Tăng cường công tác giám sát trong Đảng, đồng thời phát huy vai trò giám sát của Nhân dân có vị trí đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đảm bảo được quyền làm chủ của Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi sinh thời đã từng nói: “Nếu công tác kiểm tra cho chu đáo thì cũng như ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”.
Bài 1: Cụ thể hóa quyền làm chủ của Nhân dân
Để có hệ thống chính trị vững mạnh, đủ sức thực hiện tốt vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trên các lĩnh vực, ngoài đổi mới nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng về chính trị, đạo đức, nâng cao chất lượng đảng viên… thì công tác giám sát lại khẳng định ở tầm quan trọng đặc biệt. Thông qua kiểm tra chặt chẽ, giám sát sát sao của các cấp ủy đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp và các tầng lớp nhân dân đã kịp thời phát hiện những khó khăn, thiếu sót trong lãnh đạo, quản lý, những bất cập trong cơ chế, chính sách, từ đó giúp tổ chức Đảng tự hoàn thiện trong quá trình xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân.
Trách nhiệm của cấp ủy
Với nhiệm vụ đổi mới công tác xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ mới, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hệ thống văn bản về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, như: Quy định số 30 của BCH Trung ương quy định thi hành Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; Quy định số 86 của Bộ Chính trị về giám sát trong Đảng; Quy định số 102 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; Quy định số 109 của Ban Bí thư về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên; Quyết định 217 về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218 quy định về việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân... Theo đó, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Bạc Liêu từ đầu nhiệm kỳ đến nay cũng đã cụ thể hóa bằng 15 nghị quyết, 4 chỉ thị và 12 quy định về nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát trong tình hình mới; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc; nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đặc biệt, trong các quy định cách thức giám sát cho cấp ủy thể hiện rất rõ: Các đảng viên và chi bộ đảng, MTTQ, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng và toàn xã hội có trách nhiệm giám sát, kiểm tra cán bộ, công chức, phát hiện, tố cáo, lên án những kẻ tham nhũng. Cấp ủy viên, nhất là cán bộ chủ chốt, có chương trình công tác ở cơ sở, tiếp xúc, lắng nghe ý kiến và trả lời chất vấn của đảng viên và Nhân dân. Có thể nói, việc hoàn thiện dần các cơ chế trong kiểm tra, giám sát chính là cơ sở để cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp và Nhân dân phát huy hiệu quả vai trò kiểm tra, giám sát. Từ đó, làm rõ được những kết quả, ưu điểm để phát huy, đồng thời sửa chữa hạn chế, khuyết điểm, vi phạm, khắc phục hậu quả trong các mặt công tác, các hoạt động của cấp ủy đảng, chính quyền.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước - Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán phải được đẩy mạnh, kỷ luật nghiêm minh; điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn. Đặc biệt, không chỉ cơ quan chức năng làm, mà quần chúng cùng làm, thế mới là thành công…”.
Người dân xã Vĩnh Lộc A (huyện Hồng Dân) tham gia cùng chính quyền xây dựng cầu Bến Luông - một trong những công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Ảnh: T.T
Khuyến khích người dân tham gia giám sát
Hoạt động giám sát của Nhân dân là sự thể hiện cụ thể của việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, của chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Chính vì vậy, thời gian qua các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã phát huy hiệu quả vai trò giám sát của Nhân dân trên mọi lĩnh vực.
Ban giám sát đầu tư cộng đồng (BGSĐTCĐ) xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình) được đánh giá là một trong những đơn vị hoạt động sôi nổi và hiệu quả. Tự nhìn nhận không có kiến thức chuyên môn về các lĩnh vực liên quan hoạt động giám sát như: kế toán, tài chính, địa chính, pháp luật… nên BGSĐTCĐ xã đã tự tìm tòi, học hỏi thêm qua các phương tiện thông tin đại chúng, tư vấn của cán bộ chuyên ngành. Kết quả, BGSĐTCĐ xã không chỉ giám sát dựa trên kinh nghiệm và nhận thức chủ quan của cá nhân mà còn có thể giám sát rất chính xác theo bản vẽ thiết kế, kế hoạch tổng thể. Chỉ trong 9 tháng của năm 2020, BGSĐTCĐ xã đã tổ chức giám sát được 60 cuộc đối với 6 công trình sửa chữa, xây mới các tuyến đường nông thôn trong xã, 30 công trình cầu. Chính từ các cuộc giám sát trên đã sớm phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều vấn đề tồn tại, cho nên các vụ việc không để lại hậu quả nghiêm trọng, không gây lãng phí tiền của, công sức của người dân.
Chính từ việc phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong giám sát đã góp phần củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng và chính quyền địa phương. Đơn cử như tại xã Vĩnh Lộc A (huyện Hồng Dân), Đảng bộ và Nhân dân trong xã hơn bao giờ hết thể hiện sự đồng lòng, nhất trí trong mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao. Mới đây, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xã Vĩnh Lộc A đã thực hiện các công trình gồm: xây dựng cầu Bến Luông rộng 3,5m, 3 cây cầu nông thôn rộng 2,2m và hoàn thành san lấp hàng chục ki-lô-mét các tuyến lộ đất đen với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng. Kinh phí xây dựng được Huyện ủy, UBND huyện Hồng Dân và UBND xã Vĩnh Lộc A vận động các nhà đầu tư, mạnh thường quân; đồng thời lãnh đạo huyện cũng đã vận động cán bộ kỹ sư trong huyện thiết kế không nhận thù lao; còn ngày công thì được hầu hết Nhân dân trong xã cùng lực lượng vũ trang, Đoàn Thanh niên trong huyện đều tình nguyện đóng góp; đặc biệt tất cả các công trình trên đều được Nhân dân trong xã hiến đất 100%. Không chỉ ủng hộ tiền của, ngày công thi công mà Nhân dân còn trực tiếp giám sát chất lượng các công trình nên tiến độ hoàn thành các công trình chào mừng Đại hội Đảng cấp trên đều sớm hơn dự tính.
Rõ ràng, công tác kiểm tra, giám sát khi có sự quyết liệt từ cơ chế, người đứng đầu các cấp đến sự vào cuộc sâu sát của Nhân dân sẽ mang đến kết quả cho quá trình phát triển của tỉnh nói riêng, sự nghiệp của đất nước, của Đảng, của Nhân dân nói chung. Phát hiện kịp thời những sai phạm trên các lĩnh vực, kể cả cán bộ, đảng viên để gióng lên “hồi chuông” ngăn ngừa, cảnh tỉnh, răn đe, cốt để người khác không vi phạm chính là mong muốn lớn nhất của các cấp ủy đảng và Nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát.
Bài 2: Hiệu quả từ “kênh” giám sát Nhân dân
Tăng cường công tác giám sát trong Đảng, đồng thời phát huy vai trò giám sát của Nhân dân có vị trí đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đảm bảo được quyền làm chủ của Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi sinh thời đã từng nói: “Nếu công tác kiểm tra cho chu đáo thì cũng như ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”.
Nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao, cán bộ đương chức, nghỉ hưu, cán bộ liên quan đến nhân sự Đại hội Đảng đã bị xử lý vi phạm sau khi có kết luận từ công tác kiểm tra, giám sát, trong đó có giám sát của Nhân dân. Với biện pháp mạnh mẽ và “không có vùng cấm” như khẳng định của Trung ương, Nhân dân ngày càng tin tưởng và mạnh dạn hơn trong giám sát, kiến nghị, thậm chí là tố cáo những vi phạm liên quan đến lợi ích cộng đồng, cá nhân cũng như khá thẳng thắn trong việc đánh giá cán bộ, đảng viên qua điều hành, chỉ đạo lẫn đạo đức, lối sống.
Cử tri xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi) kiến nghị với đại biểu Quốc hội tỉnh tại buổi tiếp xúc. Ảnh: H.L
Phát hiện sai phạm từ giám sát của dân
Nhân dân vừa thực hiện quyền dân chủ trực tiếp vừa thực hiện quyền dân chủ gián tiếp thông qua đại diện là các cơ quan nhà nước, các đại biểu nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Theo đó, các đợt tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, đối thoại với lãnh đạo các cấp được xem là kênh thông tin hữu hiệu giúp người dân phản ánh kịp thời những vấn đề bức xúc từ việc giám sát hoạt động của chính quyền và cán bộ các cấp. Đồng thời, qua kênh này, các cơ quan dân cử cũng nắm bắt được nguyện vọng của Nhân dân và đưa những nguyện vọng ấy đến đúng cấp có thẩm quyền xử lý. Đơn cử như, người dân ở Phường 8 (TP. Bạc Liêu) bức xúc vì khu công nghiệp Trà Kha đất còn trống nhiều nên thẳng thắn kiến nghị tỉnh có biện pháp tăng cường kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhằm phát triển khu công nghiệp và tránh lãng phí đất đai. Hay việc người dân huyện Đông Hải; người dân các xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình) đồng loạt phản ánh nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm do các công ty, xí nghiệp và những hộ nuôi tôm khép kín, nuôi tôm công nghệ cao xả thải trực tiếp không qua xử lý và đề nghị tỉnh có biện pháp xử lý triệt để ngay...
Riêng đối với công tác cán bộ, bên cạnh vai trò của ủy ban kiểm tra cấp ủy các cấp, “kênh” giám sát của Nhân dân ngày càng phát huy hiệu quả. Nhân dân kiên quyết không bỏ qua các sai phạm của những người được xem là “công bộc” của dân với mong muốn đội ngũ cán bộ phải thật sự gương mẫu, trong sạch. Sai phạm của ông D.C.B - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu trong việc ký quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng một số thửa đất trên địa bàn Phường 2; ông N.V.K - Phó Chủ tịch HĐND huyện Vĩnh Lợi xây dựng nhà ở trái phép trên đất công, tự tiện lấy quỹ đất của xã cho thuê 10 năm vượt thẩm quyền vào năm 2016, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã có Kết luận vi phạm nhưng đến nay vẫn chưa trả lại phần đất công lấn chiếm... là những trường hợp được Nhân dân phát hiện và phản ánh gần đây thông qua giám sát thực tiễn. Và những trường hợp này đều được cơ quan thẩm quyền kết luận đúng như những gì người dân phản ánh.
Để nhân dân mạnh dạn giám sát
Với hàng loạt cơ chế, chính sách, các chủ trương tạo điều kiện và hành lang pháp lý của Đảng và Nhà nước, Nhân dân ngày càng quan tâm hơn đến hoạt động giám sát, thể hiện rõ trách nhiệm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong mọi lĩnh vực đời sống, từ kinh tế - xã hội đến xây dựng Đảng. Trong quá trình dõi theo Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ mới 2020 - 2025, Nhân dân các địa phương đã mạnh dạn có ý kiến về các cán bộ ứng cử, giúp các cấp ủy đảng kịp thời đưa những quyết định hợp lòng dân, đảm bảo chất lượng cho công tác nhân sự Đại hội. Chẳng hạn như trường hợp thu hồi quyết định bổ nhiệm của ông P.M.T, Trưởng phòng Quản lý dự án TP. Bạc Liêu vì ông này không có quyết định tuyển dụng. Hay Huyện ủy Đông Hải cũng đã ra quyết định cho ông L.M.H thôi giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Điền Đông A vì sử dụng học bạ giả nhằm hợp thức hóa hồ sơ đủ điều kiện thi tốt nghiệp THCS.
Tuy nhiên, có thể thấy, bên cạnh kết quả đạt được, công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Nhân dân còn những hạn chế, khó khăn nhất định. Dù đã có các quyết định, quy định từ Trung ương nhưng công tác tổ chức triển khai đến người dân vẫn chưa thật tốt nên việc triển khai giám sát cá nhân cán bộ, đảng viên còn lúng túng về phương pháp, cách làm. Hoạt động giám sát của Nhân dân hiện nay chủ yếu thể hiện qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; tuy nhiên hoạt động của tổ chức này ở nhiều nơi vẫn còn hạn chế, hình thức… Ngoài ra, những cơ chế bảo vệ người tố cáo tiêu cực dù đã được ban hành nhiều nhưng vẫn chưa đủ tạo lòng tin đối với quần chúng nhân dân trong việc phản ánh những sai phạm của cán bộ, đảng viên đến cấp có thẩm quyền.
Rõ ràng, để công tác giám sát thật sự hiệu quả và tạo được lòng tin, sự đồng hành của Nhân dân thì các cấp ủy đảng, cơ quan chức năng cần phải quyết liệt trong xử lý, chủ động sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho thôi chức đối với cán bộ, đảng viên làm việc thiếu hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp. Chẳng hạn, qua đợt Đại hội Đảng cấp cơ sở và cấp trên cơ sở vừa qua, có một số cán bộ được cơ cấu, quy hoạch vào Ban chấp hành, Ban thường vụ nhưng số phiếu tín nhiệm hoặc không đạt, hoặc đạt rất thấp. Đây cũng là vấn đề mà cá nhân cán bộ nói riêng, những người làm công tác nhân sự nói chung cần rút kinh nghiệm sâu sắc, tự soi rọi bản thân để có được sự tín nhiệm của tập thể và Nhân dân.
Đấu tranh với những sai phạm không bao giờ dễ dàng. Nhưng để mọi việc trở nên tốt đẹp thì rõ ràng phải kiên quyết, quyết liệt với những cái xấu, cái chưa tốt như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước - Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Sắp tới còn làm mạnh hơn nữa, đúng pháp luật, đúng lương tâm, để giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn là chính, chứ không phải cốt xử nhiều mới là tốt, làm sao để không phải xử, không xảy ra mới là tốt, mục đích của chúng ta là như thế, nhân văn là thế”.
Bài cuối: Xây dựng cơ chế để Nhân dân giám sát
Tăng cường công tác giám sát trong Đảng, đồng thời phát huy vai trò giám sát của Nhân dân có vị trí đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đảm bảo được quyền làm chủ của Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi sinh thời đã từng nói: “Nếu công tác kiểm tra cho chu đáo thì cũng như ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”.
Thực tế cho thấy, vai trò giám sát của Nhân dân ngày càng quan trọng, nhất là trong công tác cán bộ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước - Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh “cán bộ tốt hay xấu, cứ hỏi dân là biết hết”. Chính tai mắt Nhân dân đã góp cho tổ chức Đảng một cái nhìn khách quan, chân thật để có những giải pháp lãnh đạo hợp lòng dân, đúng ý Đảng. Vì thế, phát huy tốt vai trò giám sát của Nhân dân cần phải được xác định là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của các cấp ủy.
Để phát huy vai trò giám sát của Nhân dân, người đứng đầu cấp ủy phải biết lắng nghe dân. Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Bình Tân - Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lợi trao đổi với người dân địa phương. Ảnh: M.Đ
Lắng nghe tiếng nói của dân
Nhằm phát huy tinh thần dân chủ, vai trò giám sát của Nhân dân thì một trong những giải pháp quan trọng chính là các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu phải thật sự lắng nghe dân thông qua việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của Nhân dân, nhất là về những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chính từ việc lắng nghe dân một cách nghiêm túc và chân thành sẽ tạo được lòng tin trong Nhân dân thông qua các phản ánh, kiến nghị trực tiếp đến người đứng đầu cấp ủy.
Ông Phan Thanh Duy - Bí thư Huyện ủy Hồng Dân, cho biết: “Trong ngày Chủ nhật, khi nhận được điện thoại người dân ở thị trấn Ngan Dừa báo về việc cầu bị hư hại khá nặng có thể ảnh hưởng đến các em học sinh khi chẳng may rơi vào “ổ gà” khá lớn trên cầu, tôi đã chỉ đạo sửa ngay đến tận đêm, sáng thứ Hai thì người dân cũng như các em học sinh đều an tâm đi qua cầu một cách an toàn. Hay việc doanh nghiệp thi công đoạn đường hàng chục mét tại xã Ninh Thạnh Lợi mà không có cốt thép, khi người dân báo cáo thì huyện nhanh chóng triển khai lập biên bản và buộc doanh nghiệp phá bỏ làm lại ngay. Nhất là việc người dân trực tiếp thông tin về những vi phạm, hoặc thái độ ứng xử chưa chuẩn mực của cán bộ, đảng viên thì Ban Thường vụ Huyện ủy lập tức tiến hành kiểm tra, xác minh ngay, sau đó vừa làm việc, vừa xử lý (nếu thông tin đúng) và vừa thông tin công khai cho dân biết cụ thể sự việc và hướng xử lý của huyện”.
Quả thật, chính từ việc luôn lắng nghe, kịp thời giải quyết những băn khoăn, bức xúc của Nhân dân đã góp phần tạo mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa Nhân dân với Đảng, chính quyền các cấp nói chung và cán bộ, đảng viên nói riêng. Thời gian qua, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực bởi lãnh đạo tỉnh luôn thực hành ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân. Những người “cầm trịch” của tỉnh đã nhiều lần đề nghị lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh khi giải quyết yêu cầu, khiếu nại của công dân phải đặt mình vào vị trí của người dân bị mất quyền lợi để thấu hiểu. Cái nào chính quyền sai thì phải nhận thiếu sót trước dân, phải cầu thị lắng nghe ý kiến của công dân trong giải quyết vụ việc và tuyệt đối không được kỳ thị với người đi khiếu nại, tố cáo. Đó cũng cần được xem là phương châm trong việc giải quyết mọi vấn đề của dân, không riêng gì lĩnh vực khiếu nại, tố cáo.
Tiếp tục tăng cường kiểm tra giám sát, phản biện xã hội
Đất nước đang chuyển mình trong giai đoạn với nhiều cơ hội mà cũng không ít thách thức, cũng có nghĩa là cả nước nói chung, các địa phương nói riêng phải tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần kiên quyết hơn nhằm tạo sự vững mạnh của tổ chức Đảng nói chung, sự chuyển biến tích cực trong công tác kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội nói riêng.
Để làm được điều này, theo ông Hồ Thanh Thủy - Bí thư Huyện ủy Hòa Bình: “Trong thời gian tới cần phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa Ủy ban kiểm tra với các cơ quan liên quan, như cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, truyền thông...; đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; phát huy vai trò giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, của Nhân dân, báo chí và công luận trong giám sát, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Một trong những giải pháp được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhấn mạnh nhằm phát huy vai trò giám sát của Nhân dân là phát huy được vai trò và trí tuệ của các nhân sĩ, trí thức, cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, tôn giáo, chuyên gia trên các lĩnh vực. Ngoài ra, cần có sự tham gia tích cực của các cơ quan truyền thông trong hoạt động giám sát MTTQ, các tổ chức thành viên và Nhân dân. Phát động toàn xã hội tích cực tham gia công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; tiếp tục nâng cao vai trò hoạt động giám sát của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, Ban công tác Mặt trận ở cơ sở.
Từ tình hình thực tế cho thấy, những giải pháp này là cần thiết. Tuy nhiên vai trò giám sát của Nhân dân thật sự được phát huy hiệu quả, thiết nghĩ cũng phải chú trọng xây dựng cơ chế giám sát của Nhân dân và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Trong đó, cần cơ chế cụ thể để thực hiện các Quyết định 217 và Quyết định 218 của Bộ Chính trị nhằm tạo điều kiện cho Nhân dân bày tỏ ý kiến đối với những quyết định lớn, tham gia công việc của Đảng và công khai các chế độ, chính sách để cán bộ, đảng viên và Nhân dân giám sát, kiểm tra; đặc biệt khuyến khích, bảo vệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia giám sát, phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.
Đại hội Đảng bộ các cấp đã và đang diễn ra trong sự quan tâm và hy vọng rất lớn của Nhân dân: Đảng ta sẽ lựa chọn những cán bộ vừa có tài vừa đủ đức để gánh vác trọng trách cách mạng to lớn mà Đảng và Nhân dân giao phó. Và quả thật chỉ cần có niềm tin, sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân thì “dù khó vạn lần” chúng ta cũng vững vàng bước qua và tiến lên theo con đường mà Bác Hồ, Đảng và Nhân dân đã lựa chọn.
Hoàng Uyên
Báo Bạc Liêu