"Hạt giống đỏ" kế cận

Trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Cần phải khẳng định và thấm nhuần sâu sắc vị trí, ý nghĩa của công việc cực kỳ quan trọng này không chỉ đơn thuần đối với việc tổ chức một Đại hội Đảng mà đây là công việc có ý nghĩa chiến lược gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước”.

Khi tính độ tuổi nhân sự đại hội, chúng ta thường lấy mốc những người sinh ra, lớn lên trong thời kỳ chiến tranh và những người sinh ra, lớn lên trong thời bình. Những kỳ đại hội trước đây, cán bộ giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy Đảng, Nhà nước hầu hết đều kinh qua cuộc chiến, được hun đúc, tôi luyện qua năm tháng khốc liệt của chiến tranh. Một vài nhiệm kỳ gần đây đã có sự kế tục, trong đó thế hệ sinh ra trong thời bình hoặc sinh ra trong giai đoạn nửa cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ và lớn lên trong thời bình. Họ lần lượt đảm nhận những vị trí trong bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị các cấp. Đến kỳ đại hội lần này cũng là thời điểm 45 năm hòa bình, thống nhất đất nước.

Như vậy, với những người sinh ra từ 30-4-1975 trở về sau thì họ cũng đã ở độ tuổi trưởng thành, đã kinh qua một số vị trí và có trên dưới 20 năm công tác - một khoảng thời gian đủ để tích lũy kinh nghiệm. Trong khi đó, với những người sinh ra trong giai đoạn nửa cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1965-1975) thì quá trình học tập, trưởng thành cũng thuộc giai đoạn hòa bình, không thuộc lớp người cầm súng.

“Đây cũng là thời điểm chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ.

Các học viên tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức mới đối với cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII của Đảng. Ảnh: CTV.

Với cơ cấu độ tuổi theo hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, việc cán bộ thế hệ 7x tham gia cấp ủy các cấp trong nhiệm kỳ 2021-2026 đang tăng lên. Cụ thể, độ tuổi cấp ủy viên nhiệm kỳ 2020-2025, ban hành kèm theo Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị khóa XII quy định rõ: Những đồng chí lần đầu tham gia cấp ủy, đối với cấp tỉnh, ít nhất nam sinh từ tháng 9-1965, nữ sinh từ tháng 9-1970 trở lại đây. Đối với cấp huyện, ít nhất nam sinh từ tháng 6-1965, nữ sinh từ tháng 6-1970 trở lại đây.

Như vậy, độ tuổi tham gia cấp ủy lần đầu, cao nhất là nam sinh năm 1965 thì thời điểm 30-4-1975, họ tối đa 10 tuổi, với nữ tối đa mới 5 tuổi. Có nghĩa, dù sinh trước 1975 thì với độ tuổi như vậy, quá trình học tập, trưởng thành khi đất nước đã hòa bình, thống nhất. Với những người sinh ra từ 1965-1975 còn trải qua giai đoạn bao cấp khó khăn, những thách thức do khủng hoảng kinh tế kéo dài đến giữa thập niên 90 của thế kỷ trước.

Nhìn nhận hai thế hệ cán bộ như vậy, đặt ra vấn đề gì? Xuyên suốt thời gian dài, cán bộ, đảng viên trưởng thành trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, gắn với quá trình đào tạo, bồi dưỡng trong môi trường giáo dục bao cấp và đào tạo tại Liên Xô, Đông Âu. Với sự tôi rèn trong khói lửa chiến tranh và trong khó khăn, thử thách như vậy đã tạo ra các thế hệ cán bộ, đảng viên trung thành với Tổ quốc, với Đảng và Nhân dân, cống hiến cho sự nghiệp trên các vị trí công tác. Qua năm tháng đất nước gian nan, kham khổ, những cán bộ, đảng viên trong thời kỳ này tỏ rõ bản lĩnh, can trường, đặc biệt sự đồng cam, chịu khổ, họ biết cách để vượt qua thách thức.

Những điểm trên là đặc tính rõ nét của những cán bộ đi qua giai đoạn đất nước chiến tranh và khó khăn thời bao cấp nên khi bước vào thời kỳ chuyển giao, nhiều sự lo ngại đã được đặt ra. Đó là, với những cán bộ sinh ra, lớn lên trong thời bình, không kinh qua thời kỳ gian khó của đất nước, nhất là lớp người quen với hưởng thụ, cuộc sống sung túc từ nhỏ, liệu họ có đủ bản lĩnh để đương đầu với thách thức?

Một quy luật tâm lý, sự từng trải, vượt lên khó khăn, thách thức đem lại cho con người sự can trường, dũng khí, trung thành với lợi ích dân tộc. Những cán bộ sống trong thời bình, không bản lĩnh trận mạc, đặc biệt với xu hướng con em sinh trưởng trong gia đình giàu có, quen với hưởng thụ, liệu họ có nối tiếp được chí hướng như bậc ông cha? Số học viên du học, đào tạo tại các nước tư bản phát triển ngày càng tăng, việc học tập, sống trong môi trường tư bản sẽ tác động đến tư tưởng, tâm lý các em ra sao, liệu những “hạt giống” này khi về nước, đảm nhiệm các vị trí trọng yếu trong bộ máy Đảng, Nhà nước có đảm bảo yếu tố chính trị, tư tưởng?

Những lo ngại trên là có cơ sở khi chúng ta biết rõ tác động của môi trường đến việc hình thành nhân cách con người. “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, những tác động của môi trường sống tự do, phóng khoáng, sung túc sẽ định hình tâm lý hưởng thụ, “ngồi trong phòng lạnh sao thấu hiểu người ngoài cánh đồng”! Tuy nhiên, cuộc sống phát triển, thời gian buộc chúng ta phải có sự điều chỉnh thích nghi. Thế hệ kế cận là sự tiếp nối tất yếu khách quan, theo đúng quy luật vận động của cuộc sống “tre già, măng mọc”.

Thật khó để ràng buộc cho lớp trẻ sự trưởng thành bằng khổ luyện như xưa. Môi trường đổi mới, hội nhập quốc tế, việc con em học tập trong nước hay ra nước ngoài, đào tạo lĩnh hội kiến thức và ảnh hưởng cả lối sống ở các nước tư bản bốn phương là yếu tố khách quan. Sự tương tác đó cho họ tầm nhìn rộng hơn, mới mẻ hơn và linh hoạt hơn, sự tiếp cận trình độ kỹ thuật, ngoại ngữ, tin học cũng luôn ở một vị thế khác hẳn trước. Nhiều cán bộ năng động, sáng tạo, thích ứng với xu thế hội nhập, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, như đánh giá của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Vấn đề là dù đào tạo ở đâu, trong hay ngoài nước thì để giới thiệu, đưa vào diện quy hoạch, bổ nhiệm, bầu vào các vị trí quan trọng, số này phải được kinh qua thực tiễn công tác, nhất là thực tiễn tại địa phương. Đặc biệt, phải đưa vào khuôn khổ môi trường, kỷ luật công tác, gắn với đào tạo lý luận chính trị trong nước, tùy vào chức vụ đảm nhận.

Trong công tác cán bộ, yếu tố chính trị luôn được đặt lên hàng đầu. Trong chữ “đức” đã bao hàm phẩm chất chính trị và đạo đức, lối sống. Chúng ta chấp nhận hội nhập, đào tạo cán bộ ở các nước không phân biệt địa lý, thể chế nhằm tiếp thu tinh hoa, cái hay, cái mới của người. Cuộc sống mới, không thể đòi hỏi gieo “hạt giống đỏ” trong đất cằn, khắc nghiệt để thử thách, tôi luyện. Khi cả vật chất lẫn tinh thần đều khá lên, môi trường tốt lên thì “hạt giống” trưởng thành có các yếu tố thuận lợi để vươn lên nhanh hơn, mạnh hơn, sắc bén hơn. Nhưng đối với chính trị, phẩm chất này là gốc, phải giữ cái chất, không thể “hòa tan”.

Dù học tập, đào tạo trong môi trường nào, trong nước hay nước ngoài, phương Đông hay phương Tây thì yêu cầu về nhận thức và lập trường chính trị là cốt lõi. Quy định số 214 về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý ghi rõ 5 tiêu chí, trong đó tiêu chí đầu tiên là chính trị, tư tưởng: “Tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc và Nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối đổi mới của Đảng. Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng; kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước...”.

Trong thực tiễn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, điều khiến nhân dân lo lắng nhất chính là tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống, tham ô, tham nhũng, vụ lợi, thực dụng cá nhân trong cán bộ, đảng viên. Mấy năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, những cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, chủ yếu là vi phạm về đạo đức, lối sống, do tham ô, tham nhũng, bòn rút của công, làm thất thoát tài sản Nhà nước, nhiều vụ đình trệ hoạt động ở cơ quan, tổ chức người đó đảm nhận và gây bức xúc dư luận.

Điều đáng nói là, việc suy thoái đạo đức, lối sống dường như không phân biệt độ tuổi, không kể người từng cầm súng kinh qua trận mạc hay thế hệ kế tiếp sau này. Nhiều vụ án tham nhũng được phanh phui, xử lý gần đây, không ít cán bộ, đảng viên thuộc thế hệ đi qua cuộc chiến, thậm chí tỏ rõ sự can trường, bản lĩnh trong trận mạc “đạn địch bắn không chết” nhưng lại gục ngã bởi “đạn bọc đường”. Đó thực sự là tổn thất, là điều day dứt sau bản án, sau quyết định cánh cửa phiên tòa.

Trong nền kinh tế mở, thách thức lớn nhất, ghê gớm nhất chính là thách thức vượt qua cám dỗ đồng tiền, là vượt qua lòng tham cá nhân. Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự.

“Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cấp cao, tuy đã được ngăn chặn nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi. Làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ.

“Hạt giống đỏ” kế cận (phần 2)

Như đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Đại hội XIII của Đảng không chỉ đề ra phương hướng, kế hoạch 5 năm (2021-2026) mà phải có tầm nhìn dài hạn, đến 2030 (100 năm thành lập Đảng) và định hướng đến 2045 (100 năm thành lập nước). Do đó, việc lựa chọn nhân sự cho Đại hội, nhất là với “hạt giống đỏ” càng có ý nghĩa chiến lược cho cả chặng đường dài phía trước.

Vậy, cần lựa chọn “hạt giống đỏ” như thế nào để phát huy tác dụng, đáp ứng yêu cầu đặt ra?

Như phân tích trong phần trước, quan niệm “hạt giống đỏ” chính là việc quy hoạch, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ trẻ cấp chiến lược, trong đó khái niệm trẻ hay “hạt giống” được hiểu là những cán bộ sinh trưởng trong thời kỳ đất nước hòa bình, thống nhất. Do bối cảnh tình hình, môi trường và yêu cầu công tác thay đổi nên việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ trẻ kế cận có tính chất, đặc điểm khác nhiều so với trước đây.

Chúng ta đề cập nhiều đến tư tưởng của Bác Hồ đối với công tác cán bộ và những câu chuyện ý nghĩa sâu sắc về việc sử dụng hiền tài của Bác. Ngày 14-11-1945, chỉ hơn 2 tháng sau ngày nước nhà được độc lập, Bác viết bài Nhân tài và kiến quốc, khẳng định “kiến quốc cần có nhân tài”. Đến cuối năm 1946, Bác gửi bức thư tìm người tài đức đăng trên Báo Cứu quốc, kêu gọi đồng bào cả nước ở đâu thấy có người tài giỏi thì xin mách bảo với Chính phủ để Chính phủ sử dụng.

Một hội nghị của Ban Tổ chức Trung ương đánh giá công tác luân chuyển cán bộ.

Bác viết: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”.

Đồng thời, Người cũng đề xuất: “Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”. 

Chính sự cầu thị và trọng dụng đó mà trong bối cảnh đất nước đầy gian khó, các giai cấp, tầng lớp đều hướng về cách mạng, gạt bỏ mọi vướng mắc để chung tay giúp nước. Từ các nhà Nho, nhân sĩ tài năng, uy tín trong xã hội như các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Võ Liêm Sơn, Nguyễn Văn Tố..., các vị quan chức cấp cao của triều đình nhà Nguyễn như Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Phạm Khắc Hòe đến các trí thức tài giỏi như Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Phạm Huy Thông, Trần Văn Giầu, Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch... đều đã “xuất thân giúp nước” như lời Bác Hồ kêu gọi. Đặc biệt, khi đó nhiều người hiền tài được bố trí vào các công việc quan trọng của Đảng, Nhà nước có độ tuổi còn rất trẻ.

Ngày nay, chúng ta lựa chọn người tài đức đều thông qua quy trình với hồ sơ, lý lịch rất dày dặn. Hệ thống tổ chức cán bộ từ Trung ương đến cơ sở, có cấp ủy, các phòng, ban tổ chức tham mưu, giúp việc, thế mà việc chọn lựa người tài đức vẫn xảy ra tình trạng đúng quy trình nhưng sai người là vì sao? Những câu chuyện của Bác khi lựa chọn cán bộ ngày nay vẫn nguyên tính thời sự. Đó là khi lựa chọn ai, Bác không chỉ dựa vào báo cáo của cấp dưới mà còn cho gặp trực tiếp để trao đổi, đối thoại, đánh giá đúng thực tế về con người đó. Khi đã yên tâm để có thể giao việc, Người vẫn còn căn dặn rất kỹ.

Còn nhớ câu chuyện Bác chọn ông Lê Giảng, khi đó là cán bộ cao cấp của Đảng để bố trí vào chức vụ cao cấp trong ngành tư pháp. Sau khi nắm đầy đủ rồi, Bác mời ông Giảng ăn cơm. Trong bữa cơm, Bác nói: “Chú làm nghề này (tòa án) phải thiết diện vô tư. Nếu chú không thiết diện vô tư được, bác sẽ thiết diện vô tư với chú”. Câu chuyện đó càng thấu rõ cách chọn người, dùng người của Bác.

Ngày nay, “hạt giống đỏ” kế cận cần được lựa chọn như thế nào?

“Khen cho con mắt tinh đời, anh hùng đoán giữa trần ai mới già”. Các đồng chí mà chọn sai là rất nguy hiểm. Phải tinh đời. Trước hết mình phải trong sáng” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng viện dẫn 2 câu Kiều để nói về việc lựa chọn cán bộ chiến lược. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, công tác nhân sự Đại hội phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự trong sáng, khách quan, đặc biệt phải “có con mắt tinh đời” trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn; lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình làm thước đo chủ yếu.

Lựa chọn cán bộ, không phải chỉ dựa vào bằng cấp, bằng hồ sơ, lý lịch. Ngày nay, điều kiện đất nước phát triển, kinh tế và sự học đều khá lên, học trong nước, học ngoài nước rất đa dạng thì việc cán bộ tự trang bị cho mình bộ hồ sơ với bằng cấp “sáng láng” không có gì khó khăn. Cho nên, lý lịch, bằng cấp mới chỉ là một yếu tố, điều kiện cần. Điều quan trọng là cán bộ đó thể hiện năng lực thực tiễn ra sao, chứng minh giữa “trần ai” thế nào? Vì lẽ đó, đối với cán bộ trẻ, việc luân chuyển để rèn giũa, thử thách tại cơ sở và bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, trình độ là 2 yếu tố cốt lõi.

Thời gian qua, thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhiều cán bộ thuộc diện “hạt giống” được điều động, luân chuyển từ Trung ương về địa phương hoặc từ địa phương này sang địa phương khác. Luân chuyển cán bộ là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, mục tiêu nhằm rèn giũa qua thực tiễn công tác tại địa phương, được thể hiện mình một cách đầy đủ cả năng lực, trí tuệ và đạo đức tại những vùng đất mới, con người mới, để tìm ra “anh hùng” giữa “trần ai”... “Hạt giống đỏ” kế cận nếu chọn đúng giống, đúng hạt rồi mà không qua thực tiễn, không luân chuyển để tôi rèn thử thách thì rất có thể hạt giống đó không phát huy “đỏ” như kỳ vọng, thậm chí rụng non, đổi màu.

Nhìn lại nhiệm kỳ trước, vào tháng 3-2014, Bộ Chính trị luân chuyển, điều động 44 cán bộ thuộc Trung ương quản lý, trong đó có 19 thứ trưởng và tương đương về các địa phương để chuẩn bị nhân sự lãnh đạo cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị nhiệm kỳ 2015-2020. Trong 19 thứ trưởng và tương đương được Trung ương luân chuyển về địa phương thời điểm đó, có 9 người là Ủy viên Trung ương khóa 12, bao gồm các chức vụ như bí thư tỉnh ủy, bộ trưởng, thứ trưởng...

Sau 5 năm thực hiện điều động, luân chuyển 44 cán bộ “hạt giống” về địa phương, cơ bản những người được điều động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra và có sự thăng tiến. Cụ thể, tại thời điểm luân chuyển (3-2014), có 1 Ủy viên Trung ương, 1 Ủy viên dự khuyết; 19 thứ trưởng và tương đương; 25 cục trưởng và tương đương. Đến Đại hội XII (1-2016), có 11 người được bầu vào Ủy viên Trung ương, 3 người Ủy viên dự khuyết. Tính đến tháng 7-2019, có 29 người nhận nhiệm vụ mới so thời điểm luân chuyển; 10 người giữ chức vụ như khi luân chuyển và 4 người quay trở lại vị trí trước khi luân chuyển.

Như vậy, chủ trương luân chuyển là để cán bộ đến vùng đất mới với tư cách không bị ràng buộc bởi quê hương, dòng họ sẽ có tính độc lập tương đối và tránh các rào cản gia đình, bản quán để hoạt động. Nhưng, không phải ai cũng có tính độc lập tương đối đó để phát huy năng lực, sở trường. Có người đến vùng đất mới đã dính vào kỷ luật khi để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng (như trường hợp ông Phạm Văn Thủy, vốn là một trong số cán bộ được Trung ương luân chuyển trong nhiệm kỳ 2011-2016, bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật cảnh cáo do để xảy ra sai phạm trong vụ án gian lận thi cử tại Sơn La).

Ngày 7-10-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 98-QĐ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ. Đây là quy định đầu tiên của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý.

Quy định nêu rõ chỉ luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, không luân chuyển cán bộ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ (trừ trường hợp nhằm mục đích tăng cường cán bộ cho cơ sở, cho lĩnh vực hoặc địa bàn cần thiết). Không điều động về Trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển. Cán bộ luân chuyển phải trong quy hoạch, có triển vọng phát triển...

Chức danh bố trí luân chuyển áp dụng đối với cán bộ đã giữ chức vụ cấp trưởng 2 nhiệm kỳ liên tục và những cán bộ luân chuyển để thực hiện chủ trương không phải là người địa phương, khi luân chuyển chủ yếu bố trí làm cấp trưởng; đối với cán bộ trẻ luân chuyển để đào tạo, rèn luyện chủ yếu bố trí làm cấp phó; trường hợp khác do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Cán bộ luân chuyển còn thời gian công tác ít nhất 2 nhiệm kỳ (10 năm) tính từ thời điểm đi luân chuyển (50 tuổi đối với nam, 45 tuổi đối với nữ, trừ cán bộ nữ thuộc diện được kéo dài thời gian công tác theo quy định). Theo quy định này, thời gian luân chuyển ít nhất là 3 năm (36 tháng) đối với một chức danh (trừ chức danh kiêm nhiệm).

Từ thực tiễn công tác luân chuyển cán bộ, bố trí, sử dụng cán bộ cũng đặt ra những vấn đề cần rút kinh nghiệm, những khuynh hướng cần tránh.

"Hạt giống đỏ" kế cận (phần 3)

Muốn có cây vững chắc, tất phải chú trọng từ khâu tuyển lựa, bồi dưỡng, sử dụng hạt giống. Bài học thực tiễn: Cán bộ “hạt giống” trước khi được bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo cao hơn, tất yếu phải kinh qua thực tiễn công tác tại cơ sở.

Thực tiễn đó phải được thể hiện bằng lao động, bằng mồ hôi, trải nghiệm thực chất chứ không phải đi theo lập trình, chỉ mang tính hình thức, tráng men cho đẹp hồ sơ để phục vụ động cơ cá nhân, thăng tiến quan trường. Những trường hợp “ép nở hoa” quá sớm, cho con cháu “đội mũ rộng vành” khi còn non là biểu hiện rõ nét của tham vọng quyền lực và đã dẫn tới nhiều hệ quả nghiêm trọng.

Các vụ việc liên quan đến Nguyễn Xuân Anh, Tất Thành Cang, Lê Phước Hoài Bảo..., dư luận đã đề cập nhiều. Ở đây, chúng ta bàn thêm trong quan điểm về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng “hạt giống đỏ”. Ông Nguyễn Xuân Anh sinh năm 1976, đến cuối năm 2015 giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trở thành một trong 2 người có tuổi đời dưới 40 giữ chức vụ đứng đầu tỉnh ủy, thành ủy. Trước đó, khi mới 35 tuổi, là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bí thư quận ủy. Phải nói rằng, lý lịch “hạt giống đỏ” Xuân Anh khá sáng, từ yếu tố truyền thống gia đình đến việc học hành (phổ thông học trường chuyên, sau đó du học nhiều năm ở Canada, Mỹ).

Quá trình “gieo hạt”, dù kinh qua nhiều vị trí song ông Xuân Anh cũng theo một quy trình, lập trình rất nhanh chóng, từ Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố Đà Nẵng đến chức vụ bí thư quận ủy chỉ 3 năm và cũng chỉ mất 4 năm tiếp theo để đi từ bí thư quận ủy lên bí thư thành ủy. Cựu Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương cho rằng, việc dẫn tới những sai phạm của Nguyễn Xuân Anh là do công tác quản lý cán bộ, chọn người không đúng đưa vào cấp ủy, chọn người không qua rèn luyện thử thách, không có dấu ấn gì đối với Đà Nẵng, đó là biểu hiện “con ông cháu cha”.

Một phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, xử lý các trường hợp cán bộ, đảng viên sai phạm.

Tương tự, trường hợp “ép nở hoa” đối với Lê Phước Hoài Bảo, sinh  năm 1985, con trai ông Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2010-2015 (đã bị kỷ luật cách chức). Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận: Với cương vị người đứng đầu, ông Lê Phước Thanh chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015 và Ban cán sự đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.

Đồng thời, đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; không gương mẫu, có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm Lê Phước Hoài Bảo giữ các chức vụ (Trưởng phòng của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, Phó Giám đốc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục; để UBND tỉnh quyết định cử Lê Phước Hoài Bảo đi học thạc sĩ tại nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước không đúng quy định...

Nếu như Nguyễn Xuân Anh làm bí thư quận ủy khi mới 35 tuổi, bí thư thành ủy khi 39 tuổi thì Lê Phước Hoài Bảo làm giám đốc sở (chức vụ tương đương bí thư quận ủy) khi chỉ vừa 30 tuổi. Còn với ông Tất Thành Cang, sinh năm 1971, được bầu vào Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khi 40 tuổi, 5 năm sau là Ủy viên Trung ương, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Có thể thấy, đây đều là những “hạt giống đỏ” sinh trưởng sau ngày miền Nam giải phóng (ông Tất Thành Cang sinh trước 1975 nhưng quá trình học tập, trưởng thành cũng sau giải phóng). Họ đều sinh trưởng trong gia đình có bố mẹ làm lãnh đạo, kinh tế khá giả nên “hạt giống” được dung dưỡng, bao bọc trong môi trường nhung lụa, không phải nếm trải khó khăn, thử thách gì. Việc học hành, bằng cấp được tạo điều kiện tốt nhất, như Nguyễn Xuân Anh học cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ tại các trường đại học ở Mỹ, Canada. 

Nếu xét về hồ sơ, điều kiện để bổ nhiệm các chức vụ cao hơn, rõ ràng đây đều là những hồ sơ sáng láng, văn bằng chứng chỉ có đủ, thậm chí của những trường đại học uy tín cấp, lại đã từng luân chuyển, kinh qua các công tác thực tiễn tại địa phương. Nghĩa là, việc bổ nhiệm, luân chuyển đều đã “đúng quy trình”! Tuy nhiên, nếu xét rõ lý lịch công tác cho thấy, việc “đi cơ sở” của những hạt giống này dường như chỉ cho có, để hợp lý hồ sơ chứ không có giá trị rèn luyện thử thách.

Như Nguyễn Xuân Anh, khi đi cơ sở giữ chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố (2006-2008), nghĩa là xuống cơ sở thì làm lãnh đạo ngay mà không có bất cứ thời gian nào rèn luyện qua vai trò người lao động, cán bộ nhân viên. Lê Phước Hoài Bảo cũng vậy, ra trường sau vài năm “thăm dò” một số vị trí lãnh đạo ở cơ sở là ngồi ngay vị trí phó giám đốc, rồi giám đốc sở. Con đường toàn tơ lụa, hoa hồng, không đi qua cuộc sống lao động của người dân thì làm sao hiểu được những cơ cực, khó nhọc của người dân.

Những hạt giống được ươm mầm trong nhung lụa, được đào tạo để lấy các văn bằng cũng trong nhung lụa, đến khi ra trường đi làm việc thì ngồi ngay các ghế lãnh đạo, chỉ huy từ nhỏ đến lớn và thăng tiến theo “lập trình” một cách thần tốc. Vậy thì cái gọi là thực tiễn ở đây là gì? Đó chỉ là bề nổi, mang tính hình thức “tráng men cơ sở” không đúng với mục đích, ý nghĩa việc rèn luyện cán bộ kinh qua thực tiễn công tác mà Đảng ta đã đề ra trong công tác bồi dưỡng, sử dụng cán bộ.

Hạt giống nảy mầm, trưởng thành trong môi trường bao bọc không gió bụi, không nắng mưa, không va đập thì hạt giống đó chỉ đẹp mã bề ngoài còn trong thiếu sức sống, sức đề kháng. Hạt giống đó không sống cùng người dân, không thấm vị mồ hôi, công sức lao động người dân, không nhọc nhằn, vươn lên cùng người dân thì những quy nghĩ, hành động của họ sao có thể nói tôi luyện qua thử thách. 

Có câu chuyện rất ý nghĩa như thế này: Gia đình nọ có cậu con trai lười lao động, chỉ thích ăn chơi, phung phí tiền cha mẹ. Mỗi lần như vậy, mẹ cậu đều giấu bố, lén cho cậu tiền. Vì vậy, khi bố sai đi lao động kiếm tiềm thì cậu trốn đi chơi rồi lấy chính đồng tiền mẹ cho đưa cho bố, giả vờ nói đó là tiền do cậu lao động mà có. Ông bố biết chuyện, cầm lấy đồng tiền ném vào lửa. Cậu nhìn những đồng tiền bị cháy, vậy mà vẫn dửng dưng cười trừ. Lần một, lần hai cũng như vậy. Đến lần thứ ba, ông bố yêu cầu vợ không cung cấp tiền mà bắt buộc cậu con trai phải tự lao động kiếm tiền.

Lần này, sau những ngày lao động vất vả để có được đồng tiền công, cậu hí hửng đem về đưa cho bố. Ông bố cầm lấy và lại ném vào lửa. Nhưng khác trước, cậu bé bất chấp nguy hiểm, thò tay vào đống lửa giằng lấy đồng tiền không để nó bị cháy, đưa lên dập lửa, xuýt xoa. Bấy giờ, ông bố ôm con vào lòng và nói: “Con đã thực sự lớn khôn. Chỉ những đồng tiền do mồ hôi, công sức mình làm ra mới biết trân quý giá trị của nó”.

Câu chuyện trên thực sự là bài học sâu sắc để con người biết trân quý giá trị lao động do chính mình bỏ ra. Ngày nay, xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần với sự thụ hưởng ngày càng cao. Rất nhiều gia đình bố mẹ làm chức tước cao, lắm bổng lộc đã định hình sự thụ hưởng cho con cái ngay từ khi lọt lòng. Thậm chí, việc học hành điểm cao, thành tích cao cũng đã có bố mẹ thu xếp với nhà trường, thầy cô nhằm có các danh hiệu đánh bóng với người đời “con nhà quan thì học hành cũng phải khác”!

Song, thực chất đó là các thành tích ảo, sự thụ hưởng quá đà khiến nhiều cậu ấm, cô chiêu sinh coi thường giá trị đồng tiền, sa vào hưởng lạc, ăn chơi trác táng. Khi được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo theo lập trình sẵn, nhiều người chẳng những không phát huy được vị trí, vai trò mà còn trở thành những “cỗ máy” tiêu tiền, vụ lợi cá nhân, cản trở sự phát triển. “Đừng thấy đỏ tưởng chín”, đó thực sự là vấn đề lớn đặt ra hiện nay. 

30 tuổi làm giám đốc sở, 40 làm bí thư tỉnh ủy hay bộ trưởng, có trẻ quá không? Nhiều người so sánh thời chiến tranh, thanh niên trên 20 tuổi đã giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy Đảng, Nhà nước, trong quân đội. Tuy nhiên, cần thấy rằng, đó là thời kỳ “tài năng không đợi tuổi”, chính những thanh niên sớm giác ngộ cách mạng, chứng tỏ được năng lực khi còn rất trẻ và tôi luyện trưởng thành. Khi giao nhiệm vụ, họ đặt lợi ích quốc gia, nhân dân lên trên hết và nỗ lực với công việc được giao. Nó khác với việc quý tử học một mạch từ nhỏ đến lớn, sống trong nhung lụa và khi cầm các tấm bằng trong tay thì ngồi ngay các vị trí lãnh đạo mà không hề có tôi luyện qua thử thách, qua thực tiễn lao động.

Trong khi đó, ngày nay điều kiện kinh tế phát triển, việc điều hành, quản trị trong bộ máy Đảng, Nhà nước đòi hỏi kinh nghiệm, thâm niên công tác. Theo lẽ thường, một người muốn lên vị trí giám đốc sở thì phải lần lượt làm cán bộ, nhân viên, rồi giữ các chức vụ phó phòng, trưởng phòng, phó giám đốc, giám đốc. Ở mỗi vị trí cũng phải có thâm niên một số năm công tác. Có tấm bằng thạc sĩ khi đã 25-26 tuổi, vậy mà chỉ vài năm sau đã lên tới giám đốc sở như trường hợp Lê Phước Hoài Bảo thì phải nói siêu tốc, một biểu hiện rõ rệt của tham vọng quyền lực, ép quả chín non hay “đội mũ rộng vành” mà Đảng ta đang chấn chỉnh hiện nay.

“Hạt giống đỏ” kế cận (phần 4)

Đánh giá, nhìn nhận về cán bộ trẻ kế cận, chúng ta thường dễ mắc 2 khuynh hướng: quá khen, quá tin tưởng và ngược lại, quá bi quan, mất niềm tin. “Hạt giống đỏ” kế cận là sự gối tiếp có tính quy luật trong công tác cán bộ, song đòi hỏi việc bồi dưỡng, sử dụng phải có chiến lược bài bản, trong đó cần tránh những khuynh hướng, cách nhìn phiến diện, một chiều…

Những khuynh hướng cần tránh

Tâm lý xã hội đang tồn tại những suy nghĩ, cách nhìn khác nhau về vấn đề cán bộ trẻ kế cận, trong đó có các khuynh hướng sai lệch, nhìn nhận một chiều, thậm chí áp đặt định kiến.

Bi quan thái quá

Như đã đặt vấn đề trong phần đầu, “hạt giống đỏ” sinh trưởng trong thời bình có ưu điểm về đào tạo, học tập tích lũy tri thức nhưng nhược điểm là thiếu kinh nghiệm, bản lĩnh, thiếu chất “thép” của những thế hệ cha anh từng kinh qua trận mạc, khói lửa chiến tranh. Nhiều người tỏ ra lo lắng, bi quan với những cô cậu sinh trưởng bao bọc trong nhung lụa, giờ lại tiếp thu văn hóa, tri thức tư bản phương Tây, từ đó họ bi quan về định hướng phát triển, cho rằng với những “hạt giống đỏ” gieo mầm trong bối cảnh như vậy, nguy cơ “tư bản hóa”, chệnh hướng XHCN là rất rõ. Trong khi đó, nhiều người cho rằng, thế hệ trẻ ngày nay chỉ lo kiếm ăn, vun vén lợi ích cá nhân, gia đình, vì cá nhân mà bỏ qua lợi ích quốc gia, tập thể, từ đó tỏ rõ sự bi quan, mất niềm tin.

Một trong 4 nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra từ Khóa VIII nay vẫn nguyên tính thời sự: nguy cơ chệch hướng XHCN. Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII cảnh báo: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.

Chúng tôi cho rằng, nhìn nhận rõ vấn đề đó để bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ là một tất yếu, song nếu tiêu cực, bi quan lại là điều cần tránh. Cần thấy rằng, không phải cứ sinh trưởng trong thời bình là thiếu dũng khí, thiếu kiên định, không phải cứ du học Âu, Mỹ là “nhiễm Tây”, nhiễm tư bản, chệch hướng. Cán bộ có tính kế thừa, việc họ “gối đầu” bậc cha anh là lẽ hiển nhiên, họ được tiếp thu văn hóa, tri thức thời đại mới cũng là hiển nhiên.

Tuy nhiên, có suy thoái, có biến chất hay không lại phụ thuộc ở chính chúng ta, phụ thuộc việc bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện và sử dụng “hạt giống”. Chúng ta nhìn nhận rõ “hạt giống đỏ” một cách toàn diện, cả thuận lợi và khó khăn, cả thời cơ và thách thức để có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đúng đắn, ngăn chặn nguy cơ chệch hướng.

Định kiến con lãnh đạo làm lãnh đạo hay vấn đề “con ông cháu cha”. 

Tự lâu đời, người Việt đã có câu ca truyền miệng “con vua thì lại làm vua”, “một người làm quan, cả họ được nhờ”... Ngày nay, việc gia đình có ông bà, bố mẹ làm lãnh đạo thì tư duy hướng cho con cái, ruột rà vào các vị trí để “cả họ được nhờ” vẫn còn khá phổ biến. Nhưng xây dựng xã hội mới, con người mới không có nghĩa là chúng ta chấp nhận sống chung với tập tục đó. Ngược lại, cũng không nên cực đoan, vì sự tồn tại “cha truyền con nối” mà bi quan thái quá, sinh tâm lý bất mãn, thóa mạ chế độ. Sự đan xen giữa văn hóa cũ - mới là đặc tính thời kỳ xây dựng đất nước quá độ lên CNXH, chúng ta vừa xử lý từng bước những tồn tại, lại vừa cải tạo, xây dựng văn hóa mới để tiến bộ hơn, văn minh hơn.

Con lãnh đạo làm lãnh đạo, cần được hiểu ở 2 khía cạnh. Thứ nhất, trong môi trường gia đình có ông bà, bố mẹ làm lãnh đạo, tất con cái được thừa hưởng những điều kiện rất thuận lợi về vật chất, tinh thần. Nếu con cháu lãnh đạo kế tục được truyền thống gia đình, thể hiện được khả năng, trình độ và đáp ứng yêu cầu đạo đức thì việc họ kế tục vào “nếp nhà” truyền thống cũng là lẽ bình thường và họ cũng có quyền để thực hiện, phấn đấu vì sự nghiệp. Trong điều kiện đó, cần hiểu “con lãnh đạo làm lãnh đạo” là yếu tố tích cực.

Ngày nay, không ít con lãnh đạo thể hiện sự tự lập sớm, giữ phẩm giá, phấn đấu đạt trình độ cao về tri thức, họ thậm chí chứng tỏ được điều như tục ngữ nói “con hơn cha, nhà có phúc”. Ở góc độ này, người đời không nên dị nghị, định kiến về “con ông, cháu cha”, nghĩ sai về khả năng, trình độ của con cái lãnh đạo làm lãnh đạo.

Ngược lại, khía cạnh thứ hai: con cháu lãnh đạo dựa vào uy thế, vị trí ông cha, dựa vào cái bóng lớn của dòng họ, gia đình để nối gót, chiếm các vị trí trong quan trường; bố mẹ bổ nhiệm lấy được, bổ nhiệm thần tốc trong khi khả năng, trình độ con cái còn rất hạn chế. Nhiều gia đình có quyền lực, không nghĩ đến cái chung, chỉ lo vun vén, tạo thế cho con cháu khiến những búp măng bị ép thành tre quá sớm, cho con mặc áo quá rộng, chẳng những không làm được gì cho dân, cho nước, lại thành kẻ phá hoại, suy thoái, ăn chơi vô độ.

Đưa “hạt giống lép” mà cứ tưởng đỏ là sự lọc lừa chính trị, gây họa muôn người. Sự diễn tiến đó làm chậm bước đi của xã hội, gây tâm lý bức xúc trong dân chúng. Vì vậy, Quy định 205 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền, nghiêm cấm việc để người khác, nhất là vợ, chồng, bố, mẹ, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để thao túng, can thiệp công tác cán bộ...

Xem xét vấn đề con lãnh đạo làm lãnh đạo, chúng ta cần nhìn nhận 2 khía cạnh trong một vấn đề như vậy.

Bộ Nội vụ sơ kết 3 năm thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp sở, phòng.

3 vấn đề trong bồi dưỡng, rèn luyện và sử dụng “hạt giống”

Đảm bảo tính thực chất trong luân chuyển cán bộ.

Như đã phân tích bài trước, trong chủ trương bồi dưỡng, rèn luyện và sử dụng cán bộ, Đảng ta coi trọng việc luân chuyển cán bộ xuống cơ sở, coi đó là thời gian để thử thách, luyện rèn. Thiết nghĩ, quy định thời hạn luân chuyển tối thiểu 3 năm vẫn còn ngắn vì như vậy chỉ năm về, năm đi, còn 1 năm ở, chưa làm được gì nhiều đã hết hạn luân chuyển. Nên chăng, quy định thời hạn luân chuyển ít nhất phải đủ 5 năm liên tục.

Thứ hai, trong thời hạn luân chuyển đó, người luân chuyển cần được lấy phiếu tín nhiệm tại địa phương. Chỉ số tín nhiệm là thước đo đánh giá năng lực, đạo đức, uy tín của họ tại địa phương ra sao. Một người tín nhiệm thấp, bị địa phương chê trách, không tin thì không thể coi hoàn thành tốt nhiệm vụ, làm sao có thể rút về Trung ương giữ chức tước cao hơn?

Đánh giá về công tác luân chuyển cán bộ nói chung, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, không phải cứ đi luân chuyển là để lên cao hơn, để về giữ chức nọ chức kia. Phấn đấu để được đi luân chuyển, “chạy” luân chuyển, về nơi nào thuận, dễ, “ngon ăn” nhưng về chỉ làm cấp phó chẳng thể hiện được gì, chưa đủ 3 năm lại ngấp nghé đòi về. Rồi cứ nghĩ đi luân chuyển để làm cán bộ chứ không phải để trưởng thành...

Cùng với luân chuyển cán bộ, cần chú ý phát hiện cán bộ trong thực tiễn công tác ngay tại cơ sở để bồi dưỡng, sử dụng lâu dài.

Thứ hai, mở rộng áp dụng hình thức thi tuyển lãnh đạo. 3 năm qua, trong số 14 cơ quan Trung ương thuộc diện thí điểm, đến nay có 12 cơ quan tổ chức thi tuyển 29 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ và cấp phòng, có 42 ứng viên trúng tuyển (cấp vụ có 32 ứng viên, cấp phòng 10 ứng viên). Có17/22 địa phương thuộc diện thí điểm thực hiện Đề án đã tổ chức thi tuyển 86 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở và cấp phòng, từ đó có 368 ứng viên trúng tuyển (cấp sở có 33 ứng viên, cấp phòng 335 ứng viên)...

Thi tuyển lãnh đạo chính là biện pháp công tâm nhất để chọn “hạt giống”, cách để tránh tình trạng bổ nhiệm “con ông, cháu cha”, hạn chế được chạy chức, chạy quyền. Do đó, cần có thiết kế nội dung, hình thức thi tuyển cho phù hợp; quy định rõ hơn về tiêu chuẩn, cơ cấu của hội đồng thi tuyển; rút gọn quy trình thi tuyển; có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo tổ chức thi tuyển nghiêm túc...

Thứ ba, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ “hạt giống đỏ” gắn với việc thực hiện nghiêm các quy định về công tác cán bộ, nhất là Quy định 205 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Trong đó, nhiều nội dung liên quan cán bộ trẻ cần được thực hiện nghiêm như: Điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với những người được phân công làm công tác nhân sự hoặc theo dõi công tác cán bộ tại một địa bàn, lĩnh vực đã đảm nhiệm công việc 5 năm liên tiếp hoặc khi thấy cần thiết.

Không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cùng cấp ủy; chủ tịch UBND và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị...

Tóm lại, cán bộ trẻ hay “hạt giống đỏ” kế cận là vấn đề có tính quy luật của đời sống chính trị, xã hội, là “tre già măng mọc”. Mục tiêu xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, phát triển vào giữa thế kỷ XXI đang tùy thuộc vào chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ hôm nay. Do đó, chúng ta cần nhìn nhận với quan điểm khách quan, toàn diện và phát triển.


Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất