Sinh viên là chủ nhân tương lai của đất nước - lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sinh viên được đặt vào vị trí trung tâm chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển sinh viên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước. Đồng thời, sinh viên cũng chỉ có thể phát huy vai trò đặc biệt quan trọng ấy một cách đầy đủ khi ý thức chính trị của họ thường xuyên được xây dựng, bồi dưỡng và phát triển.
Sinh viên mang những đặc điểm riêng: tuổi đời trẻ, ở họ chưa thật sự định hình rõ rệt về nhân cách. Sinh viên thích cái mới, dễ tiếp thu cái mới, thích tìm tòi và sáng tạo. Trong những thời kỳ cách mạng sinh viên là những người rất nhạy cảm với các vấn đề chính trị - xã hội, trở thành những người có khí phách, có lý tưởng sống cao đẹp. Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập kinh tế hiện nay, một bộ phận không nhỏ sinh viên do chạy theo lợi ích kinh tế mà không quan tâm tới các vấn đề chính trị - xã hội.
Những mặt trái trong cơ chế thị trường đã ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển ý thức chính trị của sinh viên các nhà trường quân đội. Các tệ nạn xã hội, các hiện tượng tiêu cực như tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, chạy theo đồng tiền, lợi nhuận, buôn lậu, suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống trong xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, tình cảm, niềm tin vào bản chất của chế độ xã hội của sinh viên.
Trong bối cảnh quốc tế biến đổi phức tạp, các thế lực thù địch dùng các công cụ, phương tiện tuyên truyền, chuyển tải các tư tưởng, quan điểm trái với thuần phong, mỹ tục, trái với quan điểm của Đảng, Nhà nước, làm ảnh hưởng đến niềm tin, lý tưởng sống của sinh viên các nhà trường quân đội.
Trong nhà trường quân đội, phát triển ý thức chính trị của sinh viên dân sự tức là yêu cầu sinh viên phải biết nêu cao tinh thần tập thể, biết đặt lợi ích của tập thể, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, sẵn sàng hy sinh vì quyền lợi của Tổ quốc. Trên thực tế, điều đó đó ngày một khó khăn hơn bởi những mâu thuẫn hàng ngày hàng giờ đang nảy sinh, đang tác động trực tiếp đến phát triển ý thức chính trị của sinh viên dân sự các nhà trường quân đội.
Mặt trái của kinh tế thị trường đã và đang tác động rất mạnh đến hoạt động phát triển ý thức chính trị của sinh viên dân sự các nhà trường quân đội hiện nay. Chấp nhận phát triển kinh tế thị trường trong điều kiện biến đổi kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay cũng có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận sự tồn tại khách quan của các thành phần kinh tế khác nhau, trong đó có chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, là sự thừa nhận quan hệ bóc lột trong một giới hạn nhất định, thừa nhận sự tồn tại và phát triển của tầng lớp tư sản và tiểu tư sản, chấp nhận sự phân hoá giàu nghèo, phân tầng xã hội trong các tầng lớp dân cư. Thực tế phát triển kinh tế thị trường những năm vừa qua đã cho chúng ta thấy rõ: bên cạnh những thành tựu rất cơ bản mà kinh tế thị trường đem lại, chúng ta đang đứng trước vô vàn thách thức của mặt trái cơ chế thị trường. Trong xã hội, sự khác biệt về lối sống, thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, các tệ nạn xã hội có điều kiện phát triển làm biến dạng các giá trị xã hội chủ nghĩa. Tệ tham nhũng, quan liêu hiện nay đang trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức do thiếu ý thức tu dưỡng rèn luyện, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, coi trọng lợi ích cá nhân, ít quan tâm đến lợi ích của tập thể cộng đồng. Chính điều này làm ảnh hưởng rất xấu đến lòng tin của nhân dân, của sinh viên dân sự đối với Đảng, Nhà nước, gây trở ngại rất lớn cho công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của Đảng và của các nhà trường quân đội. Trong công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay, công tác giáo dục, phát triển ý thức chính trị đang đứng trước những thử thách mới. Đúng như Đảng ta đã nhận định: “Trong điều kiện cơ chế thị trường, kinh tế nhiều thành phần, mở cửa với bên ngoài, cán bộ, đảng viên hàng ngày, hàng giờ chịu sự tác động của nhiều nhân tố rất phức tạp, kể cả những hoạt động chống phá Đảng, vấn đề giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng đứng trước những thử thách mới”.
Đối với các nhà trường quân đội, những năm gần đây, tiêu cực của cơ chế thị trường đã ngày càng tác động mạnh đến đời sống hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ, học viên quân sự, sinh viên dân sự. Tuy nhiên, cũng nhận thấy rằng đối với các nhà trường quân đội, mặt trái của cơ chế thị trường tác động đến cán bộ, sinh viên dân sự chưa nhiều, chưa sâu sắc nhưng hàng ngày hàng giờ chúng vẫn âm thầm len lỏi vào đời sống của các nhà trường quân đội nếu như chúng ta không cảnh giác và có các biện pháp ngăn chặn kịp thời. Những tác động xấu của mặt trái kinh tế thị trường đối với sinh viên dân sự các nhà trường quân đội là lực cản không nhỏ đến quá trình phát triển ý thức chính trị của sinh viên dân sự các nhà trường quân đội, làm hạn chế hiệu quả giáo dục chính trị, truyền thụ lý tưởng, truyền thống, suy giảm ý thức chính trị của sinh viên dân sự các nhà trường quân đội.
Chiến lược “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ cũng như các hoạt động phá hoại về chính trị tư tưởng của các thế lực thù địch là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự suy giảm ý thức chính trị của sinh viên dân sự các nhà trường quân đội.
Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ của nhân dân ta những năm vừa qua đã và đang vấp phải sự chống phá quyết liệt của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch. Bằng chiến lược “diễn biến hoà bình”, kẻ thù muốn chúng ta đi chệch quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội. Sinh viên nói chung, sinh viên dân sự các nhà trường quân đội nói riêng trở thành đối tượng phá hoại số một của kẻ thù. Các thế lực thù địch muốn làm thay đổi lập trường chính trị, thế giới quan của lớp người này, làm cho họ từng bước tha hoá về đạo đức lối sống, dẫn tới tiếp nhận hệ tư tưởng, đạo đức tư sản, qua đó phá vỡ sự thống nhất về chính trị - tư tưởng trong đội ngũ sinh viên và toàn xã hội. Thực tế những năm qua cho thấy đã có một bộ phận trong sinh viên dân sự các nhà trường quân đội đã bị ảnh hưởng bởi những thủ đoạn phá hoại của kẻ thù. Những biểu hiện coi nhẹ yếu tố chính trị, lười học tập, rèn luyện, sống thực dụng,... chính nguyên nhân đó đã làm suy giảm nhiệt tình, trách nhiệm của sinh viên dân sự các nhà trường quân đội, làm cho quá trình phát triển ý thức chinh trị của sinh viên dân sự các nhà trường quân đội gặp những trở ngại đáng kể, chất lượng, hiệu quả thu được không như mong muốn.
Trong những năm vừa qua, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã làm cho bộ mặt của xã hội có những biến đổi sâu sắc, toàn diện. Bên cạnh những ưu thế của kinh tế thị trường đã được khẳng định trong thực tế, những mặt trái của nó đã để lại những tiêu cực không nhỏ trong xã hội. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Hàng ngày sinh viên dân sự các nhà trường quân đội đều tiếp nhận được các thông tin tiêu cực ấy, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển ý thức chính trị của sinh viên dân sự các nhà trường quân đội.
Vì vậy để phát triển ý thức chính trị của sinh viên dân sự các nhà trường quân đội cần thực hiện một số giải pháp:
Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị - tư tưởng và rèn luyện đạo đức cách mạn, tạo ra khả năng “miễn dịch” cho sinh viên trước tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay
Nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục chính trị - tư tưởng cũng như giáo dục rèn luyện đạo đức cách mạng cho sinh viên dân sự tại các trường quân đội là một trong những giải pháp cơ bản hàng đầu, có ý nghĩa quyết định nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực, góp phần khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đến phát triển ý thức chính trị của sinh viên. Sự suy giảm biến chất về chính trị, tư tưởng của con người có thể bắt đầu trực tiếp từ hệ tư tưởng, từ mục tiêu, lý tưởng. Cho nên, việc nâng cao chất lượng giáo dục chính trị - tư tưởng, giáo dục đạo đức cách mạng có vai trò hết sức quan trọng để khắc phục tác động ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ý thức chính trị của sinh viên dân sự các nhà trường quân đội. Giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng sẽ góp phần nâng cao giác ngộ cách mạng, thức tỉnh danh dự, nghĩa vụ, trách nhiệm của người sinh viên, tạo ra một khả năng phòng ngừa hữu hiệu trước tác động tiêu cực của kinh tế thị trường. Bởi vậy, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị - tư tưởng, rèn luyện giáo dục đạo đức cách mạng thực chất là bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhận thức tư tưởng, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng của người sinh viên. Bên cạnh đó, không ngừng đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục chính trị - tư tưởng cho sinh viên dân sự các nhà trường quân đội.
Hai là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng trong quản lý, rèn luyện đối với sinh viên.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng trong quản lý, rèn luyện toàn diện đối với sinh viên. Thực hiện tốt giải pháp này có một ý nghĩa quan trọng, giúp cho người lãnh đạo, người chỉ huy đơn vị nắm được tình hình diễn biến tư tưởng, chất lượng học tập, rèn luyện của mỗi sinh viên. Đồng thời giải pháp này còn có ý nghĩa tạo ra "hàng rào" ngăn chặn hữu hiệu ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thị trường đến thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện của sinh viên dân sự các nhà trường quân đội, góp phần nâng cao ý thức chính trị của họ.
Để phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng trong quản lý, rèn luyện sinh viên cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đảng trong lãnh đạo quản lý, giáo dục, rèn luyện sinh viên dân sự các nhà trường quân đội; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, rèn luyện sinh viên của các nhà trường quân đội; phát huy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên và các tổ chức khác trong từng đơn vị tham gia giáo dục, quản lý, rèn luyện sinh viên.
Ba là, tích cực chăm lo xây dựng môi trường chính trị - xã hội ở các nhà trường quân đội.
Môi trường chính trị xã hội ở các nhà trường quân đội được tạo lập bởi tổng thể các yếu tố phản ánh những điều kiện và đặc điểm hoạt động đặc thù của nhà trường. Đó là nơi diễn ra các hoạt động học tập, rèn luyện, thử thách năng lực mọi mặt của sinh viên. Cho nên môi trường chính trị - xã hội tốt đẹp, lành mạnh, có một ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đến phát triển ý thức chính trị của sinh viên.
Xây dựng môi trường chính trị - xã hội trong sạch, lành mạnh ở các nhà trường quân đội là xây dựng các tổ chức, các lực lượng trong sạch, vững mạnh, xây dựng các mối quan hệ lành mạnh. Do đó, cần thường xuyên kiện toàn và xây dựng hệ thống tổ chức đảng, đoàn, hội sinh viên và các tổ chức quần chúng trong nhà trường quân đội luôn trong sạch, vững mạnh; chú trọng phát huy dân chủ, đoàn kết, kỷ luật trong các hoạt động ở các nhà trường quân đội; luôn quan tâm chăm lo và không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho sinh viên dân sự các nhà trường quân đội.
Vũ Xuân Cảnh
Học viện Kỹ thuật Quân sự - Bộ Quốc phòng