Khi nhìn thẳng vào thực tế sẽ thấy uy tín của Đảng, niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ giảm sút nghiêm trọng mà nguyên nhân đã được Nghị quyết Trung ương 4 Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay chỉ rõ: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”.
Lần này phải chỉnh đốn Đảng thật sự nghiêm khắc, bằng 4 nhóm giải pháp đồng bộ, trong đó nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên là rất quan trọng. Đợt tự phê bình, phê bình lần này khó khăn, phức tạp hơn nhiều. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng : “Đây là khâu mấu chốt nhất nhưng thực hiện cũng có nhiều khó khăn nhất. Bởi vì nó đòi hỏi mỗi người phải tự phân tích, mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của chính bản thân mình; phải nhận xét đánh giá khách quan về người khác. Nếu không thật tự giác, chân thành, công tâm thì rất dễ chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác, trong khi chỉ thấy khuyết điểm, mặt yếu của người khác nhiều hơn mình”.
Trước đây, trong quá trình xây dựng Đảng, Đảng ta đã tiến hành tự phê bình, phê bình nhiều lần như tự chỉ trích của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, trong cải cách ruộng đất mà tấm gương sáng là tự nguyện nhận ra sai lầm, tự nguyện từ chức của Tổng Bí thư Trường Chinh. Thời gian đó, chưa có cơ chế thị trường, tất cả chung một mục tiêu giành độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc, đời sống của cán bộ, đảng viên rất trong sạch, tình đồng chí, đồng bào vô cùng gắn bó, đùm bọc, thương yêu nhau. Đảng lại có lớp cán bộ “khai quốc công thần” mẫu mực, trong sáng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, như đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng…
Từ khi thực hiện cơ chế thị trường, mặt trái cơ chế này tác động mạnh mẽ, ta lại không có cơ chế hữu hiệu quản lý cán bộ, đảng viên; nhà nước pháp quyền chậm được xây dựng; lòng tham về vật chất, về địa vị không được chế ngự, bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Ðảng, trước nhân dân dẫn đến tham nhũng, tư lợi, quan liêu, xa dân, mất dân chủ phát triển rộng, ngày càng nhanh, "đầy tớ " mà sung sướng hơn ông chủ, giàu nghèo cách nhau quá xa…
Tuy nhiên, không phải vì khó mà ta không thực hiện. Do tình hình hiện nay khác xưa rất nhiều, rút kinh nghiệm từ thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (2) phải đổi mới tự phê bình và phê bình, chọn khâu đột phá như tôi đã đề xuất ở bài trước: Bộ Chính trị, Ban Bí thư làm mẫu trước để các cấp noi theo.
1. Phương châm: Thẳng thắn, chân thành, đầy tình nghĩa thương yêu đồng chí. - Ý chí kiên quyết nhưng mềm dẻo, thận trọng, có lý, có tình. - Không “đao to, búa lớn” nhưng không né tránh, nể nang, xuê xoa.
2. Nội dung: Thẳng thắn đặt lên bàn những nội dung cần tiến hành tự phê bình và phê bình của tập thể và từng đồng chí thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Các nội dung đưa ra được phân tích, có cả chứng cứ để giúp đồng chí mình nhận rõ đúng, sai. Đồng chí Tổng Bí thư chủ động nêu các vấn đề cần gợi ý tự phê bình, phê bình.
Tôi kể 2 ví dụ thực tế trong quá trình thực hiện Nghị quyết TW6(2).
Ví dụ 1: Một lần, Thường trực Ban Chỉ đạo TW6 (2) cùng lãnh đạo các ban của Trung ương xuống kiểm tra tự phê bình, phê bình ban thường vụ của một thành phố lớn. Đồng chí phó bí thư báo cáo kết quả tự phê bình, phê bình: Đã đạt kết quả tốt, sau tự phê bình và phê bình tăng cường đoàn kết, các vụ việc được giải quyết. Mọi đại biểu đều vui vẻ và chuẩn bị kết thúc. Một đại biểu của Thường trực lãnh đạo TW6 (2) giơ tay hỏi: - Thưa anh T, tôi xin hỏi về vụ mấy trăm m2 đất của anh T giải quyết ra sao? Đồng chí T trả lời rất nhanh: - Việc ấy của Bộ Chính trị. Đại biểu của Thường trực lãnh đạo TW6 (2) lại hỏi: - Vậy để Bộ Chính trị làm việc thì Ban Thường vụ Thành uỷ chuẩn bị báo cáo cho Bộ Chính trị thế nào? Không trả lời, phó bí thư T tuyên bố kết thúc hội nghị...
Ví dụ 2: Ban thường vụ đảng ủy của một bộ đề nghị Trung ương bố trí thời gian để tổ chức kiểm điểm tự phê bình, phê bình. Sau khi cân nhắc, Bộ phận Thường trực TW6(2) thấy đây là bộ có nhiều vấn đề lình xình, đã đề xuất với Bộ Chính trị cần cử một đồng chí có trọng trách chỉ đạo. Bộ Chính trị cử một đồng chí có trọng trách cao của Đảng, Nhà nước trực tiếp chỉ đạo. Hội nghị này cũng có đông đủ lãnh đạo, chuyên gia tham dự. Tài liệu đã được gửi đầy đủ tới đồng chí thay mặt Bộ Chính trị chỉ đạo: nội dung tự phê bình và phê bình, bản gợi ý kiểm điểm của Bộ Chính trị đối với tập thể đảng ủy, với từng thành viên đảng ủy. Sau khi các thành viên cấp ủy, đại biểu đã đến đông đủ, đồng chí thay mặt Bộ Chính trị khai mạc Hội nghị: "Hôm nay, được sự đồng ý của Bộ Chính trị, Thường vụ Đảng ủy Bộ C tổ chức tự phê bình và phê bình, mong rằng các đồng chí thực hiện với tinh thần tự phê bình và phê bình thẳng thắn để đạt được kết quả cao. Tôi xin tuyên bố khai mạc. Mời đồng chí M biết nhiều việc phát biểu gợi ý". Một phút im lặng. - Xin mời đồng chí M... Chủ trì hội nghị mời lần thứ 2. Vẫn im lặng...
Đồng chí M là một cán bộ giúp việc của Tiểu ban TW6(2), không thể lấy cương vị của mình để phát biểu gợi ý. Việc đó là trách nhiệm của đồng chí được Bộ Chính trị phân công xuống chỉ đạo hội nghị này.
- Xin mời đồng chí M. Đồng chí chủ trì hội nghị mời đến lần thứ 3.
Đến lúc này, đồng chí M đành trả lời: - Tôi không có ý kiến gì.
Thế là hội nghị tiến hành. Tập thể, rồi từng đảng ủy viên tự phê bình. Mấy ngày tự phê bình và phê bình trôi nhanh trong êm ả... Bản gợi ý của Bộ Chính trị không thấy nhắc tới và tất nhiên là không có kết luận gì về những tiêu cực mà gợi ý của Bộ Chính trị nêu ra.
3. Phương pháp, cách tiến hành: Phải được chuẩn bị chu đáo, thực hiện có kế hoạch, đích thân đồng chí Tổng Bí thư dành thời gian gặp gỡ, trao đổi với từng thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư để tìm được tiếng nói chung, nhất trí cao về tự phê bình và phê bình. Đồng chí Tổng Bí thư và Thường trực Ban Bí thư rà soát tất cả công tác chuẩn bị, khi đã chuẩn bị chu đáo mới tiến hành tự phê bình và phê bình. Sau tự phê bình và phê bình, đồng chí Tổng Bí thư kết luận từng vấn đề, nêu rõ ưu, khuyết điểm, vấn đề gì đã rõ, vấn đề gì còn tồn đọng, tiếp tục phải làm rõ. Sau khi tự phê bình, phê bình, có kết luận rõ ràng, tập thể, từng thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục, vấn đề gì có thể khắc phục ngay, vấn đề gì cần có thời gian, vấn đề gì tiếp tục làm rõ. Nếu không làm như vậy, chắc chắn tự phê bình và phê bình không đạt kết quả.
Có một trường hợp, tôi còn nhớ rõ trong thời gian thực hiện Nghị quyết TW 6 (2). Sau khi tự phê bình và phê bình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh M gửi báo cáo lên Thường trực TW6 (2) là : "Tự phê bình và phê bình trong Ban Thường vụ đạt kết quả tốt. Đảng bộ đoàn kết nhất trí, đã tiến hành đại hội, bầu BCH khóa mới...". Nhưng chỉ khoảng 10 ngày sau, Tổng Bí thư đã nhận được rất nhiều đơn của các đồng chí lão thành của tỉnh nêu: Thường vụ kiểm điểm, tự phê bình, phê bình không trung thực, bao che cho tham nhũng trong vụ mất 200 tỷ ở 2 công ty trong tỉnh... ".
Đồng chí Tổng Bí thư đã chuyển những đơn đó sang bộ phận Thường trực Trung ương 6 (2) yêu cầu giải quyết và báo cáo Tổng Bí thư. Bộ phận Thường trực đã giao cho đồng chí G là người dày dạn kinh nghiệm giải quyết. Trước khi đi, đồng chí G đọc kỹ các đơn, từ đó vạch ra lộ trình giải quyết:
a. Tóm tắt toàn bộ nội dung đơn thư, so sánh với báo cáo kết quả tự phê bình, phê bình của Ban Thường vụ tỉnh ủy tỉnh M gửi lên.
b. Đề nghị được Tổng Bí thư ủy quyền vào giải quyết.
Được ủy quyền của Tổng Bí thư, đồng chí G vào tỉnh M gặp Bí thư Tỉnh ủy (mới được Trung ương điều động từ nơi khác về và được đại hội đảng bộ tỉnh bầu vào Tỉnh uỷ, Tỉnh uỷ bầu làm Bí thư), nói rõ nội dung, yêu cầu, cách thức làm việc và đề nghị đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bố trí một căn phòng thích hợp để làm việc, bảo đảm sự thoải mái, kín đáo trong quá trình trao đổi. Đồng chí G lên lịch làm việc với từng đồng chí trong Ban Thường vụ khóa trước. Khi tiếp xúc với từng đồng chí Thường vụ cũ, đồng chí G đã nêu gọn, rõ ràng : "Thưa đồng chí, đồng chí Tổng Bí thư giao cho tôi vào xin ý kiến các đồng chí về việc tự phê bình và phê bình của Ban Thường vụ vừa qua. Hiện nay có nhiều đơn từ tỉnh gửi cho Tổng Bí thư không đồng tình với kết quả kiểm điểm, tự phê bình, phê bình. Tôi xin bảo đảm các thông tin của đồng chí được giữ kín, chỉ được báo cáo với đồng chí Tổng Bí thư. Xin nghe ý kiến đồng chí". Đồng chí G đã dành 13 buổi chăm chú nghe và ghi chép đầy đủ ý kiến của 13 đồng chí trong Ban Thường vụ khóa cũ. Có 2 đồng chí vừa nói vừa khóc: "Chúng tôi làm sao dám phê bình. Các đồng chí chủ chốt gạt đi, không cho nói tới vụ tiêu cực mất 200 tỷ ở 2 công ty. Tôi đã định lập hồ sơ truy tố vụ án, nhưng các đồng chí lãnh đạo không cho…". Các đồng chí trong Ban Thường vụ cũ đều dám nói lên sự thật về tự phê bình, phê bình không có kết quả.
Trở ra Hà Nội, đồng chí G đã báo cáo lại kết quả làm việc với đồng chí Tổng Bí thư và đề xuất: Tổ chức họp 2 ban thường vụ cũ và mới để trao đổi về các vấn đề. Được đồng chí Tổng Bí thư đồng ý, Ban Thường vụ Tỉnh ủy M đã tổ chức cuộc họp tự phê bình, phê bình trong 3 ngày, có đầy đủ các thành viên của 2 ban thường vụ cũ và mới, đại diện các ban của Trung ương về dự. Các đồng chí trong Ban Thường vụ cũ phát biểu đầy đủ các nội dung như đã trình bày trước đó. Ban Thường vụ mới nhận rõ thực chất và kết luận các vấn đề, các khuyết điểm một cách đúng đắn. Kết quả cuộc họp được báo cáo đầy đủ về Trung ương. Sau đó vụ án được khởi tố và khởi tố chủ tịch tỉnh M. Một số đồng chí khác bị truy cứu trách nhiệm trong Đảng.
Nếu làm tốt đợt tự phê bình và phê bình trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ là mẫu mực để làm tốt toàn bộ chương trình chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết TƯ 4 khóa XI, lấy lại lòng tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của của nhân dân.
Ngô Minh Giang