Loạt bài 3 kỳ "Xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng" của nhóm tác giả Phú Đức, Sa Huỳnh, Bá Sơn/ Báo Quảng Ngãi đoạt giải Khuyến khích - Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ IV - năm 2019.
Kỳ 1: Xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây gần tròn 90 năm, Đảng ta đã ra đời. Dù trải qua nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng ta đều vượt qua và không ngừng lớn mạnh; đã lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, thì cần tiếp tục xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đây là nền tảng để Đảng ta tiếp tục lớn mạnh, vững vàng trước mọi thử thách.
Lãnh đạo Đảng ủy phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) nghe cán bộ báo cáo kết quả công tác tuần và chỉ đạo xử lý những phản ánh của người dân. Ảnh: PV
Kỳ 1: Khi Đảng ta “nhìn thẳng, nói thật” Thừa nhận sai lầm, không giấu giếm khuyết điểm... là bản chất quý báu của Đảng ta. Tính ưu việt đó bắt nguồn từ truyền thống và tính cách trung thực của dân tộc Việt Nam. Nhờ đó, Đảng ta đã chèo lái con thuyền cách mạng đi đến bến bờ vinh quang. |
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Đảng là người, Đảng là cán bộ, là đảng viên, tất nhiên là có sai lầm”; đồng thời cho rằng, điều quan trọng ở đây là cần thấy rõ khuyết điểm, sai lầm, không giấu giếm và có quyết tâm sửa chữa thì Đảng ta, cán bộ ta mới tiến bộ hơn. Bài học này đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Chỉnh đốn để Đảng ta mạnh hơn
Ông Vũ Tùng Vi, cán bộ hưu trí ở phường Nghĩa Lộ, TP.Quảng Ngãi cho biết: Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta khẳng định: “Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam". Do đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải thực hiện thường xuyên; coi đó là nhiệm vụ lâu dài, bắt đầu từ mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức cơ sở đảng, vì đây là nền tảng của Đảng.
Thực tế cho thấy, Đảng mạnh là nhờ chi bộ tốt; chi bộ tốt là do đảng viên đều tốt. Điều này được đúc kết từ thực tiễn trong suốt gần 90 năm hoạt động của Đảng. Từ Đại hội VI đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị… liên quan đến công tác xây dựng Đảng. Trong đó, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ... được xem là bước đột phá trong công tác xây dựng Đảng.
Theo ông Vũ Tùng Vi, sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) là tất yếu khách quan, đáp ứng đòi hỏi cấp thiết trong tình hình hiện nay và thời gian đến; thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng là “nhìn thẳng, nói thật”; không giấu giếm sai lầm, khuyết điểm. Minh chứng cho quan điểm đó của Đảng là, từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương đã thi hành kỷ luật 70 cán bộ cao cấp (có một số phải xử lý hình sự) và kỷ luật 7 tổ chức đảng…“Đa phần cán bộ, đảng viên đều đồng tình với quan điểm chỉ đạo, xử lý những cán bộ sai phạm, tiêu cực trong thời gian qua của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Điều đó chỉ làm Đảng ta mạnh thêm, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng; nâng cao uy tín của Đảng và sự tin cậy của các đối tác với Việt Nam…”, ông Vi nhấn mạnh.
“Nói về Đảng, một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Chủ tịch HỒ CHÍ MINH |
Không còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”
Trong xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm, Đảng ta khẳng định là “không có vùng cấm”. Vì thế, nhiều cán bộ sai phạm từ trung ương đến cơ sở đều được xử lý công khai, nghiêm minh, kể cả xử lý hình sự; nên không còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, hoặc “đóng cửa bảo nhau”.
Từ đầu nhiệm kỳ XIX đến nay, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, UBKT các cấp và chi bộ trong tỉnh đã thi hành kỷ luật 744 đảng viên (có 200 cấp ủy viên), gồm khiển trách 449, cảnh cáo 142, cách chức 20 và khai trừ 48. Trong đó, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thi hành kỷ luật 5 đảng viên (3 tỉnh ủy viên), gồm khiển trách 3, khai trừ 2... Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Tỉnh ủy Hồ Ngọc Thịnh cho rằng: “Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo. Đồng thời, kiểm tra, giám sát là công việc của toàn Đảng và từng đảng viên, chứ không phải là nhiệm vụ riêng của UBKT”.
Theo nguyên Bí thư Huyện ủy Mộ Đức Nguyễn Màu, việc công khai nội dung kết luận kiểm tra, giám sát trên các phương tiện thông tin đại chúng đã tạo điều kiện để người dân tham gia giám sát đảng viên, góp phần răn đe, giáo dục cho nhiều cán bộ, đảng viên khác. Dung túng, bao che sai phạm của cán bộ, đảng viên là làm cho họ “hư thêm”, dân thì mất niềm tin.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ra đời là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi” lại mình và từng tổ chức đảng “gạn đục khơi trong”, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã gợi ý kiểm điểm đối với 44 tổ chức đảng, 41 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Sau kiểm điểm, các tập thể, cá nhân đều xây dựng kế hoạch khắc phục, sửa chữa khuyết điểm và đã thực hiện xong. Một số tổ chức đảng có gần 20 năm xếp loại trong sạch, vững mạnh và tiêu biểu, nhưng khi có khuyết điểm cũng mạnh dạn nhận trách nhiệm, như Đảng bộ phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi), thị trấn La Hà (Tư Nghĩa)...
Mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ thay mặt lãnh đạo tỉnh xin lỗi nhân dân xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) về những sai sót của cán bộ cấp dưới khi thực hiện Dự án Nhà máy Xử lý rác thải rắn sinh hoạt Đức Phổ. Đây là minh chứng cho tinh thần không giấu giếm khuyết điểm; thể hiện sự cầu thị, trách nhiệm với dân và quyết tâm sửa chữa của người đứng đầu Tỉnh ủy khi cấp dưới để xảy ra sai sót. Một số cấp ủy trong tỉnh còn tổ chức tiếp công dân, đảng viên định kỳ hằng tháng; tiếp xúc, đối thoại và trực tiếp chỉ đạo giải quyết những bức xúc của dân… “Đây cũng là cách để Đảng gần và hiểu dân hơn, từ đó đưa ra những quyết sách kịp thời, sát, đúng với thực tiễn”, nguyên Bí thư Huyện ủy Mộ Đức Nguyễn Màu nói.
Nguyên Bí thư Thị ủy Quảng Ngãi Lê Nam Hà thì nhìn nhận: Kết quả lớn nhất mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) mang lại là đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng; xốc lại sức mạnh của Đảng; loại bỏ những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất... Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận đảng viên, tổ chức đảng trong tỉnh thực hiện còn hình thức, ngay cả việc học tập và làm theo Bác cũng vậy. Tình trạng dĩ hòa, vi quý, ngại nói thẳng, không dám đấu tranh ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán… vẫn còn diễn ra ở một số chi bộ. Việc nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu một số nơi chưa tốt, nói không đi đôi với làm; còn để cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật.
Những tồn tại đó tuy không phổ biến, nhưng sẽ là thách thức không nhỏ đối với Đảng nói chung và Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nói riêng trong thời gian đến, nếu các cấp ủy không quyết liệt xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Tránh xa những cám dỗ vật chất Nói về việc xử lý kỷ luật một số cán bộ cấp cao của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói: “...Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân. Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta. Đề nghị từng đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên nêu gương, tự soi rọi, tự sửa, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng để không đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất khôn lường...” |
Kỳ 2: Hạt nhân của Đảng phải thật sự “sáng và chất lượng”
Đảng chỉ có thể vững mạnh khi đại bộ phận đảng viên đều tốt; chi bộ giữ được vai trò nòng cốt và là nền tảng chính trị của Đảng ở cơ sở. Do đó, việc nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng sẽ góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh.
Mỗi đảng viên là một hạt nhân chính trị của Đảng, có vai trò lãnh đạo, dẫn dắt quần chúng tạo nên sức mạnh tổng hợp. Đây cũng là lý do để các cấp ủy đảng quan tâm theo dõi, phát hiện, bồi dưỡng và kết nạp những quần chúng ưu tú vào Đảng...
Nâng chất lượng, gắn với “giữ chân” đảng viên
Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi có 19 đảng bộ trực thuộc (14 đảng bộ huyện, thành phố và 5 đảng bộ trực thuộc); với 900 đảng bộ, chi bộ và 2.730 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, với 53.820 đảng viên. Trong đó, khối doanh nghiệp (DN) có 73 tổ chức đảng, với 2.758 đảng viên (2 tổ chức đảng trong DN FDI, với 57 đảng viên). Các cấp ủy đảng đã chú trọng phát triển đảng viên cả về số lượng và chất lượng, coi đây là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại tổ chức đảng hằng năm. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ tỉnh đã kết nạp được 6.904 đảng viên, đạt và vượt so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phạm Thanh Tùng cho biết: “Đội ngũ đảng viên của tỉnh không ngừng được nâng cao cả về tư tưởng, chính trị, trình độ năng lực và phẩm chất đạo đức; cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; khắc phục một bước tình trạng già hóa đảng viên (đảng viên tuổi từ 18 - 40 chiếm 43,30%)”.
Từ năm 2015 đến nay, có 140 học sinh, sinh viên được kết nạp vào Đảng. Bí thư Tỉnh đoàn Đặng Minh Thảo cho rằng: Phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng, đảm bảo sự kế thừa và đáp ứng sự nghiệp đổi mới của Đảng.
Tuy nhiên, điều lo ngại hiện nay là, tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng ngày càng gia tăng, với 350 đảng viên (từ đầu nhiệm kỳ đến nay), tập trung ở khu vực nông thôn, tuổi từ 18 – 45 và có trình độ chuyên môn. Trước thực trạng đó, nhiều cấp ủy đã gắn nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên với việc “giữ chân” đảng viên. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bình Sơn Võ Văn Đồng cho biết: Từ năm 2015 đến tháng 5.2019, huyện tiếp nhận 153 đảng viên là quân nhân xuất ngũ. Hai năm trước, đảng viên là bộ đội xuất ngũ bỏ sinh hoạt Đảng nhiều, với 17 trường hợp bị xóa tên, nhưng nay đã cơ bản khắc phục. Đến nay có gần 100 đảng viên là quân nhân xuất ngũ làm việc tại KKT Dung Quất; có 15 đồng chí làm việc trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện.
“Giải quyết việc làm ngay tại địa phương là lời giải cho bài toán đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng, nhất là đảng viên là bộ đội xuất ngũ và sinh viên. Từ năm 2015 đến nay, xã đã bố trí việc làm cho 5/11 đảng viên là quân nhân xuất ngũ”, Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi) Đào Dương Minh cho biết.
Thanh lọc để Đảng ngày càng trong sạch
Vấn đề chất lượng đảng viên đã được đặt ra ngay từ khi Đảng vừa mới ra đời, vì đây là yếu tố hàng đầu làm nên sức mạnh và quyết định sự tồn vong của Đảng. Năm 1969, nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng, trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, bên cạnh những đồng chí tốt, còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém. Người cũng cho rằng, Đảng mạnh không phải chỉ do số lượng đảng viên quyết định; số lượng đảng viên chỉ trở thành sức mạnh một khi nó đạt những yêu cầu về chất lượng.
Bí thư Huyện ủy Đức Phổ Huỳnh Quý cho biết: Từ năm 2015 đến nay, huyện đã xóa tên, khai trừ ra khỏi Đảng 68 trường hợp (30 đảng viên dự bị). Việc khai trừ đồng chí mình ra khỏi Đảng là rất đau xót, nhưng không thể để "con sâu làm rầu nồi canh" được. Bí thư Chi bộ thôn An Hải, xã Bình Châu (Bình Sơn) Nguyễn Hữu Thịnh thì ví von: Tổ chức đảng như một cái cây, còn đảng viên là gốc, rễ. Vì thế, cây có sống, có vững bền hay không đều phụ thuộc vào gốc, rễ. Với nhận thức đó, mới đây đảng viên trong thôn đã tiên phong đóng góp kinh phí, ngày công để làm 1,5km đường giao thông nông thôn và điện thắp sáng đường quê, được cấp ủy cấp trên biểu dương...
Qua rà soát từ năm 2018 đến tháng 5.2019, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi có hơn 181 đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ; 109 đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước; 17 đảng viên thiếu gương mẫu; 13 đảng viên không thực hiện đúng chế độ chuyển sinh hoạt Đảng. Chất lượng đảng viên chưa cao còn thể hiện ở chỗ, toàn tỉnh còn 13,8% đảng viên có trình độ học vấn tiểu học; 45,04% chưa qua đào tạo chuyên môn. Số đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ gia tăng, năm 2017 chỉ có 213 đồng chí (chiếm 0,46%), thì đến năm 2018 có 349 đồng chí (chiếm 0,73%)...
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phạm Thanh Tùng kiến nghị: Trung ương cần có hướng dẫn tiêu chí, quy trình cụ thể về việc đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng; ban hành quy định xin lỗi và phục hồi quyền lợi đối với đảng viên bị xử lý kỷ luật oan; có biện pháp quản lý đảng viên đi làm ăn xa. Đồng thời, các cấp ủy thực hiện chặt chẽ từ khâu tạo nguồn, kết nạp, quản lý đảng viên; chống cho được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Khắc phục tình trạng “đảng viên đông nhưng không mạnh”
Nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đức Hà (ảnh) cho rằng: Chỉ thị 28 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng đúng ra phải ban hành sớm hơn. Tuy nhiên, cũng kịp thời phục vụ đại hội đảng các cấp, tiến đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vì sẽ góp phần sàng lọc một bước trong công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội.
Thực tế cho thấy, trong kết nạp đảng viên, nhiều nơi vẫn chưa chú trọng đến chất lượng, có biểu hiện chạy theo số lượng. Vì thế, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 28 cũng là nhằm khắc phục tình trạng “đảng viên đông nhưng không mạnh”. Nghĩa là, phải thực hiện chặt chẽ ngay từ khâu giới thiệu những quần chúng ưu tú để Đảng xem xét kết nạp; đồng thời thường xuyên rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Các cấp ủy đảng cần kiên quyết và thực hiện đồng bộ thì mới có thể nâng cao chất lượng đảng viên.
Kỳ 3: Xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên
Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010-2015 xác định, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị là bước đột phá của tỉnh. Với mục tiêu đó, trong 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, các cấp ủy trong tỉnh đã chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển cán bộ.
Hiện nay, Quảng Ngãi đã hình thành được một đội ngũ cán bộ "có tâm, có tầm", góp phần chuẩn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị của tỉnh.
Lấy thực tiễn công việc đánh giá năng lực cán bộ
Trước đây, Bình Mỹ là xã khó khăn của huyện Bình Sơn, kinh tế - xã hội chậm phát triển, đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trước thực trạng đó, cuối năm 2012, Huyện ủy Bình Sơn quyết định luân chuyển đồng chí Nguyễn Quang Trung- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện về đảm nhận chức vụ Chủ tịch UBND xã. Vượt qua những khó khăn ban đầu, anh Trung cùng với tập thể cấp ủy rà soát, bổ sung, hoàn thiện Quy chế làm việc của cấp ủy và UBND xã. Với cách quản lý đó, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức xã đã có những chuyển biến tích cực, được nhân dân ghi nhận. Anh Trung và các đồng chí trong UBND xã giải quyết nhiều việc tồn đọng kéo dài, phức tạp liên quan đến lĩnh vực đất đai, khiếu nại tố cáo, tạo được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ. Từ xã có điểm xuất phát thấp, nội bộ mất đoàn kết, đến năm 2013, Bình Mỹ trở thành xã đi đầu ở Bình Sơn trong huy động sức dân xây dựng nông thôn mới, với tổng số tiền khoảng 5 tỷ đồng.
Không chỉ riêng Bình Mỹ, mà nhiều địa phương trong tỉnh cũng thực hiện công tác này tương đối có hiệu quả. Công tác luân chuyển cán bộ được gắn với công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ trên cơ sở đánh giá, nhận xét cán bộ qua thực tiễn nhiệm vụ được giao. Trong 5 năm qua (2010-2015), các huyện, thành phố đã luân chuyển 63 lượt cán bộ về giữ các chức vụ Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (trong đó luân chuyển 35 đồng chí làm Bí thư, 1 Bí thư kiêm Chủ tịch UBND, 2 Phó Bí thư, 15 Chủ tịch và 10 Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn). Một số địa phương cũng đã tiến hành thực hiện luân chuyển cán bộ từ cơ quan, đơn vị này sang đơn vị khác; chuyển cán bộ cơ sở lên nhận nhiệm vụ ở một số phòng, ban của huyện, thành phố. Tỉnh ủy cũng đã luân chuyển nhiều lượt cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ quản lý về tăng cường cho các địa phương trong tỉnh. Đây được xem là môi trường đào tạo cán bộ tương đối có hiệu quả.
"...Trong giai đoạn 2015-2020, Tỉnh ủy tiếp tục đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ, tạo điều kiện để cán bộ trẻ có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện qua thực tiễn; khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ trong từng địa phương, tổ chức. Thực hiện chế độ miễn nhiệm, từ chức, thôi việc; kiên quyết thay thế những cán bộ kém phẩm chất và năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ...". |
Đổi mới công tác đào tạo, bổ nhiệm
Để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, năm 2014, Tỉnh ủy đã mở 2 lớp dự nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý đầu tiên của tỉnh, với sự tham gia của 115 học viên. Qua hệ thống kiến thức cơ bản được trang bị về lý luận chính trị, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; những vấn đề quốc tế, về khoa học quản lý hành chính công do phía Singapore truyền đạt đã giúp các học viên xây dựng tầm nhìn và tư duy chiến lược, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tỉnh ủy cũng đã cử 2 đồng chí tham gia lớp dự nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý do Trung ương tổ chức; mở 2 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 250 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện; cử nhiều lượt cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn, kiến thức quốc phòng – an ninh. Việc đào tạo đã góp phần chuẩn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị của tỉnh. Điều đáng nói là, nhờ sự quan tâm, đổi mới trong công tác đào tạo cán bộ mà tỉnh ta đã khắc phục được những hạn chế, yếu kém về công tác cán bộ.
Trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, bám sát Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực, cấp ủy các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Theo đó, từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho 35.102 công chức, viên chức (đào tạo trong nước 34.786 lượt người, nước ngoài 226 lượt người); cử đi đào tạo tiến sĩ 23 người, đào tạo thạc sĩ 395 người, thu hút được 23 thạc sĩ chuyên ngành... Cùng với việc đổi mới công tác đào tạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng có nhiều đổi mới trong công tác bổ nhiệm cán bộ, nhất là cán bộ trẻ; bổ nhiệm cán bộ chủ chốt một số địa phương, ngành không phải là người địa phương.
Từ năm 2011 đến nay, thực hiện “Đề án tuyển chọn, bổ sung, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo trẻ cấp tỉnh, huyện”, đã có trên 10 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh dưới 40 tuổi có năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức tốt đã được bổ nhiệm chức danh phó giám đốc tại một số sở, ngoài số lượng quy định của Trung ương. Đây được xem là bước đột phá trong công tác cán bộ của tỉnh, vừa tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý có tính kế thừa, vừa góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.
Phú Đức, Sa Huỳnh, Bá Sơn
Báo Quảng Ngãi