Vừa qua, tôi may mắn được đọc bản tự kiểm điểm định kỳ trong đợt “chỉnh cán chỉnh cơ” của đồng chí Nguyễn Sinh Chưng, Trưởng ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Quảng Bình trong những năm kháng chiến chống Pháp do một cán bộ Trường Chính trị tỉnh Quảng Bình cung cấp. Đây là một bản kiểm điểm được viết nghiêm túc với những lời mộc mạc, chân thành, để lại trong tôi nhiều trăn trở, suy nghĩ về việc tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên hiện nay.
Sau thắng lợi của Chiến dịch Đông Xuân năm 1953, Trung ương Đảng quyết định khẩn trương chuẩn bị cho giai đoạn tổng phản công. Để thống nhất tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, quân và dân ta, Trung ương Đảng đã đề ra chủ trương “chỉnh cán chỉnh quân” (đối với quân đội) và “chỉnh cán chỉnh cơ” (đối với cán bộ trong các cơ quan ban ngành). Bản kiểm điểm định kỳ của đồng chí Nguyễn Sinh Chưng có chữ ký xác nhận của sáu đảng viên trong tổ văn hoá giáo dục của tỉnh, gồm các đồng chí Trung Tâm, Phạm Kim Ngân, Hoàng Trọng Báu, Trần Đình Côn, Nguyễn Đình Nhân và Phạm Minh Chúng. Bản kiểm điểm này có 4 phần: kiểm điểm tư tưởng sợ địch; kiểm điểm quan điểm sợ khó sợ khổ, sợ trường kỳ kháng chiến; kiểm điểm việc “tranh thủ” trong công tác vì lợi ích riêng và kiểm điểm nhận thức về sự bóc lột của đế quốc phong kiến đối với nhân dân ta. Xuyên suốt 6 trang giấy, đồng chí Phạm Sinh Chưng viết về ưu điểm rất ít, còn lại chỉ nói về những hạn chế của mình, đồng thời tự phê phán những khuyết điểm của bản thân một cách rất nghiêm khắc theo những nội dung kể trên.
Trong phần tự kiểm điểm tư tưởng sợ địch, có đoạn đồng chí viết: “Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Quảng Bình đóng ở đồng bằng, thường bị uy hiếp dưới tầm đạn ca-nông và máy bay địch. Một dịp tôi bị thương nhẹ, nhân đó tôi cho cơ quan chuyển về chiến khu vùng miền núi”. Đồng chí cho rằng: “đó là vì động cơ sợ chết, sợ bị thương. Đó là tư tưởng khiếp sợ địch. Mang động cơ cá nhân, dùng mệnh lệnh làm cho một số cấp dưới thắc mắc phản đối”. Từ đó đồng chí thành thực nhận lỗi: “tôi đã không nghĩ đến nhân dân đang kiên trì bám trụ dưới tầm súng bom đạn của giặc… Người đảng viên trước hết phải rèn luyện tính chịu đựng, phải biết đương đầu với sự sống và cả cái chết để cứu vãn lấy sinh mệnh của đất nước, kể cả sinh mệnh chính trị của bản thân mình”.
Trong phần phê phán tinh thần sợ khó sợ khổ, sợ trường kỳ kháng chiến, đồng chí đã tự kiểm điểm: “Tháng 11-1951, tôi đi dự hội nghị tuyên truyền ở khu về, đáng lẽ tôi phải vào phía nam của tỉnh ngay, nhưng tôi lấy lý do đang đi công tác một số vùng của phía bắc gần nhà, tôi nghỉ thêm một tháng để được vợ tẩm bổ. Tôi đã vô kỷ luật, không làm gương cho anh em nhân viên cấp dưới. Họ cũng học theo tôi vào chậm quá thời hạn công tác. Lần nữa, năm 1952, tôi đi công tác ở miền Bắc, bị thương nhẹ, tôi lấy cớ xin nghỉ thêm 15 ngày để điều trị. Vì tôi nghĩ vào miền Nam hiện nay rất ác liệt, đời sống rất kham khổ, lại bị uy hiếp, nguy hiểm đến cả tính mạng…”. Cuối cùng đồng chí tự phê bình: “người đảng viên Đảng Lao động Việt Nam phải luôn nhớ rằng, lo trước cái lo của dân, phải hưởng thụ sau dân. Phải rèn luyện chịu đựng gian khổ hy sinh, khắc phục tư tưởng cầu an hưởng lạc. Luôn luôn suy nghĩ đến sự cực khổ của nhân dân. Nhân dân là người cùng khổ nhất, phải đặt mức sống của mình ngang hàng với nhân dân. Có như thế mới lãnh đạo được nhân dân, phải luôn chuyên tâm cho sự nghiệp cách mạng”.
Trong phần kiểm điểm việc “tranh thủ” trong công tác vì lợi ích riêng tư, đồng chí Nguyễn Sinh Chưng viết: “như đã nói ở phần trước, tôi lấy lý do công tác, lấy lý do bị thương để về sống với vợ con gần 2 tháng. Những lần sống thiếu thốn vất vả quá, vợ tôi khuyên tôi về đầu hàng giặc... Có lần tôi đã định cắt đứt tình vợ chồng”. Đồng chí tự phê bình mình: “… Tôi đã chịu đựng gian khổ trong 7 năm trường kỳ kháng chiến, được vợ chăm sóc, đùm bọc nhưng do chỉ một câu nói của vợ thiếu suy nghĩ mà tôi đã vội cho rằng vợ tôi là người phản động. Tôi tham gia kháng chiến với tư tưởng ỷ lại, thiếu tinh thần tự lực cánh sinh. Tôi không có tư tưởng cách mạng dứt khoát, thiếu phương pháp tuyên truyền thuyết phục đối với gia đình. Nhiều khi do vất vả, khó khăn, tôi đã thiếu sự sáng suốt, quyết đoán của người đảng viên…”.
Trong phần tự kiểm điểm nhận thức về sự bóc lột của đế quốc phong kiến với nhân dân ta, đồng chí viết: “Năm 1951, nhân anh em cán bộ thị xã Đồng Hải cho biết, tôi có một người em họ ở Phú Ninh trong vùng tạm chiếm rất giàu, làm ăn sản xuất khá, tôi đã gửi thư xin của cải, đồng hồ, bút máy… Vì tôi nghĩ rằng trong số ruộng vườn của em họ tôi thừa hưởng có một phần ruộng của mẹ tôi và một mảnh vườn nữa…”. Theo đồng chí: “Đó là tư tưởng cầu an hưởng lạc. Nhận quà của người giàu để hưởng lạc cá nhân. Tôi chưa phát huy được tính tự lực cánh sinh, chưa xác định được lao động là vinh quang”.
Cuối cùng đồng chí Nguyễn Sinh Chưng đã đề ra phương pháp tu dưỡng và rèn luyện bản thân như sau: “Tự lao động, lao động hoá bản thân và gia đình để cải thiện đời sống và cải tạo tư tưởng hưởng lạc cầu an. Phải hoà mình với nông dân, đi sâu đi sát nhân dân. Đặt mức sống hàng ngày của mình, gia đình mình ngang với mức thấp nhất của người cùng khổ nhất. Không đòi hưởng lạc và sống xa hoa. Ghép mình, vợ con mình vào tổ chức kháng chiến. Không sợ địch, không sợ chết, không sợ bị thương. Tất cả cho trường kỳ kháng chiến thắng lợi”.
Phê bình và tự phê bình thực sự là vũ khí sắc bén để mỗi cán bộ, đảng viên từng bước hoàn thiện mình, tu dưỡng sữa chữa những sai lầm thiếu sót của bản thân, trở thành một đảng viên mẫu mực, một công bộc tốt của dân. Đọc bản kiểm điểm định kỳ của đồng chí Nguyễn Sinh Chưng, người đảng viên Đảng Lao động Viêt Nam, một cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh Quảng Bình trong đợt “chỉnh cán chỉnh cơ” mà Trung ương Đảng khởi xướng, tôi thực sự xúc động và cảm phục trước sự nghiêm túc, dũng cảm phê bình và tự phê bình của đồng chí theo lời Bác Hồ dạy. Có lẽ chính nhờ sự nghiêm túc phê bình và tự phê bình như thế của các cán bộ, đảng viên, Đảng ta đã được thanh lọc và nâng cao sức chiến đấu, sáng suốt lãnh đạo cuộc tổng phản công, làm nên thắng lợi lừng lẫy năm châu trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Từ bản tự kiểm điểm của đồng chí Nguyễn Sinh Chưng, tôi chợt liên tưởng đến việc viết bản tự kiểm điểm định kỳ hằng năm của mỗi đảng viên hiện nay. Sự nghiệp cách mạng nước ta có thành công, có trở thành hiện thực hay không trước hết phụ thuộc vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò đầu tàu gương mẫu của mỗi đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là từ việc mỗi cán bộ, đảng viên biết phê bình và tự phê bình một cách thẳng thắn, biết nhìn thẳng vào sự thật, biết nói và hành động theo sự thật như đồng chí Nguyễn Sinh Chưng trong câu chuyện kể trên.
Nhìn lại các bản tự kiểm điểm định kỳ hằng năm của đảng viên hiện nay, thấy còn mang nặng tính hình thức, chủ yếu nói về ưu điểm, còn khuyết điểm, thiếu sót và phương hướng khắc phục khuyết điểm thì viết qua loa, chiếu lệ. Thậm chí, bản tự kiểm điểm định kỳ hằng năm của đảng viên này có thể sao chép cho nhiều đảng viên khác, hoặc bản tự kiểm điểm của năm nay có thể sao chép sang những năm sau. Việc này tuy không phải là phổ biến nhưng rõ ràng đang tồn tại trong các tổ chức đảng hiện nay. Đáng buồn hơn, một số bản kiểm điểm sao chép vẫn được trình bày trước chi bộ, các đảng viên đó vẫn được xếp loại, bình bầu.
Cần có sự đổi mới về hình thức và nội dung viết bản kiểm điểm. Bản tự kiểm điểm định kỳ hằng năm cần được viết bằng chính tâm huyết của đảng viên, căn cứ vào yêu cầu của tổ chức đảng cấp trên đã đề ra, phù hợp với tình hình cụ thể hằng năm. Có như thế, bản kiểm điểm mới có chất lượng thực sự, mới thể hiện những suy nghĩ, trăn trở của người đảng viên trước những yêu cầu của cấp ủy, đơn vị. Đó cũng là một lần tự nhìn lại mình, tự thức tỉnh mình, dám nói ra sự thật, nhìn thẳng vào sự thật, thể hiện chiều sâu tư tưởng, tình cảm và bản lĩnh chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước ta hiện nay, cần lắm những đảng viên có bản lĩnh cùng cái tâm trong sáng…
Lương Duy Niệm
Tuyên Hoá, Quảng Bình