính các tờ báo là sợi dây cơ bản, dựa vào nó phong trào cách mạng không ngừng phát triển, tổ chức tăng lên theo cả chiều rộng và chiều sâu - nhân tố làm nên thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Gần thế kỷ đã trôi qua, nền báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển và ngày càng lớn mạnh. Báo chí vẫn là “người” đi tiên phong, chủ động, tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, sự điều hành của Chính phủ về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường an ninh quốc phòng, đối ngoại; củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đấu tranh kiên quyết chống các tư tưởng thù địch, phản động, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc và nhân dân lao động. Báo chí luôn sống trong lòng nhân dân, khách quan và trung thực chia sẻ với nhân dân về niềm hy vọng và sự lo lắng của họ, tình yêu và lòng căm thù của họ, niềm vui và nỗi buồn của họ đối với Đảng và chế độ! Báo chí kịp thời phản ánh, đánh giá các hiện tượng và sự kiện của đời sống theo lập trường của giai cấp công nhân, đại diện và bảo vệ cho quyền lợi của nhân dân, trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh của nhân dân vì sự công bằng, dân chủ và tiến bộ xã hội. Báo chí đã, đang góp phần kiến tạo bầu không khí dân chủ trong xã hội, ngày càng thể hiện tốt hơn vai trò vừa hướng dẫn dư luận xã hội, tham gia có hiệu quả phản biện xã hội vừa góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong hoạt động báo chí, những tác phẩm thông tin, lý giải các sự kiện nóng hổi, những vấn đề sát sườn đặt ra từ đời sống dưới ánh sáng đường lối, quan điểm của Đảng, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân trở thành những tác phẩm gây được tiếng vang lớn, có hiệu quả cao đối với xã hội, được đông đảo quần chúng lao động đồng tình. Vì vậy, báo chí cách mạng phải luôn là người đầu tiên được tiếp nhận thông tin từ Đảng, đòi hỏi Đảng phải thông tin những vấn đề cần thiết cho báo chí một cách kịp thời và chính xác, coi thông tin đó cũng là thông tin cho toàn Đảng và cho xã hội. Được cung cấp các thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời là cơ sở để báo chí đảm bảo tính đảng, tính chân thật ngay từ khâu đầu tiên và làm tốt chức năng thông tin đại chúng của mình, giúp quần chúng cập nhật thông tin, đánh giá đúng bản chất sự việc, hiểu được đầy đủ các nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến các thành tích hoặc khuyết điểm, biết nên đưa tin, ý kiến bình luận như thế nào là đúng. Việc cung cấp thông tin đầy đủ chính xác, kịp thời cho báo chí, hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với xã hội sẽ cao hơn, các thông tin của Đảng kịp thời đến với người dân, từ đó, Đảng sẽ nhận được thông tin phản hồi ngược chiều, nhiều chiều từ người dân qua báo chí, các quyết định của Đảng sẽ phản ánh kịp thời, đúng quy luật hơn, đảm bảo tính hiện thực, tính khả thi cao, ý Đảng sẽ luôn phù hợp với lòng dân.
Vì vậy, để báo chí cách mạng phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình cho sự nghiệp cách mạng, thực sự là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, thời gian tới các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể quan tâm tạo điều kiện cả về vật chất và tinh thần để báo chí giữ vững định hướng của Đảng, là ngọn cờ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân; cổ vũ, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần tiếp tục nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, thông tin nhanh, chính xác, đa dạng, chủ động cập nhật, sáng tạo trong lĩnh vực thông tin tuyên truyền, đóng góp tích cực vào định hướng dư luận, tăng cường niềm tin trong nhân dân với Đảng, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đưa Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" vào thực tiễn cuộc sống. Tuyên truyền các gương điển hình, các mô hình tiên tiến, những người tốt, việc tốt về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị; những điển hình tiêu biểu vượt khó vươn lên trong lao động sáng tạo trong sản xuất và làm giàu chính đáng, về ý thức xây dựng và khát vọng cống hiến, tinh thần lạc quan cũng như ý thức tự tôn dân tộc, lòng tự hào về quê hương, đất nước, con người Việt Nam trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Qua đó, góp phần giáo dục, bồi đắp tình cảm, hình thành nhân cách, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp và tiếp thu những tiến bộ của nhân loại để xây dựng nên những thế hệ người Việt Nam chủ động, sáng tạo trong học tập và lao động, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng cống hiến và hy sinh vì nhân dân, vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng.
Phạm Thị Nhung
Trường Sĩ quan Lục quân 2