Từ xưa đến nay và sau này vẫn thế, tiêu chuẩn cán bộ vẫn cô đọng trong 2 chữ Đức và Tài. Cha ông ta thường nói nôm na: Người có đức mà không có tài vẫn là quân tử. Người có tài mà không có đức là tiểu nhân. Ở đời phải tập hợp được quân tử và phải tránh tiểu nhân. Đức vua Lê Thánh Tông nêu ra 5 tiêu chuẩn để chọn Lý trưởng cũng bao hàm đầy đủ 2 tiêu chí Đức và Tài, là: “Học lực sinh đồ. Gia tư hảo túc. Vật lực khả kham. Đức hạnh ôn hòa. Ngôn ngữ khả tín”. Đại thi hào Nguyễn Du cũng dạy: “Chữ tâm bằng ba chữ tài”. Nhà cải cách Lý Quang Diệu khái quát: “Có đức mà không có tài thì dễ trì trệ. Có tài mà không có đức thì dễ hỗn loạn. Thực tiễn ở đời hỗn loạn còn khổ hơn trì trệ”. Bác Hồ kính yêu của chúng ta thì nói dứt khoát: “Người có đức mà không có tài thì làm gì cũng khó. Người có tài mà không có đức thì vô dụng”.
Từ những vụ án lớn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo xử lý nghiêm túc gần đây cũng cho chúng ta một bài học: Khi cấp trên không chuẩn (không có đức và chưa đủ tài) thì cấp dưới chọn một chỗ đứng an lành là rất khó. Không làm theo cấp trên thì không mất chức cũng chẳng yên thân, mà làm theo cấp trên thì hậu quả khó lường.
Cố nhiên mỗi thời đại khác nhau, nội hàm của 2 chữ đức và tài cũng được điều chỉnh bổ sung cho phù hợp. Cha ông ta chọn cán bộ có đức và tài theo phương thức: Đức do tín nhiệm của nhân dân. Tài phải qua thi cử. Thế giới chọn cán bộ có tài cọ xát qua tranh cử - chọn cán bộ có đức sàng lọc qua lá phiếu tín nhiệm của dân.
Trong thời đại công nghiệp 4.0, tôi nghĩ cán bộ cần có đủ 3 tiêu chuẩn: Đức, Tài và Bản lĩnh; với nội hàm cụ thể như sau:
Người có đức phải hội đủ 3 phẩm chất: Gương mẫu, dân chủ, có tố chất văn hóa.
Đạo đức khó nhất của cán bộ là gương mẫu để được mọi người tin yêu. Để người tốt có chỗ dựa, người xấu không dám lộng hành. Gương mẫu là nói để làm, làm để chứng minh lời nói. Hành động trước, hưởng thụ sau. Hưởng thụ bằng thành quả lao động chân chính của mình. Lo cho mọi người, để mọi người tôn vinh, chăm lo và vun đắp cho mình.
Tiêu chuẩn bao trùm của đạo đức cán bộ là thực sự dân chủ. Dân chủ là cách tốt nhất để tập hợp trí tuệ. Dân chủ là cách duy nhất để giải phóng và thông thoáng tư tưởng. Dân chủ là con đường tốt nhất để không phạm sai lầm. Dân chủ là mục tiêu để đoàn kết nội bộ.
Đạo đức được toát ra bề ngoài của người lãnh đạo là nếp sống có văn hóa. Có đạo đức sẽ có văn hóa. Có văn hóa chính nhờ có đạo đức. Đạo đức là nhân quả, là nội dung, là cốt lõi của văn hóa. Văn hóa cần nhất của một người lãnh đạo là luôn chăm lo cho cấp dưới và không làm phiền cấp dưới.
Nói tóm lại một cán bộ có đạo đức là tận tụy để cấp dưới thương; là gương mẫu để cấp dưới trọng; là dân chủ cho cấp dưới tin cậy dễ gần để cung cấp thông tin; là sáng tạo để cấp dưới có đủ việc làm và có thêm thu nhập chính đáng; là kỉ cương để người tốt luôn có chỗ dựa và người xấu không dám thách đố, lộng quyền.
Người có tài cũng phải hội tụ 3 nội dung: Có tầm nhìn, biết tập hợp nhân tài, có sản phẩm cụ thể.
Trước hết người có tài là người có tầm nhìn xa trông rộng trong thời đại 4.0. Muốn nhìn xa để khỏi buồn gần trong thời đại ngày nay phải có ngoại ngữ, phải am hiểu CNTT biết ứng dụng kết nối và lan tỏa, phải đi nhiều để tổng kết thực tiễn, dũng cảm so sánh với bạn bè quốc tế, từ đó định vị đúng mình, xem mình là ai? Mình đang ở đâu? Và mình phải làm gì để sánh vai với các cường quốc 5 châu - Phải hiểu: Một cán bộ quyết đoán là một cán bộ đoán được tương lai để quyết đúng. Đó chính là tiêu chuẩn trí tuệ.
Một cán bộ có tài là một cán bộ luôn tìm cách tiếp cận, giao việc để phát hiện đúng nhân tài, đào tạo, quản lý, sử dụng và bảo vệ nhân tài, phải sử dụng người được việc, chứ không phải người được lòng. Bởi suy đến cùng người có tài là người biết tập hợp mọi cái tài của người khác. Không tập hợp được người tài cũng đồng nghĩa là người bất tài. Tập hợp được người tài là tiêu chuẩn cao nhất, cần nhất của người lãnh đạo.
Đã là cán bộ có tài thì phải có sản phẩm; đo đếm bằng thành quả do vai trò lãnh đạo của mình tạo ra trên 3 lĩnh vực chủ yếu: thành quả kinh tế (thu ngân sách, giá trị sản xuất tăng thêm), thành quả chính trị (đội ngũ cán bộ kế cận và tín nhiệm của dân) và các công trình có chất lượng để lại cho đời sau. Nói tóm lại sự nghiệp của một cán bộ là làm 4 chữ: Nhiều tiền, yên dân. Muốn nhiều tiền phải lo phát triển kinh tế, mà nền tảng là kinh tế doanh nghiệp và kinh tế hộ gia đình. Muốn yên dân phải chăm lo các chính sách xã hội, từ thiện, nhân đạo, giáo dục, đào tạo và tiến bộ xã hội.
Trong tình hình hiện nay, cán bộ có đức, có tài, cần phải có bản lĩnh. Vì hiện nay có lúc, có việc, có nơi, người tốt chưa đủ tỷ lệ áp đảo người không tốt. Vì thế rất cần người lãnh đạo có bản lĩnh để thiết lập lại trật tự kỉ cương. Một cán bộ có bản lĩnh cũng cần hội đủ 3 tiêu chí: Dám nghĩ, dám làm, dám nói.
Dám nghĩ những điều chưa có trong sách, chưa có trong đời để làm vì sự nghiệp củng cố niềm tin của nhân dân và chấn hưng đất nước phù hợp với thời đại KHCN. Khi đã nghĩ đúng thì dám dấn thân để làm, quyết tâm đưa cái đúng vào cuộc sống, lấy kết quả cuối cùng để bảo vệ mình. Phải tích cực đổi mới, gắn với cải tạo môi trường để ra đời cái đúng, cái tốt nhiều hơn. Dám nghĩ, dám làm còn phải dám nói. Im lặng, thủ tiêu đấu tranh cũng là môi trường dung dưỡng cho cái xấu nảy sinh và phát triển. Thực tiễn cuộc sống đã chỉ ra rằng: Rất nhiều tiêu cực vừa qua, dân phát hiện khá sớm, nhưng các cơ quan chức năng nhận ra hơi muộn nên khi buộc phải xử lý thì tổn thất lớn hơn, cái giá kinh tế chính trị phải trả nặng hơn.
Trên đây là một số ý kiến nhỏ xoay quanh một chủ đề rất lớn về tiêu chuẩn cán bộ trong thời đại hiện nay. Xin mạnh dạn trao đổi để chúng ta cùng suy ngẫm.
Lê Doãn Hợp
Nguồn: Vietnamnet