Để nâng cao chất lượng các hội nghị

Thừa nhận rằng, các cuộc họp, hội nghị là theo quy định, quy chế cơ quan, đơn vị và không thể thiếu. Nhưng một vấn đề diễn ra phổ biến, đã nói đi nói lại nhiều lần vẫn chưa khắc phục được, đó là bệnh hình thức của các cuộc họp, hội nghị.

Những chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”…

Trong  phần  khai mạc hội nghị, mất thời gian không cần thiết nhất là giới thiệu đại biểu. Mặc dù đã có quy định nếu đại biểu có nhiều chức danh thì chỉ cần giới thiệu chức danh cao nhất, nhưng để “tôn trọng”, bao giờ cũng phải giới thiệu đầy đủ các chức danh của đại biểu. Mỗi đại biểu lên phát biểu, lại “kính thưa…” với đầy đủ chức danh của đại biểu đến dự và người chủ trì hội nghị. Tiếp đó là cả tiếng đồng hồ để trình bày hàng chục trang báo cáo, kể cả hội nghị đã phát trước báo cáo cho tất cả đại biểu. Tình trạng người lên bục đọc báo cáo, người tham dự ngồi dưới chỉ như “dò lại xem có sai chính tả hay không” là chuyện vẫn thường thấy.
Nhiều báo cáo tổng kết thiếu tính khái quát, chủ yếu là liệt kê số liệu, nêu thành tích của ngành mình, cấp mình, đơn vị mình... Nhất là, trong báo cáo khi nêu thành tích, ưu điểm thì đề cập có tên tuổi, địa chỉ; khuyết điểm, tồn tại, hạn chế thì chỉ đề cập chung chung, theo kiểu: “một số ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm, chưa thực hiện tốt…” (không rõ đó là ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị nào?!); “một số cán bộ, công chức chưa nêu cao tinh thần, trách nhiệm”... (mà không rõ là cán bộ nào?!).

Đặc biệt, một số hội nghị, hội thảo, các tham luận được gợi ý trước nội dung, chủ đề, nên đại biểu cứ việc chuẩn bị sẵn, đến hội nghị thì lên đọc nguyên văn. Nội dung tham luận máy móc, rập khuôn theo mô-tip: nêu đặc điểm, tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị, rồi nêu thành tích, hạn chế, kinh nghiệm… Có những tham luận hầu như chẳng liên quan gì mấy đến nội dung hội nghị. Chúng tôi đã từng tham dự một hội nghị chuyên đề do cấp tỉnh tổ chức, mà các báo cáo tham luận được gợi ý trước nội dung, được đánh máy rồi đóng sẵn thành tập, kèm theo báo cáo sơ, tổng kết cấp đầy đủ cho đại biểu. Vào hội nghị, đại biểu lên đọc nguyên văn tham luận, mà không có thêm ý kiến thảo luận nào khác.
Nếu có ý kiến thảo luận, thì hoặc là “tôi cơ bản nhất trí”, hoặc là “tôi hoàn toàn nhất trí”, ít khi thấy có ý kiến nào nói “tôi không nhất trí”... Có những ý kiến ngắn gọn, chất lượng, nhưng cũng có những ý kiến dài dòng, vô bổ. Có đại biểu nói dài quá, đến mức hội nghị bắt đầu ồn ào tỏ ý phản đối mới dừng lại…

C
ần khắc phục

Để mỗi cuộc họp, hội nghị thực sự có chất lượng, cần phải khắc phục những bệnh hình thức nêu trên. Trong đó, vấn đề đặt ra đầu tiên là vai trò của người đứng đầu mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị. Người lãnh đạo cần xác định rõ tính chất vấn đề, sự việc…, vấn đề nào cần tổ chức họp, hội nghị để bàn luận, vấn đề nào không. Thứ hai là xác định tổ chức ở quy mô, cấp độ nào, những ai tham dự, nhằm giảm bớt những chi phí tốn kém, tiết kiệm thời gian, công sức.

Hội nghị cần được chuẩn bị kỹ, tài liệu thảo luận được gửi trước đủ thời gian cho đại biểu chuẩn bị, nêu rõ yêu cầu thảo luận. Trong hội nghị, không đọc lại tài liệu đã gửi, đại biểu phát biểu không cần đọc toàn bộ tham luận chuẩn bị trước. Chủ tọa cần quán triệt thời gian, nội dung mỗi đại biểu lên trình bày, chỉ nêu ngắn gọn những vấn đề mới, cốt lõi, trên cơ sở đó đưa ra vấn đề cần góp ý, trao đổi, dành thời gian thích đáng cho thảo luận chung.


Người chủ trì các cuộc họp, hội nghị cần nâng cao tính khái quát; gợi mở để người tham dự thảo luận những vấn đề vướng mắc, bất cập cần quan tâm tháo gỡ, những phương hướng, giải pháp thực hiện có hiệu quả; tạo môi trường dân chủ trong thảo luận và coi trọng nội dung phát biểu.


Làm tốt những việc trên, khắc phục căn bệnh hình thức là việc làm cụ thể, thiết thực nhất để học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất