An Giang là tỉnh miền Tây Nam Bộ, khu vực ĐBSCL, có đường biên giới dài gần 100km, giáp với tỉnh Tà keo và Kandal (Campuchia). Tỉnh có 28 dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Khmer, Chăm, Hoa với 119.219 người, chiếm 5,26% dân số và 25 dân tộc thiểu số khác với 896 người cùng chung sống. Về tôn giáo, bao gồm 12 tổ chức, hệ phái tôn giáo, tín đồ tôn giáo chiếm khoảng 70,31% dân số toàn tỉnh. Đặc biệt, An Giang là nơi khai đạo của 3 tôn giáo: Phật giáo Hòa Hảo, Tứ ân Hiếu Nghĩa và Bửu sơn Kỳ Hương. Xác định công tác xây dựng Đảng ở địa bàn tôn giáo, dân tộc là nhiệm vụ then chốt, Đảng bộ tỉnh An Giang luôn phát huy vai trò đoàn kết, nhất trí trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ về công tác xây dựng Đảng, công tác dân vận, tôn giáo, dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.
Kỳ 1: Xây dựng Đảng vùng đồng bào tôn giáo
Tôn giáo luôn là vấn đề hết sức nhảy cảm và phức tạp, các thế lực thù địch thường lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá cách mạng, kích động tín đồ làm mất an ninh trật tự, an toàn xã hội làm cho chính trị bất ổn, kinh tế không phát triển. Vì vậy, công tác tôn giáo luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Đảng bộ An Giang phát huy tối đa vai trò của những người có uy tín, tiêu biểu, các vị chức sắc, chức việc và nhà tu hành ở khu dân cư để tuyên truyền các nội dung về chính sách Đại đoàn kết toàn dân tộc, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng còn gặp nhiều khó khăn.
Đồng bào tôn giáo “tốt đời, đẹp đạo”
So với các địa phương khác, An Giang có sự đa dạng hơn về tôn giáo. Theo UBMTTQ Việt Nam tỉnh An Giang, toàn tỉnh có hơn 530 cơ sở thờ tự hợp pháp của các tôn giáo và còn một số cơ sở thờ tự có nguồn gốc tôn giáo chưa được công nhận; có gần 590 chức sắc và gần 3.400 chức việc. Tỉnh có các trung tâm tôn giáo lớn đóng trên địa bàn như: Ban Trị sự Trung ương Phật giáo Hòa Hảo (PGHH), Tòa Giám mục giáo phận Long Xuyên, Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh… và còn nhiều cơ sở chưa được công nhận. Dù địa bàn có nhiều dân tộc, đa tôn giáo, đông tín đồ và nhiều cơ sở thờ tự, có tôn giáo gắn liền với dân tộc, nhưng đồng bào tôn giáo luôn nâng cao đạo đức, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Được sự hướng dẫn của Ban Tôn giáo Chính phủ, chính quyền tỉnh An Giang đã quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, chủ trì phối hợp với các cấp, các ngành để giải quyết các vấn đề tôn giáo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, tranh thủ được sự đồng tình của chức sắc, tín đồ các tôn giáo và dư luận xã hội, từ đó hoạt động của PGHH đi dần vào ổn định, chấp hành pháp luật; mối quan hệ giữa chính quyền với các chức việc, tín đồ PGHH ngày càng gần gũi, cởi mở và thân thiện. Các hoạt động đạo sự của Giáo hội PGHH phát triển đa dạng, phong phú, tạo được niềm tin trong tín đồ, từ đó phát huy mặt tích cực trong công tác từ thiện xã hội của tín đồ PGHH.
Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương luôn quan tâm đến đồng bào tôn giáo.
Chính quyền các cấp luôn tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo và tín đồ sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật và Hiến chương của Giáo hội. Tín ngưỡng, tôn giáo là lĩnh vực được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời và quán triệt trong cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Tỉnh đã vận động bà con phát triển kinh tế, giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, kết hợp hài hòa giữa tập quán và luật pháp, giữa truyền thống và hiện đại, thực hiện tốt các hoạt động tự quản tại cơ sở, xây dựng quy ước, hương ước trong từng cộng đồng dân cư... Từ đó, giúp tỉnh thực hiện các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước thuận lợi như: định canh, định cư, sinh đẻ có kế hoạch, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, chống lại âm mưu lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc chia rẽ khối Đại đoàn kết...
Theo Ban Tôn giáo tỉnh: Xác định công tác tôn giáo là “công tác vận động quần chúng”, Ban Tôn giáo tỉnh An Giang đã quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về hoạt động tôn giáo, thường xuyên tổ chức các lớp tuyên truyền với sự tham gia đông đủ của các chức việc PGHH và đạt được kết quả tốt. Bên cạnh đó, kết hợp linh hoạt biện pháp tuyên truyền giáo dục và biện pháp xử lý hành chính; thường xuyên thông tin đầy đủ, kịp thời những âm mưu, hoạt động của đối tượng cực đoan trong và ngoài nước đến chức sắc, chức việc và bà con tín đồ PGHH; làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời ngăn chặn, vô hiệu hóa hoạt động của số đối tượng cực đoan chống đối; củng cố, hoàn chỉnh hồ sơ để xử lý bằng pháp luật những đối tượng cầm đầu, ngoan cố, chống đối để ổn định tình hình an ninh trật tự.
Qua đó, bà con tín đồ, đồng bào dân tộc thực hiện tốt các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng; đề cao cảnh giác đối với những phần tử xấu lợi dụng tôn giáo, dân tộc để chia rẽ, làm mất trật tự xã hội và an ninh quốc gia. Các tín đồ cùng góp phần thực hiện nhiệm vụ của địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và các phần tử xấu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá cách mạng và tự giác thực hiện. Phối hợp tốt với chính quyền giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc của tôn giáo, dân tộc, không để xảy ra “điểm nóng”.
Phó Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Trương Hoàng Trọng thông tin: An Giang có 12 tổ chức, hệ phái tôn giáo: Phật giáo Việt Nam (Bắc tông và Nam tông Khmer), PGHH, 4 hệ phái Cao đài (Cao đài Tây Ninh, Cao đài Ban Chỉnh đạo, Cao đài Tiên thiên, Cao đài Chơn lý); Công giáo, Hồi giáo, Tin lành, Tịnh độ cư sĩ, Tứ ân Hiếu Nghĩa và Bửu sơn Kỳ Hương. Đặc biệt, An Giang là nơi khai đạo của 3 tôn giáo: PGHH, Tứ ân Hiếu Nghĩa và Bửu sơn Kỳ Hương. Toàn tỉnh có hơn 530 cơ sở thờ tự hợp pháp và còn nhiều cơ sở chưa được công nhận; có gần 590 chức sắc và gần 3.400 chức việc. Các trung tâm tôn giáo đóng trên địa bàn: Văn phòng Ban Trị sự Trung ương PGHH (thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân); Văn phòng Tòa Giám mục giáo phận Long Xuyên (TP. Long Xuyên); Văn phòng Đạo hội Tứ ân Hiếu Nghĩa (thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn); Văn phòng Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh (xã Châu Phong, TX. Tân Châu) và đạo Bửu sơn Kỳ Hương (xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu). Mặc dù là địa phương có nhiều tôn giáo, có đường biên giới giáp hai tỉnh Takeo, Kandal (Vương quốc Campuchia), nhưng trong thời gian qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, tình hình tôn giáo, dân tộc vẫn ổn định, hoạt động từng bước đi vào nề nếp, chấp hành đúng pháp luật, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân được bảo đảm, nhất là khi Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo được ban hành.
Điểm sáng nơi khai đạo Phật giáo Hòa Hảo
An Hòa tự, tọa lạc tại thị trấn Phú Mỹ (huyện Phú Tân), là nơi Đức Huỳnh Giáo chủ chính thức công bố khai sáng đạo PGHH vào ngày 18-5-1939-năm Kỷ Mão, được mệnh danh là thánh địa của PGHH (là nơi đặt trụ sở Ban Trị sự Trung ương PGHH). Trải qua hơn 19 năm, kể từ khi được Nhà nước công nhận về mặt tổ chức, PGHH đã nêu cao truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết của một tôn giáo nội sinh, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, ngày càng ổn định và phát triển.
Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Phú Tân Lâm Phước Trung nhấn mạnh: "Phú Tân có 207.673 người, trong đó người có đạo chiếm 96,1% dân số, đông nhất là PGHH chiếm 87,9% dân số (hơn 182.000 tín đồ). Xác định công tác xây dựng Đảng địa bàn tôn giáo là nhiệm vụ then chốt, Huyện ủy Phú Tân thực hiện nhất quán chủ trương của Đảng, Nhà nước về tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo và đã tạo mọi điều kiện để các hoạt động, sinh hoạt của các tôn giáo diễn ra bình thường; tôn chỉ "tốt đạo, đẹp đời" ngày càng gắn kết chặt chẽ, vừa thực hiện chức phận của người tín đồ, vừa thực hiện tốt quyền lợi và nghĩa vụ của công dân; tham gia tốt công tác từ thiện; tích cực hưởng ứng, chung tay, chung sức, đồng lòng vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương… góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ huyện".
Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các tôn giáo nói riêng, nhân dân toàn huyện nói chung từng bước được cải thiện. Ông Trung cho biết: "Cấp ủy và chính quyền luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với các tôn giáo, định kỳ hàng quý tổ chức họp mặt nhân sĩ, chức sắc, chức việc các tôn giáo toàn huyện để thông tin, thông báo tình hình của địa phương. Đồng thời, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tôn giáo, tạo sự hiểu biết, tin cậy, đồng thuận lẫn nhau".
Cứ vào dịp lễ Đại lễ Đản sinh, tất cả các điểm lễ được tổ chức tự do, nhưng đảm bảo ổn định an ninh trật tự. Riêng tại An Hòa tự (thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), kỷ niệm ngày khai sáng đạo PGHH, ngày 21-6 (tức 18-5 âm lịch), hơn nửa triệu tín đồ PGHH các tỉnh, thành phía Nam đã về dự lễ đạo, nhưng tình hình an ninh chính trị trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Tín đồ PGHH thực hiện đúng giáo lý, giáo luật, Hiến chương giáo hội và pháp luật Nhà nước, vận dụng vào hoạt động chương trình đạo sự PGHH góp phần xây dựng đất nước… Tín đồ rất phấn khởi từ khi PGHH được công nhận tư cách pháp nhân nên ra sức thi đua làm đúng theo tôn chỉ mục đích của đạo. Người dân xứ đạo có một nếp sống đặc biệt an lạc, với không khí đạo giáo.
Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Phú Tân Lâm Phước Trung cho biết: "Công tác tổ chức xây dựng Đảng vùng đồng bào tôn giáo luôn có sự đổi mới trong tư duy, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Công tác phát triển Đảng được nâng chất về số lượng và chất lượng, với 66 chi, đảng bộ trực thuộc Huyện ủy, 4.584 đảng viên, chiếm 2,21% dân số (trong đó đảng viên có đạo là 3.010 người)”. Cán bộ nói chung và cán bộ là người có đạo nói riêng đều được đối xử bình đẳng, được quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Toàn huyện Phú Tân có 257 cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó 146 cán bộ lãnh đạo, quản lý là người có đạo, chiếm tỷ lệ 56,8%. "Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là người có đạo đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, phẩm chất, uy tín, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, có khả năng lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cùng với quan tâm nắm bắt dư luận xã hội, Đảng bộ huyện kịp thời phản tuyên truyền trước các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch"-ông Trung nhận định.
Cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội xác định tổ chức tôn giáo và tín đồ các tôn giáo là một bộ phận không thể tách rời trong hệ thống chính trị của mình; chủ động thường xuyên, gặp gỡ, tiếp xúc các chức sắc, nhà tu hành để tạo sự gần gũi, thân thiện và đồng thuận gắn bó, đồng hành cùng quần chúng nhân dân, tích cực đóng góp xây dựng khối đoàn kết giữa các tôn giáo và giữa đồng bào tín đồ tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Luôn gợi mở tấm lòng nhân ái, từ thiện của tín đồ các tôn giáo tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội: "bồi đường, đắp lộ", "bê tông hóa cầu nông thôn", xây dựng "cửa hàng không đồng- thừa thì cho, thiếu thì nhận", cất sửa nhà Đại đoàn kết, cứu trợ, giúp đỡ các gia đình khó khăn...
Ông Trung chia sẻ thêm: "Đảng bộ, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng và các kênh thông tin đại chúng luôn đổi mới công tác thông tin tuyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động kích động, lôi kéo gây chia rẽ đoàn kết toàn dân tộc chống phá của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, thường xuyên nắm tâm tư, nguyện vọng của tín đồ và các tôn giáo; giải quyết các vấn đề chưa rõ, thắc mắc của tín đồ tôn giáo. Qua đó, tạo sự đồng thuận, các tôn giáo, tín đồ thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, địa phương".
Kỳ 2: Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đóng góp cho cộng đồng
Mỗi năm cứ đến đại lễ ngày khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) ở An Giang, lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ đều tham dự, ghi nhận và biểu dương thành tựu đạo sự và những đóng góp của Giáo hội và bà con tín đồ trong thời gian qua, đặc biệt là công tác từ thiện- xã hội với nhiều mô hình hay đã giúp đỡ thiết thực cho những hoàn cảnh khó khăn, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, xây dựng quê hương, đất nước ngày thêm giàu mạnh.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận: Đồng bào tôn giáo tích cực làm từ thiện; luôn đi đầu, làm trước, tích cực tuyên truyền, vận động người dân thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, chung tay làm công tác từ thiện – xã hội, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… Đó là những điểm mạnh trong các hoạt động của các tín đồ PGHH. Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, tín đồ PGHH đã phát huy tích cực tinh thần cần cù, sáng tạo, các địa phương đã thành lập được các đội làm cầu từ thiện, tự nghĩ ra các phương án xây dựng cầu làm đường nông thôn vừa ít tốn kinh phí, vừa đảm bảo chất lượng. Tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho bà con nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHH thông tin: "Hiện nay, Đạo PGHH có 399 Ban Trị sự cơ sở ở các xã, phường, thị trấn trong 17 tỉnh, thành. Năm 2017, các hoạt động xã hội- từ thiện được tín đồ PGHH duy trì và phát huy, tổng cộng đã đóng góp tiền, ngày công, vật chất quy thành tiền trên 402 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương, giúp đỡ người nghèo; trong đó tín đồ PGHH tỉnh An Giang đã đóng góp hơn 91 tỷ đồng làm công tác xã hội từ thiện, góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới".
Nhiều hoạt động ý nghĩa , tham gia cá hoạt động xã hội, từ thiện của tín đồ.
Với đặc thù tỉnh có nhiều dân tộc, đa tôn giáo, đông tín đồ và nhiều cơ sở thờ tự, có tôn giáo gắn liền với dân tộc do vậy việc phát huy vai trò người có uy tín, tiêu biểu, các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành…là việc làm rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Phú Tân (địa bàn có đông tín đồ PGHH) là điển hình của Trung ương và tỉnh trong vận động đồng bào tôn giáo tham gia an sinh xã hội, phát triển kinh tế. Chính quyền đã phát huy các giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo và các cá nhân có tín ngưỡng tôn giáo trong công tác từ thiện- xã hội, chăm lo người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn… 8 tháng đầu năm 2018, đã vận động quỹ “Cây mùa xuân”, quỹ “Vì người nghèo” trên 8,1 tỷ đồng, hỗ trợ 10.610 hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn; cất mới 71 căn, sửa chữa 9 nhà Đại đoàn kết; cứu trợ khó khăn cho 1.719 lượt hộ. Từ năm 2015 đến nay, đã xây dựng hơn 20 cây cầu bê tông, kinh phí 12 tỷ đồng ), đã đáp ứng được sự mong muốn của nhân dân, thuận tiện cho việc giao thông đi lại của bà con các xã, giúp các em học sinh đến trường được dễ dàng, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương; xóa cầu tạm bợ.
Bí thư Huyện ủy Phú Tân Lâm Phước Trung chia sẻ: "Điều đáng trân trọng là cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội luôn nhận được sự hưởng ứng và đồng hành của các nhà hảo tâm, các tổ chức tôn giáo cùng tham gia làm công tác xã hội- từ thiện, chăm lo cho người nghèo. Tiêu biểu như: Ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHH đóng góp 550 phần quà trị giá 186 triệu đồng giúp người nghèo vui Xuân đón Tết; mổ mắt nhân đạo 120 lượt bệnh nhân số tiền 84 triệu đồng; Ban khuyến học hỗ trợ các em học sinh “Tiếp bước đến trường” với số tiền 43,5 triệu đồng...”.
Ông Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo cho biết: Bằng nhiều cách làm khác nhau, thông qua các chương trình từ thiện - xã hội như: chương trình nắm gạo tình thương, mổ mắt nhân đạo, sửa chữa cầu- đường, cất nhà Tình thương… tín đồ PGHH đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng chăm lo cho cộng đồng, góp phần cùng chính quyền địa phương chăm sóc người nghèo, giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Những việc làm này đã nói lên PGHH luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng chính quyền chăm lo đời sống của nhân dân”. Nổi bật là hoạt động hỗ trợ bệnh nhân nghèo của tín đồ PGHH rất phong phú, đa dạng. Ngoài xe vận chuyển bệnh còn có hoạt động sưu tầm thuốc nam, nồi cháo tình thương… Nhiều người nghèo đi nằm viện đã có cơm, cháo ăn hàng ngày nhờ các tổ từ thiện tổ chức nấu nước sôi, cháo để cung cấp cho bệnh nhân tại các bệnh viện.
Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh An Giang Trương Hoàng Trọng nhận định về những đóng góp của tín đồ PGHH trong công cuộc xây dựng nông thôn mới: "Những năm qua, cùng với chính quyền địa phương, Ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHH đã tích cực vận động các nguồn tài lực, nhân lực của tín đồ PGHH đóng góp, tham gia xây dựng giao thông nông thôn, hỗ trợ cất nhà ở góp phần tích cực cùng chính quyền xây dựng hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển".
Đồng bào theo đạo PGHH đã phát huy tích cực của đạo đức của tôn giáo, thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát động. Góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con đồng đạo nói riêng, nhân dân nói chung; tích cực gắn bó với cộng đồng, đồng hành cùng các tôn giáo trong khối Đại đoàn kết dân tộc.
Tín đồ đóng góp cho cộng đồng
Nhiều công trình "ý Đảng, lòng dân" được phát huy mạnh mẽ, có sức lan tỏa mạnh. Đó là mô hình tín đồ PGHH tham gia giữ gìn an toàn giao thông. Huyện Phú Tân là điển hình địa phương đầu tiên của tỉnh thực hiện mô hình này. Với lợi thế là nơi phát sinh nền đạo, có trên 87% người dân trên địa bàn huyện là tín đồ PGHH, Công an huyện Phú Tân chủ động phối hợp Ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHH vận động đồng bào theo đạo tự giác tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đây là mô hình phối hợp giữa Công an huyện Phú Tân và Ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHH, mục đích vận động tín đồ PGHH trên địa bàn tự giác tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông không lấn chiếm hành lang lộ giới, đắp đất bảo vệ 2m lề đường, nơi khu vực cư trú. Mô hình thí điểm tại 3 xã: Tân Hòa, Phú Hưng, Tân Trung. Sau 3 tháng triển khai, có 19 cuộc tuyên truyền được tổ chức cho hơn 900 lượt người tham dự. Tín đồ PGHH, các nhà từ thiện đóng góp trên 890 triệu đồng cùng thành viên Ban An toàn giao thông xã khắc phục, sửa chữa các điểm sạt lở, sụt lún, giặm vá “ổ trâu”, “ổ gà” trên 20,9 km; tự giác tháo dỡ, di dời vật dụng, chướng ngại vật tại nơi sinh sống. Mô hình đã lan tỏa đến các địa phương lân cận và được UBND huyện Phú Tân khuyến khích nhân rộng trên toàn địa bàn. Ngoài ra, Ban Trị sự PGHH phối hợp với Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo, Hội Chữ Thập đỏ huyện xây dựng "cửa hàng không đồng- thừa thì cho, thiếu thì nhận", qua gần 2 năm thực hiện đạt được nhiều kết quả tốt, dân đồng thuận...
Ông Nguyễn Ngọc Tuyến, Trưởng ban Trị sự xã Tân Hòa cho biết: "Thời gian qua, tín đồ PGHH trên địa bàn phối hợp cán bộ chiến sĩ Công an, các đoàn thể chính trị xã hội, Hội Chữ thập đỏ, các nhà hảo tâm cùng bà con Nhân dân tổ chức nhiều đợt ra quân sửa chữa, vá mặt đường hư hỏng, đồng thời vận động người dân di dời những vật dụng lấn chiếm lề đường. Nhờ mô hình này, bà con cùng đóng góp, cùng làm, cải thiện các đoạn đường trên địa bàn, nâng lên ý thức đảm bảo an toàn giao thông đối với cộng đồng".
Thị xã Tân Châu-vùng giáp biên giới Campuchia (đường biên giới dài khoảng 6,2 km, tiếp giáp xã Kaomsano, huyện Lekdek, tỉnh Kandal) là điểm sáng với mô hình phát huy sức mạnh người có uy tín trong đồng bào các tôn giáo giữ gìn an ninh trật tự, chủ quyền biên giới. Nhiều năm năm qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trên địa bàn TX. Tân Châu và Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế sông Tiền luôn phát huy tốt vai trò của các vị chức sắc, chức việc, người có uy tín trong đồng bào tôn giáo trên địa bàn tham gia bằng những việc làm thiết thực trong xây dựng các mô hình, phong trào phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, quy chế biên giới... qua đó góp phần ổn định an ninh tuyến biên giới. Điển hình có ông Đoàn Văn Hổ, Trưởng ban Trị sự PGHH xã Vĩnh Xương luôn gương mẫu, hoạt động đúng theo tôn chỉ, giáo lý, thực hiện đúng pháp luật Nhà nước, vận động bà con tín đồ không nghe theo các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của kẻ xấu, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, chấp hành nghiêm quy chế khu vực biên giới, không tham gia các loại tệ nạn xã hội… Ông Đoàn Văn Hổ còn phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể trên địa bàn xã, vận động bà con tín đồ, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm trong và ngoài xã cất mới và sửa chữa hàng trăm căn nhà Đại đoàn kết, nhà Tình thương, nhà Tình nghĩa; xây dựng mới 4 cây cầu nông thôn bắc qua kênh 7 xã; nâng cấp, bê tông hóa hàng chục km lộ nông thông,… với tổng số tiền gần chục tỷ đồng. Ngoài ra, định kỳ hàng năm, vào các ngày lễ, tết, rằm lớn… ông còn kết hợp với Mặt trận Tổ quốc xã vận động tín đồ và các nhà hảo tâm trao tặng hàng ngàn phần quà, gạo, các nhu yếu phẩm,… giúp hộ nghèo, hộ khó khăn, người già neo đơn trên địa bàn xã từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.
Ngoài đạo PGHH, xã Vĩnh Xương còn có đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Thời gian qua, bà con tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đã tích cực cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia phát triển kinh tế - xã hội và các hoạt động xã hội - từ thiện, chăm lo cho người nghèo trên địa bàn; thường xuyên phối hợp tốt với đơn vị Công an, Đồn Biên phòng,… tuyên truyền, vận động bà con tín đồ tham gia phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự địa bàn biên giới; đặc biệt là đối với tín đồ có đất sản xuất cặp tuyến biên giới tham gia giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới…
Kỳ 3: Chính sách dân tộc triển khai đồng bộ, hiệu quả, đi vào cuộc sống
Vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc có một vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng. Thời gian qua, chính sách dân tộc ở An Giang đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm và tập trung chỉ đạo. Cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai tốt các chương trình, dự án chính sách dân tộc, góp phần khởi sắc bộ mặt nông thôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đồng bào DTTS thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở mỗi địa phương.
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, trong những năm qua, với nhiều chương trình, dự án tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả rõ rệt đối với việc phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, góp phần củng cố, hoàn thiện hệ thống chính trị ở cơ sở, nâng cao lòng tin của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh chính trị - trật tự, an toàn xã hội.
Các tổ chức chính trị -xã hội, nòng cốt là Ban Dân vận, MTTQ phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền và các tổ chức thành viên làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng, nêu gương những người có uy tín, người tiêu biểu trong đồng bào DTTS bằng những việc làm cụ thể. Người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở mỗi địa phương là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể các cấp trong việc tuyên truyền, vận động, tổ chức đồng bào các DTTS chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tỉnh An Giang đã triển khai Quyết định số 1557/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch số 35/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025 trong hệ thống Mặt trận các cấp và nhân rộng ra đồng bào DTTS các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn và TX. Tân Châu; được đồng bào DTTS đồng tình hưởng ứng. Mong muốn quyết định sớm đi vào thực hiện để bà con có đủ điều kiện hưởng được các chính sách của Đảng và Nhà nước, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên tham gia phối hợp tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện các chương trình quốc gia, lồng ghép xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả khả quan. Vận động Nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình làm ăn hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững. Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội, vận động Nhân dân tự tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo vẻ mỹ quan và ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa bàn dân cư.
Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Trương Hoàng Trọng cho biết: "Để các chủ trương, nghị quyết đi vào cuộc sống, MTTQ tỉnh đổi mới công tác tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc Khmer thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông.... biên soạn tài liệu bằng hai thứ tiếng (Việt- Khmer) cung cấp cho hệ thống MTTQ cơ sở; phối hợp với các vị sư sãi, à cha tuyên truyền cho đồng bào DTTS tại các chùa Nam Tông Khmer. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và giảm hộ nghèo hàng năm từ 3%/năm. Năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo chiếm 24,17%, năm 2017 giảm còn 5,24%". Cơ sở hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư, các hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở, đất ở, về cơ bản không còn nhà xiêu vẹo tạm bợ. 98,53% hộ sử dụng điện lưới quốc gia, 94,6% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 83,75% hộ sử dụng cầu tiêu hợp vệ sinh... góp phần đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến giữa tháng 7-2018, toàn tỉnh có 33/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 27,7%), trong đó có 1 xã dân tộc (xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.
Người DTTS có mặt trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống xã hội. Đặc biệt, ở cơ sở đã xuất hiện nhiều gương điển hình là người dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi, những người không chỉ biết làm giàu cho chính bản thân và gia đình, mà còn giúp bà con trong phum sóc thoát khỏi cảnh nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng thời, họ còn là những người rất năng nổ trong công tác xã hội, giành nhiều thời gian và công sức lo cho công việc của cả cộng đồng. Đây chính là lớp người tiêu biểu mới, được cộng đồng coi trọng, là tấm gương sáng cho mọi người học hỏi, noi theo, như ông Chau Sóc, nông dân Khmer xã An Tức (huyện Tri Tôn) với trang trại nuôi bò vỗ béo, doanh thu 1 tỷ đồng/năm; ông Trần Hải cũng là nông dân người Khmer ở ấp Tân Đông, thị trấn Óc Eo (huyện Thoại Sơn) chuyên canh trồng cây ăn trái lâu năm và nuôi dê thịt...
Theo Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang: Công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào DTTS được đảm bảo bởi mạng lưới khám chữa bệnh các huyện được quan tâm và ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu. Riêng ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên có 2 bệnh viện đa khoa với 250 giường bệnh, 3 phòng khám đa khoa khu vực với 60 giường bệnh. 173/6.782 cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế là DTTS (23 bác sĩ, 51 y sĩ). Việc chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm xây dựng, quy hoạch, phát triển hợp lý đáp ứng nhu cầu học tập của con em vùng DTTS. 100% xã, phường, thị trấn duy trì phổ cập giáo dục tiểu học, THCS. 92%-93% trẻ em DTTS nhập học đúng độ tuổi, hoàn thành chương trình tiểu học; 90% DTTS từ 10 tuổi trở lên biết chữ...
Thực hiện chương trình 135/CP về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, năm 2017 An Giang được Chính phủ đầu tư hơn 17 tỷ đồng xây dựng 42 công trình; đang duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế hơn 6,3 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ đất ở cho 700 hộ hơn 23 tỷ đồng, đào tạo nghề cho 201 lao động với kinh phí 905 triệu đồng; hỗ trợ gần 5 tỷ đồng tạo việc làm, phát triển sản xuất cho 586 hộ; hơn 1 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh lắp đặt đồng hồ nước, ống nhựa, thùng chứa nước cho 744 hộ. Hỗ trợ cấp nhạc cụ 20 điểm chùa Khmer, 9 Thánh đường dân tộc Chăm với kinh phí 2,3 tỷ đồng...
Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách tạo điều kiện để nhân dân các dân tộc thiểu số vươn lên, phát triển kinh tế, văn hóa, từng bước nâng cao năng suất lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đặc biệt, tỉnh An Giang coi trọng đào tạo cán bộ người dân tộc, tôn trọng và phát huy những phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc. Nhiều ngôi trường dân tộc nội trú dạy chữ dân tộc và chữ phổ thông, thu hút con em đồng bào dân tộc vào học tập và rèn luyện (có học bổng của Nhà nước). Nhiều chính sách cử tuyển đưa học sinh dân tộc thiểu số đi đào tạo các ngành học, các cấp học theo qui hoạch bố trí cán bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Nhiều hoạt động vui chơi giải trí, lễ hội đậm nét bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số được giữ gìn và phát huy, phục vụ chính cho đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc và tạo điều kiện giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em.
Thực tế đã cho thấy, thông qua các chương trình quốc gia giảm nghèo và chương trình 135, 134, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc, miền núi đã có bước chuyển biến rõ nét. Những con đường bê tông nhựa được xây dựng tới tận các phum sóc. Giao thông phát triển, tất yếu kéo theo sự phát triển của nhiều mặt mà trước tiên là phục vụ sự đi lại, vận chuyển hàng hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Những công trình thủy lợi đưa nước bơm tưới cho đất vùng cao để nâng vòng quay của đất từ một vụ năng suất bấp bênh lên 2-3 vụ, năng suất sản lượng đều tăng cao. Những công trình cung cấp nước phục vụ sinh hoạt, tạo điều kiện thực hiện vệ sinh, môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Những công trình cung cấp điện đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số bởi sự đa dạng, phong phú của các loại hình vui chơi, giải trí và phương tiện thông tin đại chúng.
Trong chuyến thực tế khảo sát của Hội đồng tư vấn về dân tộc của UBMTTQ Việt Nam, bà Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBMTTQ Việt Nam đã đánh giá rất cao những kết quả tỉnh đạt được trong thời gian qua. Bà Khiết nhận định: "Với sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, MTTQ, đời sống đồng bào DTTS ở An Giang có nhiều chuyển biến tích cực về tất cả các mặt kinh tế-văn hóa-xã hội, an sinh. Đồng bào DTTS được thụ hưởng tốt các chính sách, qua đó hiểu rõ và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Trình độ học vấn, đời sống vật chất và tinh thần đồng bào DTTS ngày càng nâng lên, thay đổi tập quán sinh hoạt, lối sống lạc hậu không phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Công tác an sinh xã hội cho đồng bào DTTS được tỉnh quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững, thu hẹp dần khoảng cách với cộng đồng xã hội".
Kỳ 4: Nâng cao vai trò của Đảng, tháo điểm nghẽn trong đồng bào Chăm, Khmer...
Đảng ta khẳng định: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam. An Giang là địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số khá đông và là một trong những tỉnh tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo người dân tộc Khmer còn cao so với mặt bằng chung trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cần thiết nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, đổi mới nội dung và phương thức vận động đồng bào dân tộc Khmer, từng bước cải thiện cuộc sống vùng đồng bào dân tộc, góp phần thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
An Giang có các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa cùng sinh sống, trong đó có 90.271 người dân tộc Khmer, chiếm khoảng 4,2% dân số toàn tỉnh. Đồng bào Khmer sống tập trung ở 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Đây là 2 huyện miền núi và biên giới có địa bàn chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng của tỉnh. Các Đảng bộ xã có đồng bào Khmer sinh sống đã triển khai, thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các nghị quyết của tỉnh về chính sách phát triển kinh tế-xã hội, chính sách dân tộc và công tác vận động đồng bào Khmer. Các Đảng bộ xã không ngừng được đổi mới nội dung và phương thức vận động đồng bào dân tộc Khmer, các cấp chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhân dân luôn gắn bó trong công tác vận động đồng bào Khmer. Đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer ở An Giang được nâng lên. Kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào Khmer ngày càng phát triển, an ninh trật tự luôn được giữ vững. Đồng bào luôn tin tưởng và tích cực thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước và của địa phương.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, đời sống của đồng bào Khmer ở An Giang hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Phong tục lạc hậu, mê tín dị đoan… còn tồn tại ở một số nơi. Việc tranh chấp đất đai, khiếu kiện đông người vẫn còn xảy ra. Tình hình đồng bào Khmer qua lại biên giới trái phép vẫn còn…
Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục phát triển, các chương trình mục tiêu quốc gia đem lại hiệu quả thiết thực nhưng số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cao. Nhiều xã còn lúng túng trong việc tìm giải pháp vươn lên khá, giàu. Tình trạng tái nghèo vẫn còn là một nguy cơ tiềm ẩn. Việc phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc còn hạn chế, có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Một số loại hình văn hóa, nghệ thuật của đồng bào dân tộc có nguy cơ bị mai một. Việc học tập nâng cao trình độ dân trí trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đối với hộ nghèo còn khó khăn. Công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào cơ quan Nhà nước, đoàn thể các cấp chưa nhiều. Bên cạnh đó, trước đây, công tác phát triển đảng nói chung và phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng gặp rất nhiều vướng mắc. Nguyên nhân là do công tác tạo nguồn còn hạn chế; lực lượng cán bộ không chuyên trách tại cơ sở hầu hết chưa đạt chuẩn về trình độ học vấn, số khác lại vướng về độ tuổi … Khó nhất là do điều kiện kinh tế của người dân chưa phát triển, nhận thức còn hạn chế dẫn tới công tác phát triển Đảng gặp khó khăn.
Theo đánh giá của ngành chức năng, tình hình trên do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là một số Đảng bộ xã ở An Giang chưa coi trọng công tác vận động đồng bào Khmer; nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên về công tác vận động đồng bào Khmer chưa cao. Việc lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền và đoàn thể các cấp chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Trong đó có việc đổi mới nội dung và phương thức vận động đồng bào Khmer ở một số Đảng bộ còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Từ thực tế đó, tỉnh đã tập trung giải quyết nhu cầu nhà ở, đất ở, sau đó là dạy nghề, giải quyết việc làm và giúp hộ nghèo dân tộc thiểu số có nguồn thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống. Đồng thời, phát huy hiệu quả của các chính sách, chương trình, dự án đầu tư vùng đồng bào dân tộc, góp phần thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đó phải kể đến các chương trình cho vay như: tín dụng hộ nghèo; tín dụng hộ cận nghèo; tín dụng hộ mới thoát nghèo; tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... Nhờ vậy, đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, thay đổi cách thức làm ăn cho hàng triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách, nhất là tại các địa bàn huyện nghèo, vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa. Hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã tự tin hơn và tăng dần vị thế trong xã hội, đồng thời từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa và cơ chế thị trường. Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh An Giang Tô Văn Hoảnh cho biết: “Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội An Giang đang thực hiện 11 chương trình tín dụng cơ sở từ nguồn vốn của Chính phủ để cung cấp tín dụng ưu đãi cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, các địa phương, sự điều hành của chính quyền các cấp ở địa phương và sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị đã tạo sự chuyển biến khá toàn diện về tình hình sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, hình thành mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, cùng nhau phát triển trên mọi lĩnh vực. Các phong trào thi đua yêu nước cũng được tích cực triển khai thực hiện, mang lại diện mạo mới cho các phum sóc của huyện miền núi.
Để nâng cao chất lượng công tác vận động đồng bào Khmer trong thời gian tới, các Đảng bộ xã ở An Giang cần thực hiện nhiều giải pháp. Đó là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của công tác vận động đồng bào Khmer trong thời kỳ mới. Đưa nội dung công tác vận động đồng bào Khmer vào trong sinh hoạt chi, đảng bộ và coi trọng giải quyết những yêu cầu, đòi hỏi chính đáng của đồng bào. Hoạt động của đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phải hướng tới việc chăm lo cho đồng bào Khmer bằng cách vận dụng các chủ trương, chính sách. Đổi mới nội dung, phương thức vận động đồng bào Khmer theo phương châm: tích cực, thận trọng, kiên trì, vững chắc. Tập trung vận động đồng bào Khmer chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương; vận động đồng bào tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tốt phong trào toàn dân tham gia bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; phản bác lại các hành động chống phá Đảng Nhà nước, tổ chức khiếu nại kéo dài… Huy động sự vào cuộc của các vị sư sãi, chức sắc tôn giáo người Khmer tham gia công tác vận động đồng bào Khmer. Chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào Khmer; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án của Trung ương, địa phương về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer; quy hoạch lại nông nghiệp, nông thôn, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; vận động đồng bào Khmer tham gia xây dựng nông thôn mới; tăng cường đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer. Tích cực động viên đồng bào Khmer hăng say lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị ở xã, nhất là cán bộ chủ chốt, cán bộ là người Khmer; cần có chính sách đãi ngộ cán bộ là người Khmer.
Từ thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn tin tưởng vào chính sách của Đảng và Nhà nước, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do tổ chức Đảng và chính quyền các cấp phát động. Hiệu quả công tác xây dựng Đảng đã góp phần đáng kể làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vùng đồng bào Khmer, định hướng đồng bào thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; động viên đồng bào nêu cao tinh thần yêu nước, thực hiện tốt các chính sách kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng.
Kỳ cuối: Hiệu quả từ việc Đảng, chính quyền đối thoại lắng nghe dân
Với phương châm "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin", cùng với việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo, dân tộc, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã đẩy mạnh thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động tối đa mọi khả năng đóng góp của nhân dân trong việc xây dựng và phát triển địa phương.
Việc làm này được các địa phương trong tỉnh An Giang thực hiện rất thường xuyên, liên tục, để chính quyền các cấp trực tiếp đối thoại với Nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, nhằm tìm ra “tiếng nói chung”, kịp thời giải quyết những tồn tại, bức xúc tại địa phương. Qua đó, hướng dẫn cách làm ăn cho người dân, động viên đồng bào tôn giáo, dân tộc cố gắng vươn lên nâng cao đời sống; tăng cường sự đoàn kết gắn bó lương - giáo…Tập trung xây dựng lực lượng cốt cán trong vùng đồng bào tôn giáo, dân tộc nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước đến với bà con; trong đó chú trọng phát huy vai trò của các cốt cán, người có uy tín trong cộng đồng; hướng dẫn và giải quyết kịp thời những nhu cầu chính đáng trong sinh hoạt, tín ngưỡng của đồng bào có đạo theo đúng quy định của pháp luật.
Lắng nghe ý kiến Nhân dân, tháo gỡ khó khăn, tạo đồng thuận xã hội.
Điển hình tại huyện Chợ Mới, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới Nguyễn Thanh Phong cho biết: "Chợ Mới là huyện đông dân nhất tỉnh với hơn 347.000 người, quá trình điều hành, lãnh đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội và đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, Đảng bộ, chính quyền luôn quan tâm, lắng nghe ý kiến của dân. Việc phát huy dân chủ ở cơ sở theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" được các ngành, các cấp tích cực thực hiện, qua việc thường xuyên tổ chức cho người dân góp ý kiến đối với tổ chức, cá nhân lãnh đạo Đảng, chính quyền". Đó là việc duy trì tổ chức diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân, để cho dân mạnh dạn tố giác tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân, theo phương châm "Nghe dân nói, nói dân nghe"; lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới... Trong năm, Huyện ủy Chợ Mới tổ chức họp mặt các vị chức sắc, chức việc các tôn giáo, cán bộ hưu trí, nông dân, thanh niên.... để thông báo kết quả đạt được của huyện; nghe ý kiến đề xuất cũng như tháo gỡ khó khăn cho bà con. Qua đó, phát huy dân chủ trực tiếp của người dân tham gia góp ý đối với tập thể, cá nhân và kịp thời giải quyết vướng mắc, bức xúc của người dân; được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Ý nghĩa hơn, qua lắng nghe dân còn tăng cường trách nhiệm tiếp thu, giải trình của các cơ quan Đảng, chính quyền với Nhân dân. Từ giải quyết thấu đáo từng vấn đề, góp phần củng cố và tạo được niềm tin vững chắc của dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền.
Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Ngô Hoàng Hiếu trình bày: "Gần đây, qua thời gian người dân ngộ nhận việc khai thác cát trái phép với chỉnh trị dòng chảy, để dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy khu vực nhánh trái sông Hậu (thuộc xác xã Nhơn Mỹ, Long Giang, An Thạnh Trung, Hòa Bình) được triển khai thuận lợi, UBND huyện Chợ Mới tổ chức 7 buổi tham vấn cộng đồng lấy ý kiến người dân chịu tác động trực tiếp tại 4 xã. Kết quả, 99/100 người dân đồng tình, ủng hộ với chủ trương, mục đích của dự án, vì hiểu rằng đó là để trả lại dòng chảy tự nhiên ban đầu như trước đây, tạo cơ hội cho bà con nuôi trồng thủy sản bên nhánh trái".
Trước và sau các kỳ họp Quốc hội, HĐND, các đại biểu HĐND tỉnh, huyện, xã tiếp xúc cử tri 11 huyện, thị xã, thành phố. Qua đó, lắng nghe các ý kiến đề xuất, những trăn trở của người dân xoay quanh các vấn đề thời cuộc; những bức xúc, kiến nghị thiết thân liên quan cuộc sống dân sinh, tình hình chính trị, xã hội
Tại huyện Phú Tân, trực tiếp Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện tham dự các buổi đối thoại. Diễn đàn chính quyền lắng nghe ý kiến Nhân dân được UBND huyện Phú Tân triển khai từ cuối tháng 4-2018. Hàng tháng, lãnh đạo huyện tổ chức ở 2 hoặc 4 xã, thị trấn với sự tham dự của Chủ tịch UBND huyện, đại diện các phòng chuyên môn, chính quyền xã và người dân. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân về việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Có nhiều ý kiến của người dân được nêu lên tại các diễn đàn ở từng xã. Hầu hết đều là những nhu cầu, bức xúc, thắc mắc liên quan trực tiếp đến đời sống của bà con được Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Dương Văn Cường ghi nhận, giải thích cụ thể và nhắn nhủ người dân chủ động trong thực hiện trách nhiệm, phần việc của mình. Đồng thời, chỉ đạo các ngành liên quan theo dõi, thực hiện, đề xuất nào liên quan đến cấp trên sẽ được kiến nghị theo nguyện vọng của người dân. Nhờ vậy, diễn đàn diễn ra liền mạch và giải quyết rất nhiều nội dung. Thành công qua các buổi diễn đàn chính quyền lắng nghe ý kiến Nhân dân đã tạo không khí dân chủ, công khai giữa lãnh đạo địa phương với Nhân dân, góp phần củng cố lòng tin của dân đối với Đảng, chính quyền.
Ngược về đầu nguồn biên giới TX. Tân Châu, theo định kỳ, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể và Đồn Biên phòng tổ chức đến gặp gỡ, trao đổi với các vị chức sắc, chức việc, người có uy tín trong tín đồ tôn giáo về những vấn đề thiết thực mà người dân, tín đồ cần nắm để góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an ninh biên giới. Vào các ngày lễ, Tết… lãnh đạo địa phương và Đồn Biên phòng đến các cơ sở thờ tự, chùa, thánh thất… thăm hỏi, tặng quà chúc mừng. Đồng thời, động viên các chức sắc, chức việc, người có uy tín thường xuyên vận động tín đồ của mình nâng cao cảnh giác, tích cực tham gia đấu tranh các biểu hiện tiêu cực, nêu cao tinh thần đoàn kết lương giáo, đoàn kết dân tộc... Từ những việc làm thiết thực, cụ thể trên, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn biên giới TX. Tân Châu luôn được ổn định và giữ vững. Các vị chức sắc, chức việc, người có uy tín trong đồng bào các tôn giáo đã thể hiện tinh thần chung sức trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”…
Ở các huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên- nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống, tỉnh và huyện quan tâm lãnh đạo, cùng các đoàn thể sâu sát xuống quần chúng, tích cực vận động, giải thích cho dân hiểu về lợi ích của việc thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương, để mọi người cùng tham gia. Phát triển đảng viên người Khmer để làm nòng cốt trong tuyên truyền vận động thực hiện chủ trương đường lối và Bí thư chi bộ ấp người Khmer chính là cánh tay nối dài của Đảng đến tận cơ sở, ngõ ngách từng nhà dân, đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.
Nhờ nỗ lực của Đảng bộ các xã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức vận động đồng bào dân tộc Khmer, các cấp chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhân dân luôn gắn bó trong công tác vận động đồng bào Khmer, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer ở An Giang được nâng lên. Kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào Khmer ngày càng phát triển, an ninh trật tự luôn được giữ vững. Đồng bào luôn tin tưởng và tích cực thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhiệm vụ cấp bách hiện nay là Đảng bộ chính quyền tỉnh cần quan tâm đào tạo nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, lý luận chính trị, điều kiện để nhân dân các dân tộc thiểu số vươn lên mạnh mẽ, phát triển kinh tế, văn hóa và từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Coi trọng đào tạo cán bộ người dân tộc, tôn trọng và phát huy những phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc. Luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kịp thời đánh bại mọi âm mưu và hành động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số Khmer trong thời kỳ mới. Giáo dục nâng cao cảnh giác cách mạng, tuyên truyền, vận động quần chúng nhận rõ âm mưu của bọn phản động, không để kẻ xấu xúi giục kích động lôi kéo phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Các cấp ủy, chính quyền địa phương vận động thuyết phục tầng lớp sư sãi, người có uy tín trong dân tộc Khmer, động viên họ đóng vai trò tích cực, nòng cốt trong phòng trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và các phong trào cách mạng ở địa phương. Tích cực động viên đồng bào Khmer hăng say lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào gắn với nhiệm vụ giữ gìn quốc phòng- an ninh tại địa phương.
Với những kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng trong vùng đồng bào có đạo và các dân tộc thiểu số ở An Giang thời gian qua sẽ là động lực để đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh phát huy ý chí tự lực, tự cường, ra sức thi đua phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.