Kiểm soát quyền lực ngăn chặn chạy chức chạy quyền

Chạy chức chạy quyền là một loại tham nhũng nguy hiểm nhất, làm băng hoại đạo đức cán bộ, lũng đoạn xã hội, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Ai chạy, chạy ai

Câu trả lời có lẽ không quá khó khăn bởi chỉ có những người ham hố chức vụ và quyền lợi mới dốc sức, tiền của để chạy cho được chức vụ mà mình ham muốn. Người có thể ban phát chức vụ phải là người có quyền lực trong hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước mới có điều kiện làm việc đó.

Đảng ta là Đảng cầm quyền. Đó là quyền được nhân dân ủy thác. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Nói tóm lại quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Tất cả quyền lực của cán bộ là quyền lực của nhân dân mà Đảng, Nhà nước trao cho họ để thực hiện công vụ nhằm đem lại lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc. Nhưng một số người đã sử dụng quyền lực đó mưu lợi ích cho riêng mình, cho nhóm mình, cho họ hàng nhà mình, làm hại nhân dân, đất nước. Họ tự cho mình quyền ban phát quyền lực cho người khác, đổi lại họ thu lợi bất chính.

Họ thường “chạy” khi quy hoạch cán bộ, luân chuyển cán bộ, chuẩn bị nhân sự cho các kỳ đại hội đảng, bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp. Tinh vi hơn họ có thể lợi dụng lúc cán bộ cầm quyền gặp khó khăn về vật chất, những ngày lễ, tết, sinh nhật, hiếu, hỷ… để thể hiện tình cảm, thực chất là hối lộ nhằm đạt mục tiêu của bản thân.

Khi nắm được chức vụ, có quyền họ sẽ dùng chính quyền lực mua được để thu lại số tiền họ bỏ ra, ban phát quyền cho người khác, vơ vét thêm lợi nhuận. Chạy chức chạy quyền kéo theo tham nhũng vụ sau lớn hơn vụ trước, sinh ra cán bộ tham nhũng trong vòng xoáy không có điểm dừng. Do đó, tham nhũng quyền lực là cha đẻ của nhiều loại tham nhũng khác, xuất phát từ sự tha hóa, suy đồi đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên nắm giữ quyền lực.

Tại sao họ chạy được? Câu trả lời trước hết là họ lợi dụng những lỗ hổng trong cơ chế công tác cán bộ, công tác kiểm tra, mua chuộc được một số cán bộ có chức có quyền. Nhưng yếu tố chủ quan quyết định nhất là vai trò của cấp ủy, người đứng đầu; công tác tham mưu và công tác kiểm tra còn nhiều bất cập, thể hiện:

Thứ nhất, buông lỏng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách

Nhìn lại một số vụ kỷ luật và vụ án lớn gần đây không thấy vai trò tích cực của cấp ủy, mà chỉ thấy sự lộng hành của người đứng đầu. Công tác nhân sự là của cấp ủy. Mọi vấn đề nhân sự phải được thảo luận dân chủ trong cấp ủy. Cấp ủy ở đâu trong những sai phạm về nhân sự của đơn vị? Phải chăng có lợi ích nhóm hay do nhu nhược mà nguyên tắc lãnh đạo không được tôn trọng hoặc chỉ là bình phong cho người đứng đầu lợi dụng danh nghĩa tập thể thực hiện ý đồ cá nhân?

Thứ hai, tham mưu của cơ quan chuyên trách công tác cán bộ thiếu chính xác. Mọi nhân sự đều được cơ quan tổ chức chuẩn bị, tìm hiểu, xác minh, đánh giá trình độ, năng lực phù hợp với chức danh cần bổ nhiệm. Những vụ kỷ luật vừa qua có liên quan đến vai trò tham mưu của cơ quan làm công tác cán bộ các cấp thiếu chính xác, chưa đúng người, đúng việc.

Thứ ba, công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan thiếu nhạy bén, kém hiệu quả.

Không chỉ có cơ quan chuyên trách làm công tác kiểm tra, ngay mỗi chi bộ cũng đã có cán bộ làm công tác kiểm tra. Công tác kiểm tra được thực hiện trong mọi hoạt động của cấp ủy, của chi bộ, đảng bộ. Nhưng  kiểm tra rất ít khi phát hiện ra vụ việc tiêu cực, vi phạm điều lệ Đảng, vi phạm những điều đảng viên không được làm, làm trái nguyên tắc Đảng, làm trái pháp luật. Điều đó chỉ có thể hiểu rằng công tác kiểm tra đã bị buông lỏng hoặc bị vô hiệu hóa       

Kiểm soát quyền lực trong Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm dự cảm vấn đề lạm dụng quyền lực là một nguy cơ của một Đảng cầm quyền nên chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc, Người đã nêu nhiệm vụ cấp bách của cán bộ Nhà nước phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Liên tiếp chưa đầy 4 tháng Bác đã có tới 10 bài viết và nói về đạo đức cán bộ, trong đó Người đặc biệt ngăn chặn chạy chức chạy quyền: Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào cơ quan Đảng, Nhà nước. Trước lúc đi xa, Người để lại những lời tâm huyết căn dặn: Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng. Khi Đảng cầm quyền chỉnh đốn Đảng để tránh sa ngã, thoái hóa, biến chất tự đánh mất mình. Bằng quyền lực lãnh đạo, Trung ương Đảng ban hành những điều đảng viên không được làm, những quy định cụ thể về chấp hành điều lệ Đảng và công tác kiểm tra của Đảng.

Thông qua hệ thống tổ chức của Đảng như Ủy Ban kiểm tra, Ban Nội chính, Ban Tổ chức các cấp để kiểm tra, kiểm soát đảng viên và cán bộ trong hệ thống của Đảng. Các tổ chức đảng tiến hành kiểm tra theo quy trình kiểm tra, cấp trên kiểm tra cấp dưới. Kết quả kiểm tra đã thi hành kỷ luật một số đảng viên và đưa ra khỏi Đảng những đảng viên thoái hóa biến chất.

Kiểm soát quyền lực qua hệ thống kiểm soát của Nhà nước

Việc kiểm soát quyền lực còn được thực hiện thông qua hệ thống cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhà nước và Thanh tra của Chính phủ đã có những tiến bộ đáng kể. Đây là hệ thống kiểm tra quyền lực rất quan trọng cần được quan tâm củng cố cả về tổ chức và nhân sự. Kiểm soát trong lĩnh vực này thực hiện kiên quyết tư tưởng chỉ đạo của Đảng dù bất cứ cán bộ nào vi phạm đều phải xử lý đúng người, đúng tội. Không có vùng cấm và không có khái niệm “hạ cánh an toàn”.     

Kiểm soát quyền lực từ nhân dân

Quyền lực của cán bộ trong hệ thống chính trị là của nhân dân giao phó nên việc kiểm soát quyền lực đối với cán bộ ở tất cả các cấp là trách nhiệm và quyền hạn của nhân dân. Nhân dân kiểm soát cán bộ trong hệ thống chính trị thông qua bầu cử, thông qua chức năng giám sát tối cao của Quốc hội, của HĐND các cấp, các công cụ thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên để giám sát, kiểm soát có hiệu quả, người dân cần phải có thông tin, cần nhiều hình thức cung cấp thông tin. Công khai là biện pháp rất quan trọng, nhưng chưa được thực hiện tốt, biện pháp còn lúng túng, phân cấp tổ chức, quản lí chưa rõ ràng. Muốn cho dân kiểm soát, giám sát, phản biện mà không công khai thì coi như bịt mắt đi mò. Một thực tế rất đáng được lưu tâm là nhiều tổ chức và cán bộ chưa biết tổ chức cho dân kiểm soát, giám sát, phản biện. Những nội dung cần công khai để ngăn chặn chạy chức chạy quyền là vị trí, chức danh cần bổ nhiệm, số lượng, tiêu chuẩn chức danh, phẩm chất cán bộ, quy trình bổ nhiệm, chương trình thi tuyển, thời gian, số thí sinh dự thi và chương trình hành động của họ đối với từng chức danh. Tùy từng chức vụ cần bổ nhiệm mà xác định phạm vi tổ chức lấy ý kiến của nhận dân, bảo đảm thật sự khách quan, trung thực. Từng bước chuyển dần công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ từ xét tuyển sang thi tuyển công khai, minh bạch. Người dự tuyển phải trình bày chương trình hành động, trả lời chất vấn, tranh luận về chương trình hành động … Phát huy tính tích cực của nhân dân tham gia đối thoại trong việc chọn người đại diện quyền lợi cho mình để việc đánh giá khả năng cũng như những tố chất cần có về lãnh đạo, quản lý của người được bổ nhiệm đúng thực chất. Mặt khác, các tổ chức đảng phải lãnh đạo, tuyên truyền, giáo dục để nhân dân thực hiện đúng, đủ quyền lực của mình.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, kiểm tra, giám sát.

Đây là công tác rất quan trọng, có nhiều khó khăn. Người cán bộ trong lĩnh vực này phải thật sự công tâm khách quan. Đó là cái tâm thật trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành, đạo đức lành mạnh và có uy tín đồng thời phải có chuyên môn giỏi để nhận xét đánh giá đúng cán bộ, bảo đảm việc bổ nhiệm cán bộ đúng vị trí, đúng khả năng, trách nhiệm và quyền hạn. Để công tác tổ chức, kiểm tra kiểm soát hiện tượng chạy chức chạy quyền đạt hiệu quả tốt cần tiếp tục hoàn thiện các khâu trong công tác cán bộ, cơ chế kiểm tra, kiểm soát bám sát tình hình thực tiễn trong từng giai đoạn. Đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra trong Đảng, thanh tra của Chính phủ, kiểm tra của nhân dân. Đây là yếu tố cơ bản, cần thiết để ngăn chặn  chạy chức chạy quyền có hiệu quả.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất