Nhóm giải pháp thứ hai của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI là tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng. Ở đây, tôi chỉ đề cập đến công tác cán bộ.
Từ lâu chúng ta đã biết: Sau khi có đường lối đúng thì khâu cán bộ là khâu quan trọng, quyết định việc tổ chức thực hiện nghị quyết thành công hay không trong cuộc sống. Nhiều năm qua, Đảng ta có nhiều nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Gần đây nhất là Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) kéo dài gần 8 năm (2-1999 – 6-2006). Nghiêm túc nhìn lại quá trình chỉnh đốn Đảng, chúng ta rút được nhiều bài học, kinh nghiệm quý để bước vào cuộc chỉnh đốn Đảng lần này.
Vấn đề cấp bách trong công tác cán bộ, theo Nghị quyết Trung ương 4 là gì? Bắt đầu từ đâu để rút ra kinh nghiệm làm tốt toàn bộ công tác cán bộ trong tình hình mới, thiết thực phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH? Nhìn lại lịch sử Đảng ta, Đảng và Bác luôn chăm lo đào tạo nhân tài cho đất nước với quan điểm "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người" và muốn xây dựng CNXH thì phải bồi dưỡng con người XHCN. Con người XHCN là con người có đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Theo Bác, người cán bộ cách mạng là người phải gương mẫu về mọi mặt: đoàn kết, công tác, học tập, lao động, luôn luôn giữ vững tác phong khiêm tốn, giản dị và hòa mình với quần chúng, gắn kết với nhân dân. Đảng ta sinh ra từ trong lòng dân tộc anh hùng, từ trong xiềng xích nô lệ. Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, trưởng thành trong đấu tranh cách mạng. Khi Đảng mới có 5.000 đảng viên, Đảng đã lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngay từ thời mới thành lập nước, chính quyền còn non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ, sử dụng tài tình nhân tài, tạo nên sức mạnh to lớn, lãnh đạo nhân dân đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ hùng mạnh. Ngày nay Đảng ta có hơn 3 triệu triệu đảng viên, nước ta có 86 triệu dân với truyền thống 4.000 năm lịch sử của tổ tiên, có sức mạnh về tinh thần, vật chất to lớn…
Nhưng nhìn thẳng vào sự thật, Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ rõ: "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao…". Nhiều cán bộ sa vào đặc lợi, đặc quyền, quan liêu, xa dân và làm những điều phi tính đảng, mất tình người. Gần đây nhất là vụ cường chế thu hồi đất trái pháp luật ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Nạn mua quan, bán chức không còn trong hạn hẹp, cấp thấp mà ở cả cấp cao. Nếu nhìn thẳng vào sự thật thấy đội ngũ cán bộ hiện nay cần phải cấp thiết chỉnh đốn đến mức nào. Song không thể nôn nóng giải quyết trong ngày một ngày hai. Nói tới cán bộ là nói tới con người nên phải giải quyết bài bản với tầm chiến lược. Trong lịch sử nước ta, nhiều triều đại có các vị vua đã nhìn xa, rèn cặp thái tử để trở thành vua anh minh trị vì trăm họ. Triều Trần, mặc dù vua cha vẫn còn sức khỏe, trí tuệ nhưng đã rút về Phủ Thiên Trường để thái tử lên ngôi. Vua cha ở vị trí Thái Thượng hoàng chỉ bảo khi cần thiết. Triều Lê, vua mời học sĩ Nguyễn Thị Lộ - dạy thái tử từ chữ nghĩa, tri thức, lối sống đến nhân cách làm vua để lớn lên có đủ đức tài gánh vác việc nước…
Trước thực tế công tác cán bộ nước ta hiện nay, theo tôi nên bắt đầu bằng một khâu đột phá và cấp bách là: Quy hoạch chức danh Tổng Bí thư chuẩn bị cho Đại hội XII của Đảng. Bởi nếu tính từ đại hội VI đến nay, mỗi kỳ đại hội, Đảng ta phải “đốt đuốc đi tìm Tổng Bí thư” (lời các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Thọ). Hơn nữa, chỉ còn 4 năm là đến Đại hội XII, thời gian không còn nhiều.
Việc quy hoạch chức danh Tổng Bí thư do Tổng Bí thư đương nhiệm đích thân chịu trách nhiệm có sự tham mưu của Ban Tổ chức Trung ương. Phải lựa chọn từ ba đến bốn đồng chí để bố trí công việc thử thách, rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng để đến năm 2015 có một đồng chí “sáng giá” nhất chuẩn bị cho chức danh Tổng Bí thư ở Đại hội XII. Việc quy hoạch này được công khai, chí ít trong BCHTƯ. Nhân dân mong Đảng công khai để toàn dân được biết. Vì Tổng Bí thư là người đứng đầu Đảng, sự lãnh đạo của Đảng tác động trực tiếp đến toàn dân. Theo tôi, tiêu chí chức danh Tổng Bí thư là:
- Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân, Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh.
- Có bản lĩnh vững vàng, tầm nhìn xa, trông rộng, bao quát đối nội, đối ngoại.
- Trí tuệ sáng suốt, tinh thần đổi mới, kiến thức lãnh đạo, quản lý sâu rộng theo Tư tưởng Hồ Chí Minh.
- Đạo đức cách mạng, phẩm chất trong sáng, không tư lợi, đặc quyền.
- Tác phong dân chủ, sát dân, sát cơ sở theo phong cách Hồ Chí Minh.
Việc quy hoạch Tổng Bí thư sẽ là mẫu để các cấp, các ngành làm quy hoạch cán bộ cấp mình. Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan giúp Đảng làm quy hoạch tổng thể cán bộ các cấp. Các khâu đánh giá, lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ thực hiện theo đúng quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ.
Ngô Minh Giang