Nhận diện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên qua công tác cán bộ
Các tác giả đoạt Giải c - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ III- năm 2018.

Kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương và UBKT các cấp trong thời gian vừa qua ở nhiều vụ việc cho thấy hầu hết những lỗi phạm bắt nguồn từ công tác cán bộ. Từ việc chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm thần tốc, cả nhà làm quan; bao che, dung túng cho sai phạm, khuyết điểm, dẫn đến hệ lụy lợi ích nhóm, tham ô, tham nhũng, cán bộ lạm quyền, trình độ năng lực kém, vi phạm các quy định, quy chế làm việc; thậm chí là vi phạm pháp luật. Nhiều vụ việc diễn ra trong thời gian qua ở các tỉnh, thành, cơ quan, đơn vị đã thể hiện điều này và là một trong những biểu hiện điển hình của sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng:“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Và Người đã đưa ra khái niệm cán bộ là gì? theo Người, “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù có tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”.(1)

Bởi vậy, sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong công tác cán bộ sẽ để lại những hệ lụy khó lường, không chỉ phương hại đến uy tín của Đảng, của cơ quan đơn vị, giảm sút niềm tin trong nhân dân mà còn gây thất thoát, lãng phí, kìm hãm sự phát triển chung cần sớm được nhận diện để ngăn chặn.

Soi vào 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã chỉ ra và qua việc xem xét, xử lý kỷ luật các tổ chức đảng và đảng viên trong thời gian gần đây, có thể thấy những lỗi phạm về công tác cán bộ thường xuất phát từ người đứng đầu. Không ít người đứng đầu đã bất chấp nguyên tắc, quy trình, quy định trong tuyển dụng, luân chuyển, bổ nhiệm; hoặc tự “đẻ” ra quy trình rồi lấy đó làm “cái gậy” lạm quyền thực hiện công tác cán bộ theo ý của riêng mình. Không khó để nhận diện ra những hành vi này như các trường hợp người đứng đầu UBND tỉnh Gia Lai, Tỉnh ủy Bình Định, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng, Thủ trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa....

Có thể thấy, qua những vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, nhiều trường hợp cố tình, bất chấp các quy định, quy trình thì dễ chỉ ra vi phạm, nhưng không ít vụ việc khó bắt lỗi quy trình vì quy trình đã được hợp thức hóa bằng nhiều cách khác nhau. Ở nhiều trường hợp quy trình chỉ là “bình phong”, bị chi phối, áp đặt theo chủ ý của người đứng đầu. Ở đây nguyên tắc tập trung, dân chủ trở thành hình thức; việc tự phê bình và phê bình bị vô hiệu hóa. Tuy kiểm tra thì không có bằng chứng để chỉ ra nhưng không khó để nhận ra sự ưu ái bất thường khi những thông tin cá nhân bị phanh phui, mổ xẻ như các trường hợp Trịnh Xuân Thanh (Hậu Giang), Trần Vũ Quỳnh Anh (Thanh Hóa), Lê Phước Hoài Bảo (Quảng Nam)... Cũng có trường hợp bổ nhiệm theo “hiệu ứng domino”; có nghĩa là anh bổ nhiệm cho người thân của tôi, thì tôi bổ nhiệm người thân của anh; hoặc là anh cứ bổ nhiệm trường hợp này, anh sẽ được xem xét cất nhắc lên vị trí cao hơn. Điều này nhiều người biết, nhưng lại bị khuất lấp bởi những chỉ đạo miệng, không có giấy trắng, mực đen. Ai là người ký đương nhiên phải chịu hình thức kỷ luật, đôi khi bị oan ức. Vì thế, những cán bộ suy thoái, năng lực yếu vẫn được đánh giá, nhận xét tốt, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thậm chí được khen thưởng, được cất nhắc, bổ nhiệm. Sự suy thoái của người đứng đầu đã làm cho một bộ phận cán bộ yếu kém về năng lực, trình độ; tha hóa về đạo đức, lối sống, không đủ tư cách, phẩm chất có cơ hội leo cao, chui sâu vào các cơ quan Đảng, Nhà nước. Khi bị phát hiện thì người đứng đầu lại viện ra quy trình để biện minh cho sự sai phạm.

Một nhận diện nữa về sự tha hóa trong công tác cán bộ là ở một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chuẩn bị hết nhiệm kỳ hoặc chuẩn bị nghỉ hưu. Thể hiện ở đây là bổ nhiệm tràn lan, bổ nhiệm thừa cấp phó. Việc bổ nhiệm cấp tốc hàng chục cán bộ khi người đứng đầu chuẩn bị nghỉ hưu hoặc chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ diễn ra trong thời gian qua ở không ít các địa phương, đơn vị đã phản ánh điều này. Thí dụ như cách đây không lâu ở Hải Dương có “chuyện thật như đùa” bởi gần như toàn cơ quan làm lãnh đạo hoặc chuyện lạm phát cấp phó ở Sở Giáo dục, đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc; hay chuyện Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ trực tiếp ký quyết định bổ nhiệm 11 cán bộ lãnh đạo không bảo đảm, nguyên tắc, quy trình, thủ tục và không đủ tiêu chuẩn, điều kiện. Việc này cũng đã từng xảy ra ở Thanh tra Chính phủ khi người đứng đầu cấp ủy cơ quan trước khi nghỉ hưu đã ký quyết định bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ và tương đương. Vậy đằng sau việc ký quyết định bổ nhiệm này có vô tư không? động cơ nào? không thể không nói đến lợi ích cá nhân trong sự thu vén trước khi nghỉ hưu hay chuẩn bị hết nhiệm kỳ hoặc lợi ích nhóm nằm trong đó. Qua kiểm tra UBKT các cấp cũng đã chỉ ra và thấy rằng đây chính là những “bộ phận không nhỏ” đã suy thoái.

Báo chí là một kênh thông tin quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền nhận diện ra lỗi phạm của cán bộ, đảng viên và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Điển hình như từ chiếc xe tư nhân mang biển xanh của Trịnh Xuân Thanh, từ việc bổ nhiệm thần tốc Trần Vũ Quỳnh Anh, Lê Phước Hoài Bảo... hay từ vụ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương. Trong số 46 người có trong biên chế thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương chỉ có hai người là chuyên viên, còn lại 44 người đều có chức vụ từ phó trưởng phòng trở lên. Hầu hết các phòng đều có trưởng phòng và 4  đến 5 phó phòng, như: Văn phòng sở có chánh văn phòng và 4 phó văn phòng; Phòng Kế hoạch- Tài chính có trưởng phòng và 4 phó phòng; Phòng Việc làm- An toàn lao động có trưởng phòng và 5 phó phòng; Phòng Lao động-Tiền lương và Bảo hiểm xã hội có trưởng phòng và 4 phó phòng; Thanh tra sở có chánh thanh tra và 4 phó chánh thanh tra... Những vụ việc này báo chí chính là kênh thông tin để các cơ quan có thẩm quyền và UBKT các cấp tìm ra những góc khuất trong công tác cán bộ để xem xét xử lý.

Mất đoàn kết xuất phát từ công tác cán bộ cũng là một trong những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Ở cơ quan, đơn vị mà người tốt, người có năng lực, trình độ, bằng cấp đầy đủ không được cất nhắc, bổ nhiệm lại cất nhắc bổ nhiệm người thân của lãnh đạo, người trình độ năng lực kém... thì ắt nơi đó sẽ mất đoàn kết. Do thiếu dân chủ, công khai, minh bạch, nhất là công tác cán bộ không được thực hiện thì khó có thể quy tụ sức mạnh tập thể, năng lực sáng tạo của cán bộ, đảng viên. Đây là môi trường nảy sinh căn bệnh quan liêu, gia trưởng, độc đoán. Và đó cũng là lô gíc tất yếu dễ tạo ra sự đố kỵ, thiếu sự hợp tác trong số ít cán bộ chủ chốt, giữa cấp trên với cấp dưới và nhân viên dưới quyền. Việc bố trí, sử dụng cán bộ không bảo đảm tiêu chuẩn cũng dễ gây mất đoàn kết nội bộ. Nếu người đứng đầu tổ chức mà phẩm chất, năng lực yếu hơn người dưới quyền, lại mang nặng chủ nghĩa cá nhân, xa rời chuẩn mực đạo đức cách mạng thì ở những tổ chức đó cán bộ, đảng viên không phục nhau, thiếu nhất trí cả về nhận thức và hành động, thậm chí mất đoàn kết nghiêm trọng là khó tránh. Nếu trong công tác cán bộ có hiện tượng “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, “thân quen, dòng họ” thì vô hình trung sẽ dung dưỡng cán bộ thiếu đức, thiếu tài, vô cảm trước nguyện vọng, đời sống các mặt của nhân dân. 

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến những suy thoái trong “bộ phận không nhỏ” trong công tác cán bộ? Trước hết là do công tác cán bộ trong thời gian vừa qua bị thao túng, áp đặt của một “bộ phận không nhỏ” trong việc lạm quyền, dẫn đến mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức. Cấp ủy ở một số nơi thiếu những biện pháp hiệu quả trong giáo dục, giám sát, kiểm soát quyền lực người được giao quyền. Công tác kiểm tra, giám sát của UBKT các cấp chưa được thực hiện nghiêm túc. Cá nhân người được giao quyền thì lạm quyền, lộng quyền trong khi tập thể thì nể nang, né tránh hoặc bị người đứng đầu thao túng. Cũng có nơi xác định công tác cán bộ là của cấp ủy nhưng cấp ủy lại buông lỏng quản lý, để người đứng đầu hoặc cán bộ được giao nhiệm vụ tùy tiện, tự tung tự tác; trong khi các cơ quan tham mưu, giám sát, thẩm tra thì hoặc làm không hết trách nhiệm, hoặc làm ngơ. Do vậy, ở những nơi có khuyết điểm thì không chỉ người được giao quyền có khuyết điểm, vi phạm mà cả tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cũng mắc khuyết điểm, vi phạm. Ở một thực tế khác dẫn tới công tác cán bộ bị “một bộ phận không nhỏ” thao túng là chúng ta còn nhiều kẽ hở trong việc ban hành các quy định, quy chế về công tác cán bộ. Nhiều quy chế, quy định về công tác cán bộ chưa được rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính công khai, dân chủ, thống nhất, chặt chẽ. Qua xử lý các vụ vi phạm của cá nhân và tập thể trong công tác cán bộ; nhiều cá nhân, tập thể cho rằng sai sót trong công tác cán bộ còn do vận dụng một số quy chế, quy định đã lỗi thời và bày tỏ sự tiếc nuối: “Giá như công tác kiểm tra, giám sát được làm sớm hơn, tốt hơn, nghiêm hơn, thường xuyên hơn; giá như sinh hoạt chi bộ việc tự phê bình và phê bình được làm tốt hơn, thực chất hơn, trách nhiệm hơn thì có lẽ hậu quả sẽ bớt nặng nề, vi phạm nhỏ sẽ không trở thành vi phạm lớn”.

Từ thực tế nêu trên, về tầm vĩ mô, thời gian qua, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với UBKT Trung ương và các cơ quan có liên quan rà soát, đánh giá lại các quy chế, quy định liên quan đến công tác cán bộ để sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế; bảo đảm chặt chẽ, thống nhất trên cơ sở xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng cơ quan, đơn vị; ngăn chặn tình trạng lạm quyền ở tất cả các khâu trong công tác cán bộ. Theo đó, quy trình ba bước trước đây trong công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm được thay thế bằng quy trình năm bước. Một loạt văn bản mới được Bộ Chính trị ban hành, nhằm tạo bộ khung định hướng có tính chất quy chuẩn cho từng khâu. Đây vừa là bộ công cụ để cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị thực hiện vừa làm căn cứ để giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Khắc phục những hạn chế, phòng ngừa hiện tượng “chạy” luân chuyển hoặc lợi dụng luân chuyển, mới đây Bộ Chính trị ban hành Quy định số 98 về luân chuyển cán bộ. Ban Tổ chức Trung ương là đơn vị đầu trong 14 bộ, ban, ngành triển khai đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng” nhằm góp phần ngăn chặn những “lỗ hổng” trong công tác cán bộ và khắc phục những yếu kém trong thời gian qua.

Nhiều vụ việc xử lý trong thời gian qua đã để lại những bài học đau xót trong công tác cán bộ. Ngoài nguyên nhân chủ quan do cán bộ làm công tác cán bộ gây ra phải nói đến sự suy yếu về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức đảng và việc tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng phải thấy trách nhiệm của mình trong công tác tổ chức cán bộ bởi đây là khâu trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng. Đối với cá nhân được giao đảm nhận công tác tổ chức, cán bộ cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, sự soi, tự sửa, tự răn mình trước những cám dỗ vật chất để công tâm, khách quan trong công tác cán bộ. Cấp ủy phải tạo được cơ chế khuyến khích, bảo vệ những người dám đứng ra đấu tranh, đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Việc quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ phải đi liền với giám sát, giáo dục, rèn luyện. Việc kiểm tra, giám sát, xử lý những sai phạm trong công tác cán bộ phải kịp thời, kiên quyết, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, kể cả đương chức hay đã về hưu. Bên cạnh đó, nghiên cứu để tăng thẩm quyền và chế tài xử lý trách nhiệm của UBKT các cấp trong việc kiểm tra, giám sát, kỷ luật đối với tổ chức đảng và đảng viên, nhất là đối với người đứng đầu. Phải tiến hành đồng bộ giữa xử lý kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước; bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra của Đảng với thanh tra Nhà nước, giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội. Cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng của cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT từng cấp; trong đó có nội dung kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo nội dung đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, phù hợp thực tiễn. UBKT Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, giúp Bộ Chính trị sửa đổi, bổ sung và xây dựng các quy định về công tác kiểm tra, giám sát đảng. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng về công tác cán bộ; việc lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hiện chức trách cán bộ, đảng viên, trong công tác tổ chức cán bộ, thi đua, khen thưởng. Công khai kết quả kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Tập trung nghiên cứu đổi mới phương pháp kiểm tra, giám sát của Đảng, có cơ chế, chính sách thu hút cán bộ có năng lực, phẩm chất, đủ tiêu chuẩn, điều kiện về làm công tác kiểm tra, giám sát ở UBKT từ cấp huyện và tương đương trở lên. Đổi mới chương trình, nội dung, hình thức, phương pháp và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm tra theo hướng chuyên nghiệp hơn. Bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật, điều kiện làm việc cho UBKT, cơ quan UBKT các cấp hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tham gia phát hiện, nhận diện ra những lỗi phạm về công tác cán bộ để có hình thức xử lý hoặc đề xuất hình thức xử lý kịp thời nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống là trách nhiệm của người làm công tác kiểm tra trong công tác xây dựng Đảng và cũng là nội dung quan trọng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của mỗi cán bộ kiểm tra./.

 (1)-Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội năm 2002, tập 5, trang 269 và 273.

Phương Ngọc



Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất