Khi Đảng ở trong tim

Bài 1: Xin vào Đảng trong hơi thở cuối cùng

Suốt chặng đường lãnh đạo 90 năm qua, Đảng vẫn luôn là niềm tự hào của dân tộc, được nhân dân tin cậy. Thế nên, được đứng chân vào hàng ngũ của Đảng không chỉ là bước ngoặt quan trọng, mà còn là niềm khát khao phấn đấu vì lý tưởng, là niềm tự hào, là dấu ấn không thể phai mờ trong tâm khảm mỗi người. Nỗ lực phấn đấu để trở thành đảng viên gương mẫu, đi đầu trong học tập, lao động, chiến đấu… không chỉ là phương châm, mà còn là lẽ sống, là cách thể hiện niềm tin vào lý tưởng cao đẹp.


Chú Nguyễn Văn Hinh xúc động kể lại câu chuyện của Liệt sĩ Giang Thọ Kim xin vào Đảng trong hơi thở cuối cùng tại buổi Họp mặt giao lưu kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2009), do Tỉnh đoàn tổ chức ngày 6-5-2009.

Dù đã hơn 10 năm trôi qua, nhưng câu chuyện kể của cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Hinh về một chiến sĩ Tiểu đoàn 309 Anh hùng, xin vào Đảng trong hơi thở cuối cùng vẫn còn day dứt mãi không nguôi. Câu chuyện ấy đã được chúng tôi kể lại trong số báo đặc biệt chào mừng kỷ niệm 35 năm Ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2010). Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2020), chúng tôi xin được kể lại câu chuyện trên một lần nữa, nhằm đưa câu chuyện cảm động này đến với nhiều bạn đọc hơn, qua đó giúp thế hệ hôm nay, nhất là thế hệ trẻ không ngừng nỗ lực phấn đấu vì lý tưởng cao đẹp của Đảng…

Ngày 6-5-2009, Tỉnh đoàn Tiền Giang tổ chức Họp mặt giao lưu kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 -7-5-2009). Câu chuyện về Liệt sĩ Giang Thọ Kim được chú Nguyễn Văn Hinh (ấp Long Hưng, xã Long Chánh, TX. Gò Công) kể trong nỗi bồi hồi, xúc động. Có lúc giọng chú Hinh tắc nghẹn lại trong cổ. Đôi mắt của người CCB đã bước vào tuổi 80 ngấn nước, nhạt nhòa, vì những giọt nước mắt hiếm hoi như được vắt ra từ thẳm sâu trong ký ức được dồn nén bởi những hình ảnh về một giai đoạn lịch sử “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ máu trộn bùn non” đầy khốc liệt nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc. Cả hội trường lặng im phăng phắc. Tất cả các ánh mắt đều đổ dồn về phía những lời kể nấc nghẹn… 

Chú Nguyễn Văn Hinh (sinh năm 1930) thoát ly tham gia cách mạng năm 1947, ở các Tiểu đoàn 305 và 309. Năm 1954, chú Hinh tập kết ra Bắc, đến năm 1970 chú về Nam, vào chiến trường, với vai trò là Chính trị viên Tiểu đoàn; Phó Chủ nhiệm Chính trị, Quyền Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 15 - bộ đội Trường Sơn. Đến năm 1976, chú Hinh làm Phó Chính ủy Trường Công nhân kỹ thuật thuộc Tổng cục Kỹ thuật, Quân đội nhân dân Việt Nam… Năm 1989, chú Hinh nghỉ hưu và tiếp tục tham gia công tác ở quê nhà, giữ các chức vụ: Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Long Chánh, Chủ tịch Hội CCB xã, Phó Bí thư Đảng ủy xã Long Chánh, Phó Chủ tịch Hội CCB TX. Gò Công.

“CHO… TÔI… XIN… VÀO… ĐẢNG”

Sáng 24-2-1954, địch từ Tân An (tỉnh Long An) tiến vào Hiệp Thạnh (miễu Bà Cố, Vàm Cỏ, nay là huyện Châu Thành, tỉnh Long An) theo lộ 12, với ý đồ phản kích vì thất bại trong trận đánh ở Vĩnh Công hôm trước (ngày 23-2-1954). Đối phó với địch, ta chủ động bố trí Đại đội 939 phục kích địch chính diện. Đại đội 941 phục kích đánh xuyên hông. Trung đội Vàm Cỏ có nhiệm vụ khóa đuôi chặn đường rút lui của địch. Lúc ấy, chú Hinh là Tiểu đội phó, Tiểu đoàn 309, Tỉnh đội Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Tiểu đội của chú Hinh nằm trong đội hình của Đại đội 941. Đợi địch tiến sâu vào địa hình của ta phục kích, đến khoảng 9 giờ ngày 24-2-1954, các đội hình đồng loạt nổ súng tấn công. Các anh em trong tiểu đội của chú Hinh đang xung phong mạnh mẽ, hào hứng thì Tiểu đội trưởng Tư Đường ngoắt tay kêu chú Hinh lại. Khi chú Hinh chạy đến thì Tiểu đội trưởng ra lệnh: “Đồng chí đưa Giang Thọ Kim về trạm cấp cứu!”. Chú Hinh cùng anh em trong tổ tải thương đưa Giang Thọ Kim về trạm cấp cứu, cách trận địa khoảng 100 m.

Lúc ấy chú Hinh không kịp quan sát vết thương của Kim, chỉ cố làm sao đưa anh về đến trạm cấp cứu thật nhanh để đội ngũ y tá sơ cứu vết thương, còn mình thì kịp trở lại trận địa. Đến khi giao cho trạm cấp cứu, chú Hinh mới nhìn thấy vết thương của Kim. Một viên đạn đã ghim thẳng vào trán của anh. Do vết thương quá nặng, Kim đã dần hôn mê khi về đến trạm cấp cứu. Là người lính, nhìn vết thương của đồng đội, chú Hinh biết Kim không thể tiếp tục chiến đấu với anh em được nữa. Chú Hinh chợt nghĩ, là chiến sĩ cách mạng thì chuyện hy sinh là điều khó tránh khỏi. Nhưng có lẽ, tâm nguyện cuối cùng của anh bộ đội trước khi ngã xuống, chắc ai cũng muốn nhắn gửi đôi lời về cho cha mẹ của mình - những người đang ngày đêm mong đợi tin con từ nơi chiến trường ác liệt. Nghĩ vậy, tranh thủ lúc Kim còn chút hơi sức cuối cùng, chú Hinh lay anh thật mạnh hỏi:

- Kim ơi! Kim có nhắn gì về cho cha mẹ không? Có muốn nói với chúng tôi điều gì không!?

Chú thầm nhủ, nếu Kim có nhắn gửi gì với gia đình thì trong số anh em đồng đội, ai còn sống thì sẽ có nhiệm vụ chuyển lời nhắn ấy cho gia đình của anh. Nhưng Kim không nói gì, mắt nhắm nghiền, nước bọt từ trong khóe miệng trào ra. Chú Hinh tiếp tục lay anh thật mạnh và lặp lại:

- Kim ơi! Kim có nhắn gì về cho cha mẹ không? Có muốn nói với chúng tôi điều gì không!?

Anh vẫn không nói lời nào. Mặt trận vẫn còn đang ác liệt ở phía trước. Không thể chờ được nữa, không thể bỏ mặc đồng đội ở phía trước, chú Hinh khoác súng đứng lên để trở lại địa hình chiến đấu cùng đồng đội. Ngay trong khoảnh khắc ấy, Kim đột ngột gồng người, máu từ trong miệng phún ra, tay, chân anh quều quào như tìm kiếm… Chú Hinh dừng lại bên người đồng đội đang cận kề bên lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết. Anh dốc hết hơi sức cuối cùng để nói với chú Hinh, giọng đứt quãng nhưng rõ ràng từng tiếng một:

- Anh… Hinh…, cho… tôi… xin… vào… Đảng!

Phút cuối cùng, anh dành cho Đảng. Chú Hinh lặng người, xúc động. Bởi trong hơi thở cuối cùng người chiến sĩ cách mạng kiên cường ấy đã gác tình riêng, dành tình cảm thiêng liêng cho Đảng, cho khát khao lý tưởng cao đẹp. Lúc ấy chú Hinh đã là đảng viên, nên chú hứa sẽ đề đạt ý nguyện của Kim trước Đảng. Sau lời cuối cùng ấy, anh hôn mê sâu rồi mãi mãi nằm lại trên quê hương Vàm Cỏ ở tuổi đôi mươi.

Chú Hinh trở lại trận địa, gặp Tiểu đội trưởng nói lại nguyện vọng xin vào Đảng của Kim. Dù chưa phải là một đảng viên, nhưng sự kiên trung, tình cảm thiêng liêng của Kim dành cho Đảng thật cao quý, đẹp đẽ và đáng trân trọng biết bao. Với chú Hinh, Kim là người đồng đội, người đồng chí, người đảng viên rất đáng để tự hào và học tập. Kết thúc câu chuyện kể, chú Hinh bùi ngùi, giọng nấc nghẹn: “Kim ơi, tôi mãi mãi nợ Kim một lời hứa…!”. Cả hội trường trong buổi họp mặt như vỡ òa cùng với những lời nấc nghẹn ấy của chú, nhiều ánh mắt rưng rưng…

KHẮC GHI LÝ TƯỞNG CAO CẢ

Hàng trăm CCB và đoàn viên, thanh niên có mặt trong buổi Họp mặt giao lưu kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2009) dâng trào cảm xúc, có cảm giác như bị nén lại, thật chặt. Những bàn tay khô gầy, nhăn nheo kéo khăn lên lau mắt. Chú Hinh cho biết, chú đã kể câu chuyện này nhiều lần cho đoàn viên, thanh niên nghe, nhưng lần nào cũng không kềm được xúc động, không kềm được nước mắt.

Cuộc kháng chiến chống Pháp rồi đến chống Mỹ đã kết thúc. Chiến tranh đã lùi xa 35 năm (1975 - 2010), nhưng câu chuyện về người đồng đội Giang Thọ Kim trước lúc hy sinh còn gắng gượng nói lên lý tưởng của mình trong hơi thở cuối cùng thì vẫn không thể phai mờ trong tâm khảm của người CCB 58 năm tuổi Đảng, mang quân hàm Trung tá: Nguyễn Văn Hinh. Chiến công oanh liệt của bộ đội trong trận đánh Hiệp Thạnh đã được dựng bia chiến tích. Đã vài lần chú Hinh và đồng đội trở lại thăm Hiệp Thạnh. Trong chiến tích oai hùng của Tiểu đoàn 309, người Tiểu đội phó tham gia trận đánh năm nào đã bước vào tuổi 80 (thời điểm năm 2010 khi chúng tôi tìm về TX. Gò Công để gặp chú) ước nguyện có một ngày sẽ quay lại Hiệp Thạnh, đặt chân lên nơi Kim đã nằm xuống. Chú Hinh bùi ngùi: “Nơi Giang Thọ Kim hy sinh có thể dựng bia và ghi lại lời nói cuối cùng của anh để khắc ghi lý tưởng cao cả của người chiến sĩ cộng sản trẻ; đồng thời, để giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau”.

Dù chiếc ví đan bằng bàng là kỷ vật của Giang Thọ Kim tặng, chú Hinh không giữ được do phải thường xuyên di chuyển trong kháng chiến, nhưng chú vẫn mong tìm được người thân, họ hàng của Kim để kể cho họ nghe về câu chuyện trước lúc hy sinh của anh. Chú Hinh còn nhớ rõ, Giang Thọ Kim khai quê quán ở thị trấn Cai Lậy (nay là TX. Cai Lậy), nhưng vì tuổi cao, sức yếu nên chú không thể về Cai Lậy để tìm kiếm người thân, họ hàng của anh.

Để thực hiện tâm nguyện của chú Hinh, năm 2010 chúng tôi đã 2 lần tìm gặp cán bộ phụ trách LĐ-TB&XH của thị trấn và huyện Cai Lậy (nay là TX. Cai Lậy), rồi đến Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Cai Lậy (nay là Nghĩa trang Liệt sĩ Cai Lậy) nhưng đều không có kết quả. Vì thời gian gấp rút để kịp giới thiệu bài viết trên số báo đặc biệt kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2010), nên chúng tôi không kịp mở rộng địa bàn tìm kiếm họ hàng của Liệt sĩ Giang Thọ Kim. Và 10 năm qua kể từ ngày bài báo được giới thiệu đến độc giả, chúng tôi vẫn luôn hy vọng có một ngày thân nhân của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, chiến đấu đến cùng cho lý tưởng cách mạng sẽ liên hệ để chúng tôi làm cầu nối cho họ gặp chú Hinh (nay đã bước sang tuổi 90), người đã chứng kiến giây phút cuối cùng của Liệt sĩ Giang Thọ Kim, nhưng…

Nay xin được phép kể lại câu chuyện này một lần nữa, không chỉ để giúp cho thế hệ trẻ hôm nay nuôi dưỡng khát khao về lý tưởng cao đẹp của Đảng, của cách mạng, mà chúng tôi còn mong người thân của Liệt sĩ Giang Thọ Kim sẽ nối tiếp thông tin, tự hào và vun đắp thêm để câu chuyện về người chiến sĩ cách mạng kiên trung, chiến đấu vì lý tưởng của Đảng đến hơi thở cuối cùng được trọn vẹn hơn. 

Bài 2: Đảng dắt tay dẫn đường

Từ một cô bé mới học hết lớp 3 trường làng, tham gia du kích xã khi vừa bước sang tuổi 14, sau đó được cử đi học cứu thương, y tá, y sĩ, bác sĩ, được kết nạp vào Đảng, rồi trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú…, đó là cả một quá trình mà cô Lê Thị Hiếu Tâm (ảnh dưới) không ngừng nỗ lực phấn đấu. Trong quá trình ấy, cô bảo là nhờ có Đảng dắt tay dẫn đường…


Trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống, từ phường 1, Anh hùng LLVT, Thầy thuốc Ưu tú, nguyên Trưởng ban Quân y Tỉnh đội Tiền Giang Lê Thị Hiếu Tâm về sống trong con hẻm sâu ở ấp 4, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho. Đập vào mắt chúng tôi khi bước vào nhà cô là 2 chiếc tủ thờ trang trọng, bên phải là tủ thờ di ảnh Bác, bên trái là tủ thờ di ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cô giải thích, từ ngày tham gia cách mạng luôn có Đảng, có Bác dẫn đường nên cô khắc ghi trong lòng, xem đó là tình cảm thiêng liêng.

ĐI TÌM LÝ TƯỞNG

62 năm trôi qua, hình ảnh về người Anh hùng liệt sĩ Năm Nghé tự bứt ruột mình, chấp nhận hy sinh để giữ vững khí tiết vẫn luôn hiển hiện trước mắt người Anh hùng LLVT Lê Thị Hiếu Tâm. Năm 1958, cơ sở cách mạng ở xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo bị lộ, giặc ập vào xả súng vào hàng ngũ của ta.

Anh Năm Nghé trọng thương ở bụng, bị giặc bắt, băng bó vết thương, quyết tâm cứu sống anh hòng khai thác thông tin. Dọc đường bị giải đi, lợi dụng lúc địch sơ hở, anh Năm Nghé tháo băng, tự moi ruột ra bứt từng đoạn, rồi hô to: “Đả đảo Ngô Đình Diệm! Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”. Tận mắt chứng kiến sự kiên trung và khí phách anh hùng của người chiến sĩ cách mạng, Hiếu Tâm (lúc ấy mới 12 tuổi) về nhà cứ theo hỏi cha: “Hồ Chí Minh là ai mà anh Năm Nghé hô vang tên của ông vậy ba?”. Ba của cô cũng là một đảng viên, vuốt đầu con bảo: “Mai mốt con lớn sẽ biết!”.

Từ lời nói ấy của cha, 2 năm sau (năm 1960), khi mới 14 tuổi, cô Hiếu Tâm tham gia du kích xã Bình Ninh để “đi tìm hiểu xem Hồ Chí Minh là ai?”. Tuổi nhỏ, nhưng cô sớm thể hiện phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, giao việc gì cũng hoàn thành xuất sắc, được lãnh đạo đơn vi tin tưởng. Đến năm 1963, cô được tổ chức cử đi học lớp cứu thương để phục vụ cho công tác quân y, vì chiến trường lúc ấy đang ác liệt, lực lượng của ta bị thương vong là điều không thể tránh khỏi. Vừa học xong lớp cứu thương về thì bộ đội đánh đồn Thạnh Nhựt, huyện Chợ Gạo. Trong trận ấy, Đại đội trưởng Bảy Đen (Anh hùng LLVT Đặng Minh Nhuận, tức Bảy Đen, người chỉ huy trận Ấp Bắc lịch sử vào ngày 2-1-1963) hy sinh và nhiều đồng chí khác bị thương. 

Sau trận đánh đồn Thạnh Nhựt, cô quân y vừa bước sang tuổi 17 Lê Thị Hiếu Tâm được giao một nhiệm vụ hết sức quan trọng, vượt quá khả năng độ tuổi của mình, đó là chuyển 3 thương binh nặng về Trạm xá tỉnh ở xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, trong khi trời dần hửng sáng, tàu địch càn quét dày đặc trên sông Tiền. Nếu không chuyển các thương binh về tuyến sau để điều trị kịp thời thì chắc chắn các anh sẽ hy sinh.

Còn chuyển thì bằng cách nào? Tàu giặc từ hướng Mỹ Tho đang ùn ùn thẳng tiến về hướng Chợ Gạo. Chỉ cần thiếu bình tĩnh, quyết định sai một chi tiết nhỏ thôi là có thể ảnh hưởng đến sinh mạng của nhiều người. Không có nhiều thời gian để suy nghĩ, cô quyết định cùng với một thương lái đóng làm cha con chở dừa và chuối đi chợ Mỹ Tho bán, rồi vòng qua tỉnh Bến Tre, đi ngược xuống Gò Công.

Khi đối diện với tàu địch đi tuần tra, kiểm soát, cô đã bình tĩnh, mưu trí cặp ghe lại, xách quày dừa nạo quăng qua “biếu các anh mang về uống chơi”, trong khi 3 thương binh nặng đang nằm phía dưới lớp dừa và chuối ngụy trang bên trên. Với sự mưu trí, dũng cảm, “dù có chết cũng phải quyết tâm đưa các thương binh về tuyến sau”, cô quân y trẻ Hiếu Tâm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ đó, cô được tổ chức tin tưởng, bồi dưỡng để kết nạp Đảng. Bước sang tuổi 18, cô chính thức đứng chân vào hàng ngũ của Đảng.

Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, lao động, học tập, cô Lê Thị Hiếu Tâm được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT, Thầy thuốc Ưu tú, cùng với hàng chục huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen, cụ thể như: Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Chiến sĩ thi đua Quyết thắng cấp quân khu…

GIỮ VỮNG LỜI TUYÊN THỆ

Đã bước sang tuổi 74, nhưng Anh hùng LLVT Lê Thị Hiếu Tâm vẫn còn linh hoạt và sôi nổi khi nhắc về những năm tháng cô đến với Đảng. Trong đợt kỷ niệm 74 năm Ngày Quốc khánh (2-9-1945 - 2-9-2019), cô vinh dự được nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.

Từ khi giác ngộ cách mạng, được đứng chân vào hàng ngũ của Đảng, cô luôn đặt mình trong tâm thế là một đảng viên, nỗ lực phấn đấu không ngừng trong suốt quá trình tham gia cách mạng, kể cả trong cuộc sống đời thường, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Và hơn 55 năm qua kể từ khi đứng chân vào hàng ngũ của Đảng, điều cô tâm đắc không phải là việc mình được phong tặng danh hiệu này, danh hiệu kia, mà là mình luôn giữ vững lời tuyên thệ với Đảng. 

Từ khi đứng chân vào hàng ngũ của Đảng cho đến nay, Đảng luôn soi đường, dẫn dắt cô đi trên mọi ngả đường, giúp cô có thêm ý chí và nghị lực để vượt qua tất cả khó khăn, thử thách. Nhiều lần Anh hùng LLVT Lê Thị Hiếu Tâm đứng trước những tình huống khó khăn, thách thức, không đơn giản chỉ là sự nỗ lực vượt qua, mà sự lựa chọn có thể phải đánh đổi bằng chính sinh mạng của mình. Tuy nhiên, nhờ có Đảng nắm tay dẫn dắt đã giúp cô có thêm nghị lực, bình tĩnh, dũng cảm và mưu trí để vượt qua mắt giặc, cứu sống nhiều thương binh đang đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết.

Như lần cô cứu anh Năm Hóa, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung An, TP. Mỹ Tho bị thương gãy chân nằm ngoài đồng, trong khi địch vây kín để tìm kiếm. Phải làm sao để cứu anh Năm Hóa? Khi đứng trước những tình huống sống còn như thế, “tính Đảng” trong cô lại trỗi lên mạnh mẽ nhất, giúp cô bình tĩnh hơn, quyết đoán hơn và dũng cảm, mưu trí hơn. Cô cùng với 2 người phụ nữ khác giả nông dân đi làm cỏ để qua mắt địch, rồi tiếp cận anh Năm Hóa và võng anh chạy trong làn đạn của địch “bắn vãi theo như trấu”.

Quân y là nơi địch luôn tập trung đánh phá rất ác liệt, vì vậy ban ngày anh em cán bộ quân y phải lo bố trí cất giấu thương binh, tổ chức đánh địch, đón đầu ném lựu đạn, gài trái; ban đêm phẫu thuật, cấp cứu… Cứ như vậy, có đợt liên tục 6 - 7 ngày đêm không ngủ. Do thiếu ngủ nên có lần cô leo lên cây mận đứng gác, hái mận ăn cho tỉnh ngủ, vậy mà mí mắt vẫn cứ sụp xuống.

Địch ập vào, chúng định bắt sống cô nên không bắn hạ. Khi cô bừng tỉnh thì phát hiện địch lố nhố dưới mương, chỉ còn cách cô chừng 5 m. Cô rút lựu đạn ở thắt lưng ném liên tiếp 2 trái và nhảy xuống chạy thoát. Cứ như thế, cô lần lượt vượt qua lằn ranh giữa sự sống và cái chết để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trong chiến tranh ác liệt, khoảng cách giữa sự sống và cái chết đôi khi chỉ cách nhau một tiếng súng, một hơi thở…, nhưng cô chưa bao giờ cho phép mình chùng bước. Hỏi sức mạnh nào khiến cho một phụ nữ mảnh khảnh, gầy gò như cô có thể vượt qua tất cả? Không cần suy nghĩ, đôi mắt cô sáng lên và giọng nói trở nên chắc khỏe, hùng hồn: “Đảng dẫn đường và tiếp thêm sức mạnh!”.

Chính vì vậy, khi Quân y 1 - Thành đội Mỹ Tho, đóng trên địa bàn xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành chỉ có 8 cán bộ và 2 bảo vệ là thương binh nặng, phải điều trị và chăm sóc cho gần 100 thương binh, nhưng tất cả đều an toàn.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về 27 ngày đêm Quân y 1 chống trả với địch, đánh mở đường để chuyển gần 100 thương binh, trong đó có khoảng 70 thương binh nặng về xã Long Hưng, huyện Châu Thành thì mãi mãi không thể phai mờ trong cô. 27 ngày đêm ấy, cô và anh em của Quân y 1 quyết tâm “có chết thì chết chứ không để thương binh bị thương lần 2”.

Chính vì vậy, anh em Quân y 1 phải vừa chăm sóc, điều trị cho thương binh, vừa đi gỡ lấy mìn của địch để đánh địch, mở đường vận chuyển hết thương binh về tuyến sau an toàn. Trong 27 ngày đêm ấy, nói theo cách dân dã của cô là “chơi hết lốc với địch”, nên Quân y 1 đã phá hư hỏng 3 xe tăng, tiêu diệt 194 tên địch… 

Hơn 55 năm đứng chân trong hàng ngũ của Đảng, ở mỗi giai đoạn lịch sử, Anh hùng LLVT Lê Thị Hiếu Tâm đều tạo nên những dấu ấn riêng cho mỗi vị trí mà cô đảm nhiệm. Sau hòa bình, thống nhất đất nước, cô được cử đi học văn hóa, rồi học bác sĩ ở Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh.

Sau khi tốt nghiệp đại học, cô về công tác ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đảm nhiệm vai trò Trưởng Ban Quân y. Trong giai đoạn này, dấu ấn của cô để lại chính là việc chăm lo cho bộ đội tình nguyện của Tiền Giang đóng quân ở tỉnh Pusat, Campuchia.

Trước tình hình nhiều bộ đội tình nguyện của Tiền Giang ở Pusat bị bệnh sốt rét hoành hành, cô đã lên đường sang Campuchia 3 tháng, vào từng đơn vị bộ đội đóng quân trong rừng để khảo sát, nắm bắt tình hình.

Sau khi về lại Tiền Giang, cô xây dựng kế hoạch, mua dịch truyền, thuốc men, vật tư y tế… vận chuyển sang Pusat để phục vụ cho công tác điều trị sốt rét cho anh em bộ đội. Đồng thời, cô đưa đội ngũ quân y sang Pusat để sản xuất dịch truyền, đáp ứng yêu cầu của công tác điều trị sốt rét cho bộ đội. 

Sau khi nghỉ hưu, trở về với cuộc sống đời thường, với gia đình, cô là người vợ, người mẹ, người bà chu toàn, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con cháu. Với xã hội, cô sống chan hòa và đi đầu trong các phong trào do địa phương phát động. Dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng phẩm chất anh hùng, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, phẩm chất của một đảng viên trong cô vẫn không ngừng lan tỏa trong cuộc sống.

Bài 3: Hoàn thành nhiệm vụ đối với Đảng

Đại tá Lê Dũng dẫn đầu đoàn CCB tỉnh Tiền Giang đến thăm và làm việc tại tỉnh Pusat, Campuchia vào tháng 7-2010.


Đã 53 năm trôi qua, nhưng buổi lễ kết nạp Đảng chỉ vỏn vẹn có 3 người (gồm 2 đoàn viên thanh niên được kết nạp Đảng và 1 Bí thư Chi bộ) vẫn luôn in đậm trong tâm tưởng Đại tá Lê Dũng, nguyên Phó Chỉ huy trưởng về Chính trị - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh. Và hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, chú vẫn giữ vẹn nguyên lời tuyên thệ với Đảng, đó là chiến đấu vì sự nghiệp của Đảng đến giọt máu cuối cùng. 


Tôi biết Đại tá Lê Dũng từ những ngày mới chập chững bước vào nghề báo. Tôi quý chú không phải vì chú công tác cùng đơn vị với người thân của tôi, mà vì sự điềm đạm, gần gũi và bao dung của chú. Mười mấy năm biết chú, nhiều lần được trò chuyện và đi công tác cùng chú, cứ nghĩ mình hiểu nhiều, biết nhiều về chú. Nhưng không, vẫn còn nhiều câu chuyện cảm động về chú mà tôi chưa biết…

  VÀO ĐẢNG VÀ CHIẾN ĐẤU ĐẾN GIỌT MÁU CUỐI CÙNG

Đó là buổi sáng ngày 13-9-1967, Đại tá Lê Dũng lúc ấy vừa bước sang tuổi 19, là học trò lớp đệ nhất A1 (nay là lớp 12) của Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu, là Tiểu đội trưởng của đơn vị Biệt động Thành đội Mỹ Tho.

Sáng hôm ấy, chú mặc trang phục học sinh, cùng Tiểu đội phó Phạm Bình giả như học sinh về quê, qua phà Rạch Miễu, đạp xe thẳng tiến về hướng xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre theo hướng dẫn của tổ chức. Đón chú là đồng chí Đội trưởng, Bí thư Chi bộ của đơn vị Biệt động nội thành. Đồng chí Bí thư dẫn chú vào căn nhà dân bỏ trống, rồi nhanh chóng kê chiếc bàn để đặt ảnh Bác, treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc…

Đó là buổi Lễ kết nạp Đảng cho 2 cậu học trò Lê Dũng và Phạm Bình, 2 chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi nhưng dũng cảm và gan dạ, sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Để rồi sau này, 2 chiến sĩ cách mạng khi kết nạp Đảng còn khoác áo học trò ấy đã trở thành 2 đảng viên trung kiên, một đồng chí đã anh dũng hy sinh, còn một đồng chí sau này trở thành Đại tá, không chỉ có nhiều đóng góp cho Quân đội, mà còn có nhiều đóng góp cho các lĩnh vực khác trong xã hội.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, người học trò năm ấy nay đã bước sang tuổi 72 với nhiều bệnh tật do hậu quả của chiến tranh, vì vậy chuyện đời có cái nhớ cái quên, nhưng buổi Lễ kết nạp Đảng ấy vẫn còn in đậm trong tâm khảm, trở thành một phần ký ức tươi đẹp, mãi mãi không thể phai mờ. Năm 1965, khi mới 17 tuổi, Đại tá Lê Dũng đã sớm giác ngộ cách mạng và tham gia hoạt động nội thành.

Đến đêm Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, chú tham gia đánh bót cầu Quay và khám đường, bị thương, nên được tổ chức đưa ra vùng giải phóng điều trị. Từ đó, chú thoát ly, tham gia chiến đấu và giữ nhiều vị trí quan trọng như: Pháo chốt, đơn vị Pháo binh, Thành đội Mỹ Tho; Chính trị viên Đại đội 2, Thành đội Mỹ Tho; Đội trưởng, kiêm Chính trị viên, Đội Biệt động nội thành Mỹ Tho…

Với những cống hiến to lớn trong quá trình tham gia cách mạng, Đại tá Lê Dũng được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 10 huân chương, gồm: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng I; Huân chương Chiến công hạng I; Huân chương Kháng chiến hạng III; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng I, II, III; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng I, II, III; Huân chương Lao động hạng III; nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội CCB Việt Nam; đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và Chiến sĩ thi đua cấp Quân khu… Ngoài ra, năm 2017, Đại tá Lê Dũng vinh dự được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

 
 

Trong những năm tháng học tập, lao động, chiến đấu, nhiều lúc chiến tranh ác liệt phải đứng trước lằn ranh của sự sống và cái chết, thì lời tuyên thệ trong buổi Lễ kết nạp Đảng hôm ấy lại vọng về: “Tuyệt đối trung thành với Đảng; Chiến đấu vì sự nghiệp của Đảng đến giọt máu cuối cùng; Nếu bị địch bắt không bao giờ phản bội xưng khai…”.

Và hơn nửa thế kỷ trôi qua, Đại tá Lê Dũng vẫn giữ vẹn nguyên lời tuyên thệ ấy. Năm 1969, địa bàn các xã ven TP. Mỹ Tho là nơi địch quyết tâm chiếm giữ và đẩy lùi lực lượng ta ra xa thành phố; quân ta quyết bám trụ để tiến công vào nội thành nên tổ chức đánh liên tục cả ngày lẫn đêm.

Ta phải đương đầu với lực lượng từ quân Mỹ đến quân ngụy, từ chủ lực đến địa phương, phải chịu đựng sự ác liệt của bom tấn, pháo bầy, pháo hạm, cả chất độc hóa học; phải đối phó các thủ đoạn gian xảo, hung hãn của bọn thám báo, gián điệp, thiên nga, phượng hoàng và cả những tên phản bội, ác ôn… Ban ngày phải đối phó với sự đánh phá ác liệt của địch, nhất là những năm 1968 đến 1972; đêm đến ta thọc sâu đánh phá giao thông, luồn sâu diệt địch cả trong nội thành. Có lúc ác liệt đến mức “sáng còn cùng nhau ăn cơm, chiều sẽ không biết thiếu ai”, nhưng chú và đồng đội vẫn bám trụ giữ vững địa bàn, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Trong 10 năm chiến đấu trên vùng ven và nội thành Mỹ Tho, chú không nhớ rõ mình đã tham gia bao nhiêu trận đánh. Và cũng trong 10 năm ấy, chú đã chứng kiến nhiều đồng đội ngã xuống, rồi anh và chị cũng lần lượt hy sinh, còn bản thân thì trải qua 6 lần bị thương…

Nhưng tất cả những đau thương, mất mát ấy chưa bao giờ làm chú chùn bước, mà trái lại đó chính là động lực để chú sát cánh cùng đồng đội bám chặt vị trí chiến đấu. Thế nên, năm 1971, chú bị thương nặng, tổ chức có ý định đưa chú đi an dưỡng ở miền Bắc, nhưng chú nhất quyết xin được ở lại để cùng đồng đội chiến đấu.

Trước tinh thần cách mạng và ý chí “chỉ có tiến chứ không lùi” của chú, tổ chức đã đồng ý để chú ở lại cùng đồng đội chiến đấu cho đến ngày giải phóng, thống nhất đất nước. Hòa trong niềm vui chiến thắng của dân tộc trong ngày 30-4-1975 lịch sử, chú còn có riêng cho mình niềm hân hoan xen lẫn sự xúc động vì đã giữ được vẹn nguyên lời tuyên thệ trước Đảng, đó là: Chiến đấu vì sự nghiệp của Đảng đến giọt máu cuối cùng!

NHIỆM VỤ NÀO CŨNG HOÀN THÀNH

Sau giải phóng, thống nhất đất nước, chú về công tác ở Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, sau đó lần lượt giữ các chức vụ: Trưởng Ban Tuyên huấn, Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Phòng Chính trị, Phó Chỉ huy trưởng về Chính trị, đến năm 2004 chú nghỉ hưu theo chế độ.

Tuy nhiên, đó không phải là sự kết thúc, mà là mở ra một chặng đường mới với các vị trí, nhiệm vụ mới như: Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội CCB tỉnh, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội CCB Việt Nam, đại biểu HĐND tỉnh (khóa V, khóa VI và khóa VIII), đại biểu Quốc hội (khóa XII), Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang… 

Với vai trò là đại biểu Quốc hội, chú đã cố gắng đóng góp, trong đó một số ý kiến của chú đã được Quốc hội ghi nhận, tiếp thu, bổ sung, điều chỉnh trong Dự án luật, cụ thể là Luật Dân quân tự vệ. Với vai trò là đại biểu HĐND tỉnh, chú đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và những bức xúc của nhân dân tỉnh nhà trong thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước, mạnh dạn chất vấn đến cùng đối với những người có trách nhiệm. Đồng thời, thông qua hoạt động giám sát của HĐND tỉnh, các ý kiến, kiến nghị của chú cũng được những người có trách nhiệm chấp nhận, tiếp thu và chấn chỉnh. 

Với vai trò là người đứng đầu Hội CCB tỉnh (từ năm 2007 đến 2017), chú đã để lại dấu ấn đậm nét với nhiều chương trình, phong trào thiết thực, như Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo và xóa nhà tạm trong hội viên CCB; Phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi; Phong trào Thi đua yêu nước “CCB gương mẫu”...

Dấn ấn đầu tiên trong 10 năm giữ vai trò Chủ tịch Hội CCB tỉnh là chú cùng tập thể lãnh đạo Hội làm cho nhận thức của đội ngũ CCB trong toàn tỉnh dần dần có sự chuyển biến tích cực, từ đó đã nỗ lực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Hội CCB các cấp trong tỉnh đã phát huy mọi tiềm năng, tranh thủ mọi nguồn lực, tạo điều kiện giúp đỡ các CCB vượt khó, thoát nghèo; liên kết hỗ trợ, giúp nhau trong sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng, từ đó ngày càng có nhiều hội viên có cuộc sống ổn định và làm kinh tế giỏi, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong CCB giảm mạnh qua từng năm.

Dấu ấn tiếp theo đó là, trước kia, việc vận động xây dựng nhà tình nghĩa cho CCB rất khó khăn. Tuy nhiên, trong 10 năm chú giữ vai trò là người đứng đầu của Hội thì công tác vận động để xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội cho CCB được tổ chức ngày càng nền nếp, hiệu quả hơn.

Từ đó đã có hàng ngàn căn nhà tình nghĩa, nhà đồng đội được xây tặng cho CCB, tỷ lệ hộ CCB ở nhà tạm ngày càng giảm đáng kể. Và do thực hiện hiệu quả các chương trình, phong trào thi đua nên đời sống của hội viên CCB ngày càng được nâng lên, từ đó thu hút CCB đến với Hội, số lượng CCB tham gia Hội không ngừng tăng lên qua từng năm.

Hoạt động của Hội CCB các cấp trong tỉnh ngày càng nền nếp, có chiều sâu, đã thực sự đi vào cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của Hội. Trong 2 nhiệm kỳ chú giữ vai trò “nhạc trưởng”, các tổ chức Hội đã đoàn kết, chủ động, sáng tạo thực hiện đạt kết quả toàn diện trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, hoàn thành vượt mức hầu hết chỉ tiêu đã đề ra, trong đó có những chỉ tiêu vượt ở mức cao, giúp Hội CCB tỉnh lần lượt đón nhận nhiều danh hiệu cao quý, như Huân chương Lao động hạng II và Huân chương Lao động hạng I.

Đại tá Lê Dũng tham gia cách mạng từ năm 1965, đến năm 2017 chính thức trở về với cuộc sống đời thường. Kết thúc khoảng thời gian 52 năm học tập, lao động và chiến đấu, điều chú tự hào không phải là để lại những dấu ấn gì, mà chính là mình đã giữ vẹn nguyên lời tuyên thệ và hoàn thành nhiệm vụ đối với Đảng!


Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất