Vừa qua, Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận “Về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Đây là một vấn đề mới, thể hiện một bước trong quá trình triển khai, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng: Đó là “cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”(1). Kết luận của Bộ Chính trị là một bước tiến mới về một chủ trương trong công tác cán bộ và sẽ được thể chế hóa, cụ thể hóa thể bằng những quy định cụ thể.
Trong Kết luận của Bộ Chính trị, khách thể cần được khuyến khích, bảo vệ là rộng lớn, đông đảo: Tất cả cán bộ, đảng viên nói chung. Tuy nhiên, bài viết này xin chỉ đề cập đến những đối tượng được khuyến khích, bảo vệ là cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp. Đây là những cán bộ có vị trí lãnh đạo, quản lý, có quyền quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương đóng góp vào những quyết định của Trung ương. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường có rất nhiều cám dỗ và cạm bẫy. Do vậy, trước khi được bảo vệ thì một vấn đề rất quan trọng là cán bộ phải biết tự bảo vệ mình. Cán bộ lãnh đạo, quản lý cần rèn luyện, tu dưỡng, có sức đề kháng để "miễn dịch", tránh được những cạm bẫy trong công tác và đời sống.
Từ những sai lầm, khuyết điểm của không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là những vụ án kinh tế lớn giai đoạn qua, có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, cảnh tỉnh cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng về những cạm bẫy hữu hình và vô hình dễ bề mắc, xin được dẫn ra một số hiện tượng sau đây.
1. “Bẫy quà”. Nhìn từ góc độ tiêu cực, trong bất kỳ một chế độ xã hội nào, hình tượng “cái ghế” mà thực chất là quyền lực có một sức hút ghê gớm, là niềm mơ ước, mong muốn, mục tiêu phấn đấu của của nhiều người. Xét dưới góc độ tích cực thì “cái ghế” là vị trí lãnh đạo, quản lý, được quần chúng, nhân dân ủy nhiệm, thay mặt người dân để lãnh đạo, quản lý các tổ chức, cơ quan, chính quyền nhà nước. Nhưng xét về mặt tiêu cực thì “cái ghế” có thể bị lạm dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích cho một nhóm hay một số người. Chính vì vậy, thời trước ở nước ta có tệ “mua quan, bán tước”. Còn ngày nay, không ít cán bộ “chạy” bằng nhiều cách để có được “cái ghế” lãnh đạo. Khi đã có “cái ghế” đó rồi, đối với những người không trong sáng, thanh liêm thì đó là thứ để sai bảo mọi người, thứ làm ra của cải, ban phát bổng lộc, thu lợi bất chính. Người ta nói rằng, chỉ cần anh, chị ngồi vào được “cái ghế” quyền lực nào đó thì lập tức, không cần nói hay một hành động ngụ ý, tức khắc sẽ có nhiều người đến cung phụng, cầu cạnh và quà cứ tự động được mang đến dưới nhiều hình thức. Khi có “ghế lãnh đạo” thì ắt sẽ có cấp dưới, cán bộ dưới quyền thăm dò, tìm hiểu rất kỹ, tường tận hoàn cảnh gia đình, sở trường, sở đoản, thẩm mỹ, khẩu vị... của anh, chị để có điều kiện thì phục vụ đến nơi đến chốn. Nếu cán bộ thanh liêm thì ngay từ đầu nhận “ghế” cán bộ cần cương quyết khước từ mọi hình thức quà cáp, biếu xén. Nếu không, từ việc nhận quà nhỏ dần dần sẽ có quà to tùy theo cách ứng xử có đi có lại. Khi đã “ăn” quen rồi thì “há miệng mắc quai”!
2. “Bẫy tiền”. Đây là thứ bẫy phổ biến nhất, dễ thấy nhất và cũng làm cho nhiều cán bộ, quản lý sập bẫy nhất trong thời gian qua. Làm giàu, lắm tiền, nhiều của là mong ước chính đáng của nhiều người chúng ta. Làm giàu bằng sức lao động chân chính, bằng mồ hôi, trí tuệ của chính mình thì được xã hội tôn vinh. Nhưng, trong nền kinh tế thị trường, bên cạnh các ưu việt rõ rệt so với nền kinh tế tập trung, kế hoạch hóa trước đây. Sống trong thiếu thốn, nghèo đói, không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý bị “lóa mắt” trước những khoản tiền của rất lớn bỗng dưng mà có. Chỉ bằng một cái gật đầu, một chữ ký, một sự im lặng, nhắm mắt làm ngơ ắt sẽ có nhiều khoản hoa hồng, nhiều cái “sân sau” rộng lớn, nhiều khoản “tài trợ” cho con em đi học nước ngoài, tham quan du lịch, những cổ phần của các tổng công ty lớn ăn nên làm ra, những căn hộ cao cấp, những biệt thự, nhà vườn hạng sang, nhiều lô đất vàng giữa thành phố, những khoản tiền khổng lồ lớn trong các ngân hàng... tự nhiên thành tài sản riêng của mình chả phải bỏ tiền túi ra mua. Một số người so sánh quan chức nước ngoài làm giàu xong rồi mới làm lãnh đạo vì họ không muốn và không dễ tham nhũng (ở một số nước người ta có quy định các quan chức phải sung công quỹ tất cả quà biếu có giá trị từ 50 đô-la Mỹ trở lên), còn ở Việt Nam nhiều người có suy nghĩ làm lãnh đạo để làm giàu. Điều này đúng với không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý mà chỉ có họ mới hiểu hơn ai hết. Bẫy tiền thời gian đã làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc. Những bẫy tiền đã làm gục ngã, đánh mất hết nhân phẩm, danh dự của không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý, tướng lĩnh một thời được vinh danh vì có đóng góp cho dân, cho nước. Khi đã trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý thì “bẫy tiền” giăng khắp xung quanh. Cái khéo của người có chức cao quyền trọng là làm sao không mắc “bẫy” và giữ được danh dự bản thân, gia đình. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng: “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”(3).
3. “Bẫy tình cảm”. Người Việt Nam chúng ta có truyền thống sống “duy tình hơn duy lý”. Về mặt tích cực, mối quan hệ gia đình, họ hàng thân thích, xóm làng, quê hương... góp phần gắn kết, làm nên sức mạnh cộng đồng. Thế nhưng mặt trái của nó là tư tưởng cục bộ địa phương, “một người làm quan, cả họ được nhờ”. Mấy năm trước và ngay cả đầu năm 2021, những cái “bẫy tình” đã làm cho một số cán bộ lãnh đạo, quản lý bất chấp nguyên tắc tập trung dân chủ, bất chấp quy định về tiêu chuẩn đề bạt cán bộ đã ký bừa, tạo điều kiện cho một số cán bộ, công chức “trèo cao, chui sâu” trong khi phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tiêu chuẩn các mặt chưa đủ, không tương xứng với vị trí đảm nhiệm. Nếu những trường hợp cán bộ sập “bẫy tình” không được phát hiện, ngăn chặn, loại bỏ, dần dẫn chắc sẽ tạo ra các nhóm lợi ích cấu kết, lũng đoạn quyền lực, vơ vét tài sản của Nhà nước, làm cho nạn tham nhũng ngày càng nhức nhối. Đồng thời, những trường hợp như thế còn làm mất cơ hội, thui chột ý chí, nhiệt huyết phấn đấu, cống hiến của những cán bộ có phẩm chất, thực lực.
Thời trước, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã “Lấy sắc đẹp mà thử xem có đứng đắn không”. Nghị quyết Trung ương lần thứ tư (khóa XII) cảnh báo cán bộ, đảng viên không được “Sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội”. Bởi vì, trong thực tế vẫn có một số cán bộ lãnh đạo, quản lý vẫn vô tình hay cố ý bị sập “bẫy tình cảm”. Vẫn có quan điểm cho rằng, vấn đề quan hệ nam - nữ là thuộc lĩnh vực tình cảm riêng tư, không nên quy vào vấn đề đạo đức. Tuy nhiên, sống trong xã hội, mỗi người cần tuân thủ pháp luật. Hơn nữa, cán bộ lãnh đạo, quản lý hầu hết là đảng viên bắt buộc phải thực hiện Điều lệ, quy định của Đảng, phải giữ uy tín trước quần chúng, nhân dân. Cũng như đã là “muối thì phải mặn, muối mà không mặn thì lấy gì là muối”.
4. “Bẫy trách nhiệm”. Cán bộ lãnh đạo, quản lý thường là những người đứng đầu, đứng mũi chịu sào. Nguyên tắc tập trung dân chủ quy định tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Nhưng khi xảy ra sai lầm, khuyết điểm vẫn có xu hướng đổ trách nhiệm cho tập thể, cá nhân vô can. Việc cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý “ẩn nấp” sau trách nhiệm tập thể để người ta không làm gì, không chịu trách nhiệm, cũng không muốn hành động. Đó chính là “cái bẫy trách nhiệm” mà cán bộ lãnh đạo, quản lý dễ mắc phải. Chính vì vậy, chủ trương của Đảng ta hiện nay là “khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Do vậy, để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo muốn làm rõ thế nào là trách nhiệm và chịu trách nhiệm. Bây giờ muốn bảo vệ đầy đủ cần phải làm như thế nào, trách nhiệm tập thể, cá nhân tách bạch ra sao. Phải làm sao cơ chế chịu trách nhiệm của cá nhân cần được đề cao hơn nữa, đảng viên phải chịu trách nhiệm cá nhân. Cán bộ lãnh đạo, quản lý cần được giao nhiệm vụ khó khăn và chịu trách nhiệm trước nhiệm vụ đó là cách để giúp họ không mắc vào “bẫy trách nhiệm”. Một khi cán bộ lãnh đạo, quản lý đã “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” “mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm”(3).
Khi cán bộ lãnh đạo, quản lý không bị mắc vào những “cạm bẫy” nói trên nghĩa là đã tự mình phấn đấu, tu dưỡng tự bảo vệ được bản thân, tự mình đứng vững trước mọi sóng gió của sự nghiệp, cuộc đời không phải nhờ đến sự bảo vệ, cứu giúp của tổ chức, của cấp trên.
--------------------------------
(1). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thât, H, 2021, t.1, tr.179.
(2). Bài nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, vov.vn 11-8-2021.
(3). Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Tạp chí Xây dựng Đảng (điện tử) ngày 24-9-2021.
Vũ Lân