Giải pháp nâng cao chất lượng học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng
Hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đảng bộ Khối Doanh nghiệptỉnh Quảng Nam.
Từ vai trò của người học

Trong xã hội hiện đại, người học luôn giữ vị trí trung tâm của quá trình giáo dục, việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng không nằm ngoài quy luật đó. Để tiếp thu nghị quyết, chỉ đọc và nghiên cứu trong phạm vi nghị quyết là chưa đủ. Nghị quyết là sản phẩm của trí tuệ tập thể, các vấn đề lý luận được đúc kết từ thực tiễn sinh động trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, gắn với xu thế phát triển của thời đại... Chính vì vậy, muốn hiểu sâu và toàn diện, người học phải chủ động sưu tầm, nghiên cứu các tài liệu bổ trợ để hiểu một cách thấu đáo các vấn đề mà nghị quyết đặt ra.

Tự học, tự nghiên cứu một cách chủ động và tích cực từ phía cán bộ, đảng viên, là một yêu cầu quan trọng trong quá trình học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng. Nếu người học đến lớp khi chưa đọc tài liệu, chưa nắm được các nội dung cốt lõi của nghị quyết thì chắc chắn kết quả học tập sẽ không cao. Bởi vậy, để phù hợp với những đối tượng cán bộ, đảng viên khác nhau, các cơ quan tham mưu nên biên soạn và cấu trúc các tài liệu về học nghị quyết của Đảng sao cho phù hợp; khuyến khích người học tự nghiên cứu, học tập một cách chủ động; quá trình tự nghiên cứu nên đặt ra các câu hỏi và tự mình trả lời; tăng cường các hình thức trao đổi, thảo luận, toạ đàm theo nhóm... Có như vậy, nội dung cơ bản của nghị quyết mới thực sự thấm sâu, tác động vào tình cảm, tạo sự thống nhất về tư tưởng, biến thành hành động cách mạng của cán bộ, đảng viên và lan tỏa đến quần chúng nhân dân.
                    
 
... Đối với những người đã trưởng thành hoặc đang là sinh viên, việc học tập ngày nay chỉ thực sự có hiệu quả khi người học đã hiểu được vấn đề mình đang nghiên cứu từ 70% - 80%...


Đến vai trò của đội ngũ báo cáo viên

Giả sử người học đã hiểu được 70% vấn đề nghị quyết đề cập, báo cáo viên chỉ tiến hành công việc với 30% còn lại, nhưng cái phần còn lại ấy lại rất quan trọng. Đó là phải gợi mở, giải đáp, trao đổi những vấn đề mới, khó mà cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân quan tâm. Đội ngũ báo cáo viên trước đây có thể “độc quyền thông tin” thì trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, điều đó là không thể. Sức hấp dẫn của báo cáo viên khi truyền đạt nghị quyết là trình độ hiểu biết, vốn kiến thức, “phông” văn hoá, kỹ năng truyền đạt, cung cấp các thông tin đến người học.

Sức hấp dẫn của báo cáo viên còn được tăng thêm bởi bên cạnh vai trò là người thầy, họ còn là người dẫn dắt, định hướng, mở rộng thêm các vấn đề liên quan, tạo cho người học niềm hứng khởi, sự say mê trong quá trình tự học tập và nghiên cứu. Do mất đi tính chất “độc quyền thông tin”, báo cáo viên giỏi hiện nay là người phải biết sâu chuỗi, so sánh, chọn lọc, đem đến cho người học một lượng thông tin đủ độ, có thông tin “đắt” và đáng tin cậy. Khả năng thu thập, xử lý thông tin và kỹ năng truyền đạt hấp dẫn giờ đây trở thành yếu tố chủ đạo, tạo nên “bản sắc” của báo cáo viên khi truyền đạt nghị quyết. Bài thuyết trình của báo cáo viên hiện nay không phải là sự áp đặt thông tin, tuyên truyền một chiều, buộc người học phải nghe và ghi chép, mà có sự trao đi đổi lại giữa báo cáo viên và người học, có sự cọ sát thông tin và kiến thức. Báo cáo viên phải nhạy bén, lắng nghe, quan sát và điều chỉnh thông tin, cách truyền đạt kịp thời trước các thông tin phản hồi, thái độ, tình cảm và sự chia sẻ của người học.

Để đạt được kết quả tốt hơn trong học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng, xin đề xuất một số giải pháp như sau:

Một là, rà soát, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên đủ số lượng, thạo về kỹ năng, nghiệp vụ và có tính chuyên nghiệp. Trung ương cần có chiến lược tuyển chọn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên trẻ thực sự có tầm, có tài. Tạo điều kiện thuận lợi cho họ đi cơ sở, tiếp cận nhiều nguồn thông tin, tổ chức giao lưu, truyền thụ kinh nghiệm giữa đội ngũ báo cáo viên trẻ với các báo cáo viên là những đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, chuyên gia cao cấp... Đây không chỉ tạo nguồn cán bộ kế cận, mà chính họ là lực lượng nòng cốt tuyên truyền, góp phần ổn định tình hình mọi mặt theo yêu cầu chỉ đạo của Trung ương.

Hai là, cấp ủy, thủ trưởng đơn vị, cán bộ chuyên trách công tác đảng phải hiểu và tham mưu để xây dựng đội ngũ báo cáo viên có tầm, đủ uy tín. Thước đo về năng lực của đội ngũ báo cáo viên là các bài thuyết trình được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân thừa nhận và tôn vinh. Cần phân định giữa người lãnh đạo với đội ngũ báo cáo viên. Thực tế chứng minh, nếu người lãnh đạo có trình độ, vốn kiến thức, kỹ năng truyền đạt mà làm báo cáo viên thì rất thành công; nhưng nếu họ chuyên về lãnh đạo, thiên về quản lý, không có năng khiếu làm báo cáo viên sẽ tạo cho buổi thuyết trình nghị quyết khó thành công, thậm chí làm mất uy tín của chính họ.

Ba là, có hệ thống tài liệu phù hợp với từng đối tượng học. Các cơ quan truyền thông cần đăng tải tài liệu lên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của Đảng, Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương để người học chủ động tiếp cận thông tin và nguồn tài liệu nghiên cứu. Có như vậy, người học mới thuận lợi, dễ dàng trong nghiên cứu các văn bản, tăng cường và chủ động chia sẻ thông tin với báo cáo viên.

Bốn là, đổi mới hình thức tổ chức các lớp học, quán triệt Nghị quyết của Đảng cho phù hợp. Đó là tăng tính tương tác, chia sẻ thông tin giữa báo cáo viên và người học, tránh áp đặt thông tin, tuyên truyền một chiều. Muốn vậy, các lớp cần số lượng người học vừa phải, nên xây dựng các chủ đề, chia thành các nhóm thảo luận sâu một vấn đề.

Việc nâng cao chất lượng học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đang được các cấp, các ngành quan tâm. Mục đích của vấn đề này là thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động, xây dựng lòng yêu nước và củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhằm quán triệt sâu sắc các tư tưởng chỉ đạo và triển khi thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng. Nếu Nghị quyết của Đảng là ánh sáng soi đường, báo cáo viên là người dẫn dắt quá trình tìm hiểu, thì người học vừa là đối tượng tiếp nhận kiến thức, vừa là chủ thể quan trọng nhất của quá trình đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất