Hậu sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Vẫn còn nhiều điểm nghẽn

LTS: Sắp xếp bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một việc rất khó, đòi hỏi phải có lộ trình và thời gian cụ thể. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu “...đây là xu thế tất yếu, không thể chậm trễ và không thể đảo ngược được”. Song, trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh nhiều điểm nghẽn, đòi hỏi mỗi địa phương và các bộ, ngành trung ương sớm có giải pháp tháo gỡ...


Kỳ 1:  Chính quyền một cấp Lý Sơn - Nhìn từ thực tiễn

Từ ngày 1/4/2020, huyện Lý Sơn chính thức trở thành chính quyền một cấp. Kể từ đó đến nay, công tác lãnh đạo, quản lý của huyện gặp một số khó khăn. Nhiều vấn đề phát sinh đã vượt quá tầm giải quyết của tỉnh, để lại nhiều tâm tư trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Sau khi giải thể chính quyền cấp xã theo Nghị quyết 867/NQ-UBTVQH14 ngày 10/01/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, huyện Lý Sơn đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết một số thủ tục hành chính cho người dân, do vướng mắc về thẩm quyền và quy định của pháp luật.

 

“Đây là vấn đề rất lớn, rất quan trọng nhưng cũng rất khó, rất phức tạp và nhạy cảm, vì nó liên quan đến những vấn đề lý luận cơ bản về phương thức lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân; về đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế; về quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; liên quan đến quyền lợi, tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động... Tuy nhiên, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy đang là xu thế tất yếu, không thể chậm trễ và không thể đảo ngược được”.

Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Lúng túng trong xử lý thủ tục hành chính

 Đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, theo quy định của pháp luật thì UBND cấp xã phải xác nhận vào tờ khai, thực hiện niêm yết công khai về việc đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân tại UBND cấp xã. Tuy nhiên, nay không còn chính quyền cấp xã, nhưng pháp luật thì không đề cập hướng xử lý trường hợp này, dẫn đến chính quyền và người dân đều lúng túng.

Ông Lê Văn Lanh, ở thôn Đông An Vĩnh (Lý Sơn) lo lắng khi không còn chính quyền cấp xã thì cấp nào có đủ điều kiện xác nhận vào hồ sơ, thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nếu xác nhận liệu có đảm bảo tính pháp lý. Đồng thời, các bước thuộc cấp xã xác nhận, nay không thực hiện thì khi khiếu kiện ra tòa, Tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với lý do hồ sơ, thủ tục không thực hiện theo đúng quy định của pháp luật thì ai chịu trách nhiệm.

Cũng theo ông Lanh, đối với một số vụ việc trước khi ra quyết định hành chính, hoặc tòa đưa ra xét xử buộc phải có hồ sơ hòa giải của cấp xã, nhưng nay không còn chính quyền cấp xã, người dân phải thực hiện thủ tục như thế nào, thì đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn.


Trung tâm Chính trị - Hành chính huyện Lý Sơn. Ảnh: Hữu Danh

Còn ông Phan Tấn Thành, ở thôn Tây An Hải (Lý Sơn) cho biết, từ tháng 8/2020 đến nay, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Lý Sơn không tiếp nhận và xử lý hồ sơ nâng hạn mức đất ở của người sử dụng đất (đối với đất không có giấy tờ), dẫn đến người dân gặp nhiều khó khăn trong việc tách sổ đỏ cho con để làm nhà. “Các cấp chính quyền cần sớm khắc phục những bất cập trên để đảm bảo quyền lợi của người dân”, ông Thành kiến nghị.

Theo lãnh đạo huyện Lý Sơn, kể từ ngày thực hiện chính quyền một cấp, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định cho chính quyền cấp xã được các phòng, ban chuyên môn của huyện giải quyết, không có sự gián đoạn trong chỉ đạo, điều hành. Bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, giảm bớt văn bản hành chính, hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã làm gia tăng khối lượng công việc cho một số phòng, ban, đơn vị của huyện. Một số công việc đòi hỏi cán bộ, công chức phải trực tiếp đến thôn để giải quyết, gây áp lực công việc cho cơ quan chuyên môn. Trong khi đó, trình tự giải quyết thủ tục hành chính về đất đai của Chính phủ và các biểu mẫu do Bộ TN&MT ban hành thì quy định chung cho cả nước, chưa thiết lập riêng cho chính quyền một cấp. Điều này dẫn đến cán bộ thực thi nhiệm vụ gặp lúng túng trong giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền ký xác nhận của cấp xã trước đây.

 

Kiến nghị để Lý Sơn được hưởng chính sách của vùng khó khăn

 Khi Lý Sơn thực hiện mô hình chính quyền một cấp đã dẫn tới một số chế độ, chính sách đối với xã đảo đặc biệt khó khăn không còn (nhất là chế độ ưu tiên trong thi cử của học sinh, sinh viên; ưu tiên việc mua bảo hiểm y tế, thụ hưởng các dịch vụ y tế, hỗ trợ nằm viện cho bệnh nhân nghèo; hỗ trợ tiền ăn trưa cho cấp bậc mầm non; hỗ trợ miễn giảm tiền học phí cho học sinh, sinh viên...). Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, tỉnh sẽ nỗ lực làm việc với các bộ, ngành trung ương để người dân Lý Sơn tiếp tục được hưởng một số cơ chế, chính sách hỗ trợ theo Quyết định 1995 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển huyện Lý Sơn, giai đoạn 2015 - 2020.

Nhiều cán bộ, công chức xã chưa được bố trí, sắp xếp

 Chính quyền một cấp ở Lý Sơn đã và đang vận hành theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII). Tuy nhiên, việc giải thể 3 xã đã để lại “bài toán” khó trong việc bố trí công tác cho 56 cán bộ, công chức (CB, CC) thuộc 3 xã trước đây. Theo Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Quốc Việt, để đảm bảo quyền lợi cho số CB, CC này, huyện đã đề xuất tỉnh cho chuyển về huyện và bố trí công tác ở các cơ quan khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, hội đoàn thể (29 CB, CC) và khối chính quyền (27 CB, CC).

Tuy nhiên, đến nay chỉ có 25 CC cấp xã đủ điều kiện chuyển thành CC huyện; một số CB đang làm các thủ tục, hồ sơ giải quyết nghỉ theo chế độ. Hiện tại vẫn còn 26 CB, CC chưa được cấp thẩm quyền quyết định chuyển thành CC cấp huyện, vì chưa có biên chế. Trước đó, huyện cũng thực hiện thí điểm hợp nhất, sáp nhập 15 cơ quan, đơn vị còn 7 cơ quan, đơn vị, nên giảm 7 CB lãnh đạo; số lượng biên chế của huyện từ 77 người, giảm còn 64 người.

Bà Lê Thị Của - nguyên Chủ tịch Hội LHPN xã An Vĩnh (cũ) cho biết, sau khi thực hiện chính quyền một cấp, tôi cùng các CB, CC xã An Vĩnh được chuyển về huyện. Tôi được bố trí làm việc ở Ban Dân vận Huyện ủy. Để trở thành CC huyện, tôi phải trải qua sát hạch và mới đây huyện có thông báo trong khối Đảng có 2 người đủ điều kiện được đi sát hạch đợt này. “Xây dựng chính quyền một cấp là chủ trương đúng, nhưng Bộ Nội vụ, Chính phủ cần linh hoạt trong việc sắp xếp, bố trí số CB, CC cấp xã thành CC cấp huyện để họ yên tâm công tác”, bà Của kiến nghị.

Tương tự, sau giải thể xã An Hải, ông Dương Nhương - nguyên Phó Chủ tịch HĐND xã An Hải (cũ), nhiệm kỳ 2016 - 2021, được huyện bố trí làm việc ở Ban Dân vận Huyện ủy, nhưng hơn một năm qua, ông Nhương vẫn chưa được chuyển qua CC cấp huyện. “Tôi đã đi học Đại học, học lớp Quản lý Nhà nước để đủ điều kiện chuyển ngạch CC. Đề nghị tỉnh, trung ương nghiên cứu có cơ chế, chính sách cho chuyển toàn bộ CC cấp xã thành CC huyện để anh em khỏi thiệt thòi và yên tâm công tác”, ông Nhương bộc bạch.

 

Tiếp tục sát hạch cán bộ, công chức đủ điều kiện

 Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lữ Ngọc Bình cho rằng, nếu giải thể chính quyền cầp xã ở Lý Sơn và chuyển tất cả 58 CB, CC cấp xã thành 58 CB, CC cấp huyện thì mục tiêu thành lập chính quyền một cấp ở Lý Sơn không đạt yêu cầu đề ra. Do đó, chỉ chuyển những CB, CC đảm bảo điều kiện về trình độ, năng lực chuyên môn thành CB, CC cấp huyện và đến nay đã có 25 người được chuyển thành CB, CC cấp huyện. Số còn lại, nếu đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, năng lực công tác thì cuối năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ xem xét tiếp tục sát hạch để chuyển thành CB, CC cấp huyện. Những CB không đảm bảo điều kiện thì tinh giảm.


Kỳ 2: Vừa triển khai, vừa rút kinh nghiệm

Chủ trương đổi mới, sắp xếp, tinh gọn bộ máy được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi đón nhận và thực hiện với quyết tâm chính trị cao. Sau hơn 3 năm triển khai, đến nay Quảng Ngãi đã cơ bản hoàn thành các nội dung theo kế hoạch đề ra. Song, đây là chủ trương mới, một số mô hình chưa có tiền lệ, nên Quảng Ngãi thực hiện theo phương châm, vừa triển khai, vừa rút kinh nghiệm...

Tự tìm cơ chế vận hành

Nhất thể hoá chức danh được coi là thí điểm có tính đột phá trong cải cách hành chính, góp phần tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm biên chế theo chủ trương của Đảng. Thực hiện Kết luận 34 của Bộ Chính trị, Quảng Ngãi đã thực hiện nhất thể hóa 4 chức danh đối với cấp huyện và sáp nhập các cơ quan cấp ủy đảng với cơ quan chuyên môn của chính quyền có nhiệm vụ tương đồng; thí điểm mô hình Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã; thực hiện linh hoạt mô hình Trưởng ban công tác Mặt trận do bí thư hoặc phó bí thư chi bộ kiêm nhiệm...


Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: PV

Việc thí điểm các mô hình trên cho thấy sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong nhân dân. Qua đó, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền; tăng cường sự phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị giữa cơ quan Đảng và Nhà nước, tinh gọn đầu mối, giảm biên chế...

 

“Ngành y tế Quảng Ngãi hiện có 4 đơn vị tự chủ 100%, gồm BVĐK tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền và BVĐK Đặng Thùy Trâm. Các đơn vị còn lại được giao không dưới 50%. Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên hầu hết cơ sở y tế đều giảm nguồn thu, dẫn đến nợ lương, tiền mua thuốc... Sở đã báo cáo và Chủ tịch UBND tỉnh đã đồng ý giao Sở Tài chính xem xét, bố trí nguồn để kịp thời cấp lương cho các đơn vị sự nghiệp của ngành y tế. Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Tài chính phối hợp cùng với Sở Y tế,  Sở Nội vụ và Bảo hiểm xã hội tỉnh khảo sát, đánh giá và xây dựng lại cơ chế tài chính giao quyền tự chủ cho các đơn vị để phù hợp với thực tế”.

 Phó Giám đốc Sở Y tế LÊ BÁY

Tuy nhiên, việc thí điểm sáp nhập cơ quan hoặc nhất thể hóa chức danh người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn của chính quyền có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cũng bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Theo Chánh Thanh tra tỉnh Trà Thanh Danh, nguyên nhân chính là do chưa có văn bản quy định, hoặc hướng dẫn cách thức vận hành khi sáp nhập... Bên cạnh một số địa phương thực hiện sáp nhập cơ quan Ủy ban Kiểm tra và Thanh tra cũng như nhất thể hóa chức danh Chủ nhiệm UBKT đồng thời là Chánh Thanh tra hoạt động hiệu quả, thì cũng có địa phương hoạt động chưa tốt. Để khắc phục điều này, thì phải liên thông nghiệp vụ, kiểm tra viên học nghiệp vụ thanh tra và ngược lại, để linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ.

Hiện nay, Quảng Ngãi chỉ có 4/13 địa phương thực hiện nhất thể hóa chức danh Chủ nhiệm UBKT đồng thời là Chánh Thanh tra. Riêng huyện Tư Nghĩa thực hiện từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020 thì dừng thực hiện. Việc hợp nhất Ban Tuyên giáo Huyện ủy và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện là không phù hợp với Quy định 208 của Ban Bí thư (khóa XII) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm Chính trị cấp huyện. Mô hình thí điểm thành lập Cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở huyện Bình Sơn và Lý Sơn thì vướng mắc về tính pháp lý nên không thể vận hành theo đề án đã phê duyệt...

Mặt khác, phương thức hoạt động, hệ thống văn bản giữa cơ quan Đảng và Nhà nước có những điểm khác nhau, khi hợp nhất vẫn phải sử dụng hai loại hình thể thức văn bản, hai con dấu. Cơ quan nhà nước thì sử dụng văn bản điện tử, chuyển văn bản trên môi trường mạng Internet, Office, trong khi cơ quan Đảng thì chưa thực hiện, dẫn đến việc điều hành công việc gặp khó khăn, lúng túng...

Cần có lộ trình, cơ chế cho đơn vị tự chủ

Câu chuyện tự chủ đối với các cơ sở y tế đang là gánh nặng của rất nhiều đơn vị, nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát trong 2 năm qua. Nhiều bệnh viện, trung tâm y tế rơi vào cảnh nợ lương, nợ các khoản hỗ trợ phẫu thuật, nợ tiền hỗ trợ độc hại...


Quảng Ngãi hiện có 722 đơn vị sự nghiệp (cấp tỉnh 113 và cấp huyện 609), nhưng đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư đối với cấp tỉnh chỉ có 39 đơn vị; 72 đơn vị đảm bảo một phần. Trong khi đó, cấp huyện đảm bảo chi thường xuyên mới có 18 đơn vị; đảm bảo chi một phần chỉ có 4 đơn vị và 100% ngân sách nhà nước là 567 đơn vị. Ngân sách tập trung vào đơn vị sự nghiệp rất lớn (chiếm khoảng 81% trong tổng ngân sách chi thường xuyên của tỉnh), nhưng hiệu quả thì chưa tương xứng

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Diệp - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đặng Thùy Trâm cho biết, bệnh viện là một trong những cơ sở khám, chữa bệnh lớn của tỉnh, nhưng khi thực hiện tự chủ 100% gặp rất nhiều khó khăn. Bởi lẽ, hiện nay tỷ lệ lấp đầy giường bệnh của bệnh viện chưa đến 50%, dẫn đến nguồn thu không đủ để mua thuốc, vật tư y tế và trả lương cho cán bộ, nhân viên. Tình trạng này kéo dài thì tháng 11 và 12 đến, cán bộ, nhân viên sẽ không có lương và khó giữ chân được y, bác sĩ giỏi. Do đó, tỉnh và trung ương cần có giải pháp tháo gỡ cho ngành y tế, vì hiện có nhiều bác sĩ có đơn xin nghỉ việc.

Cũng do áp lực về tự chủ mà Giám đốc BVĐK Đặng Thùy Trâm đã 3 lần nộp đơn xin nghỉ việc. Hai lần đầu, Sở Y tế động viên ở lại, nhưng đến lần thứ ba thì cũng phải giải quyết theo nguyện vọng cá nhân.

Đối với các huyện miền núi, hải đảo thì đây thực sự là “gánh nặng”, vượt ngoài khả năng của đơn vị. Bác sĩ chuyên khoa I Châu Nguyễn Thương - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây cho hay, người dân Sơn Tây đa phần là khám, chữa bệnh bằng BHYT, nhưng ngành bảo hiểm lấy mốc thanh toán năm 2018 để giao khoán kinh phí khám, chữa bệnh cho các năm sau là bất cập. Bên cạnh đó, việc bảo hiểm chậm thanh toán một số khoản tiền cũng khiến cho việc mua vật tư, thuốc gặp khó khăn. Như trong quý III/2021, trung tâm đề nghị thanh toán 1,2 tỷ đồng, nhưng bảo hiểm chỉ cho tạm ứng 30% thì làm sao đủ tiền trả lương cho cán bộ, nhân viên và mua thuốc, vật tư y tế. Cán bộ, y, bác sĩ đi làm mà không có lương thì làm sao họ yên tâm công tác. “Huyện miền núi mà giao tự chủ 69% thì sẽ có khả năng đóng cửa trung tâm y tế huyện”, Bác sĩ Châu Nguyễn Thương lo lắng. 

Bác sĩ Dương Tiến Thuận - Giám đốc Trung tâm Y tế Quân dân y huyện Lý Sơn cho biết thêm, khả năng đơn vị có 60%, nhưng giao đến 80% thì vượt quá tầm, dẫn đến đơn vị không còn khả năng chi trả lương cho cán bộ, nhân viên.

Việc giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập là nhằm giúp các đơn vị khai thác, sử dụng hiệu quả tài sản, nguồn lực để tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên, giảm chi thường xuyên cho ngân sách... Tuy nhiên, để chủ trương này thực sự mang lại hiệu quả thì tỉnh và trung ương cần có lộ trình và cơ chế thuận lợi hơn, phù hợp với thực tiễn từng ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương. Có như vậy, việc sắp xếp và giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập mới đạt mục tiêu đề ra.

 Qua 3 năm thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập, Quảng Ngãi đã tinh giản 3.199 biên chế  (trong đó giảm 358 biên chế hành chính và 2.841 biên chế sự nghiệp), đạt tỷ lệ 10,4%, vượt kế hoạch đề ra. Giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 11 đơn vị hành chính cấp xã; giảm 202 thôn, tổ dân phố. Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập giảm 164 đơn vị, đạt tỷ lệ 15,47% so với số lượng đơn vị năm 2015, kế hoạch đề ra là giảm 10%. Có 39 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính, giảm chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp gần 128 tỷ đồng so với giai đoạn 2011-2015.


Kỳ cuối: Để bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Sắp xếp bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu như chủ trương đề ra thì rất cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị; đồng thời trung ương cần sớm xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất để các cơ quan, đơn vị vận hành thông suốt.

Trung ương cần có cơ chế, chính sách cụ thể

Tinh giản biên chế là một trong những yêu cầu bắt buộc khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước. Tuy nhiên, cái khó khi thực hiện nội dung này là các bộ, ngành trung ương chưa ban hành đầy đủ, đồng bộ, kịp thời các quy định, hướng dẫn về xác định vị trí việc làm... Mặt khác, cơ sở để xác định số lượng biên chế theo vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức (CC), cơ cấu viên chức (VC) theo chức danh nghề nghiệp vẫn chưa được cụ thể hóa. Việc phân loại, đánh giá cán bộ (CB), CC, VC hằng năm chưa thật sự chính xác, dẫn đến việc xác định đối tượng tinh giản biên chế theo đề án vị trí việc làm gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Cán bộ xã Trà Thanh (Trà Bồng) gặp gỡ, nắm bắt nguyện vọng của người dân trên địa bàn. Ảnh: T.THUẬN

Tây Trà là huyện duy nhất của Quảng Ngãi phải sáp nhập vào huyện Trà Bồng. Sau hơn một năm thực hiện, đến nay huyện Trà Bồng vẫn chưa thể hoàn thành việc sắp xếp CB dôi dư. Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hoàng Anh Ngọc cho biết, sau khi sáp nhập, mỗi xã của huyện dôi từ 15 - 20 CB nhưng không biết bố trí vào đâu.

Bên cạnh đó, sau khi hợp nhất, sáp nhập các cơ quan, đơn vị có chức năng tương đồng thì số lượng CB, CC của huyện dôi dư khá nhiều, nhất là cấp phó các cơ quan tham mưu, giúp việc và đơn vị sự nghiệp; nhiều cơ quan hiện có từ 7 - 8 cấp phó; có xã tới 5 Phó Bí thư Đảng ủy xã. Hiện tại, số lượng cấp trưởng, phó các cơ quan, phòng, ban của huyện là 101 người, gồm 27 cấp trưởng và 74 cấp phó.

Theo lộ trình, đến năm 2024, huyện Trà Bồng phải hoàn thành việc giảm số lượng CB, CC, VC, số lượng cấp phó các cơ quan, đơn vị, điều này là rất khó. Bởi lẽ, phần lớn đội ngũ CB, CC cấp xã cũng như cấp huyện có tuổi đời còn rất trẻ, số đến tuổi nghỉ hưu không nhiều. Chế độ, chính sách đối với CB, CC, VC dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Việc xác định đối tượng nghỉ theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP, Nghị định 113/2018/NĐ-CP gặp khó khăn, rập khuôn, chưa tính đến yếu tố đặc thù do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, dẫn đến chưa khuyến khích những trường hợp này nghỉ hưu trước tuổi. Một nghịch lý nữa là, tuy CB, CC, VC dôi dư khá lớn, nhưng số người đủ điều kiện bố trí ở một số vị trí việc làm thì không có, như vị trí Phó Chủ tịch HĐND huyện... Việc thực hiện tinh giản biên chế vẫn còn mang tính bình quân, cào bằng giữa các cấp, ngành, cơ quan trong hệ thống chính trị, dẫn đến tình trạng thừa, thiếu cục bộ.

 

“Một số trường hợp trong quá trình chuẩn bị đề xuất, thẩm định, phê duyệt còn nóng vội, chưa xem xét kỹ lưỡng, toàn diện, thấu đáo các khía cạnh của đề án, chủ trương để có phương án hợp lý giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vấn đề phát sinh khi thực hiện. Điển hình là đặt ra yêu cầu tự chủ tài chính chưa sát đối với một số đơn vị sự nghiệp công lập; đề án thực hiện chính quyền một cấp huyện Lý Sơn chưa đánh giá, dự lường hết các vấn đề có thể phát sinh, nên chưa có giải pháp đồng bộ, căn cơ vấn đề liên quan đến quyền lợi trực tiếp của người dân, CB, CC cấp xã”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh ĐẶNG NGỌC HUY

Từng bước hoàn thiện các mô hình

Theo Tỉnh ủy Quảng Ngãi, giải pháp trước mắt là tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị, xác định đầy đủ, chính xác chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị sau khi sắp xếp, sáp nhập. Tỉnh ủy cũng chỉ đạo, căn cứ vào quy định và hướng dẫn, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện từ năm 2021 - 2025. Vấn đề nào đã rõ, đã chắc chắn về pháp lý thì làm ngay, những vấn đề chưa rõ thì mạnh dạn đề xuất cho thực hiện thí điểm. Trong đó, nhấn mạnh vai trò người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, tổ chức trong lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC, VC, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, Tỉnh ủy cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu các văn bản quy định của Đảng và Nhà nước để kịp thời sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các văn bản có liên quan đến tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của các cơ quan, đơn vị sau hợp nhất phù hợp, đúng quy định; chủ động chuẩn bị kịp thời việc ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo Nghị định 107 và Nghị định 108 của Chính phủ ngay sau khi các bộ, ngành trung ương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện. Thực hiện nghiêm lộ trình tinh giản biên chế, tinh giảm cấp phó đúng chuẩn sau 60 tháng kể từ khi hợp nhất, sáp nhập.

Tiếp tục triển khai xây dựng, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh, bổ sung và phê duyệt lại Đề án vị trí việc làm đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ban, ngành liên quan. Thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát trình độ chuyên môn, năng lực của đội ngũ CB, CC, VC để nâng cao tính chính xác trong đánh giá, phân loại CB, CC, VC để có kế hoạch sắp xếp, bố trí phù hợp với Đề án vị trí việc làm và tình hình thực tế tại địa phương, cơ quan, đơn vị, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống các đơn vị sự nghiệp, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo theo quy định tại Nghị định 120/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công. Chủ động rà soát, đánh giá các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đảm bảo tiêu chí theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có phương án, đề án kịp thời, sát thực tế, toàn diện để triển khai thực hiện theo yêu cầu và chỉ đạo của trung ương; khắc phục những thiếu sót, bị động.

Với sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và hệ thống chính trị, sự đồng thuận của CB, CC, VC và nhân dân, thời gian tới, việc đẩy mạnh tinh giản biên chế, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh sẽ đạt các mục tiêu như nghị quyết đã đề ra.

 

Nhận diện rõ bất cập để có lộ trình khắc phục

 Tại Hội nghị sơ kết, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết 18,19 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác này. Đồng thời cho rằng, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước là việc khó, phức tạp, nhạy cảm, tác động tới tâm tư, tình cảm, lợi ích của nhiều người; một số quy định, quy chế của Đảng, Nhà nước còn thiếu tính đồng bộ nhưng chậm được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện. Khi triển khai thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy, trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể, nên trong quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng, trong đó có việc xác định cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động, chế độ, chính sách đối với CB, CC dôi dư do sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy...

Về nguyên nhân chủ quan là công tác chỉ đạo thực hiện rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa toàn diện, sâu sát, chưa quyết liệt; một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu chưa chủ động, sáng tạo, thiếu sự quyết tâm trong quá trình triển khai thực hiện; việc đánh giá CB, CC, VC theo quy định hiện nay còn nhiều bất cập, còn biểu hiện nể nang, thiếu quyết liệt.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất