Cán bộ lãnh đạo, quản lý là kỳ vọng của mọi người, dù bất cứ ở cấp nào. Cho nên, để cấp dưới và nhân dân nhìn nhận về mình ra sao, chính người lãnh đạo phải biết tự chủ và nhất là phải có lòng tự trọng. Khi đã ở vị trí lãnh đạo, quản lý, dù thời gian dài, ngắn khác nhau nhưng người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải làm cho cấp dưới tin tưởng, tôn trọng, đặc biệt cần có những đóng góp tương xứng với nhiệm vụ được giao, quyền lợi được hưởng. Khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác để lại dấu ấn tốt đẹp, những tiếng lành, lời ngợi khen và nhất là hiệu quả đem lại cho công việc cơ quan, địa phương, ngành, đất nước.
Thế nhưng, không ít cán bộ lãnh đạo cả nhiệm kỳ, thậm chí “kéo” hai nhiệm kỳ chẳng để lại được dấu ấn tích cực. Thậm chí còn bị nói, trong những năm lãnh đạo, ông ta đã kéo lùi sự phát triển! Như thế là tội, đâu phải công, nhưng vẫn “hạ cánh an toàn” với đầy đủ quyền lợi.
Đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm, tác phong công tác, các mối quan hệ của người cán bộ lãnh đạo, quản lý rất quan trọng. Khi lập chương trình, kế hoạch, nội dung thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi chức năng, trách nhiệm của mình, không ít cán bộ cho thấy sự bất cập. Họ buông những cái cần phải nắm, nhưng lại đi nắm quá chặt những cái cần phải buông. Không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa đầu tư đủ thời gian, công sức, trí tuệ vào việc vạch ra phương hướng, nhiệm vụ trong từng thời gian, theo dõi kiểm tra, xem xét tiến độ thực hiện, nhưng lại mất quá nhiều thì giờ vào những việc sự vụ, thậm chí vụn vặt. Chọn vấn đề mà chỉ đạo, chọn việc để làm sao cho đúng với chức danh, chức trách của mình là rất cần thiết đối với mọi cương vị lãnh đạo, quản lý. Nhưng họ lại đi lo giải quyết những việc lẽ ra là của chuyên trách, chuyên ngành, là của cấp dưới, nhân viên.
Lại có không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý bao biện, làm thay, muốn cái gì cũng toàn quyền quyết định, không tin cấp dưới, sinh ra “lo đuổi gà, quên nhà sắp cháy”. Những nội dung chỉ đạo cấp dưới, trao đổi, đàm phán với các đối tác trong đối nội, đối ngoại lẽ ra bản thân người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải biết tự chủ, tự suy nghĩ nội dung, tìm phương pháp truyền đạt có hiệu quả nhất thì vì năng lực, trình độ hạn chế, lại làm biếng, nên cán bộ lãnh đạo, quản lý lại giao những việc đó cho trợ lý, thư ký, văn phòng. Là cán bộ lãnh đạo, quản lý nhưng quen đọc những gì người khác viết, nói những gì người khác chuẩn bị, nói theo kinh nghiệm, thói quen. Đi làm việc ở địa phương, cơ sở phát biểu không có gì mới, thiết thực, cụ thể với từng nơi, từng thời điểm. Những vẫn đề nổi cộm, những ách tắc, khó khăn và nhu cầu của địa phương, cơ sở mong cấp trên về chỉ đạo cụ thể, tạo điều kiện, gợi mở cách giải quyết thì không thấy, gây thất vọng cho cán bộ và nhân dân địa phương.
Có những giấy mời lễ lạt, hiếu hỉ, những cuộc họp, hội nghị chưa cần đến cương vị mình, nhưng họ cũng mất cả ngày, cả buổi đi dự. Trong khi đó có những vụ việc cấp bách lại bỏ qua, để bê trễ, câu dầm. Sao không phân công cụ thể cho cấp dưới phụ trách lĩnh vực, đại diện lãnh đạo đi dự? Quỹ thời gian vật chất một nhiệm kỳ chỉ có 5 năm, mỗi năm chỉ có 360 ngày, nhưng lại lo đi nước ngoài mà nội dung công việc thì ít, tham quan, thăm viếng thì nhiều. Ở nhà thì đi họp, dự liên hoan, tiếp khách, chi cho các mối quan hệ biết bao thời gian, nhìn đi, nhìn lại đã hết nhiệm kỳ mà kết quả quá ít ỏi.
Trong các hiện tượng “buông” và “nắm”, có không ít lãnh đạo lợi dụng chức vụ, quyền hạn lo thật nhiều cho “cái tôi”, buông chức trách, buông nhiệm vụ, nắm lấy mọi cơ hội để vụ lợi cá nhân, gia đình, dòng họ. Những người lãnh đạo như thế đã buông lý tưởng cộng sản, buông những lời Bác Hồ dạy, nắm lấy quyền lực, chạy theo lợi ích cá nhân, chạy theo danh lợi, lo cho nhóm lợi ích, che chắn cho phe cánh để tiếp tay và dùng mọi thủ đoạn tham nhũng, trục lợi. Họ sẵn sàng buông Điều lệ Đảng, nguyên tắc, buông 5 nhiệm vụ đảng viên và 19 điều đảng viên không được làm, buông luôn uy tín và danh dự cũng như lòng tự trọng của chính mình để mưu lợi cá nhân. Đó là “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức có quyền” thoái hóa, biến chất mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” chỉ rõ. Buông như thế, nắm như vậy, họ không còn xứng đáng với danh giá, phẩm chất, đạo đức của người cán bộ lãnh đạo, quản lý, không còn chất của người cộng sản.
Trong điều kiện kinh tế thị trường, khi ai cũng được khuyến khích làm giàu chính đáng, xã hội không chỉ coi trọng lợi ích của Nhà nước mà còn coi trọng lợi ích cá nhân, thì việc buông gì, nắm gì của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý không chỉ có cấp ủy mà cần được nhân dân kiểm tra, giám sát. Việc nắm và buông không chỉ được xác định trong chức năng, nhiệm vụ của mỗi chức danh mà còn cần có chế tài xử lý nghiêm minh những hiện tượng vi phạm của mỗi cán bộ ở chức danh ấy.
Bùi Văn Bồng