Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay

Thực tế cho thấy, vì chủ nghĩa cá nhân, ham muốn vô độ danh lợi, tiền tài, vật chất, nhiều cán bộ, trong đó có nhiều người giữ cương vị cao, đứng đầu bộ, ngành, địa phương đã suy thoái đạo đức nghiêm trọng, tự diễn biến, tự chuyển hóa, bè phái, lợi ích nhóm, bất chấp pháp luật, bất chấp luân lí để tham ô, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật. Những cán bộ này đều đã được học tập, bồi dưỡng, rèn luyện qua nhiều trường lớp, nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Đáng nhẽ họ phải là những tấm gương sáng về tư tưởng, lý luận, đạo đức cách mạng để cán bộ, đảng viên, nhân dân học tập, noi theo. Nhưng trái lại, họ lợi dụng sự tin tưởng của Đảng, của Nhân dân để thực hiện những việc làm sai trái, vì lợi ích cá nhân mà quên đi lợi ích của Đảng, của dân tộc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở:“Đảng ta còn có nhiều nhược điểm mà một trong những nhược điểm lớn là trình độ lý luận còn thấp kémvì trình độ lý luận thấp kém cho nên đứng trước nhiệm vụ cách mạng ngày càng mới và phức tạp, trong việc lãnh đạo, Đảng ta không khỏi lúng túng, không tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm”[1]. Người còn chỉ rõ: “Vì kém lý luận, cho nên gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo. Không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại”[2]. Sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có nguyên nhân sâu xa do thiếu tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, cho nên, khi đứng trước những thử thách, cán dỗ không khỏi dao động, chệch hướng, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Đổi mới căn bản nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục lý l‎uận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn; đưa việc bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp đi vào nền nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa học tập lý luận với rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn để nâng cao bản lĩnh chính trị; khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên…”.

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác nghiên cứu, bồi dưỡng lý luận chính trị, thời gian tới chúng ta cần thực hiện đồng bộ một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, xây dựng chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trong các cấp bậc học để đảm bảo liên thông, có hiệu quả.

Việc học tập, bồi dưỡng chính trị, văn hóa ở giai đoạn giáo dục phổ thông rất quan trọng trong việc hình thành thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng. Tuy nhiên hiện nay, nội dung này mới được lồng ghép ở một số môn học như Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lí, Văn học, chưa có hệ thống chương trình tổng thể giáo dục chính trị, tư tưởng cho đối tượng học sinh trung học phổ thông. Do đó, cần nghiên cứu để sớm ban hành một chương trình học tập, giáo dục chính trị bài bản, khoa học ở cấp học này.

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng, triển khai chương trình giáo dục kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm trong các nhà trường. Tuy nhiên kết quả thu được chưa như mong đợi, phần nhiều gây áp lực cho giáo viên khi phải kiêm nhiệm, hoặc có nơi phải thuê khoán trung tâm. Từ đó xuất hiện các biểu hiện tiêu cực, các khoản phí khiến phụ huynh học sinh và dư luận xã hội bức xúc. Về cơ bản, cốt lõi của kỹ năng sống là văn hóa, là hình thức biểu hiện của thế giới quan và nhân sinh quan, nội dung giáo dục của nó phải được nằm trong tổng thể giáo dục chính trị, lý luận, tư tưởng. Do đó, để đổi mới giáo dục có hiệu quả cần nghiên cứu, xây dựng chương trình giáo dục chính trị, lý luận, tư tưởng thống nhất, tiết kiệm, hiệu quả, tránh chồng chéo, đảm bảo nội dung giáo dục, ngôn ngữ, hình ảnh, câu chuyện chính trị gần gũi, phù hợp với lứa tuổi học sinh trung học phổ thông. Đây là giai đoạn sơ khai nhưng cực kỳ quan trọng hình thành nên tâm lý, tính cách, ý chí và tiền đề cho sự giác ngộ lý tưởng cách mạng của người học sau này.

Thứ hai, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo lý luận chính trị sau trung học phổ thông phải cân đối, thiết thực, có chương trình phù hợp với mỗi trình độ, cấp độ đào tạo.

Đào tạo trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, sau đại học là giai đoạn đào tạo mà người học quan tâm rất lớn đối với các môn học chuyên ngành, nghiệp vụ. Do đó, nội dung kiến thức đào tạo, bồi dưỡng lý luận cũng không thể giống nhau ở tất cả các cấp bậc học này, cũng như không thể giống nhau ở tất cả các hình thức, loại hình đào tạo. Hiện nay, các môn học lý luận chính trị dành cho sinh viên không chuyên ngành lý luận bao gồm: Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực tiễn cho thấy, nhiều người học không chú ý, quan tâm đến các môn học này, chủ yếu bởi nội dung khó tiếp cận, khó hình dung khi liên hệ thực tiễn, người học chưa nhận thấy vai trò của nó đối với ngành, lĩnh vực theo học. Bên cạnh đó phương pháp giảng dạy chưa thực sự đổi mới, chưa tạo sức hút; chương trình còn nặng” về khối lượng kiến thức; hình thức thi, kiểm tra nặng về việc học thuộc lòng, khiến người học không mặn mà, hiệu quả đào tạo thấp. Từ đó xuất hiện tâm lý dạy và học qua loa, dễ phát sinh tiêu cực. Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan có liên quan cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và hình thức học cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn hiện nay, có sự khác biệt trong chương trình đào tạo giữa hệ thống các trường tư, trường quốc tế với hệ thống giáo dục công lập. Ở hệ thống này người học không học các môn lý luận chính trị do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Thêm vào đó, xu hướng dịch chuyển đào tạo từ công sang tư; chất lượng đào tạo từ hệ thống trường quốc tế là thách thức lớn đối với vị trí, vai trò của các môn khoa học cơ bản, kiến thức chung và lý luận chính trị trong các chương trình đào tạo bậc cao đẳng, đại học, sau đại học của chúng ta hiện nay.

Thứ ba, chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đối với người lao động trong khu vực công cần được quan tâm đặc biệt.

Nhà nước xã hội chủ nghĩa mang bản chất giai cấp công nhân, mục tiêu hướng tới giải phóng con người và giải phóng giai cấp, xác lập phương thức sản xuất mới ưu việt hơn, tiến bộ hơn dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại, do đó, các yếu tố về năng lực và phẩm chất của người lao động cần có những lưu ý đặc biệt, nhất là quan điểm ý thức hệ. Giai đoạn này, công tác bồi dưỡng lý luận chính trị phải định hướng giá trị, hình thành nhân cách con người mới, con người xã hội chủ nghĩa và người lao động xã hội chủ nghĩa, mà trước hết là đối với người lao động trong khu vực công. Lực lượng lao động khu vực công bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước.

Đầu tiên cần sự sàng lọc về mặt nhận thức, quan điểm ý thức hệ của những người lao động thuộc khu vực này. Do đó, khi tuyển dụng công chức, viên chức, người làm việc cho các cơ quan nhà nước cần có hình thức phù hợp để đánh giá về mặt nhận thức của người dự tuyển. Thực tế công tác tuyển dụng hiện nay cho thấy, nội dung này đang được tích hợp trong nội dung thi kiến thức chung, chưa được tách riêng như một nội dung thi độc lập, do vậy chưa đánh giá đúng về nhận thức, quan điểm, những hiểu biết của người dự tuyển về quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị sẽ được bồi dưỡng lý luận chính trị theo ngạch bậc và theo chức danh, chức vụ được quy hoạch, bổ nhiệm (hiện nay chương trình trung cấp và cao cấp lý luận chính trị). Chương trình này có điểm khác với các chương trình đào tạo bậc đại học (cả chuyên ngành và không chuyên chuyên ngành lý luận). Do vậy, cần có sự sàng lọc và phân tách kỹ hơn đối tượng người học để thiết kế chương trình học tập, bồi dưỡng cho phù hợp, hiệu quả. Thực tế cho thấy, vì không hiểu lý luận, thiếu nguồn nuôi dưỡng lý tưởng cách mạng nên một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức coi nhẹ môi trường làm việc trong các cơ quan nhà nước. Có người coi đây như một “chỗ dựa” để dễ dàng làm kinh tế, kết bè phái, lợi ích nhóm, tham ô, tham nhũng, tiêu cực.

Thứ tư, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên lý luận chính trị vừa “hồng”, vừa “chuyên”, nêu gương sáng.

Đội ngũ này không cần đông mà cần tinh. Họ phải là những người học rộng, hiểu sâu, am hiểu thực tiễn; đồng thời là những nhà giáo, nhà diễn thuyết có sức hút, có phương pháp và nghệ thuật hùng biện, là tấm gương sáng trong lao động, học tập, nghiên cứu khoa học và cuộc sống để người học noi theo.

Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức lý l‎uận chính trị cho cán bộ, đảng viên trong các học viện, các trường chính trị. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, các môn khoa học xã hội và nhân văn đáp ứng yêu cầu công tác giáo dục chính trị tư tưởng…”. Thực hiện Nghị quyết của Đảng, các học viện, trường, cơ sở giáo dục, trung tâm đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trong cả nước cần rà soát, đánh giá lại chất lượng cán bộ, giảng viên gắn với sắp xếp tổ chức, bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ năm, đổi mới và thực hiện nghiêm túc công tác thi, kiểm tra, đánh giá.

Việc kiểm tra, đánh giá năng lực người học cần sự nghiêm túc, khoa học trên các phương diện cơ bản: công tác ra đề thi, coi thi và chấm thi. Việc xem nhẹ các nội dung trên dẫn đến đánh giá không thực chế, chất lượng ảo. Những tiêu cực trong công tác thi, kiểm tra đánh giá trong nhiều năm qua đã được chỉ ra nhưng đến nay chậm được khắc phục, có mặt còn tăng lên, diễn biến phức tạp hơn như thi hộ, gian lận thi cử, chạy nâng điểm, chạy bằng cấp.... Điều này tác động tiêu cực đến chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực tuyển chọn vào làm việc trong khu vực nhà nước. Đây là mối nguy hại cực kỳ lớn, là nguy cơ phá hoại toàn bộ nền giáo dục và sâu hơn nữa là vấn đề quốc gia, dân tộc, sự tồn vong của chế độ. Cố Tổng thống Nam Phi đã từng khẳng định: Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên.

Đề thi cần đổi mới theo hướng thực tế, khoa học, hiệu quả, tránh kinh viện hàn lâm, cũng tránh đề thi quá dễ, đơn giản, lạc hậu. Liên tục đổi mới đề thi, hạn chế sự tác động của nhân tố chủ quan bằng ngân hàng câu hỏi thi và thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện. Công tác coi thi cần được đầu tư hơn nữa, hình thành các trường thi, địa điểm thi chuyên nghiệp, có sự giám sát, hỗ trợ của thiết bị kĩ thuật, hạn chế các tác động của nhân tố chủ quan, kiểm soát quyền năng của giám thị và hội đồng thi, các sự việc trong quá khứ và hiện tại đã được dư luận xã hội, báo chí phản ánh rất nhiều.

Tất cả các nhân tố và các giai đoạn của các quá trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nói chung và lý luận chính trị nói riêng có mối quan hệ mật thiết, gắn bó hữu cơ với nhau. Trong đó, mỗi giai đoạn, mỗi quá trình, mỗi cấp, mỗi ngành, từ Trung ương đến địa phương đều có những sự tác động nhất định, vai trò khác nhau đối với sự vận động của giáo dục và suy rộng ra là sự vận động và phát triển của xã hội. Từ đó, cần sự quan tâm phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, sự đầu tư đúng mức và toàn diện đến các quá trình và các nội dung cốt lõi đã được chỉ ra sẽ công cụ hữu hiệu để giải quyết, nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr. 90-91.

[2] Sđd, t.5, tr. 274.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất