Chuyện cơ sở
Các tác giả đoạt Giải c - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ III- năm 2018.

Bài 1:  Tiếng đồn                                                                                                            

“Tiếng đồn”, hay “đồn thổi”, “đồn đoán” được xem là những thông tin không chính thức,  sự việc chưa được kiểm chứng. Tiếng đồn thường được suy diễn từ nhận xét chủ quan, phiến diện  của một người, một nhóm người nào đó. Người tung kẻ hứng. Họ vỗ vai nhau một cách rất tình cờ, rất thận trọng: “Này tớ chỉ nói riêng với cậu thôi nhá”; “Chuyện đâu bỏ đó, lộ ra là ông lãnh đòn đủ nghe chưa?”…

Nội dung những lời đồn thổi thì muôn hình vạn trạng. Nhưng phổ biến nhất là những câu chuyện làm quà cốt tỏ ra mình “không phải dạng vừa”, mình nom thế thôi nhưng quan hệ rất rộng, quan hệ  sâu với “Nhà đỏ”, “Nhà trắng”. Trước mỗi kỳ sắp xếp tổ chức, chuẩn bị nhân sự, họ bịa ra đủ thứ: chuyện sắp tới ông nọ bà kia “vào sâu hơn”. Chuyện chú Y, cô Z  “dính” vụ ABC bị bắt đến nơi rồi, thử xem lần này còn lấy giấy báo bọc lửa được không? Để tăng độ tin cậy họ thường dẫn ra ông Bộ trưởng  Bộ…, ông trùm an ninh Tổng cục… “nói riêng với tớ” (!).

Mới rồi mạng xã hội lan truyền chóng mặt những dòng tin nhắn và những tấm hình “bốc lửa” của một hot girl ở Thanh Hóa. Chủ facebook cho hay đó là tin nhắn của một ông quan với bồ nhí. Tin này nhanh chóng được chia sẻ, với  cả rừng bình luận.  Sau đó cơ quan điều tra vào cuộc và kết luận hình ảnh, nội dung tin nhắn  do đối tượng tự tạo và chụp lại, ghép với hình ảnh của một cô gái, nhằm bôi nhọ lãnh đạo.

Tin đồn thời trước thường chỉ dừng lại sau lũy tre làng, trong bếp ăn tập thể cơ quan. Nhưng thời nay thì lan nhanh lắm, vòng phủ sóng cũng lớn lắm. Và cái gọi là “bằng chứng” cũng khiến người ta dễ tin hơn trước, bởi những tấm ảnh được cắt ghép, bởi sự thêu dệt tinh vi thật giả xen lẫn. Có anh chuyên làm “chân gỗ” thuộc vanh vách ngày sinh tháng đẻ của một cán bộ cấp cao và cả vợ ông nữa. Lại đọc  cả số điện thoại, mở tin nhắn ra làm chứng. Đấy bạn thấy chưa, “Cụ” nhắn lại cho tôi đấy. Bữa trước tôi vừa tổ chức sinh nhật cho Cụ ở Lotte, ảnh đây. Bạn tin chưa nào? Cụ bảo, sắp tới, sắp tới…

Không  phải tất cả tin đồn đều xấu. Bởi có những tin đồn vô hại, cốt mua vui, giết thời gian. Người nói cũng không cần “dẫn nguồn” mà  chỉ là nghe nói thế, thực hư không dám bảo đảm. Có những tin đồn cũng để thăm dò, để “rung chà cá nhảy”.

Tuy nhiên, quá nhiều tin đồn xuất hiện với ý đồ xấu.  Có người phải kêu lên rằng: “Tiếng đồn làm khổ người ta/Bao nhiêu nước mắt chảy qua tiếng đồn”. Không ít trường hợp để hạ uy tín một ai đó, để đè bẹp đối thủ cạnh tranh với mình mà người ta  tung ra những thông tin xấu, trắng trợn vu cáo, xuyên tạc.

Quyết tâm giảm biên chế! Bây giờ đi đến đâu cũng thấy nói chuyện này. Mà muốn giảm biên chế thì phải sắp xếp tổ chức, tinh gọn, tinh giản đầu mối. Thế là dùi đụng  đến đục, đục đụng đến gỗ. Gỗ mới lên tiếng, tôi là gỗ nhóm một, nếu là đầu thừa đuôi thẹo, nếu mối mọt phải là chỗ nọ, chỗ kia.  Khó nhất là chỗ đấy,  cán bộ nào trong bộ máy cũng nghĩ mình phải là người... giảm sau cùng.   Rà soát số nhân viên ở một nhà khách Thành ủy  thấy toàn con cháu họ  hàng các vị lãnh đạo. Muốn bớt một nhân viên hành chính cũng khó. Ông giám đốc nhà khách than phiền: “Đụng đến cô này là đụng vào tổ kiến lửa,  có khi cô ấy chưa nghỉ thì tôi đã nghỉ rồi !”.

Phật dạy muốn trở thành người hiền thì phải tu sửa mình, trong đó phải tu tâm, tu ý, tu lời. Tu lời  tức là nói ra lời nào phải chính đính, xác thực. Nói lời sai, lời xấu khác nào bỏ thuốc độc vào chén rượu vậy. Đấy là chuyện Đạo. Còn chuyện Đời thì thế này chăng: mỗi người hãy tỉnh táo, nghe bằng hai tai, vạch mặt những  kẻ chuyên đưa chuyện, chuyên “đơm đó ngọn cây”? Một cơ quan văn hóa  không chấp nhận những người rỉ tai nhau những thông tin thất thiệt. Họ đích thị là người đang “tự chuyển hóa”./.

Bài 2: Giảm ai, ai giảm?

Đã có những  địa phương đi đầu trong việc hợp nhất các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể. Chuyển động mạnh hơn cả là tỉnh Quảng Ninh. Thanh tra sáp nhập kiểm tra. Nội vụ sáp nhập tổ chức. Rồi đến ba văn phòng cấp ủy-HĐND-UBND chỉ còn một… Lúc đầu  nhiều tâm tư lắm, nhưng rồi một thời gian thì thấy  “êm” dần. Công việc vẫn chạy. Hiệu quả công việc có phần tốt hơn. Riêng cái việc tiết kiệm thì thấy rõ hơn cả. Tiết kiệm nhân lực, trụ sở, tiền lương, xe cộ… là điều ai cũng thấy. Ngân sách đỡ phải chi hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.

Ông bạn tôi làm lãnh đạo ở một cơ quan  nghiên cứu khoa học than phiền: “Việt Nam chúng ta  có tới 2,2 triệu công chức trên 95 triệu dân. Còn nước Mỹ cũng chỉ có 2,2 triệu công chức trên 310 triệu dân. Vậy tại sao mình lại không giảm được? Bộ máy của ta  phình to, biên chế tăng vùn vụt, năng suất lao động thấp mà cứ đòi tăng lương thì lương ấy lấy ở đâu?”.

Nhưng một cán bộ khác thì lưỡng lự: “Nói giảm biên chế đúng quá đi rồi. Vấn đề là giảm ai, ai dũng cảm loại bỏ những người kém năng lực ra khỏi bộ máy? Ở chỗ chúng tôi định sáp nhập ba cái phòng thành một. Chưa sáp nhập đã thấy đơn kiện như bươm bướm. Rồi cả ba ông trưởng phòng cùng tìm cách “chạy” vì không muốn “tuột” cái chức trưởng. Mấy anh quy hoạch phó thì tìm mọi cách vận động giữ nguyên hiện trạng, để còn có cơ hy vọng.  Cấp ủy họp bàn phương án thu gọn bộ máy mấy phiên không xong. Vì thế cái vụ chuẩn bị sáp nhập ấy kéo dài cả năm nay rồi vẫn chưa thực hiện được”.

Có người hỏi, vì sao không ít vị đứng đầu cứ thích đông quân, nhiều tướng? Nhiều lí do lắm.  Có khi nó bắt đầu từ tâm lí thích “oai” (!). Nhiều đầu mối trực thuộc, trụ sở tòa ngang dãy dọc, xe công đỗ chật sân, cơ quan đại diện mọc lên khắp nơi. Sau cái oai nghiêm vô bổ là đến cái thực dụng. Nhiều đầu mối, đông quân sẽ kéo theo chuyện lợi ích nhóm, quyền lực bè cánh, phiếu bầu, thậm chí là quà cáp biếu xén. Ở một hội nghị cấp huyện toàn quốc, ông chủ tịch một quận thu ngân sách cả năm gần 17 nghìn tỉ đồng  đi đứng, nói năng thật “oai vệ”. Trong khi đó chủ tịch một huyện ở vùng cao, nơi thu ngân sách mỗi năm chỉ được… 1,7 tỉ đồng  thì đi nhẹ, nói khẽ,  có ý kiến  gì cũng phải rào đầu khóa đuôi cẩn thận.

Khó khăn trong việc tinh giản biên chế là cái khó kinh niên, đụng vào đâu cũng thấy “đặc thù”. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Con tàu sắp xếp tổ chức đã  vào  cuộc hành trình. Hô khẩu hiệu, bớt đi!  Quan trọng nhất là biện pháp cụ thể, là sự gương mẫu của người đứng đầu, của đội ngũ cán bộ chủ chốt. Những năm qua đã có những cán bộ tự nguyện xin thôi không tham gia cấp ủy, xin về hưu sớm một đến hai năm để tạo điều kiện sắp xếp tổ chức, nhân sự. Một hành động như thế nặng ký hơn rất nhiều những triết lý, luận bàn./.

Bài 3: “Trả ơn thế hệ”

Mới rồi, tại Hội nghị Trung ương lần thứ Bảy, khi thảo luận về việc đánh giá cán bộ, có đồng chí nêu hiện tượng, ở một số nơi có tình trạng đề bạt, bổ nhiệm cán bộ là cái cách để người ta “trả ơn thế hệ”.

Vậy là không chỉ có tình trạng “đề bạt thần tốc” con cái, người nhà mà còn có chuyện trả ơn nữa. Đồng chí ấy dẫn chứng ở một tỉnh nọ, người đứng đầu đã tìm cách đưa vào quy hoạch hoặc cho lên chức con cái mấy vị lãnh đạo tiền nhiệm,  khi mà những cô cậu này còn quá non lép , tuy xem lại quy trình thấy đúng cả. Rằng tuy mới hơn 30 tuổi nhưng đồng chí ấy đã học hành lớp nọ trường kia xong xuôi cả, đã luân chuyển qua vài ba đơn vị; phiếu tín nhiệm qua các vòng   đều  quá bán… Nhưng khi các cán bộ trẻ này ngồi vào ghế nóng thì bộc lộ vô số khuyết điểm. Có anh trưởng phòng, bí thư chi bộ ở một sở  không phân biệt được Ban chấp hành với Đảng ủy; khi kết luận cuộc họp thì rối như gà mắc tóc, trước những ý kiến khác nhau  anh trưởng phòng chỉ còn nước dừng họp để phiên sau bàn tiếp. Chuyện thật như đùa rằng, có anh Phó chủ tịch huyện hỏi anh em ngay trong cuộc họp: “Vấn đề vĩ mô, vi mô là như thế còn vấn đề trung mô thì sao (?!)”.

Biết ơn những bác, những chú thế hệ trước quan tâm đào tạo, cất nhắc  mình là điều phù hợp với văn hóa, phép ứng xử của người dân Việt. Bởi nếu không có sự dìu dắt, nâng đỡ của lãnh đạo tiền nhiệm thì có anh suốt đời “chân trắng”. Nhưng biết ơn  không phải để trả ơn bằng… cái ghế đối với con cái các đồng chí đó. Vì quả thật hầu hết các đồng chí lãnh đạo đi trước rất gương mẫu. Một đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tâm sự với tôi rằng: “Mình chỉ muốn cậu con trai theo con đường nghiên cứu khoa học. Vì mình biết sở trường của cháu. Đùng một cái cháu được cử đi học hết lớp này đến lớp nọ, rồi được quy hoạch, được bổ nhiệm. Thú thật mình rất lo. Lãnh đạo, quản lí là một nghề, đòi hỏi phải tự học, phải rèn luyện công phu lắm.  Cái sở đoản nay biến nó thành sở trường thì rồi sẽ quanh năm phải gồng lên mà cũng không xong”.

Ngược lại với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nọ, ở một số nơi, có vị lãnh đạo chưa bố trí xong “chỗ ngồi” cho con, cho cháu thì “hạ cánh” không yên. Bố trí xong rồi vẫn không quên gửi gắm mấy chú, mấy cô quan tâm đến cháu. Thôi thì mạ nhờ nước, nước nhờ đất, đất nhờ… trời. Đến khi các cháu nó nên tấm nên đẫn, các cô, các chú lại gửi gắm nó. Chao ôi, lo xa đến như thế thì còn đâu sự dân chủ, công tâm, khách quan trong công tác cán bộ! Về nghỉ rồi mà cơ quan sắp có cuộc họp  bàn về cán bộ là “cụ” cũng điện thoại đến cho ý kiến. Rằng tớ thấy trường hợp này phải chú ý cất nhắc, trường hợp kia nên lùi vì cậu này có dư luận chuyên gây rối nội bộ, còn con trai mình thì tùy các đồng chí, mình nói nó thiếu khách quan”. “Cụ” nói “tùy” thế thôi. Thử không đưa con cụ vào vòng ngắm xem, sẽ có vài vị cán bộ đương chức  gọi điện tới, rằng vì sao anh đối xử với “cụ” như thế, như thế? Nặng hơn nữa anh bỗng nhiên trở thành kẻ “qua cầu rút ván”.

Đương nhiên “trả ơn thế hệ” không phải chỉ có chuyện đề bạt “con cháu các cụ”.  Thật khách quan mà nói cũng có những “hổ phụ” không sinh ra “hổ tử”. Và bản thân “hổ tử” cũng khiêm tốn, tự biết mình, biết người. Anh ta, chị ta luôn cố gắng lo tròn bổn phận của một cán bộ tốt. Còn các vị lãnh đạo kế nhiệm cũng  chỉ lo duy nhất việc này: cùng tập thể xây dựng tập thể đoàn kết, vững mạnh, làm ăn ngày một khấm khá. Âu đó cũng  là các “trả ơn” nặng tình nghĩa, bền vững và chân thành nhất.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất