Kỳ I: Vào Đảng để trưởng thành, cống hiến
Vào Đảng để trưởng thành và cống hiến - đó là lý tưởng, mục tiêu cao đẹp của nhiều thế hệ đoàn viên, thanh niên Đất Tổ khi vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam...
Động lực để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ
Sinh ra ở xã Đại Nghĩa, huyện Đoan Hùng, năm 2006 anh Vũ Huy Thông thi đỗ vào Trường trung cấp kỹ thuật tăng thiết giáp. Anh cho biết: Trong môi trường quân đội, việc vào Đảng là mục tiêu cao cả của hầu hết các học viên nên mọi người luôn tích cực học tập, rèn luyện. Tuy nhiên, do đặc thù nên số lượng học viên được kết nạp trong trường rất ít. Vì vậy, ngay từ năm thứ nhất, tôi đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đảng. Điều đó trở thành động lực thôi thúc, nhắc nhở tôi luôn phải trau dồi kiến thức, kỹ năng, nỗ lực học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể...
Với cố gắng của mình, đến năm học thứ 3, anh Thông chính thức được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Sau khi ra trường, công tác tại Đại đội 27, Phòng tham mưu, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, anh nhận nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật hệ thống xe, máy, vũ khí trang bị kỹ thuật. Mặc dù chỉ một mình đảm nhận công việc nhưng anh luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đảng viên với phẩm chất “bộ đội Cụ Hồ”, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đề ra. Liên tục từ năm 2015-2017, anh được bầu là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, năm 2017, đạt giải Ba hội thi sáng kiến cải tiến kỹ thuật cấp Quân khu với sáng tạo “dụng cụ nâng xe gác 66 quay đầu trong đường hẹp” giúp giảm tải thao tác và rút ngắn thời gian. Trong trận lũ 2017, 2018 vừa qua tại hai huyện Thanh Sơn và Tam Nông, sáng kiến của anh đã giúp đơn vị di chuyển, ứng phó kịp thời để giúp đỡ người dân bị nạn.
“Việc xác định được lý tưởng phấn đấu vào Đảng ngay từ sớm đã giúp tôi tìm được mục đích sống của mình, có thêm sức mạnh, động lực vượt qua mọi khó khăn để có thể đóng góp, cống hiến nhiều hơn cho tập thể, cho quê hương”, anh Thông chia sẻ.
Định hướng đúng đắn giúp thay đổi nhận thức và tư tưởng
Từng có 9 năm công tác tại Công ty cổ phần Prime Yên Bình, tỉnh Vĩnh Phúc, đảm nhận nhiều vị trí quan trọng như tổ trưởng sản xuất... nhưng anh Hoàng Trung Thủy vẫn chưa có tư tưởng sẽ phấn đấu trở thành đảng viên. “Do ở đó không có phong trào, lãnh đạo không quan tâm và định hướng nên thời gian đó tôi chưa có mong muốn, nguyện vọng vào Đảng” - anh Thủy giải thích.
Đầu năm 2015, khi chính thức trở thành tổ trưởng hành chính phụ trách lắp đặt máy móc của Công ty cổ phần gạch men Tasa (KCN Thụy Vân, thành phố Việt Trì), anh được ghi nhận năng lực chuyên môn khi có thể rút ngắn một nửa thời gian lắp máy từ 15 ngày xuống còn 1 tuần. Được sự tín nhiệm từ ban lãnh đạo và cán bộ, nhân viên tháng 1-2016, anh trở thành Phó quản đốc xưởng KCS, là xưởng lớn nhất của Công ty với hơn 300 công nhân. Nhận thấy rõ trách nhiệm của bản thân phải luôn nêu cao tinh thần đầu tàu gương mẫu, nhờ sự định hướng của cấp ủy Đảng, anh dần thay đổi nhận thức, mong muốn trở thành một người đảng viên. Bên cạnh hoạt động chuyên môn, anh tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của Công ty. Năm 2018, anh được nhận Bằng khen của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tỉnh đoàn vì đã có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất. Bằng tất cả sự nỗ lực, anh đã trở thành đảng viên gương mẫu của Công ty, có thêm động lực để tiếp tục cố gắng, thể hiện trách nhiệm cao trong mọi lĩnh vực, được mọi người yêu mến.
Có thể thấy, đối với các doanh nghiệp tư nhân, việc định hướng xây dựng động cơ phấn đấu vào Đảng, quan tâm đánh giá đầy đủ sự phấn đấu, cống hiến của quần chúng là cách tạo nguồn đảng viên đúng đắn, giúp đảng viên trẻ luôn có trách nhiệm tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến nhiều hơn nữa trong công việc và cuộc sống.
Phấn đấu là đảng viên để làm cầu nối giữa ĐVTN với Đảng
Nhắc tới phong trào Đoàn khối trường học của thị xã Phú Thọ không thể không kể tới những hoạt động sôi nổi của đoàn viên thanh niên Trường THPT Hùng Vương với người thủ lĩnh Đoàn là cô giáo Lê Thu Hà.
Cô Lê Thu Hà vào Đảng chính thức tháng 5-2013. Đến nay, cô đã có 5 năm vinh dự được đứng dưới lá cờ của Đảng và 7 năm gắn bó với vai trò bí thư Đoàn của hơn 1.000 ĐVTN. Nhận thức sâu sắc về vai trò của mình như chiếc cầu nối để dẫn dắt ĐVTN hiểu rõ hơn lý tưởng cao đẹp của Đảng, đặc biệt là ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường nên cô luôn cố gắng suy nghĩ, tìm tòi để có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong quá trình triển khai hoạt động công tác Đoàn. Cùng với BCH Đoàn trường, cô đã tổ chức nhiều hoạt động tạo khí thế thi đua sôi nổi, để các em có điều kiện rèn luyện và phát triển toàn diện, tiêu biểu như chương trình “Khi tôi 18” được tổ chức thành ngày hội hướng nghiệp, chia sẻ quan điểm về bạo lực học đường, tình yêu tuổi học trò…, tạo nên sự mới mẻ, hấp dẫn, thu hút đông đảo sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của ĐVTN.
Tại các chương trình tập thể, cô Hà thường xuyên lồng ghép tuyên truyền về vai trò, vị trí của Đảng Cộng sản Việt Nam và trách nhiệm, quyền lợi của người đảng viên, góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức của ĐVTN Trường THPT Hùng Vương về tổ chức Đảng, tạo điều kiện cho các em có cơ hội rèn luyện, từng bước trưởng thành để được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Bản thân cô cũng luôn gương mẫu đi trước, làm trước, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tập thể, tích cực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giữ gìn phẩm chất của người đảng viên, có lối sống trong sạch, lành mạnh, là tấm gương sáng đối với đồng nghiệp và là động lực để các em học sinh trong trường phấn đấu, noi theo.
Với những kết quả đó, phong trào Đoàn Trường THPT Hùng Vương luôn đi đầu trong khối giáo dục của thị xã nói riêng và trên toàn tỉnh nói chung. Cá nhân Bí thư Lê Thu Hà cũng nhiều năm được Đoàn các cấp khen thưởng, hai lần được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen năm 2013 và 2014; được vinh danh là thanh niên tiêu biểu làm theo lời Bác của tỉnh năm 2018.
Trí thức trẻ gắn bó với miền quê nghèo
Là một trong 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ được tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo theo Quyết định số 170 của Thủ tướng Chính phủ - chị Hoàng Thị Anh Đào trở thành Phó Chủ tịch UBND xã Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn và cống hiến ở cương vị này gần 5 năm.
Đối với chị Anh Đào, thời điểm ban đầu nhận nhiệm vụ có rất nhiều bỡ ngỡ nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị đã nhanh chóng bắt nhịp với công việc, tích cực học hỏi từ đồng nghiệp, từ người dân để hiểu hơn về phong tục, tập quán, đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội nơi đây, từ đó đề xuất những phương án, cách làm hay nhằm cải thiện đời sống của bà con trong xã, trong đó, chị đặc biệt quan tâm tới các vấn đề quyền lợi trẻ em, phụ nữ, vấn đề dân số, phong trào khuyến học, khuyến tài…
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, chị đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chỉnh trang nhà cửa, cảnh quan, môi trường, xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sinh hoạt như điện, nước, đường giao thông…; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thi đua phát triển kinh tế, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Nhờ đó, bộ mặt kinh tế - xã hội của xã có sự thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, nhiều tiêu chí nông thôn mới cũng đã được hoàn thành.
Hiện tại, chị Anh Đào tiếp tục gắn bó với vùng đất Kiệt Sơn, trở thành nữ thủ lĩnh Đoàn năng động. Trước những khó khăn trong việc tạo nguồn để bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng ở địa phương, chị đã đề xuất nhiều giải pháp, sáng kiến hữu hiệu, tranh thủ mối quan hệ thân thiết, gắn bó với thanh niên để từ đó lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, trao đổi và hướng dẫn các ĐVTN ưu tú phát triển kinh tế đồng thời nỗ lực phấn đấu trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hàng năm, chị cùng BCH Đoàn xã lựa chọn, giới thiệu 8-10 ĐVTN ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp. Sớm trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, dù ở cương vị công tác nào, chị đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, cống hiến sức trẻ xây dựng quê hương. Năm 2018, chị được vinh danh là thanh niên tiêu biểu làm theo lời Bác của tỉnh.
Kỳ II: Thanh niên xa rời lý tưởng - Khó khăn trong tạo nguồn kết nạp Đảng
Như trong phần trước chúng tôi đã phản ánh, không ít đoàn viên thanh niên đã nỗ lực phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng để cống hiến tài năng sức trẻ cho quê hương, đất nước. Tuy nhiên hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, có một bộ phận lớp trẻ không mặn mà với việc vào Đảng, thậm chí xuất hiện những biểu hiện sa sút, lệch lạc về tư tưởng chính trị dẫn đến khó khăn trong công tác tạo nguồn kết nạp Đảng.
Sinh Tiến là khu dân cư đi đầu trong phát triển kinh tế tại xã Minh Hòa, huyện Yên Lập. Khu có 129 hộ, 480 nhân khẩu với 85% dân số là người dân tộc Mường. Người dân trong khu chủ yếu dựa vào đồi rừng, trồng cây lâm nghiệp và cây chè để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong nhiều năm (từ năm 2010 đến năm 2016), công tác xây dựng, phát triển và tạo nguồn kết nạp Đảng của Chi bộ Sinh Tiến gặp nhiều khó khăn, không kết nạp được đảng viên mới. Ông Đinh Tiến Công - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguồn kết nạp Đảng gặp khó khăn nhưng có lẽ cốt lõi là lực lượng ĐVTN đến tuổi lao động đi làm ăn xa ngày càng nhiều. Số ở lại địa phương do trình độ nhận thức hạn chế, không gắn bó với lý tưởng Đảng do đó chưa hoặc không mặn mà tham gia công tác bồi dưỡng tạo nguồn, dẫn đến khó khăn trong kết nạp Đảng tại các chi bộ khu dân cư…
Không chỉ xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, tại nhiều xã trên địa bàn huyện Thanh Sơn cũng xảy ra tình trạng số lượng đảng viên ở một số chi bộ khu dân cư còn thấp, chi bộ nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên mới. Tại xã Võ Miếu, mặc dù có 28 chi bộ nhưng toàn Đảng bộ chỉ có trên 300 Đảng viên. Đảng bộ có chi bộ Sang Dưới chỉ có 6 đảng viên, một số chi bộ nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên như chi bộ Cốc (14 năm), chi bộ Bần 1 (8 năm), chi bộ Liên Thành (7 năm)…
Tuy nhiên, trong quá trình rà soát, tạo nguồn kết nạp Đảng, tại địa phương có những ĐVTN tuy năng động, tự tin, tự chủ trong phát triển kinh tế hộ gia đình nhưng do nhận thức về Đảng còn có chỗ mơ hồ nên chưa có chí hướng phấn đấu vào Đảng. Tiêu biểu như trường hợp anh Dương Văn Tiến - xóm Vùng, mặc dù là một thanh niên điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương với mức thu nhập khoảng 360 triệu đồng/năm nhưng khi được hỏi có mong muốn được xem xét kết nạp Đảng hay không thì anh cho biết: Do đặc thù công việc bận rộn, thường xuyên phải đi sớm về khuya, ít có thời gian theo dõi các thông tin, sự kiện, chương trình thời sự và tham gia các buổi sinh hoạt ở khu dân cư nên hiểu biết của tôi về tổ chức Đảng còn hạn chế và tôi chưa từng nghĩ bản thân có đủ tiêu chuẩn để được xem xét kết nạp Đảng hay không.
Không chỉ đối với ĐVTN là người dân tộc thiểu số, nhận thức của lực lượng lao động trẻ tại các khu công nghiệp về tổ chức Đảng cũng khiến nhiều người trăn trở. Thậm chí, tại các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn xuất hiện tình trạng nhiều thanh niên, lao động trẻ có tâm lý ngại vào Đảng. Anh Nguyễn Văn T - công nhân của Công ty TNHH Matsuoka, KCN Phú Hà cho biết: Tại các doanh nghiệp tư nhân, việc xét duyệt thăng cấp hay tăng, hạ bậc lương cơ bản phụ thuộc vào quyết định của chủ doanh nghiệp. Vì vậy, dù bản thân nhiều công nhân có muốn vào Đảng nhưng nếu không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của chủ doanh nghiệp thì anh em cũng e ngại không dám tham gia, sợ ảnh hưởng đến “miếng cơm, manh áo”. Ý chí phấn đấu vì lý tưởng Đảng cũng không được rõ nét…
Theo số liệu khảo sát, tổng hợp, đến tháng 7 năm 2018 của Ban Quản lý các KCN tỉnh, trong số 161 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh ở các KCN, CCN trọng điểm thì chỉ có 53 đảng viên trong 42 DN và hầu hết đã hết tuổi Đảng. Tiềm năng gần 15.000 lao động trẻ trong các KCN nhưng tỷ lệ đảng viên trẻ cũng chỉ đạt khoảng 1%...
Còn có một thực tế là, tại khối học sinh, sinh viên - đối tượng có trình độ, được đào tạo, bồi dưỡng trong các trường học nhưng bên cạnh những sinh viên rất tha thiết mong được đứng vào hàng ngũ của Đảng thì cũng có một bộ phận sinh viên không “mặn mà” với việc phấn đấu vào Đảng. Em Hoàng Thị Mỹ Hoa, sinh viên lớp K12 Kế toán, Trường Đại học Hùng Vương chia sẻ: Có một số bạn sinh viên cho rằng vào Đảng là để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xin việc tại các cơ quan Nhà nước sau này còn với những sinh viên ra trường xác định công tác trong các môi trường ngoài Nhà nước thì không cần quá quan tâm đến phấn đấu vào Đảng, một bộ phận sinh viên phấn đấu vào Đảng với những mục đích riêng của cá nhân chứ không gắn với lý tưởng chung tốt đẹp của Đảng.
Với nhận thức như vậy nên mặc dù số lượng rất đông nhưng tỷ lệ kết nạp Đảng trong học sinh - sinh viên tại các nhà trường trên địa bàn tỉnh lại rất hạn chế. Tại Trường Đại học Hùng Vương, từ năm 2012 đến nay có tổng số 53 sinh viên được kết nạp Đảng tại trường, với tổng số sinh viên dao động hàng năm khoảng 4.000 em thì con số kể trên là chưa tương xứng. Tại Đảng bộ Trường Cao đẳng Y dược Phú Thọ - một trong những đơn vị giáo dục được coi là đi đầu của tỉnh trong tuyển chọn và kết nạp các sinh viên ưu tú vào Đảng thì trung bình mỗi năm Đảng bộ của Trường cũng chỉ kết nạp được từ 30 - 40 sinh viên vào Đảng, chiếm tỷ lệ 1% so với tổng số hơn 10.600 sinh viên đang học tại Trường và tại các đơn vị liên kết.
Từ những phân tích ở trên, có thể nhận thấy, một bộ phận thanh niên suy giảm, thậm chí xa rời niềm tin với Đảng. Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này? Về chủ quan, nhiều bạn trẻ hiện nay thiếu lý tưởng, hoài bão về cuộc sống, bàng quan, không quan tâm tới tình hình chính trị, xã hội của đất nước, một số người nhận thức còn hạn chế, chưa đầy đủ, không có sức đề kháng với những luồng thông tin độc hại trên mạng xã hội. Đồng thời, cũng cần phải nhìn nhận thẳng thắn là một số cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể, cơ quan, đơn vị, trường học còn chưa quan tâm nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, yêu Đảng, yêu chế độ cho thanh niên. Bên cạnh đó, còn có những tiêu cực trong Đảng, chính quyền ở một số nơi, không ít đảng viên thoái hóa, biến chất, bị xử lý kỷ luật làm xấu đi hình ảnh của Đảng và để thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền, nói xấu Đảng trên mạng xã hội - nơi lực lượng thanh niên tham gia đông khiến phần nào làm thanh niên nao núng, không có ý chí phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Kỳ III: Giác ngộ lý tưởng - gỡ khó bài toán tạo nguồn
Mặc dù còn có tình trạng thanh niên miền núi, thanh niên đồng bào DTTS, thanh niên đang làm việc tại các KCN, thanh niên là học sinh - sinh viên có những hiểu biết mơ hồ về Đảng nhưng đại đa số thanh niên sau khi được tuyên truyền, vận động đã có những hiểu biết sâu sắc về tổ chức Đảng, tích cực tham gia các hoạt động đoàn, hội, hoạt động ở khu dân cư, thôn xóm và có chí hướng phấn đấu vào Đảng. Vì vậy, việc giác ngộ lý tưởng cách mạng, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục được xem như giải pháp hữu hiệu trong gỡ khó bài toán tạo nguồn.
Để giác ngộ lý tưởng, một nhiệm vụ rất quan trọng đó là cần xây dựng giải pháp phù hợp với từng đối tượng cụ thể, có sự đổi mới trong công tác tuyên truyền, vận động, định hướng cho thanh niên những vấn đề về lý tưởng cách mạng, mục tiêu, con đường, xu thế phát triển của đất nước... Các ngành, đoàn thể, các tổ chức có sự phối hợp đồng bộ, triển khai các hoạt động thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm vào từng thời kỳ, trong đó, hướng đến việc cung cấp những kiến thức thanh niên thực sự cần, tránh truyền tải thông tin khô cứng, giáo điều. Ngoài ra, cần tạo sự gắn bó, tương tác giữa thanh niên với tổ chức, tổ chức với thanh niên, giúp thanh niên dễ dàng tiếp thu những thông điệp được truyền tải. Trong quá trình thực hiện, cần căn cứ vào thực tế để có sự điều chỉnh phù hợp, kịp thời phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến, từ đó thúc đẩy các phong trào chung phát triển...
Ông Hà Văn Quý - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn cho biết: Với mục đích giác ngộ lý tưởng cho thanh niên, gỡ khó bài toán tạo nguồn kết nạp Đảng, hàng năm, Đảng ủy xã phân công các đồng chí Đảng ủy viên phụ trách các chi bộ, tăng cường công tác giám sát, trực tiếp dự sinh hoạt tại chi bộ. Nhờ đó, các đồng chí Đảng ủy viên nắm bắt kịp thời tình hình ở thôn bản, khu dân cư, đôn đốc, hướng dẫn chi bộ thực hiện các nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ phát triển đảng viên. Trong quá trình bám nắm địa bàn, lựa chọn đối tượng để bồi dưỡng, kết nạp, Đảng ủy chú trọng đến những quần chúng ưu tú, gắn bó lâu dài với địa phương để có những phân tích và định hướng phù hợp, gắn việc tạo nguồn kết nạp Đảng với tham gia các nhiệm vụ cộng đồng và phát triển kinh tế tại gia đình… Từ đó, trên địa bàn xã đã xuất hiện những thanh niên ưu tú, thanh niên là đảng viên có nhiều đóng góp cho cộng đồng.
Tiêu biểu như anh Hà Minh Thuận - Bí thư chi bộ kiêm Trưởng khu dân cư Rét. Vào Đảng năm 2013, sau khi được bầu làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng khu Rét, anh đã phối hợp với Ban chi ủy, các đảng viên trong chi bộ tích cực tuyên truyền, vận động bà con hiến đất, ủng hộ công sức, tiền của làm khu chơi thể thao và đường vào đập Suối Trông, giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa phát triển kinh tế của khu được dễ dàng hơn. Với những cống hiến và nỗ lực của mình, mặc dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng anh luôn được bà con trong khu yêu quý, tín nhiệm, nghe theo, đời sống của bà con nhân dân nhờ thế cũng dần được cải thiện, nâng cao.
Hay như trường hợp anh Lê Mã Lương, sinh năm 1990, là đảng viên trẻ tại xóm Mạ, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn. Sau khi tốt nghiệp Trung cấp nghề điện ở Thái Nguyên, anh trở về địa phương tham gia phát triển nghề mộc tại gia đình. Là Bí thư đoàn thanh niên kiêm thôn đội trưởng khu dân cư, anh luôn tích cực tham gia các công việc đoàn thể và vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Anh chia sẻ: Trở thành đảng viên, tôi thấy mình được rèn luyện, trưởng thành hơn và luôn xác định cần phát huy tốt hơn vai trò nêu gương trong thực hiện các công việc chung tại địa phương,…
Không chỉ tại các khu dân cư, qua khảo sát các doanh nghiệp tại KCN, CCN, có thể thấy ở nơi nào có tổ chức Đảng hoạt động hiệu quả, thanh niên tích cực phấn đấu thi đua để được đứng trong hàng ngũ của Đảng thì ở đó các phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, đảng viên và người lao động được phát động đều khắp; các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước được chủ DN thực hiện nghiêm chỉnh; quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân, người lao động được bảo đảm, tăng lên.
Trên thực tế, trong 10 năm trở lại đây, cả nước xảy ra hàng nghìn cuộc ngừng việc tập thể, đình công tự phát của người lao động, phần lớn tại các DN FDI. Nguyên nhân chính là do các DN chưa có tổ chức Đảng hoặc Ban Chấp hành Công đoàn hoạt động còn hạn chế, không tham gia điều tiết, định hướng đúng tư tưởng cho công nhân. Hơn ai hết, người chịu hậu quả nặng nề nhất lại chính là chủ DN. Do vậy, việc thành lập tổ chức Đảng, giác ngộ lý tưởng Đảng cho người lao động, đặc biệt là tầng lớp thanh niên sẽ góp phần bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động, tạo sự nỗ lực phấn đấu, gắn bó lâu dài với DN, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, đem lại lợi ích thiết thực cho DN.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về công tác xây dựng Đảng cũng như giác ngộ lý tưởng cho thanh niên tại các KCN, CCN trọng điểm trên địa bàn tỉnh, Đảng ủy Khối doanh nghiệp (ĐUKDN) đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TU, ngày 21/8/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Củng cố, phát triển tổ chức Đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2020”; chỉ đạo các chi, Đảng bộ cơ sở tập trung lãnh đạo, vận động, phối hợp với chủ DN tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chú trọng đầu tư phát triển, nghiên cứu sản phẩm mới, mở rộng thị trường tiêu thụ… nhằm tạo sức cạnh tranh cho các DN trên địa bàn tỉnh, qua đó tạo sự tin tưởng, gắn bó của công nhân, tạo môi trường cho họ cống hiến, rèn luyện, nhất là phấn đấu để được trở thành người đảng viên cộng sản.
Bà Nguyễn Thị Thủy - Bí thư ĐUKDN tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, ĐUKDN sẽ tiếp tục chủ động làm việc, đối thoại, tuyên truyền với chủ DN và công nhân lao động nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của tổ chức Đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội trong DN, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của người lao động để tham gia với chủ DN xem xét, giải quyết thỏa đáng, qua đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ của chủ DN đối với việc thành lập, hoạt động và phát triển các tổ chức Đảng, đoàn thể, phát triển đảng viên mới trong các DN. Đi đôi với đó là tích cực giáo dục, giác ngộ, tạo sự tin tưởng, phấn khởi và động lực phấn đấu vào Đảng của công nhân, người lao động; lấy hiệu quả hoạt động để khẳng định vai trò quan trọng, củng cố niềm tin đối với tổ chức Đảng, đoàn thể, đảng viên trong KCN, CCN.
Thực hiện chủ trương của tỉnh và của ĐUKDN, nhiều chi bộ trong KCN đã đổi mới nội dung, phương pháp sinh hoạt hàng tháng đồng thời tiếp tục chú trọng đến công tác đào tạo nguồn phát triển Đảng. Kết quả, việc giác ngộ lý tưởng cho thanh niên ở các công ty đã có những chuyển biến tích cực, nhiều chi bộ đã kết nạp được đảng viên mới. Trong đó, nổi bật là chi bộ công ty TNHH Công nghệ Cosmos 1 - một trong những chi bộ lớn nhất của KCN Thụy Vân với 27 đảng viên, chuẩn bị kết nạp thêm 10 đảng viên đều dưới 27 tuổi.
Trong khối học sinh, sinh viên, với số lượng đông đảo lại đang học tập tại các trường, tổ chức cơ sở Đảng hoạt động thường xuyên, tích cực nên lực lượng này có nhiều lợi thế trong con đường rèn luyện, phấn đấu, giác ngộ lý tưởng. Tuy nhiên, việc chọn lọc, bồi dưỡng, tạo nguồn không vì chạy theo số lượng mà cần chú trọng đến chất lượng. Các chi bộ thường xuyên theo dõi, định hướng phấn đấu đúng đắn cho thanh niên là học sinh - sinh viên, từ đó giác ngộ lý tưởng, nâng cao nhận thức của các em về Đảng, gỡ khó bài toán tạo nguồn…
Kỳ IV: Phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể, củng cố niềm tin của thanh niên với Đảng
Với lợi thế về sức trẻ, tinh thần nhiệt huyết, năng động, sáng tạo…, sau khi được giác ngộ lý tưởng, nhiều thanh niên đã từng bước khẳng định mình, trở thành những chiến sỹ xung kích trên các mặt trận, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước. Song, để có thể củng cố vững chắc niềm tin của thanh niên với Đảng thì bên cạnh vai trò của tổ chức Đoàn cần có sự chung tay, đồng hành của các cấp, các ngành, hội, đoàn thể, chuẩn bị cho các bạn trẻ những hành trang cần thiết để tiến vào tương lai, đảm đương vai trò, sứ mệnh thiêng liêng của mình.
Có một lực lượng không nhỏ hội viên là thanh niên, những năm qua, để thu hút, vận động, tập hợp hội viên nói chung, hội viên là thanh niên nói riêng tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, chung tay xây dựng quê hương, đất nước, Hội Nông dân tỉnh đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, hội viên, tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên, nông dân tham gia các cuộc thi, hội thi như: “Cán bộ hội tuyên truyền giỏi”, “Nhà nông đua tài”, “Nông dân với công nghệ thông tin”, “Nông dân sáng tạo quy mô nhỏ”… để nâng cao nhận thức, trình độ cho mọi người.
Đặc biệt, đối với hội viên là thanh niên, bên cạnh việc trang bị các kiến thức, kỹ năng về phát triển kinh tế, Hội thường xuyên quan tâm bồi đắp lý tưởng cách mạng, phẩm chất đạo đức, tạo điều kiện cho thanh niên phấn đấu, vươn lên.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, để nâng cao nhận thức của thanh niên đối với Đảng, Hội Nông dân đã tích cực phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, vận động người ngoài tổ chức nói chung, lực lượng thanh niên là nông dân nói riêng tham gia vào tổ chức hội. Định hướng, tư vấn cho thanh niên trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, sẵn sàng đồng hành, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ thanh niên trong việc vay vốn, nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, thông tin… Hội Nông dân cũng thường xuyên triển khai các nhiệm vụ, công việc, phát huy tính xung kích, tiên phong, tạo điều kiện cho thanh niên có cơ hội được thể hiện và khẳng định mình ngay trên mảnh đất quê hương.
Bà Hạnh cũng cho rằng: Để củng cố niềm tin của thanh niên với Đảng, đặc biệt là thanh niên khu vực nông thôn thì các tổ chức Đảng ở cơ sở phải được xây dựng thực sự vững mạnh, đảng viên phải thực sự gương mẫu, tâm huyết, là tấm gương sáng để thanh niên tin tưởng, làm theo.
Ở một khía cạnh khác, hiện nay việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của thanh niên là công nhân lao động cũng được đẩy mạnh với nhiều cách làm phù hợp. Ông Nguyễn Hải - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 328 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn với 2.316 đảng viên, trong đó số doanh nghiệp có tổ chức cơ sở Đảng là 104 với 2.030 đảng viên đang sinh hoạt, còn lại 286 đảng viên được bố trí sinh hoạt tại địa phương nơi cư trú do không có tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Việc triển khai tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho công nhân lao động, đặc biệt là đối tượng đoàn viên thanh niên, đảng viên trong doanh nghiệp và chủ lao động về phát triển tổ chức đảng, đảng viên, đoàn viên, thành lập CĐCS được tiến hành ở tất cả các doanh nghiệp đủ điều kiện. Tuy nhiên, trên thực tế, ở các công ty, xí nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, việc tuyên truyền, vận động công nhân lao động có thể ảnh hưởng đến thời gian sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, vì vậy, Liên đoàn lao động tỉnh đã triển khai tuyên truyền theo hình thức phát tờ rơi, tờ gấp, đĩa CD, thông qua hệ thống truyền thanh nội bộ của doanh nghiệp, trong các bữa ăn ca, giờ nghỉ trưa và tổ chức tuyên truyền tại các khu nhà trọ công nhân…
Trong thời gian tới, Liên đoàn lao động tỉnh tiếp tục lựa chọn các doanh nghiệp có đông công nhân lao động, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã thành lập CĐCS để tuyên truyền, phát triển tổ chức Đảng, đảng viên. Các cấp công đoàn cũng sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền chuyên môn đồng cấp, các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn, xây dựng tổ chức công đoàn thực sự vững mạnh, là chỗ dựa cho công nhân lao động, từ đó củng cố niềm tin của lực lượng này nói chung và công nhân là thanh niên nói riêng đối với tổ chức Đảng.
Ông Trương Tất La - Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho rằng: Để tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn cũng như nhận thức, củng cố niềm tin của thanh niên với Đảng, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội tích cực triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, thực hiện hiệu quả công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn; phát huy vai trò của từng tổ chức trong việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội cũng như xây dựng, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chính sách liên quan đến thanh niên và công tác Đoàn… Là cơ quan theo dõi, tham mưu, đề xuất, thẩm tra, giám sát, đánh giá, Ban Dân vận Tỉnh ủy thường xuyên phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, nắm tình hình việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, thông tri liên quan tới thanh niên để kịp thời đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đoàn trên địa bàn tỉnh với Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy…
Có thể thấy rằng, trong những năm qua, công tác Đoàn và phong trào thanh niên trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức xã hội. Với tư cách là lực lượng, chủ công, các cấp bộ đoàn đã có nhiều biện pháp củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, củng cố và nâng cao nhận thức của thanh niên với Đảng. Nhiều mô hình, nhân tố mới, gương điển hình thanh niên tiên tiến trên các địa bàn, lĩnh vực công tác đã xuất hiện trong các phong trào của Đoàn. Đặc biệt, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể đã khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tinh thần xung phong tình nguyện, xung kích cách mạng của thanh niên, góp phần tích cực trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tâm - Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Để nâng cao nhận thức của đoàn viên thanh niên, củng cố niềm tin của thanh niên với Đảng, Tỉnh đoàn luôn đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền, giáo dục, nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận trong thanh niên, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, các phong trào hành động cách mạng, các cuộc vận động nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên, từ đó phát hiện những nhân tố điển hình. Bên cạnh đó, chỉ đạo các tổ chức đoàn thực sự trở thành cầu nối, tuyên truyền, định hướng, tích cực phối hợp với các đoàn thể khác giúp đỡ, động viên thanh niên trong phát triển kinh tế cũng như trong học tập, rèn luyện, tạo điều kiện để thanh niên cống hiến, trưởng thành, gắn bó với mục tiêu, lý tưởng của Đảng.
Cùng với tổ chức đoàn, các tổ chức cơ sở Đảng cũng cần có sự quan tâm, động viên kịp thời, giác ngộ, dìu dắt quần chúng nỗ lực phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Ngoài ra, các đảng viên cần phát huy tinh thần gương mẫu, là tấm gương sáng cho đoàn viên thanh niên noi theo. Có như vậy mới có thể tăng cường, củng cố niềm tin của thanh niên với Đảng...