Đấu tranh với các tổ chức tôn giáo tự xưng: Chỉ rõ bản chất để hành động
Các tác giả đoạt Giải Khuyến Khích - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ III- năm 2018.

ĐẤU TRANH VỚI CÁC TỔ CHỨC TÔN GIÁO TỰ XƯNG:

Chỉ rõ bản chất để hành động (Kỳ 1) 

Hiện có tới 6 tổ chức tôn giáo tự xưng và 4 nhóm sinh hoạt dưới hình thức tâm linh thâm nhập, lén lút hoạt động trái phép trên địa bàn tỉnh. Dù không có giáo lý, giáo luật chính thống, chức sắc tôn giáo tự phong và chưa được cấp có thẩm quyền cho phép hoạt động, nhưng các tổ chức tôn giáo tự xưng, nhóm sinh hoạt tâm linh này vẫn giảng đạo, vẽ nên viễn cảnh hết sức hoang đường rồi dùng lời lẽ ngon ngọt để mê dụ những người nhẹ dạ, cả tin đi theo nhằm mục đích tư lợi...

Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 8-11-2012 của Chính phủ quy định: Một tổ chức được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký hoạt động tôn giáo phải có đủ các điều kiện sau: Có sinh hoạt tôn giáo ổn định từ hai mươi năm trở lên kể từ ngày được UBND cấp xã chấp thuận sinh hoạt tôn giáo, không vi phạm các quy định tại Khoản 2 Điều 8 và Điều 15 Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo; Là tổ chức của những người có cùng niềm tin; có giáo lý, giáo luật, lễ nghi, đường hướng hành đạo và hoạt động gắn bó với dân tộc, không trái với thuần phong mỹ tục và quy định của pháp luật; Không thuộc tổ chức tôn giáo đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận; Tên gọi của tổ chức không trùng với tên các tổ chức tôn giáo đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận hoặc tên các danh nhân, Anh hùng dân tộc; Có địa điểm hợp pháp để hoạt động tôn giáo; Có người đại diện là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có uy tín trong tổ chức và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.

Các tôn giáo chính thống trên địa bàn tỉnh gồm Công giáo, Phật giáo và các hệ phái Tin lành đã được Nhà nước công nhận hoạt động thuần túy luôn chấp hành quy định của pháp luật, không để xảy ra các biểu hiện thiếu chuẩn mực. Tuy nhiên, thời gian gần đây ở một số vùng trong tỉnh đã xuất hiện tình trạng lợi dụng việc sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, ổn định xã hội.

Qua nắm bắt của lực lượng chức năng, hiện có các tổ chức tôn giáo tự xưng xâm nhập hoạt động trái phép và nhóm hoạt động tâm linh tại một số địa bàn trong tỉnh, gồm: “Pháp luân công”; “Tâm linh Hồ Chí Minh”; “Ngọc phật Hồ Chí Minh”; “Pháp môn diệu âm”; “Hội thánh Đức chúa trời”; “Văn hoá tâm linh vô sản Hồ Chí Minh” (gọi chung là tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái phép). Ngoài ra, tại T.P Thái Nguyên và một số địa phương khác trong tỉnh, lực lượng chức năng mới phát hiện thêm một số tổ chức hoạt động dưới hình thức tâm linh là: “Nhất quán đạo”; “Linh Sơn đạo”; “Đạo Ngài Trương”; “Đạo Long Hoa”...

Như vậy, có thể thấy tình hình hoạt động trái phép của các tổ chức tôn giáo tự xưng, nhóm sinh hoạt tâm linh diễn biến hết sức phức tạp. Những đối tượng cầm đầu các tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái phép nêu trên đều nhắm tới các mục đích riêng tư, vụ lợi, hoàn toàn đi ngược lại với tư tưởng, tôn chỉ hành động của các tôn giáo chính thống tồn tại suốt chiều dài lịch sử như: Phật giáo, Công giáo...

Tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái phép thường tập trung đông người ở các khu vực công cộng để gây sự chú ý, phô trương thanh thế dưới hình thức rước lễ, luyện tập khí công. Ngược lại, số ít tổ chức tôn giáo tự xưng lại tỏ ra thần bí, hoạt động lén lút nhằm che mắt lực lượng chức năng vì có việc quyên góp tiền bằng nhiều hình thức. Sự nguy hiểm của các tổ chức tôn giáo tự xưng là truyền bá nhiều nội dung ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hoá, cổ vũ mê tín dị đoan, phản khoa học, như: bỏ bàn thờ tổ tiên, chữa bệnh bằng nước giếng, nước mưa; mắc bệnh không cần đi viện khám điều trị chỉ cầu nguyện, ngồi thiền, luyện khí công cũng hết, năng cầu nguyện không cần làm việc cũng có ăn và tư tưởng sống “bầy đàn”... Nguy hiểm hơn là có tổ chức tôn giáo tự xưng lợi dụng dân chủ để gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tư tưởng ly khai, chống đối cơ quan chức năng…

Hình thức, thủ đoạn lôi kéo của các đối tượng cầm đầu tổ chức tôn giáo tự xưng là tuyên truyền các nội dung góp nhặt, cắt dán, biến tướng trong Kinh Thánh, Kinh Phật và các bài viết, bài nói chuyện của một số danh nhân, người có uy tín nhằm thuyết phục người nghe, người đọc. Hay các đối tượng cầm đầu tự xưng tuyên truyền gắn với sự thật hiển nhiên của thế giới tự nhiên, như: thiên tai, dịch bệnh, hiện tượng kỳ bí mà khoa học chưa làm rõ... để tác động vào sự lo lắng, bế tắc của những người cả tin. Các đối tượng cầm đầu tổ chức tôn giáo tự cho mình có quyền năng linh thiêng, có thể soi thấu tiền vận, hậu vận và làm thay đổi số phận con người để lừa đảo. Thâm độc hơn là đã có đối tượng lợi dụng thân thế, sự nghiệp, niềm tin tôn kính của nhân dân ta đối với Chủ tịch Hồ chí Minh để lôi kéo, tuyên truyền người dân tham gia vào các tổ chức tôn giáo tự xưng. Mặc dù lấy tư tưởng, hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lừa gạt nhưng những kẻ cầm đầu các tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái phép này không biết rằng trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần tự do tín ngưỡng, bình đẳng giữa các tôn giáo nhưng kịch liệt lên án việc lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để tư lợi.

Đại tá Đặng Đức Đang, Phó Giám đốc Công an tỉnh đề nghịCác cơ quan, ban ngành, các đơn vị trong tỉnh thực hiện tốt chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc tuyên truyền, ngăn ngừa các tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái phép. Trong đó, các địa phương cần tập trung tuyên truyền để cán bộ, nhân dân nhận thức rõ, phân biệt được hoạt động tín ngưỡng và hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, nhận diện và thấy rõ bản chất của các loại tà đạo, đạo lạ như trên để không bị lôi kéo, tin theo. Đồng thời, cơ quan, ban, ngành các cấp và nhân dân trong tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an để thực hiện phòng ngừa, đấu tranh, kịp thời phản ánh, tố giác hành vi lợi dụng tôn giáo, tin ngưỡng gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Bà Hoàng Thị Minh, Bí thư Đảng ủy xã Linh Thông (Định Hoá) cho biết: Sau khi xuất hiện tôn giáo, tín ngưỡng tráii phép trên địa bàn, cấp ủy xã Linh Thông đã chỉ đạo chính quyền xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh tích cực tuyên truyền, phân tích để người dân thấy được những luận điệu phi lý, không có căn cứ khoa học để tránh hoặc không theo nữa. Đến thời điểm này, xã chỉ còn có 2 trường hợp tin theo tổ chức “Tâm linh Hồ Chí Minh”.

Nhóm đối tượng các tổ chức tôn giáo tự xưng hướng tới là người già, hưu trí, học sinh, sinh viên, người đau ốm, bệnh tật kéo dài; thậm chí cả một số đảng viên, cán bộ thiếu bản lĩnh cũng bị lôi kéo. Thời điểm nhiều nhất có khoảng 100 người dân ở các xã: Linh Thông, Quy Kỳ, Lam Vỹ, Kim Sơn và thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) tin theo 2 tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái pháp luật là “Tâm linh Hồ Chí Minh” và “Ngọc phật Hồ Chí Minh”. Riêng xã Linh Thông có hơn 60 trường hợp, gồm cả ông Lưu Văn Ngô, nguyên Bí thư Đảng ủy xã đã bị kỷ luật Đảng, cách chức từ năm 2010. Bản thân công dân này khi được cán bộ chuyên môn trao đổi cũng đã hiểu vấn đề nhưng vì cố chấp nên vẫn theo tổ chức tôn giáo trái phép.

Trực tiếp đọc một số tài liệu do cơ quan chức năng thu giữ, chúng tôi nhận thấy tất cả những thứ gọi là “giáo lý”, “giáo luật” của tổ chức tôn giáo tự xưng đều không có nguồn gốc, không do tổ chức có tư cách pháp nhân phát hành. Hầu hết các tổ chức tôn giáo tự xưng khi đã lôi kéo được người tin theo sẽ chi phối, trói buộc bằng thần quyền, giáo luật, giáo lý trong đó có tư tưởng cố hữu tin nhất nhất làm theo lời “giáo chủ”.

Đối tượng cầm đầu các tổ chức tôn giáo tự xưng đi tuyên truyền không xuất trình được bằng cấp, chứng chỉ đào tạo qua trường lớp về tôn giáo, thần học. Nực cười hơn là có đối tượng cầm đầu một số tổ chức tôn giáo chưa đến 30 tuổi, xuất thân là lao động tự do, kinh doanh thua lỗ hoặc đã tham gia bán hàng đa cấp, bán hàng trực tuyến bị truy quét không có nghề, không có tiền nên tìm cách lừa đảo thông qua hoạt động tôn giáo trái phép. Trong số này có Lương Văn Tường, quê ở huyện Yên Thế (Bắc Giang) cầm đầu một nhóm “Hội thánh Đức chúa trời” từng hoạt động rất mạnh ở Thái Nguyên. Với nhiều chiêu thức, đối tượng Lương Văn Tường đã thu tiền của người tham gia hoạt động tôn giáo trái phép bằng cách bán tài liệu, nộp 1/10 thu nhập (số tiền đối tượng này thu được khoảng 30 triệu đồng/tháng). Khi bị lực lượng chức năng của T.P Thái Nguyên kiểm tra hành chính và yêu cầu làm rõ việc thu tiền của nhiều người dân, Tường không lý giải được số tiền trên dùng vào việc gì, chi tiêu thế nào. Không có sổ sách ghi chép, khöng minh bạch tài chính nên một số người đã tham gia hội thánh nghi vợ chồng Lương Văn Tường sử dụng khoản tiền 1/10 thu nhập của họ đã nộp để chi tiêu sinh hoạt cá nhân chứ không chuyển tiền về “Tổng hội” như đã nói.

Có thể thấy những người cuồng tín bị lôi kéo tin theo các tổ chức tôn giáo tự xưng đều là nạn nhân vì mất thời gian, mất tiền, tin theo cái hư vô không khoa học và không thực tế, ảnh hưởng đến công việc, học tập, gây mâu thuẫn trong gia đình, thậm chí ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng. Ông Dương Văn Tiến ở xóm Đồng Cháy, xã Mỹ Yên (Đại Từ) bức xúc: Con trai tôi đang là sinh viên năm thứ hai của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, khi bị lôi kéo tham gia sinh hoạt tổ chức tôn giáo tự xưng trái phép đã bỏ học đi làm để có tiền nộp hằng tháng. Tôi đã khuyên bảo cháu quay lại học tập nhưng không nghe, ngày càng lún sâu vào mộng mị. Gia đình đã có đơn tố giác với Công an T.P Thái Nguyên và mong muốn cơ quan chức năng sớm xóa bỏ các tổ chức phi pháp này để con tôi trở về với gia đình, tiếp tục học tập.

Có một thực tế là thời gian tham gia các tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái phép dù dài hay ngắn đều đã có người gánh chịu hậu quả. Ví dụ như: Bà Nguyễn Thị Minh Loan (nguyên giảng viên của một trường đại học trên địa bàn tỉnh); anh Hoàng Văn Nam, tổ 10, phường Quán Triều (T.P Thái Nguyên); anh Lưu Văn Tường và chị Ngô Thị Diện, xóm Bãi Pháo, xã Khôi Kỳ (Đại Từ) có con sinh đôi là Lưu Thị Vy, sinh viên năm thứ ba Khoa Tài Nguyên - Môi trường (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên) và Lưu Thị Vân, công nhân Công ty TNHH Glonics bỏ học, bỏ việc...

Dự báo trong năm 2018 và những năm tiếp theo, các tổ chức tôn giáo tự xưng vẫn có hoạt động tại các địa bàn trong tỉnh, chúng tiếp tục tác động vào các đối tượng đã lôi kéo như trên, đặc biệt là học sinh, sinh viên và công nhân. Nhưng trước sự cảnh giác, phòng ngừa, đấu tranh của lực lượng chức năng, các tổ chức tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động biến tướng dưới hình thức thành lập các nhóm tập thể dục dưỡng sinh hay tổ chức nghe giới thiệu về các sản phẩm, thực phẩm chức năng, tặng quà từ thiện... để tuyên truyền, lôi kéo. Do đó, để tiếp tục công tác phòng ngừa, ngăn chặn không cho các tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị ba cấp trong tỉnh....

ĐẤU TRANH VỚI CÁC TỔ CHỨC TÔN GIÁO TỰ XƯNG:

Chỉ rõ bản chất để hành động (Kỳ 2) 

Để tìm hiểu bản chất, quy luật hoạt của tổ chức tôn giáo tự xưng khi tuyên truyền, lôi kéo người dân, phóng viên Báo Thái Nguyên đã "nhập vai". Bằng một tài khoản mạng xã hội Facebook lập mới, chúng tôi đăng ký theo dõi vào nhóm “Hội thánh Đức Chúa trời” ở Thái Nguyên. Tại đây, phóng viên được một thành viên làm quen và hướng dẫn các bước để gia nhập vào Hội...

Buổi gặp đầu tiên tại một quán cà phê gần cầu Gia Bảy (T.P Thái Nguyên), bạn gái mới quen trên facebook tự giới thiệu tên là Gấm, nhà gần Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, đang bán hàng online. Đi cùng Gấm là một bạn gái tên Ánh, quê ở huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), từng học Khoa Kế toán của Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên. Qua vài câu trao đổi, chúng tôi nhận thấy đây là những người cực kỳ sùng đạo và mê muội.

Để chúng tôi hiểu rõ hơn về hội thánh, Gấm giới thiệu một thành viên là nam giới, có “thâm niên” trong hội thánh chia sẻ thông tin. Người này tên Hùng, quê ở Bắc Giang, từng là sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên. Buổi chia sẻ được tổ chức tại căn nhà số 8, ngõ 248, đường Cách mạng Tháng Tám (T.P Thái Nguyên), đây là địa điểm thường xuyên tổ chức giới thiệu về hội thánh cho thành viên mới. Trên tầng hai của căn nhà có hai phòng, một dùng chia sẻ cho nam giới, một bên là nữ giới. Trong gần 3 tiếng đồng hồ, Hùng sử dụng máy tính với phần mềm PowerPoint trình chiếu, kết hợp với video để giảng giải với luận điệu hết sức mơ hồ. Khi người nghe hoang mang, lo lắng, Hùng nói trái đất sắp bị diệt vong và và rất may mắn, Đức Chúa trời đã hiển linh một lần nữa để cứu vớt loài người.

Với lý do nếu không vào hội thánh, sẽ không nhận được điềm báo khi nào đến ngày tận thế để tránh nên Hùng và Gấm đều thúc giục chúng tôi sớm làm nghi lễ vượt qua. Nghi lễ được tổ chức vào ngày 30/11/2017, trong ngõ 8, đường Phùng Chí Kiên, tthuộc tổ 11, phường Trưng Vương, T.P Thái Nguyên (được gọi là si-on), nhưng địa điểm cụ thể làm lễ được giữ bí mật đến đến phút chót. Các thành viên giới thiệu hẹn chúng tôi đến gần trung tâm T.P Thái Nguyên sẽ có người ra đón.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổ trưởng Tổ dân phố 11, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) cho biết: Căn nhà diễn ra hoạt động tôn giáo trái phép là của ông Trần Khánh Dương, chuyển về địa phương từ năm 2015. Khi phát hiện, chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở việc tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự và báo cáo lên phường. Cuối năm 2017, lực lượng Công an đã đến kiểm tra và lập biên bản khi phát hiện có nhiều người già, sinh viên đang tập trung tại đây. Tuy nhiên, sau khi lập biên bản việc tụ tập sinh hoạt tín ngưỡng vẫn còn. Tôi đề nghị cấp trên làm quyết liệt hơn.

Anh Nguyễn Anh Hồng, ở xóm Làng Lê, xã Động Đạt (Phú Lương), tham gia sinh hoạt “Hội thánh Đức Chúa trời” một thời gian rồi bỏ cho biết: Đến điểm tập trung sinh hoạt một vài buổi, tôi thấy nhiều điều rất vô lý. Tôi là thành viên mới nên chưa phải đóng tiền, nhưng mất thời gian và công sức thì thấy rõ. Tuần 2 ngày đi xe máy 20km từ nhà xuống  T.P Thái Nguyên hành lễ nên chẳng làm được việc gì. Tôi là thợ xây thu nhập 200.000 đồng/ngày nên bỏ ngày nào mất tiền ngày đó, thiệt hại đã rõ.

Khi chúng tôi đến nơi làm lễ, đã rất nhiều người có mặt từ trước. Các thành viên của hội yêu cầu chúng tôi thay quần áo đang mặc bằng một bộ áo choàng rồi đưa lên tầng hai. Ở đây có một bàn đăng ký để làm Lễ Map - têm. Nhân vật ngồi ở bàn ghi đăng ký đưa cho chúng tôi một tờ giấy mẫu ghi sẵn các thông tin cá nhân: Tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, tên người giới thiệu và mã số (được gọi là mã số sự sống), thuộc Si-on nào. Sau khi đăng ký, thành viên mới được dẫn đi chụp ảnh và đưa vào một căn phòng để làm lễ. Tại đây, chúng tôi được yêu cầu quỳ xuống, chấp sự sẽ dội nước từ chiếc chậu nhựa gần đó lên đầu và toàn thân (gọi là nước thánh); đồng thời chúng tôi phải cầu nguyện để Đức Chúa trời nghe thấy và tiếp nhận. Trong khi chúng tôi cầu nguyện, bên ngoài các thành viên khác hát và cầu nguyện cho con chiên mới. Buổi lễ kết thúc bằng việc ăn bánh thánh và uống rượu nho. Chấp sự không quên nhắc nhở mọi người phải luôn giữ đức tin với Đức Chúa trời và thực hiện một số quy định của hội thánh: Không ăn đồ thờ cúng, những con vật bị chết ngạt, ăn huyết (kể cả sống và chín). Khi đã vào hội thánh phải giữ lễ vào thứ 3 và thứ 7 hàng tuần. Riêng thứ 7, con chiên phải đến Si-on cả ngày để làm lễ và học kinh thánh. Đặc biệt, con chiên bắt buộc phải thực hiện luật dâng 1/10 thu nhập cá nhân lên Đức chúa trời. Theo Hùng thì trong kinh thánh ghi số người được dự lễ vượt qua không nhiều nên chúng tôi thuộc nhóm “những người rất may mắn” được làm lễ lần này.

Chúng tôi hỏi những con chiên cũ tên và địa chỉ thì tất cả đều nói đến từ nước thiên đàng. Tất cả những người có mặt hôm đó cũng bị nhắc nhở khi đến Si-on chỉ tâm niệm đến Đức chúa trời, không được hỏi thông tin cá nhân của nhau và hạn chế giao tiếp riêng.

Trong suốt quá trình thâm nhập tìm hiểu hoạt động của “Hội thánh Đức Chúa trời” tại T.P Thái Nguyên, chúng tôi được nghe những điều hết sức vô lý về nguồn gốc sự sống, về chốn thiên đàng hay quy tắc dâng hiến thu nhập cá nhân. Khi tham gia hội thánh phải có trách nhiệm tuyên truyền với nội dung: Chỉ cần sống cho bản thân, từ bỏ gia đình, không cần làm cũng có ăn; thế giới sắp bị diệt vong nên phải vào hội thánh mới được cứu vớt và có cơ hội lên thiên đường. Mặc dù viển vông là vậy, nhưng vẫn có nhiều người tin và theo, trong đó, gồm cả sinh viên, cán bộ công chức.

Bà Vũ Thị Tám, ở tổ dân phố số 10, phường Quan Triều (T.P Thái Nguyên) là người từng được mời đến địa điểm sinh hoạt của “Hội thánh Đức chúa trời” ở phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên). Bà kể: Khi tôi đến địa điểm sinh hoạt đã có rất đông người. Họ mời tôi uống nước và cho xem những video giới thiệu về hội thánh, bảo rằng chỉ cần ở đây hết ngày nay đến mai là sẽ có phép luôn, nếu sau này đi truyền đạo tốt thì còn có lương. Họ bảo, cha trời đã chấm cho cô trên đầu, giờ chỉ có hai con đường theo thì sống hoặc không theo thì chết nên tôi rất lo. còn  bà Nguyễn Thị Vy, 83 tuổi ở phố Giang Tiên, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) thì bảo: Con gái tôi trước đi theo Phật, không hiểu lý do gì giờ theo hội thánh này. Nó bảo tôi đi theo cái này hay thì tôi đi, chứ họ nói về đến nhà là tôi. Mấy tháng trước tôi bị ngã, không đi xa được nên không thể xuống tận hội thánh T.P Thái Nguyên dự lễ…

Sau một thời gian thâm nhập, chúng tôi nhận thấy cách lôi kéo thành viên của “Hội thánh Đức Chúa trời” khá bài bản. Họ đến từng nhà, phòng trọ, ký túc xá sinh viên, thậm chí bất kỳ ai trên đường để tuyên truyền về một đấng tiên tri thần học nước ngoài đến xem và nói về tương lai. Từ sự tò mò đó, họ sẽ thuyết phục người mới bằng mọi cách như mời đi chơi, nghe giảng đạo, thậm chí phục vụ đưa đón. Cách thức này không khác nhiều so với những công ty bán hàng đa cấp thường làm. Đó là kích thích tâm lý hiếu kỳ, khi đến nơi thì thuyết phục bằng số đông và những lời lẽ hấp dẫn. Rồi đưa ra cảnh báo về tai nạn giao thông, họa diệt vong đến từ phương Bắc khi Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân. Số liệu viện dẫn có vẻ trùng với điều kinh thánh đã nêu…

Với cách làm này, các đối tượng “nhét” vào đầu những người đến tham dự ngày này qua ngày khác, từng bước tạo ra niềm tin về một đấng toàn năng sinh ra vạn vật và cũng có thể bảo vệ được muôn người trước những rủi ro, hoạn nạn trong cuộc sống.

Tổ chức tôn giáo tự xưng này mới đây đã chia tách nhóm mới với tên "Hội thánh lời sự sống Thái Nguyên” sinh hoạt trái phép tại số nhà 22, tổ 11, phường Đồng Quang vào sáng Chủ nhật hàng tuần. Mỗi buổi sinh hoạt có từ 15-20 người tham dự, chủ yếu là sinh viên. Ngoài ra, đối tượng cầm đầu tổ chức này còn lôi kéo cả người lao động tự do, người già dắt theo trẻ nhỏ tham dự sinh hoạt. Về hình thức sinh hoạt, nhóm tín ngưỡng này cũng dùng kinh thánh là giáo lý. Có điều, giống như “Hội thánh Đức Chúa trời”, mỗi thành viên khi tham gia sinh hoạt đều phải tự nguyện đóng tiền vào quỹ chung. Theo quan sát của chúng tôi, có người để tiền vào trong phong bì đưa đến nơi làm lễ, có người đưa trực tiếp cho đối tượng đứng ra tổ chức (thường là 100.000 đồng/buổi tham gia sinh hoạt). Chị Phương, đến từ phường Bách Quang (T.P Sông Công) cho biết: Tôi có bệnh, đi khám ở bệnh viện Hà Nội bác sĩ chỉ định phải mổ, chi phí cho đợt phẫu thuật là gần 300 triệu đồng. Gia đình tôi không có đủ tiền, chỉ biết đến đây mong Đức Chúa ban cho sức mạnh và sự che chở.

Chưa thấy Đức Chúa trời ban phước và che chở ở đâu, nhưng việc làm của các đối tượng cầm đầu tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái pháp luật đã, đang gây hệ lụy cho nhiều gia đình và xã hội.

ĐẤU TRANH VỚI CÁC TỔ CHỨC TÔN GIÁO TỰ XƯNG:

Chỉ rõ bản chất để hành động (Kỳ 3) 

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Công an và sự phối hợp, vào cuộc của cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn các cấp trong tỉnh, việc đấu tranh với các tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái phép đã đạt được một số kết quả nhất định. Một số tổ chức trên địa bàn tỉnh tuy không hoạt động rầm rộ nhưng vẫn lén lút, nguy cơ bùng phát nếu lơ là trong công tác quản lý, giám sát, đấu tranh truy quét…

Từ năm 2016 đến nay, lực lượng Công an tỉnh đã tham mưu và trực tiếp giải quyết trên 40 vụ với gần 500 lượt người tập trung hoạt động tôn giáo trái phép. Ngoài ra, lực lượng Công an tỉnh đã khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố, xét xử 1 vụ với 4 đối tượng có hoạt động dưới hình thức sinh hoạt tôn giáo gây mất an ninh trật tự nơi công cộng. Bên cạnh đó, lực lượng công an các cấp trong tỉnh cũng đã trực tiếp tham gia, phối hợp xác minh trên 30 nguồn tin, theo dõi hơn 600 người đã, đang có hành vi tuyên truyền, lôi kéo nhân dân tham gia các tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái phép.

Sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng đã đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên thực tế cho thấy, công tác đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, phản khoa học của các tổ chức tôn giáo tự xưng vì mục đích tư lợi vẫn còn nhiều lúng túng. Cụ thể với địa bàn huyện Định Hóa, dù có rất nhiều cơ quan như: Công an, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Ủy ban MTTQ, Phòng Nội vụ… và cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đã vào cuộc đấu tranh, lên án nhưng không cơ quan nào nắm rõ tường tận về tình hình hoạt động của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn.

Tại hai huyện Đồng Hỷ và Võ Nhai, đấu tranh với tổ chức hoạt động tôn giáo bất hợp pháp Dương Văn Mình mới dừng ở việc tháo dỡ các nhà đòn. Còn đấu tranh trực tiếp với đối tượng cầm đầu chưa thực sự quyết liệt, chưa có biện pháp mạnh để vạch trần việc lôi kéo người dân nhằm mục đích xấu. Cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo lực lượng công an, quân sự theo sát tình hoạt động của tổ chức tôn giáo bất hợp pháp Dương Văn Mình nhưng lại cho đây là vấn đề “nhạy cảm” nên các tài liệu điều tra, xác minh tình hình hoạt động về tổ chức này lại được cơ quan chức năng địa phương cho vào diện “mật”, báo cáo cấp trên là chính. Do đó, việc khai thác tài liệu phục vụ tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ ở cơ sở để phòng ngừa, ngăn chặn việc lôi kéo đồng bào dân tộc Mông theo tổ chức này chưa thực sự thuận lợi.

Đồng chí Đặng Thành Quang, Phó Bí Thường trực Đảng ủy xã Bình Long (Võ Nhai) cho biết: Tính đến ngày 19/4/2018, tại khu vực Lân Thùng của xã còn 19 hộ có biểu hiện theo tổ chức tôn giáo bất hợp pháp Dương Văn Mình. Qua các đợt đấu tranh phá bỏ nhà đòn xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và tiếp xúc trực tiếp với người dân ở đây, chúng tôi thấy bà con thật thà, giản dị nên dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Do vậy, cấp ủy đã chỉ đạo chính quyền, các đoàn thể, cán bộ cơ sở bám sát địa bàn, tình hình, tạo sự gần gũi, thân thiện để từng bước vận động nhân dân từ bỏ tổ chức này. Khó nhất với cán bộ địa phương là chưa có bằng chứng cụ thể về hành vi lợi dụng tôn giáo, sự lương thiện của đồng bào dân tộc Mông để quyên góp tài sản vì mục đích tư lợi, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc nên quá trình đấu tranh với các đối tượng cầm đầu tổ chức này vẫn còn hạn chế.

Còn tại T.P Thái Nguyên, thời gian qua có nhiều tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái phép chọn là nơi gây dựng mầm mống vì việc quản lý hành chính ở đô thị khó khăn hơn nông thôn. Đồng chí Quản Chí Công, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên thông tin: Các tổ chức tôn giáo tự xưng trên địa bàn có chiều hướng gia tăng và phức tạp. Riêng “Hội thánh Đức Chúa trời” quản lý khó khăn hơn do các nhóm, hội này thường hoạt động kín, liên tục thay đổi địa điểm và núp dưới các hình thức như hội thảo khoa học, quán cà phê, bán hàng. Việc xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trái phép chưa thực sự mạnh vì cần cân nhắc kỹ lưỡng, không thể quá cứng nhắc. Từ ngày 1/1/2018, Luật Tôn giáo, tín ngưỡng có hiệu lực thi hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP về quản lý tôn giáo, tín ngưỡng nên các cơ quan chức năng của T.P Thái Nguyên sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, tái phạm nhiều lần.

Ông Phạm Thanh Nhuận, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Định Hóa: Vấn đề quản lý về tôn giáo mới được giao cho Ủy ban MTTQ phụ trách nên chúng tôi chỉ dừng lại ở việc nắm thông tin về các tôn giáo chính thống được phép hoạt động. Đơn vị cũng mới tổ chức tuyên truyền chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo trên địa bàn; lựa chọn, biểu dương khen thưởng các cá nhân người công giáo tiêu biểu và thực hiện mô hình cộng đồng dân cư công giáo tham gia bảo vệ môi trường. Còn kế hoạch đấu tranh với các tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái phép đang gặp khó khăn.

Anh Nguyễn Đình Yên, Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên (Đại học Thái Nguyên) cho biết: Qua nắm bắt đã có trên 40 sinh viên của các trường thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên tham gia tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái phép phải nhận các hình thức xử lý khác nhau. Chúng tôi thực sự lo lắng và đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức và có biện pháp xử lý phù hợp ngay từ ban đầu. Nhưng để ngăn chặn sinh viên bị lôi kéo vào các tổ chức này thì ngoài sự nỗ lực của các nhà trường rất cần sự phối hợp chặt chẽ của gia đình và chính quyền các cấp.

Trên địa bàn tỉnh hiện tập trung hàng vạn học sinh, viên viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp có tri thức, trình độ nhưng tuổi trẻ nông nổi, thích tiếp cận cái mới nhưng ít sàng lọc thông tin nên chuyện bị lôi kéo vào các tổ chức tôn giáo tự xưng là rất dễ xảy ra. Trong khi đó việc quản lý sinh viên hiện nay có phần lỏng lẻo vì phần lớn sinh viên ở trọ bên ngoài các nhà trường; việc đào tạo theo tín chỉ nên giáo viên chủ nhiệm, tổ chức đoàn nắm bắt thông tin, điều kiện, hoàn cảnh của sinh viên không thường xuyên. PGS.TS Trần Văn Điền, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên cho biết: Khi có thông tin sinh viên của Nhà trường tham gia các tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái phép, cấp ủy, Ban Giám hiệu đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, quản lý các khoa, phòng tổ chức tuyên truyền, bám sát tình hình để nắm bắt thông tin, kịp thời báo cáo cấp trên, cơ quan chức năng. Nhà trường cũng đã bí mật cử cán bộ, sinh viên tham gia vào những hoạt động nghi sinh hoạt tôn giáo trái phép để nắm bắt. Tuy nhiên, khi phát hiện có cán bộ và sinh viên của Nhà trường tham gia, đối tượng tổ chức những hoạt động trên lại dừng hoạt động hoặc đột ngột thay đổi địa điểm.

Trao đổi trong các hội nghị liên quan đến công tác tư tưởng, nắm bắt dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh, đồng chí Hoàng Anh Trung, Phó ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy băn khoăn: Một số tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái pháp luật đã sử dụng mạng xã hội là phương tiện truyền bá, lôi kéo. Đây đang là một trong những khoảng trống trong công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo cần phải lưu tâm. Khi muốn lôi kéo người dân tham gia sinh hoạt tôn giáo trái phép, các đối tượng cầm đầu đã bằng nhiều hình thức như đăng tải tin bài, video hấp hẫn trên mạng xã hội để thu hút mọi người quan tâm. Do vậy, các lực lượng chức năng nên nghiên cứu thành lập bộ phận chuyên biệt về đấu tranh với các đối tượng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này trên mạng xã hội và sử dụng công nghệ cao để tuyên truyền, lôi kéo người dên.

Các tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái phép trên địa bàn tỉnh diễn biến ngày càng phức tạp, có sự kết nối với các tổ chức ở nhiều địa phương khác và cả ở nước ngoài. Niềm tin tâm linh không còn là hiện tượng tâm lý xã hội bình thường mà có nhiều nguy cơ phức tạp. Trước thực tế trên, công luận đề nghị các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ trong quá trình nghiên cứu, đánh giá để nhận diện đúng bản chất, mức độ về hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng nói chung, các tổ chức tôn giáo tự xưng, nhóm sinh hoạt tâm linh để có giải pháp quản lý phù hợp. Ngành Công an cần đẩy mạnh điều tra, xác minh để xử lý hình sự đối với những đối tượng cầm đầu tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái phép khi có dấu hiệu lừa đảo về kinh tế, dấu hiệu cho người dân sử dụng chất gây nghiện để dễ bề xúi giục, sai khiến. Cùng với đó, các cơ quan chức năng nên soạn thảo tài liệu tuyên truyền để làm “cẩm nang” chính thống giúp cán bộ cơ sở nhận biết đúng, đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, vạch trần bộ mặt thật, hành vi tư lợi của các đối tượng cầm đầu các tổ chức tôn giáo tự xưng, nhóm tâm linh hoạt động trái pháp luật.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất