Các tác giả nhận Giải Khuyến Khích - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ II - năm 2017.
Bây giờ đến xã vùng sâu, vùng xa, biên giới đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của Cao Bằng dễ nhận thấy nhịp sống mới vươn lên thoát nghèo, nâng cao dân trí... Nói về bước tiến đổi mới từ nhận thức đến việc làm, bà con phấn khởi cho biết đó là có sự năng động, sâu sát, gần dân của đội ngũ “cán bộ mang quân hàm xanh” (Quy chế phối hợp giữa Đảng ủy BĐBP tỉnh với huyện ủy các huyện biên giới nhằm củng cố hệ thống chính trị, phát triển KT - XH khu vực biên giới, từ năm 2008 đến nay) và “cán bộ một vai hai việc”. Đó là những “bông hoa” ưu tú của Đảng giải bài toán khó trên vùng núi biên cương để phát triển KT - XH, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Kỳ 1: Bí thư nghe dân nói và làm cho dân giàu từ rừng
Đến xã Huy Giáp (Bảo Lạc), nhiều người sẽ không nghĩ tới nơi rừng thẳm bốn bề sương trắng bao phủ, có gần 90% đồng bào dân tộc Mông, Dao, Nùng... sinh sống xa trung tâm huyện, tỉnh, cả ngày đi đường xe ô tô mà lại có nhiều hộ giàu, mua xe ô tô đi lại tấp nập... Cho đến khi gặp, nghe đồng chí Mã Xuân Hoàn, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Huy Giáp nói: “Bà con dân tộc Dao, Mông nơi đây sống trên tiềm năng rừng, tôi quyết tâm mở hướng cho bà con giàu từ rừng”, gợi cho chúng tôi niềm tin, thực tế về sự năng động, hiệu quả của cán bộ đảm nhiệm hai trọng trách của Đảng và chính quyền xã.
Tinh gọn hành chính, làm việc năm động để gần dân
Tháng 10/2009, đồng chí Hoàn được Huyện ủy Bảo Lạc giao nhiệm vụ mới từ Mô hình thí điểm bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch UBND cấp xã, theo chủ trương nhất thể hóa các chức danh được Trung ương Đảng chỉ đạo tại Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 2/2/2008 về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng chí Hoàn tâm sự: Đảm nhận hai trọng trách là người đứng đầu công tác Đảng và chính quyền xã, công việc nhiều gấp đôi và khó khăn cũng nhiều. Đội ngũ cán bộ xã chưa năng động để làm tốt vai trò tham mưu nên triển khai nhiệm vụ sẽ gặp không ít trở ngại. Xã tuy có thế mạnh phát triển kinh tế rừng nhưng trình độ dân trí đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, địa bàn núi cao chia cắt mạnh cản trở phát triển KT - XH... Phân tích kỹ từng nhiệm vụ với thực tiễn địa phương, tôi cũng tìm ra những ưu thế vai trò lãnh đạo nhất thể hóa (Đảng và chính quyền) để đưa ra phương án triển khai nhiệm vụ hiệu quả. Quan trọng nhất, lãnh đạo, cán bộ phải nghe dân, lấy nguyện vọng của dân làm cơ sở triển khai nhiệm vụ.
Với “vốn, kinh nghiệm” và phẩm cách “nói là làm” của một chủ tịch UBND xã năng động từ trước năm 2009, nên đồng chí Hoàn nhanh chóng phân tích được từng mặt mạnh, yếu của xã để thực hiện một cuộc “cách mạng mới” từ cán bộ xã đến người dân. Đảng lãnh đạo toàn diện, đồng chí Hoàn tiến hành ngay đổi mới cải cách thủ tục hành chính và phong cách lề lối làm việc của cán bộ. Trước hết, gộp họp Đảng và chính quyền nhưng chỉ một nội dung. Thông qua cuộc họp ra quyết định chỉ đạo cụ thể từng khối Đảng và chính quyền. Với cách làm trên đã giảm được nhiều cuộc họp, tránh sự chồng chéo mà lại đạt được tính thống nhất cao. Nếu theo thông lệ cũ, Bí thư lĩnh hội chủ trương của Đảng về lại triệu tập chính quyền, tổ chức đoàn thể họp để thông qua rồi mới triển khai nhiệm vụ, như thế mất nhiều thời gian mà không thống nhất tập trung chỉ đạo.
Phương châm giảm các thủ tục hành chính tại cơ quan để dành thời gian cho cán bộ tăng cường xuống cơ sở tìm hiểu thực tiễn, lắng nghe nguyện vọng của bà con, năm 2010, đồng chí Hoàn phân công mỗi cán bộ (21 người) phụ trách từng bản (19 bản). Cán bộ phải học tiếng Dao, Mông để thường xuyên làm việc trực tiếp với dân, nghe dân phản ánh, định hướng “cầm tay chỉ việc” cho dân. Hằng tháng báo cáo cụ thể tình hình từng xóm trong cuộc họp Đảng ủy và chính quyền xã, có khó khăn vướng mắc gì tháo gỡ ngay. Yêu cầu cán bộ học tiếng Dao, Mông dịch Nghị quyết của Đảng bộ xã sang tiếng Dao, Mông để tuyên truyền cho bà con hiểu được chủ trương của Đảng. Đồng thời tiến hành chuẩn hóa, trẻ hóa đội ngũ cán bộ xã, đáp ứng nhiệm vụ mới (không ít cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đã phải chuyển). Chỉ đạo thí điểm 5 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản và lấy đó làm điểm về thực hiện các mục tiêu KT - XH để các bản khác học tập. Cứ thế các bản học tập nhau, tác động đến từng người dân, từng hộ thành một phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp.
Để nâng cao dân trí, đồng chí Hoàn vừa chỉ đạo cán bộ trực tiếp làm việc, tuyên truyền cho bà con vừa quan tâm giáo dục cho thế hệ trẻ xã. Gạo, tiền hỗ trợ học sinh vùng sâu, vùng xa theo chính sách của Chính phủ không phát về cho gia đình các cháu mà đề nghị giáo viên Trường THCS, Tiểu học, Mầm non xã tổ chức nấu ăn cho các cháu tại trường; xây dựng ký túc xá cho học sinh nghỉ tại trường bằng huy động xã hội hóa. Giải quyết được chỗ ăn, ngủ cho học sinh tại trường theo mô hình bán trú nên thu hút các cháu xa trường đi học ngày một tăng, chăm chỉ học tập... Xã hình thành một lớp thanh niên mới cơ bản từ THCS - THPT, có trình độ văn hóa, tri thức để bắt nhịp với phát triển KT - XH, bỏ dần tập tục lạc hậu...
Nghe ý kiến dân và làm cho dân giàu
Có đội ngũ cán bộ đạt chuẩn, năng động, trình độ dân trí được nâng lên tạo đà cho đồng chí Hoàn tiếp tục tập trung công tác Đảng chỉ đạo xây dựng và triển khai Nghị quyết của Đảng bộ xã vào cuộc sống. Trao đổi về việc ra nghị quyết và chỉ đạo phát triển KT - XH xã, đồng chí Hoàn nói say sưa: Đảng ủy xã quán triệt triển khai Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống bằng việc làm cụ thể với dân bản, từng bản. Xã có thế mạnh về kinh tế rừng nhưng làm như thế nào để phát huy tiềm năng phải tính toán. Vì trình độ dân trí bà con trước đây còn hạn chế. Qua phân tích thực tế từng bản và nghe bà con phản ánh, xây dựng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã phát triển kinh tế, giảm diện tích trồng ngô, chăn nuôi bò (vì không phù hợp) chuyển sang trồng cây trúc sào với công thức: cây trúc sào + cây gỗ công nghiệp + cây ăn quả (mận máu, lê). Chỉ đạo nhân dân làm từng bước vì phát triển kinh tế rừng là cây dài ngày tính theo năm. Trước hết, huy động bà con mở rộng trồng cây trúc sào từ bản gần trung tâm: Pác Trà, Phiêng Pản, Nặm Cốp... đến bản trên núi cao: Pác Lũng, Pù Ngào... Đặc biệt, hộ nghèo được hỗ trợ vốn, giống từ nguồn vốn Chương trình 135, Nghị quyết 30a, Quyết định 120... Trưởng xóm Pác Lũng Triệu Văn Hẩu cho biết: Thực hiện Nghị quyết của xã, tăng diện tích trồng cây trúc, bà con trong bản ai cũng làm theo, khó khăn vướng mắc là có cán bộ đến tháo gỡ ngay... Đối với bản ở núi cao không có đường vận chuyển cây trúc, đồng chí Hoàn đưa ra phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Xã huy động nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu, đồng thời vận động nhân dân tự đóng góp. Các đồng chí lãnh đạo, cán bộ xã xuống họp bàn trực tiếp với bà con, mời cơ quan chức năng đến khảo sát rồi thành lập Ban chỉ huy công trường để triển khai ngay. Bà con phấn khởi, ủng hộ, các bản đua nhau làm đường vượt núi cho xe chở trúc từ bản trên núi ra trung tâm xã vào mùa khô.
Hiện nay, xã có 1.200 ha cây trúc sào, trên 25% hộ thu nhập 100 triệu đồng/vụ từ cây trúc, còn lại là hộ khá, trung bình 30 - 50 triệu đồng/vụ, bình quân 20 triệu đồng/hộ, hộ nghèo giảm 6%/năm. Hộ có tiền mua ô tô, máy xúc, xe máy, xây nhà ngày một nhiều lên. Có kinh tế, được nâng cao dân trí nên huy động bà con làm nhà văn hóa thôn bản, phấn đấu làm hơn 20 km đường nông thôn, góp tiền, vật liệu dựng lớp học bán trú, xây dựng nông thôn mới... đều được bà con hưởng ứng đóng góp, tiết kiệm đầu tư Nhà nước 10 tỷ đồng.
Theo công thức mà đồng chí Hoàn đưa ra, sau cây trúc sào, tiếp tục hướng dẫn bà con trồng cây lấy gỗ công nghiệp và cây ăn quả kinh tế cao. Vì xã còn nhiều rừng cây gỗ tạp không có giá trị kinh tế, lãng phí đất rừng. Đích thân đồng chí Hoàn lái xe đưa cán bộ xã đi học tập tại xã Pác Nặm, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) trồng rừng và trồng cây ăn quả với đới khí hậu và địa hình gần giống xã Huy Giáp. Sau khảo sát bản có rừng gỗ tạp, như: Nà Ca, Bản Ngà, Phiêng Vàng, Khau Trường... triển khai trồng 400 ha cây lấy gỗ công nghiệp, xã hỗ trợ 10 triệu đồng/ha trong 3 năm đầu và hỗ trợ vay vốn, cây giống. 10 bản có độ cao trên 1.000 m sẽ trồng cây mận máu (bản địa) và cây lê (cây giá trị kinh tế cao). Chị Hầu Thị Làn, xóm Phiêng Vàng cho biết: Cây lê Huy Giáp ngon nổi tiếng, quả trên vườn nhà tôi không phải đem đi bán mà thương lái đặt mua từ khi sắp chín với giá 40 - 50 nghìn đồng/kg. Xã có chủ trương cho bà con phát triển trồng lê, tôi thấy rất phù hợp và hưởng ứng ngay.
Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống cùng với vai trò nhất thể hóa của lãnh đạo đứng đầu. Kết quả giải bài toán khó của đồng chí Hoàn hiện lên trước mắt chúng tôi, người dân lái ô tô leo dốc chở trúc sào trên sườn núi, lái máy xúc san đất làm đường... Cứ đà này, xã chẳng mấy thời gian cán đích nông thôn mới của huyện, bởi có nguồn lực kinh tế, trình độ dân trí ngày càng nâng lên. Từ năm 2009 đến nay, từ sự năng động, nhiệt huyết của lãnh đạo đứng đầu Đảng và chính quyền, Huy Giáp trở thành xã điểm về phát triển KT - XH và thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia của huyện.
Trường Hà
Kỳ II: Bí thư “quân hàm xanh” gỡ “núi” khổ xã Đức Hạnh
Gần 20 năm trước (năm 2000), xã biên giới đặc biệt khó khăn Đức Hạnh (Bảo Lâm) là thế giới biệt lập giữa bốn bề núi cao. Bà con Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô... chưa từng biết đến bóng điện, xe ô tô... thế nên xã nổi tiếng bậc nhất về khó khăn: “Xa Yên Thổ, khổ Đức Hạnh”. Khi đó, anh bộ đội biên phòng trẻ Lê Bá Hùng, quê Nghệ An đã băng rừng đến nhận nhiệm vụ tại Tổ công tác Biên phòng Đức Hạnh thuộc Đồn Biên phòng Cốc Pàng. Sau đó (năm 2006 đến nay), anh là cán bộ biên phòng tăng cường đảm nhận chức danh Phó Bí thư, Bí thư, Chủ tịch HĐND xã và đã gỡ “ngoạn mục” trăm cái khổ, cái đói nghèo đeo đẳng đồng bào trên vách núi cheo leo.
Người cán bộ “3 cùng” với bà con
Nói đến “khổ Đức Hạnh” những năm 2000 là việc đi lại nơi đây đến ngựa cũng phải khụy chân, chỉ có đôi chân của bà con, cán bộ, chiến sỹ... bám trên đường núi dựng đứng. Thế nên ai đến Đức Hạnh lên Chè Lỳ A, Chè Lỳ B hay Lũng Mần có thể ví đạt kỳ tích chinh phục đỉnh Phan Xi Păng (Lào Cai). Vì chặng đường từ thị trấn Bảo Lạc - xã Cốc Pàng (Bảo Lạc) - Đức Hạnh (Bảo Lâm) hơn 40 km đường núi dốc đứng, vực sâu thẳm trong rừng hoang vắng. Từ xã Đức Hạnh đi đến 18 bản đều xa từ 10 - 20 km đường núi cheo leo trên vách đá. Như lẽ tự nhiên trẻ con, người già chưa nhìn thấy xe ô tô, xe máy, bóng điện…
Năm 1989, Lê Bá Hùng là chàng thanh niên trẻ mới rời Trường Trung cấp Biên phòng I chưa từng biết “đá tai mèo lởm chởm” nên khi nhận nhiệm vụ đến Tổ công tác Biên phòng Đức Hạnh, anh leo núi đá tai mèo hơn ngày mới đến nơi, đôi chân sưng tấy. Tổ công tác nói là gần trung tâm xã nhưng xa bản mấy ngọn núi. Làm nhiệm vụ vận động quần chúng, đôi chân anh lại leo núi đến bản phồng rộp cả tháng mới đi hết 18 bản trong xã. Đến bản đã khó nhưng khó hơn là bất đồng ngôn ngữ. Vì bà con người Mông, Dao, Nùng, Lô Lô, Sán Chỉ... không biết tiếng phổ thông nên chỉ nói bằng ngôn ngữ riêng. Trường học không dạy anh tiếng dân tộc; không dạy làm thế nào nâng cao nhận thức bà con sống trên núi đá… Chỉ có duy nhất là “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với bà con. Anh gần gũi với dân bản, học tiếng Mông, Tày, Nùng gỡ bỏ rào cản bất đồng ngôn ngữ. Hòa nhập nhanh chóng, anh thông thạo mấy thứ tiếng địa phương, trò chuyện với người già, thanh niên, trẻ nhỏ… hiểu cái khổ, khó của bà con. Anh vận động đồng bào đoàn kết, giúp hộ đặc biệt khó khăn làm nương, cấy lúa, sửa lại nhà, hòa giải mâu thuẫn, mở đường cho trẻ con đi dễ hơn, vận động bà con chăm sóc nương rẫy tốt, canh tác lâu dài, hạn chế chặt phá rừng mới làm nương rẫy. Bồi dưỡng, tạo nguồn đảng viên tại những bản đặc biệt khó khăn, trở thành nhân tố tích cực vận động dân bản xây dựng nếp sống mới.
Từ 1 - 2 năm, rồi 8 năm anh “3 cùng” với bà con, được dân bản yêu quý như người con trong nhà và hoàn thành xuất sắc công tác vận động quần chúng của đơn vị giao cho. Tháng 6/2006, anh được Đồn Biên phòng Cốc Pàng giới thiệu với Đảng ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Tỉnh ủy giao nhiệm vụ tăng cường cho xã Đức Hạnh, đảm nhận chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã Đức Hạnh. Nhớ lại ngày biết tin anh nhận quyết định về làm cán bộ xã, Sần A Giàng trước đây là Trưởng bản Chè Lỳ A xúc động nói: Khi được tin bộ đội Hùng về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã, cái bụng dân bản ưng lắm! Hùng không chê dân bản nghèo khó lên đây làm con của bản, nói tiếng Mông, Nùng, Tày rất giỏi. Việc khó đến mấy Hùng cũng không quản ngại, hướng dẫn bà con chăm bón đất nương rẫy tốt trồng ngô lâu dài, làm nhà to kiên cố..., nên dân bản mới yên tâm định cư không đi hết núi này sang núi khác làm nương.
Gỡ “núi” khổ cho bà con thoát nghèo, lạc hậu
Nhận nhiệm vụ Phó Bí thư (2006), rồi Bí thư Đảng ủy xã Đức Hạnh (2010 đến nay) là cả một núi khổ và trăm khó đặt lên vai anh. Cái khổ chồng chất như núi đè nặng lên đời sống bà con bởi xã nhiều không: Không đường to, không nước, không điện, không đủ cái ăn, trẻ em không muốn đi học vì trường quá xa nhà, người lớn không biết chữ… Đói nghèo và lạc hậu siết chặt lấy đời sống bà con cùng với nhiều tập tục, đẻ nhiều, tảo hôn, không tiếp cận với chăm sóc sức khỏe.
Đời sống dân bản đói nghèo, lạc hậu đã thế, đội ngũ cán bộ xã đa phần tuổi cao, trình độ chưa đạt chuẩn văn hóa. Đồng chí Dương Văn Ngấn (nay là Chủ tịch UBND xã) là người duy nhất có đủ tiêu chuẩn giữ lại để đào tạo chuẩn hóa trình độ, tâm sự: Do trình độ, năng lực hạn chế nên trước đây cán bộ xã làm việc cẩu thả. Hầu như chỉ làm việc vào ngày chợ phiên của xã nên các văn bản, chế độ, chính sách cấp trên triển khai xuống chất đống trên bàn. Yếu kém, quá tuổi lại cố vị nên khi vận động về nghỉ thì họ bảo thủ. Nếu để tình trạng đội ngũ cán bộ xã trì trệ, yếu kém thì không thể giúp bà con thoát nghèo được. Đồng chí Hùng tâm sự: Cán bộ xã là lo trước cái lo của dân, thấy khó không nản, thấy việc làm ngay, “cán bộ nào phong trào ấy”. Phải quyết tâm tiến hành trẻ hóa, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ xã, xây dựng tổ chức Đảng ở cơ sở và tổ chức đoàn thể đến khắp các bản hoạt động hiệu quả thì mới có thể gỡ nghèo đói và lạc hậu cho bà con.
Đồng chí Hùng đã khéo léo thuyết phục và vận dụng chính sách linh hoạt về công tác cán bộ, để cán bộ không đủ trình độ, quá tuổi về nghỉ. Giải quyết tế nhị không để xảy ra mâu thuẫn, mất đoàn kết. Quyết liệt thực hiện chuẩn hóa, trẻ hóa đội ngũ cán bộ xã. Tuyển mới cán bộ trẻ năng động, nhiệt huyết và chuẩn về trình độ chuyên môn. Từ năm 2006 - 2012, cơ bản cán bộ xã được trẻ hóa, chuẩn hóa, 97% có trình độ trung cấp, đại học, tuổi đời từ 20 - 45. Xây dựng nội quy, quy định cơ quan, đổi mới lề lối, tác phong làm việc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tăng cường cán bộ xã xuống sinh hoạt tại các bản để bồi dưỡng quần chúng ưu tú phát triển đảng viên, xóa xóm chưa có đảng viên. Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho trên 200 lượt quần chúng ưu tú, tổ chức kết nạp hơn 100 đảng viên mới, 19 bản có chi bộ, tách và thành lập được 4 chi bộ xóm. Củng cố kiện toàn 5 tổ chức đoàn thể của xã; 79 tổ chức đoàn thể thôn, bản đi vào hoạt động hiệu quả.
Thay mới được đội ngũ cán bộ xã, xây dựng được tổ chức đoàn thể, chi bộ ở các bản, anh có thêm sức mạnh để thực hiện tâm nguyện gỡ “núi khổ” về nghèo đói, lạc hậu cho bà con. Khó khăn kinh tế - xã hội của xã, anh thường xuyên báo cáo lên huyện, các sở, ngành chức năng nắm rõ tình hình và đề nghị ưu tiên các chính sách hỗ trợ, đầu tư của Đảng, Nhà nước.
Với những đổi mới trọng tâm trên, cán bộ xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới với tinh thần quyết tâm cao, bà con đã được hưởng chế độ, chính sách nhận tiền, gạo cứu đói, bảo hiểm y tế… Từ nguồn vốn các chương trình 135, 134, 120, 30a… hàng tỷ đồng được triển khai xây cầu, làm nhà, xây dựng công trình nước sinh hoạt, mở đường to qua núi cao tới bản làng… Còn dân bản hưởng ứng tham gia hàng chục nghìn công lao động, hiến trên 40.000 m2 đất để mở gần 100 km đường vượt lên núi cao cho xe máy, ô tô đến các thôn bản. Các trường, lớp học thôn bản được xây dựng thu hút trẻ em đi học. Theo Bí thư Hùng, để giữ chân đồng bào định cư thì phải hỗ trợ làm nhà kiên cố, mở lớp học tại bản, làm đường đến các bản từ dễ đến khó, xây dựng công trình nước sạch... Anh Dương Văn Luân, Trưởng bản Cà Pẻn B tâm sự: Những năm qua, người Lô Lô yên tâm định cư vì được hỗ trợ làm nhà, có đường to dễ đi, trẻ con học gần bản, nếu bỏ đi chỗ khác thì mất tất cả.
Cùng với giải quyết cơ bản xây dựng hạ tầng cơ sở, anh tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế cho bà con. Chỉ đạo cải tạo, khai phá mới ruộng bậc thang, hạn chế phá rừng làm nương rẫy, nương rẫy trồng ngô giống mới chịu hạn và xen canh các loại đậu đỗ để tạo màu. Chú trọng phát triển kinh tế rừng và chăn nuôi bò phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác với công thức: “cây hồi + sa mộc + cỏ voi” và “phát triển đàn bò + chăn nuôi dê”. Cán bộ xã trực tiếp “cầm tay chỉ việc” đến từng thôn bản, hỗ trợ cấp phát giống, hướng dẫn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế… 1 - 2 năm đầu bà con bỡ ngỡ nhưng có sự tận tình hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn của cán bộ xã, tổ chức đoàn thể xã, thôn bản nên bà con nhanh chóng bắt nhịp với làm ăn mới, học tập nhau chăn nuôi bò, dê, lợn, gà và trồng rừng… Đời sống bà con được nâng lên, có nhà kiên cố để ở, đường đi lại dễ dàng. Trong nhà có ngô, gạo đầy bồ không còn lo đói.
Bây giờ Đức Hạnh đã khác xưa nhiều bởi cái khổ, cái khó được Bí thư Hùng lãnh, chỉ đạo, tập hợp, đoàn kết đội ngũ cán bộ xã, đảng viên, tổ chức đoàn thể gỡ dần bằng triển khai hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bản nào cũng có đường xe máy, ô tô, nhà kiên cố. Con đường khó nhất từ bản Chè Lỳ A - Chè Lỳ B rồi lên Lũng Mần cao hàng nghìn mét (giáp đỉnh Sơn Vĩ, Hà Giang) đã có đường ô tô vượt lên núi. Nhiều ngôi nhà kiên cố mọc lên với nương ngô, rừng hồi, sa mộc xanh tươi. Con đường mở lên Lũng Mần để chở vật liệu xây trường học, làm nhà kiên cố cho hàng trăm hộ dân, xây hồ chứa nước hàng 1.000 m3 được ví như kỳ tích của xã; giảm 4 - 5% hộ nghèo/năm, năm 2012 - 2017 giảm 26% hộ nghèo.
Công cuộc gỡ khó và đổi mới của xã Đức Hạnh vẫn đang tiếp tục triển khai cùng với một lớp thế hệ thanh niên là con em đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô được học tập có trình độ văn hóa sẽ tiếp tục đảm nhận. Còn với Bí thư quân hàm xanh Lê Bá Hùng vẫn không ngừng đau đáu: “Đức Hạnh khổ lắm, làm được việc gì cho đồng bào đỡ khổ thì tôi mới bớt khổ tâm”.
Trường Hà
Kỳ cuối: Bí thư “3 trong 1” viết bài ca đổi mới nơi tuyến đầu Tổ quốc
Nhắc đến đồng chí Mê Văn Đạt, Bí thư Đảng ủy xã biên giới Đàm Thủy (Trùng Khánh), bà con nơi đây gọi anh với cái tên thân mật “Bí thư 3 trong 1” và giải thích: Bí thư Đạt là cán bộ Đồn Biên phòng Đàm Thủy được tăng cường về xã, giữ chức danh Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã. Anh là cán bộ nhiệt huyết, năng lực, linh hoạt nên ở cương vị nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đưa xã biên giới khó khăn, an ninh chính trị phức tạp trở thành xã điểm của huyện trong công cuộc đổi mới.
Cán bộ giải quyết phức tạp cơ sở từ thấu hiểu lòng dân
Theo lời bà con, chúng tôi xuống xóm Lũng Phjắc - địa bàn phức tạp về an ninh năm 2006 - 2007, khi Thượng tá Đạt mới được tăng cường về xã giữ chức danh Bí thư Đảng ủy xã. Nhớ lại những năm xóm Lũng Phjắc phức tạp về an ninh trật tự do đào quặng trái phép, nguyên Bí thư chi bộ Hoàng Văn Bột, xóm Đội 2, Lũng Phjắc kể: Những năm đó, thấy nhiều nơi dưới chân núi có quặng, gần 250 hộ dân rộ lên phong trào đào quặng trái phép đi bán sang Trung Quốc với cách đơn giản chất quặng lên lưng con ngựa, con la không cần người dắt (vì ngựa, la chỉ cần hướng dẫn dắt đi một lần là chúng tự nhớ đường cũ) vượt qua biên giới khuất sâu trong núi để bán. Thế nên, chính quyền xã khó kiểm soát…
Đào quặng bán được tiền ngay, thấy lợi trước mắt dân bản đua nhau bỏ hoang ruộng màu mỡ đi đào quặng, tình hình an ninh trật tự diễn ra phức tạp. Chức danh bí thư, trưởng xóm, tổ chức đoàn thể... không hoạt động vì không phát huy vai trò. Vấn đề của Lũng Phjắc, Tỉnh ủy lần đầu tiên phải ra chỉ thị để củng cố xây dựng hệ thống chính trị, phát triển KT - XH cấp thôn, bản. Theo cân nhắc, lựa chọn của lãnh đạo tỉnh và tham mưu của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh cần có cán bộ biên phòng linh hoạt, năng động làm tốt công tác dân vận tăng cường để giúp đỡ cấp ủy, chính quyền xã chấn chỉnh, vận động, ổn định lại tình hình Lũng Phjắc. Đồng chí Mê Văn Đạt từ Trưởng ban Hành chính (nay là Chánh Văn phòng) Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh được chọn làm cán bộ tăng cường về giữ chức danh Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy.
Lũng Phjắc đang “thời điểm nóng”, bà con thấy có Bí thư Đảng ủy xã Mê Văn Đạt cùng cán bộ huyện xuống bản cùng ăn, cùng ở với bà con. Đồng chí Bột cho biết thêm: Ngày đó tôi cũng thường đi đào quặng. Có một hôm tôi đang ở nhà, thấy Bí thư Đạt đến. Trong đầu tôi nghĩ “Cán bộ xã lại vận động dân mấy câu, chứ có giúp gì được đâu, mình cứ lạnh lùng, ừ à cho qua”. Nhưng khi gặp Bí thư Đạt, anh ân cần hỏi thăm tình hình cuộc sống gia đình, rồi những lời lẽ phân tích của Bí thư như làm tôi bừng tỉnh trong cơn u mê, tôi liền gọi bà con sang nhà để nghe Bí thư nói chuyện. Sự tận tâm, gần gũi, phân tích thấu tình đạt lý của Bí thư Đạt đã làm bà con nhận ra sai lầm. Hơn nữa, Bí thư “nói và làm”, chỉ đạo mở lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, cấp giống cây, con cho dân bản phát triển nông nghiệp, thanh niên, học sinh tích cực đi học. Bí thư Đạt cùng đội ngũ cán bộ gần dân, hiểu dân, tận tình tháo gỡ mọi việc. Thế nên bà con ổn định tư tưởng, làm tắt “điểm nóng” khai thác quặng. Sau thời gian ngắn, các chức danh, đoàn thể xóm được xây dựng lại đi vào hoạt động nền nếp. Lũng Phjắc bình yên trở lại. Tôi được bồi dưỡng, giới thiệu vào Đảng, làm Bí thư Chi bộ Đội 2.
Người đứng đầu năng động và đổi mới
Với phẩm cách của cán bộ luôn nắm sát cơ sở, mềm dẻo, linh hoạt và quyết đoán trong công việc, năm 2010, Ban Tổ chức Tỉnh ủy chọn đồng chí Mê Văn Đạt thực hiện thí điểm Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã (toàn tỉnh thí điểm 5 xã, phường, thị trấn). Để đáp lại tình cảm, niềm tin yêu của bà con và cấp trên giao phó, anh lại tiếp tục đưa xã Đàm Thủy đổi mới mạnh mẽ dẫn đầu về phát triển KT - XH, xây dựng nông thôn mới, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển du lịch, giữ gìn an ninh trật tự biên giới…
Cán bộ không ngại việc mà thấy khó không nản, phải nghĩ phương án giải quyết. Đồng chí Đạt tâm sự: Sau khi giải quyết xong điểm nóng Lũng Phjắc, Đàm Thủy vẫn là xã KT - XH chậm phát triển, còn nhiều mặt yếu kém. Đội ngũ cán bộ xã đa số không đạt chuẩn nên không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Anh thực hiện “trẻ hóa, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ”. Rà soát thanh niên trong xã hoàn cảnh khó khăn, đã học trung học, cao đẳng, đại học nhưng chưa xin được việc mời vào làm cán bộ xã. Cán bộ xã còn trẻ tạo điều kiện đi học cao đẳng, đại học. Lớp cán bộ tuổi cao, chưa qua đào tạo vận động về nghỉ. Đến năm 2010 - 2012, xã có 80 - 90% cán bộ trẻ, trong đó 6 cán bộ có trình độ đại học các chuyên ngành Luật, Khoa học tự nhiên, nông lâm... Được Tỉnh ủy đánh giá là xã có đội ngũ cán bộ trẻ nhất trong tỉnh. Có đội ngũ cán bộ xã trẻ năng động, anh có thêm sức mạnh, phân công nhiệm vụ rõ ràng để tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ. Đặc biệt chú trọng chỉ đạo, giao nhiệm vụ từng cán bộ phụ trách từng xóm làm việc với bà con, bồi dưỡng, phát triển đảng viên và tăng xóm có chi bộ. Từ năm 2007 - 2010, 100% xóm có đảng viên và chi bộ, hoàn thành trước thời gian kế hoạch Tỉnh ủy giao. Trong đó, Lũng Phjắc thành lập mới 3 chi bộ. Cuộc “cách mạng đổi mới” về trẻ hóa, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ xã và xóa xóm chưa có đảng viên của xã hoàn thành sớm nhất trong toàn tỉnh giai đoạn 2007 - 2010.
Nói về vai trò đảng viên, tổ chức đoàn thể xóm được phát huy, ông Nông Đình Đáp, xóm Lũng Niếc cho biết: Trước đây, sự chỉ đạo từ xã đến xóm rất lỏng lẻo, tổ chức Đảng cơ sở, đoàn thể hầu như không hoạt động gì. Từ khi có Bí thư Đạt chỉ đạo, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước được cán bộ xã triển khai đến người dân. Hoạt động của tổ chức đoàn thể xóm, bản sôi nổi, khơi dậy tinh thần đoàn kết trong nhân dân. Bà con cùng nhau góp tiền, công lao động làm đường bê tông, xây nhà văn hóa, làm kênh mương phục vụ sản xuất…
Bí thư Đạt chia sẻ: Thực hiện chế độ một thủ trưởng, nên công việc rất nhiều. Việc chính quyền, tôi trực tiếp nắm tình hình và thông qua Đảng ủy để chỉ đạo và ra nghị quyết luôn. Thường xuyên rà soát lại từng việc, việc nào làm được và chưa được để chỉ đạo triển khai giải quyết. Dành phần lớn thời gian cùng cán bộ xã đi xuống xóm, bản triển khai công việc, nắm tình hình với bà con. Công việc được triển khai khoa học… Có lẽ, đấy là phẩm chất tiêu biểu cho thế hệ cán bộ mới thực hiện chế độ một thủ trưởng. Điều đó được thể hiện rõ nét hơn khi anh biết việc xây dựng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Đàm Thủy lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2010 - 2015 và chương trình trọng tâm được anh khởi thảo từ tìm hiểu tình hình các xóm, bản. Với hơn 5.000 dân, lực lượng lao động trẻ của xã biên giới chưa được phát huy, an ninh trật tự phức tạp. Anh đã thông qua Đảng ủy xã xây dựng chương trình trọng tâm: Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; phát triển KT - XH vùng biên giới; quốc phòng - an ninh để xã biên giới có tổ chức chính trị vững vàng, đoàn kết, giữ gìn an ninh biên giới. Đất nông nghiệp xã được quy hoạch lại để trồng cây phù hợp với từng xóm. Gần 90% số xóm được đầu tư xây kênh mương để trồng lúa hai vụ, thâm canh cây ngô, đỗ, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Lũng Phjắc xưa bỏ ruộng đào quặng nay phát triển nông nghiệp, chăn nuôi mạnh nhất. Xã trở thành xã điển hình trong huyện về triển khai trồng lúa 2 vụ, giảm hộ nghèo trên 5%/năm, giá trị sản xuất canh tác trên đất nông nghiệp 27 triệu đồng/ha; được huyện chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới; thành lập và duy trì 18 ban an ninh tự quản, 78 tổ liên gia và dòng họ tự quản. Bà con cùng BĐBP tuần tra biên giới, cung cấp nhiều nguồn tin quan trọng cho đồn Biên phòng, công an về trấn áp, bắt tội phạm qua biên giới, ma túy... Nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ xã được Tỉnh ủy tặng Bằng khen.
Giai đoạn 2016 - 2020, đồng chí Đạt và cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục xây dựng các chương trình phát triển KT - XH của xã với trọng tâm phát triển tiềm năng du lịch gắn với Chương trình trọng tâm của Tỉnh ủy về Phát triển du lịch Cao Bằng; triển khai Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 9/1/2015 về việc "Tổ chức phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới". Với sự năng động của Bí thư Đạt, Đảng bộ và nhân dân xã đang tích cực tạo động lực mới cho xã phát triển KT - XH, góp phần tích cực giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trên tuyến biên giới Việt - Trung. Đàm Thủy sẽ là điểm đến hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước.
Trường Hà