Ngày xưa, các bậc hiền nhân đã dạy, muốn thành người quân tử thì phải rèn luyện các bước: Cách vật, trí tri, chính tâm, thành ý, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Hiểu một cách đơn giản là phải học hỏi, tích lũy sự hiểu biết, phải chân thành, tu dưỡng bản thân thì mới lo được việc của xã hội. Như vậy, sự chân thành, cái chính tâm - thành ý cũng cần phải có sự rèn luyện mới đạt được.
Chân thành là thực sự thật thà, xuất phát từ trong tâm, khác hẳn với sự dối trá, lừa lọc, mánh khóe… Một sự thật dù xấu xí còn hơn những điều dối trá hào nhoáng. Các cụ xưa từng dạy: “Thật thà hơn cha mánh khoé”, “đường đi hay tối, nói dối hay cùng”. Chân thành ở bề sâu là sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan khác hẳn với sự khôn ranh cầu lợi. Có nhà hiền triết đã nói rất ngắn gọn mà sâu sắc: “Chân thành là sự khôn ngoan cao cấp”.
Trong cuộc sống, ai cũng thích sự chân thành và thích sống với những người thành thực. Những người chân thành luôn có tâm sáng, hướng về sự thật, về chân lý, có tinh thần cầu thị, có sức hấp dẫn với mọi người. Họ tạo cho người khác sự tin tưởng, ấm áp và bình yên. Sống với họ không cần phải dò xét, quanh co, hoài nghi, không sợ bị những mẹo vặt hay “bẫy việt vị”.
Chân thành khác hẳn với sự thô thiển, dại dột, ngờ nghệch. Chân thành là chân thực, đôn hậu ở nội dung, bản chất, nhưng lại tế nhị, điềm đạm, nhẹ nhàng trong cách thức. Chân thành không phân biệt đẳng cấp, trình độ học vấn. Rất nhiều người dân lao động bình thường có lối sống, phẩm chất chân thành. Những kẻ sĩ, những nhà lãnh đạo chân thành thì luôn được mọi người kính trọng, kỳ vọng. Tuy nhiên, điều đáng buồn là hiện nay có không ít trí thức, quan chức ở nước ta đã và đang thiếu sự chân thành...
Kẻ dối trá thường lợi dụng người chân thành. Người chân thành thì không thích sự dối trá, biết cảnh giác trước kẻ dối trá nhưng cũng sẵn sàng đấu tranh thẳng thắn với những con người không thành thật. Ai cũng biết “thật thà thẳng thắn thường thua thiệt” nhưng những người chân thành vì dân, vì nước dù có bị “thù lâu, nhớ dai” cũng vẫn thành thật tự phê bình và phê bình vì sự tiến bộ chung. Đáng trách và đáng thương cho những người thiếu trung thực, không biết cầu thị, chuyên ứng xử theo kiểu “mẹo vặt” mà cứ tưởng mình che được mắt thiên hạ! Chính họ đã tự tách mình ra khỏi “cộng đồng chân thành”. Có thể nói, "cuộc chiến" giữa chân thành và dối trá, chính trực và gian xảo là cuộc chiến không bao giờ ngưng nghỉ, nhưng chắc chắn “Chân, Thiện, Mỹ” sẽ là những giá trị vĩnh cửu, là đích đến của mỗi người.
Hiện nay, cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chừng nào, nơi nào thiếu sự chân thành thì không thể thành công. Quan trọng là phải tạo ra bầu không khí dân chủ, cởi mở, dũng cảm, xây dựng và cầu thị - nhất là từ những người đứng đầu của mỗi tổ chức, đơn vị, địa phương...
Đặng Văn Dũng
Phó Bí thư Huyện uỷ Thanh Chương, Nghệ An