Kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế lần đầu ban hành với con số dương 7 - 7,2%/năm đã phá sản. Quốc hội đã điều chỉnh thấp hơn về con số khiêm tốn là 6%/năm. Do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, mục tiêu bây giờ cố gắng tăng trưởng GDP đạt 3,5%/năm cũng là cao nhất khu vực và Top đầu thế giới.
Để hồi sức cho nền kinh tế đang suy giảm, Chính phủ liên tục ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, nghị định để xoay chuyển tình thế theo hướng tích cực hơn.
Mấy hôm nay, Quốc hội và Chính phủ tiếp tục bàn giải pháp mới để ứng phó và phù hợp với tình hình trong nước và thế giới. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 13-10-2021, thay thế tất cả các chỉ thị 15, 16, 19 trước đó. Nghị quyết là văn bản có giá trị pháp lý cao và bắt buộc các địa phương phải tuân thủ, thực hiện nghiêm để hồi phục kinh tế, để giao thương, đi lại thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nhưng đến hôm nay vẫn có nhiều địa phương phớt lờ Nghị quyết 128 và tự làm theo ý của mình.
Hơn thế nữa, Chính phủ, Quốc hội đã tung ra không dưới 3 gói hỗ trợ trong 2 năm dịch bệnh kéo dài; mỗi gói hỗ trợ theo tính toán trên sổ sách hàng ngàn tỷ đồng, cộng dồn là hàng trăm ngàn tỷ đồng - Một con số rất lớn so với tiềm lực kinh tế của Việt Nam. Nhưng thực chất các gói hỗ trợ cũng trải qua con đường khá dài, không dễ một sớm một chiều đến tay người dân, doanh nghiệp được, chưa nói đến sự “rơi vãi” do tiêu cực (nếu có) xảy ra. Bức tranh tổng thể có khi chỉ đẹp trên giấy tờ, trên hồ sơ và trên báo chí.
Để cứu vãn nền kinh tế chỉ có giải pháp hiệu quả nhất là hỗ trợ doanh nghiệp. Chính phủ và Quốc hội đang bàn nguồn tiền để tung ra gói hỗ trợ thứ 4 nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp khôi phục, mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Biện pháp đó trong lúc này liệu có khả thi?
Theo góc nhìn của tôi sẽ không khả thi bởi:
- Nguồn lực của Nhà nước chủ yếu là nguồn thu ngân sách, nhưng do sản xuất đình trệ kéo dài nên đã dần cạn kiệt. Để có nguồn tiền hỗ trợ cho doanh nghiệp khó có thể thực hiện.
- Thủ tục hành chính rườm rà trong các cơ quan Chính phủ và Quốc hội nên để có thể ban hành một nghị quyết chung là khó và mất thời gian, tiền đến tay doanh nghiệp phải lâu hơn nữa, có khi tới nửa năm và muốn nhận được hỗ trợ thì cực kỳ nhiêu khê.
- Tiền đâu để hỗ trợ cũng là một câu hỏi cần được trả lời thẳng thắn và trung thực từ các cơ quan quản lý ngân sách.
Nên giải pháp duy nhất là:
- Chính phủ và Quốc hội cần ban hành ngay một nghị quyết miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân bằng 0, thời hạn 12 tháng kể từ ngày nghị quyết ban hành.
- Chính phủ, Quốc hội ban hành nghị quyết miễn thu tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời gian 24 tháng kể từ ngày ban hành.
- Chính phủ chỉ đạo hệ thống ngân hàng do Nhà nước quản lý và chi phốii (ngân hàng thương mại, ngân hàng cổ phần, ngân hàng phát triển, ngân hàng chính sách…) đưa lãi suất về khoảng 3,5 - 4,0%/năm.
- Chính phủ đứng ra bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, bởi thực tế hầu hết các doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp.
Thiết nghĩ rằng Chính phủ, Quốc hội khẩn trương ban hành nghị quyết theo góc nhìn đó thì mới có cơ hội phục hồi kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động và bình ổn an sinh xã hội cũng như bảo đảm an ninh - quốc phòng trong tình hình mới. Như vậy, mục đích tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là con số dương (+) trong năm 2021, và tạo đà, tạo cú hích cho phát triển kinh tế năm 2022 sẽ khả thi và có cơ sở.
Nguyễn Hoài Bắc
Việt kiều Ca-na-đa