Trên bước đường xây dựng, phát triển đất nước do Đảng ta lãnh đạo, song hành với những thành tựu to lớn về chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội cũng đã phát sinh những hiện tượng tiêu cực làm cản trở sự phát triển. Trong đó tư tưởng cục bộ địa phương là một trong những nguy cơ cần phải được nghiêm túc xem xét chấn chỉnh, loại trừ.
Tư tưởng cục bộ địa phương được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, bài viết này xin nêu một vài hiện tượng làm ví dụ bàn luận, góp phần tìm cách khắc phục.
Các địa phương không tính đến lợi ích chung, bằng nhiều cách khác nhau kéo cho được nguồn vốn quốc gia về mình, gây ra tình trạng lãng phí đầu tư. Như, nhiều nơi cùng một lúc lập đề án xây dựng cảng biển, khi thực hiện xong đề án không phát huy tác dụng. Vì trên thực tế không hội đủ điều kiện để có thể hình thành một cảng với qui mô theo đề án đó tại địa phương.
Có trường hợp cấp trên hoặc nhà đầu tư muốn xây dựng công trình phúc lợi như cây cầu qua sông, một cơ sở y tế… tại một xã. Lẽ ra công trình được đặt ở vị trí này là hợp lý, nhưng ông bí thư, ông chủ tịch xã có quê ở làng khác nên muốn đầu tư về làng mình, không nhất trí với nhà đầu tư. Cuối cùng, chính người có trách nhiệm cao nhất của xã lại làm mất cơ hội đầu tư vào nơi đang phụ trách.
Không xuất phát từ lợi ích toàn cục, các địa phương không phối hợp với nhau để tiến hành tốt một công việc chung. Chúng ta đi ô tô hoặc xe máy trên các tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn, thấy rất rõ điều này. Cùng trên một tuyến đường, đoạn ở địa phương này tốt, qua địa phương kia xấu, nhất là ở đoạn giáp giới giữa hai địa bàn thường bị bỏ trống, không nơi nào chịu lập dự án hoặc trực tiếp xây dựng.
Khi đề nghị xét thi đua thì báo cáo phát triển tốt với tốc độ cao, khi cần sự viện trợ thì báo cáo nghèo khó, kêu ca đủ điều; giấu những hiện tượng tiêu cực, những mặt hạn chế sợ địa phương kém điểm thi đua. Từ việc báo cáo sai sự thật ấy dẫn đến điều nguy hại hơn là làm cho cấp trên đánh giá sai tình hình, có những quyết định không sát với cuộc sống.
Có cơ quan, đơn vị tư tưởng cục bộ địa phương đã nảy sinh trong quá trình tiến hành công tác tổ chức. Đã có câu “một người làm quan cả họ được nhờ”. Khi tư tưởng cục bộ địa phương xuất hiện trong những người có quyền, có chức thì bằng nhiều cách khéo léo họ vận dụng những chỗ hở trong những điều quy định để quyết định vấn đề về tổ chức có lợi cho quê hương, cho người thân cận của họ. Đôi khi họ cố tình lợi dụng chỗ hở của quy định, qua mắt rất tinh vi cả tập thể và cấp trên để từng bước cơ cấu được một bộ máy cơ quan, đơn vị theo ý mình.
Cũng do tư tưởng này nên đẻ ra “cái dù che cái cán”. Những người có trách nhiệm cao đôi khi không tính đến lợi ích chung, từ cấp cao hơn quay lại che chở không chân chính cho quê mình, cho những người đồng hương mình.
Ở Quảng Nam cũng có cơ quan, người đứng đầu quê ở một huyện nọ đã tập hợp khá nhiều người dưới quyền là đồng hương. Khi ông ta chuyển về Đà Nẵng thì nhiều người trong số đó cũng tìm mọi cách để ra đi. Và hiện nay nếu các nhà lãnh đạo thử cải trang thường dân, bí mật vi hành, có thể nghe được những điều tương tự như vậy đang xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị.
Là con người sống trên thế gian này, do hoàn cảnh lịch sử quy định, ai cũng có thể có tư tưởng cục bộ địa phương với những mức độ khác nhau. Chúng ta, những cán bộ, đảng viên xuất thân từ làng quê, chịu ảnh hưởng tư tưởng nông dân của nền sản xuất nhỏ, tự túc, tự cấp lâu đời, không quen với tầm nhìn xa, trông rộng, mặc dầu có học tập nhiều, rèn luyện nhiều cũng khó mà gột rửa hết tư tưởng cục bộ địa phương.
Người ta cũng thường nói “ở đời thì lòng tham vô đáy”. Lòng tham biểu hiện nhiều cách khác nhau: kẻ tham danh, người tham lợi. Người làm cho quê mình hơn quê người khác, người đồng hương mình hơn người quê khác theo một phương cách không lành mạnh, không chân chính cũng là một kiểu tham lam được nguỵ trang bằng lòng yêu quê hương. “Quê hương nếu ai không nhớ/Sẽ không lớn nổi thành người”. Nhưng nếu vì quê mình mà làm tổn hại đến lợi ích toàn cục, làm hạn chế sức mạnh của khối đại đoàn kết, cản trở bước tiến chân chính của người quê khác… thì hoàn toàn trái với tư tưởng và mục đích của người cộng sản. Tư tưởng đó cần được loại trừ trong quá trình phát triển xã hội.
Trước đây, ở nước ta nhằm hạn chế tư tưởng cục bộ địa phương, ngăn chặn nạn cát cứ của quan đứng đầu các cấp, nhiều triều đại phong kiến đã đề ra và thực hiện luật Hồi tỵ: Quan đầu tỉnh, đầu huyện, đầu ngành quan trọng không được nhậm chức tại quê nhà. Người được điều động đến làm quan không được làm nhà, tậu ruộng đất, làm sui gia với người tại nơi nhậm chức. Cha con, người thân cận trong dòng tộc, bạn thân từ trước đều không được làm cùng một công sở, chỉ trừ nghề y gia truyền và một vài nghề đặc biệt khác... Cùng với những quy định trên, triều đình thường xuyên thực hiện luân chuyển quan lại để hạn chế bè phái và hiện tượng tiêu cực khác.
Thiết tưởng, những điều quy định trong luật Hồi tỵ xưa vẫn còn nguyên giá trị khoa học và thực tiễn. Ngày nay, cần nghiên cứu, vận dụng như một nội dung của khoa học tổ chức nhằm hạn chế nảy sinh tư tưởng cục bộ địa phương, bè phái trong bộ máy công quyền, góp phần điều chỉnh xã hội ngày càng phát triển theo hướng lành mạnh, công bằng hơn.
Phạm Thông
Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Nam