Sức bật cho nghị quyết mở đường lớn

Bài 1: Phát huy lợi thế, khơi thông điểm nghẽn, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, với tầm nhìn đúng hướng và chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, tỉnh Cao Bằng đã phát huy được các lợi thế, tháo gỡ điểm nghẽn, triển khai hiệu quả 6 Chương trình trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, tạo đà chuyển biến mới trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống nắm tình hình thực tiễn địa phương có tiềm năng, lợi thế gì và những vướng mắc, hạn chế, tồn tại để đưa ra các giải pháp sát thực, khả thi. Với tinh thần đó, để triển khai 6 chương trình trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy  đã phân tích từ thực tiễn và đưa ra các giải pháp hiệu quả.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) được đầu tư xây dựng khang trang.

NGHỊ QUYẾT MỞ LỐI TỪ THỰC TIỄN

Cao Bằng có 5 lợi thế kết hợp giữa giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống và điều kiện tự nhiên ưu đãi. Là nơi phên dậu Tổ quốc, gồm các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô, Kinh, Hoa… quần cư sinh sống, nên từ xa xưa đồng bào sớm có truyền thống yêu nước, đoàn kết, sáng tạo đã hình thành nền văn hóa bản địa đặc sắc, đa dạng, phong phú. Truyền thống yêu nước trở thành ý thức hệ giá trị tư tưởng, trở thành động lực to lớn, ý chí xây dựng, phát triển bền vững của tỉnh.

Cao Bằng được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh thắng đẹp nổi tiếng trong nước và quốc tế; khí hậu á nhiệt đới, thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển nhiều cây trồng, vật nuôi đặc hữu phát triển nông, lâm nghiệp. Vinh danh giá trị di sản địa chất tầm cỡ quốc tế và giá trị di sản văn hóa bản địa đặc sắc, đa dạng, độc đáo; ngày 12/4/2018, Công viên địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng được Hội đồng Chấp hành UNESCO công nhận là CVĐC Toàn cầu.

Trong đó có 3 Khu di tích Quốc gia đặc biệt: Pác Bó - nơi vinh dự thay mặt cả nước đón Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước trở về lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam; rừng Trần Hưng Đạo - nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam; Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An. Khu du lịch sinh thái Phja Oắc - Phja Đén, hồ Thang Hen, núi Mắt Thần, động Ngườm Ngao, thác Bản Giốc - một trong những thác nước đẹp nhất Đông Nam Á…

Đây là cơ hội, điều kiện, để Cao Bằng phát triển lợi thế du lịch theo hướng bền vững. Cao Bằng có diện tích tự nhiên hơn 6.700 km2, có đường biên giới dài trên 333 km tiếp giáp với Trung Quốc đã mở nhiều cặp cửa khẩu phục vụ xuất nhập khẩu, mở cơ hội giao thương quốc tế.

Bên cạnh lợi thế, Cao Bằng còn 3 điểm nghẽn, nút thắt về kết cấu hạ tầng du lịch, biên mậu, giao thông; chất lượng nguồn nhân lực; thể chế, cơ chế của tỉnh và sự phối hợp giữa các, sở, ban, ngành với các địa phương trong tỉnh làm cản trở phát triển kinh tế - xã hội. Do đó cần tập trung các nguồn lực thực hiện 3 đột phá chiến lược: Khai thác, phát triển mạnh lợi thế du lịch, dịch vụ theo hướng bền vững; phát triển nông nghiệp thông minh và phát triển kinh tế cửa khẩu.

Qua phân tích những lợi thế, điểm nghẽn, nút thắt, kế thừa và phát triển định hướng, tư tưởng chiến lược của các nhiệm kỳ trước, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định rõ 5 lợi thế, 3 điểm nghẽn và 3 đột phá chiến lược để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mục tiêu của 6 chương trình trọng tâm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, được các cấp, ngành, nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo bước phát triển đột phá mới, đưa Cao Bằng trở thành tỉnh năng động và phát triển.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tập trung đột phá vào 3 thế mạnh, đó là dịch vụ du lịch; nông, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kinh tế biên mậu, coi phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Người dân xã Phúc Sen (Quảng Hòa) làm đường bê tông nông thôn.

Ban Chấp hành Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng mang đậm bản sắc Cao Bằng, là thương hiệu du lịch miền núi cho cả nước. Đẩy mạnh phát triển đa dạng sản phẩm du lịch như: du lịch lịch sử, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng gắn với làng nghề, du lịch mạo hiểm checkin địa hình gắn với các hoạt động sự kiện lớn về văn hóa, lễ hội, chính trị… khai thác trên sự tương tác bền vững với văn hóa bản địa độc đáo; gắn du lịch với đặc sản và ẩm thực đặc sắc từng địa phương.

Thu hút, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành khu du lịch trọng điểm, kiểu mẫu về du lịch qua biên giới, du lịch xanh, du lịch thông minh. Phát triển du lịch bền vững gắn với tuyên truyền, quảng bá CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng để du khách trong, ngoài nước biết tới và chiêm ngưỡng di sản đặc biệt này.

Đến nay, 3 Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, rừng Trần Hưng Đạo, Chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An và Khu du lịch thác Bản Giốc được tỉnh xây dựng nằm trong 3 tuyến du lịch trong vùng CVĐC: Tuyến du lịch phía Tây “Khám phá Phja Oắc - vùng núi của những đổi thay” (Nguyên Bình); tuyến du lịch phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” (Hòa An, Hà Quảng); tuyến du lịch phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ xở thần tiên” (Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang) và đang xây dựng tuyến Thạch An để du khách trải nghiệm nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, đa dạng trong một chuyến đi.

Về đột phá trong nông nghiệp, tập trung khai thác thế mạnh các loại giống cây trồng, vật nuôi đặc hữu bản địa và các loại cây dược liệu là lợi thế lớn nhất của Cao Bằng mà các tỉnh khác không có được. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh định hướng phát triển nông nghiệp dựa trên ba trụ cột gồm: Sản xuất theo mô hình hữu cơ, sạch, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến và liên kết chuỗi giá trị, liên kết cụm ngành.

Mời các tập đoàn lớn đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp chế biến, xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao. Chú trọng phát triển những vùng sinh thái và gắn liền với các cây trồng, vật nuôi đặc hữu với nguồn gen phong phú. Tỉnh xây dựng 24 loại đặc sản nổi tiếng lúa nếp Hương Xuân Trường, cam Trưng Vương, quýt Hà Trì, thạch đen, bí xanh vùng Hòa An, Hà Quảng, Thạch An; miến dong Nguyên Bình, chè Phja Oắc, Phja Đén, mận Bảo Lạc, lê Đông Khê, hạt dẻ Trùng Khánh… được người tiêu dùng khắp cả nước tin dùng.

Chú trọng phát triển trồng rừng và các nghề dưới rừng, trong đó chú trọng chế biến gỗ xuất khẩu, phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp về chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất các mặt hàng đồ gỗ gia dụng phục vụ xuất khẩu.

Tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, nâng cao hiệu quả các khu kinh tế cửa khẩu; xây dựng chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP); xã hội hóa các nguồn lực cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm có tính lan tỏa, liên vùng kết nối với cửa khẩu; phát triển dịch vụ hậu cần, logistic khu kinh tế cửa khẩu; nâng cao kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa chính ngạch; áp dụng các biện pháp giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

THÁO GỠ 3 ĐIỂM NGHẼN

 Cao Bằng tuy nhiều lợi thế nhưng nhiều năm nay, quê hương cội nguồn cách mạng vẫn là một trong những tỉnh miền núi nghèo và khó khăn bởi điểm nghẽn về  kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm tháo gỡ điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng, biên mậu, du lịch; đặc biệt hạ tầng giao thông là mục tiêu quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thúc đẩy triển khai thành công Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) được coi là một trong 3 điểm nghẽn được Đảng bộ, chính quyền tỉnh xác định có vai trò then chốt. Vì Cao Bằng xa sân bay, xa cảng biển, chỉ có duy nhất đường bộ là kết nối giao thông đến các địa phương khác và thị trường lớn Trung Quốc. Đường cao tốc là đường chiến lược kết nối với các hành lang kinh tế.

Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dài 144 km, quy mô 4 làn xe, kinh phí đầu tư khoảng 47.520 tỷ đồng (tương đương 2,16 tỷ USD) được đưa vào quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Lãnh đạo tỉnh đề xuất phương án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo Dự án do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, thành lập 7 tổ công tác triển khai dự án; hoàn thành thiết kế 2 tiểu dự án đường kết nối các khu dân cư… nút thắt trong triển khai đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh chính thức được tháo gỡ. UBND tỉnh phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải và cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án, trong đó xác định rõ cơ cấu nguồn vốn (vốn Trung ương, địa phương, vốn ODA, vốn tín dụng và các nguồn vốn khác…

Tỉnh đã mời Tập đoàn Đèo Cả đến khảo sát với tổng mức đầu tư cũng giảm gần một nửa, chỉ còn hơn 20.938 tỷ đồng. Ngày 3/10/2020, Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được khởi công kết nối vào tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với Cửa khẩu Tân Thanh và Cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn).

Tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn nhân lực, Cao Bằng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực lao động qua đào tạo và cả lao động phổ thông do quy mô dân số thấp. Điểm nghẽn về thể chế, cơ chế của tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ban, sở, ngành với các địa phương trong tỉnh; xác định cán bộ là gốc của mọi công việc nên Ban Thường vụ Tỉnh ủy chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phát huy hết khả năng trí tuệ, bản lĩnh, tư tưởng, văn hóa truyền thống làm nguồn động lực.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng lãnh đạo, quản lý đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ giai đoạn 2016 - 2020; Đề án đào tạo lý luận chính trị đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ, cán bộ nguồn lãnh đạo, quản lý trẻ giai đoạn 2016 - 2020; mở lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh giai đoạn 2017 - 2020.

Ngoài ra, hằng năm tỉnh chọn cử hàng trăm lượt cán bộ, công chức tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, bồi dưỡng chuyên đề, chức danh, vị trí việc làm tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước… Qua đó, tiếp tục bồi dưỡng, hun đúc trí tuệ, ý trí cho đội ngũ cán bộ phát huy truyền thống đoàn kết trên cơ sở có trình độ, năng lực quyết tâm thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Tỉnh chỉ đạo tập trung thực hiện  hiệu quả Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) bảo đảm bộ máy các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp công lập được sắp xếp lại tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, xóm, tổ dân phố... tạo sự đồng thuận, tích cực tham gia của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; không ngừng củng cố, giữ vững niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước…

Trên cơ sở đó, các ban, sở, ngành và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, kịp thời tham mưu xây dựng và triển khai các đề án, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi để thực hiện hiệu quả các chương trình. Đặc biệt nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, việc thực hiện 6 chương trình trọng tâm đã đạt được kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra.

Bài 2: Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng mang đậm bản sắc Cao Bằng.

Chương trình số 10-CTr/TU ngày 29/4/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 là một trong 6 chương trình trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, được Đảng bộ tỉnh xác định là một trong 3 khâu đột phá quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.

Từ lợi thế về giá trị văn hóa, lịch sử và điều kiện tự nhiên, những năm qua, Ban Chỉ đạo Chương trình Phát triển du lịch tỉnh chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa, là thương hiệu du lịch miền núi cho Việt Nam, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với Cao Bằng.

Các chuyên gia quốc tế tham quan, đánh giá cao giá trị địa chất của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

LỢI THẾ PHÁT TRIỂN DU LỊCH MANG ĐẬM BẢN SẮC VĂN HÓA RIÊNG

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Thị Hồng Vân, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ cho phát triển du lịch, những năm qua, Sở VH-TT&DL đã làm tốt công tác sưu tầm, nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng di sản văn hóa của tỉnh.

Nhiều loại hình di sản đang được bảo tồn, phát huy như các làng nghề truyền thống, các loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ; 3 di sản: Nghi lễ Then của người Tày Cao Bằng; Lễ hội Nàng Hai, xã Tiên Thành và nghề rèn của người Nùng An, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; các lễ hội: đền Kỳ Sầm (Thành phố), đền Vua Lê (Hòa An), Lễ hội Pháo hoa (Quảng Hòa), chùa Sùng Phúc (Hạ Lang)...

Toàn tỉnh có 214 di tích với 91 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 3 khu di tích quốc gia đặc biệt (QGĐB): Pác Bó, rừng Trần Hưng Đạo, Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An; 23 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 65 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Có 2 bảo vật quốc gia là đôi chuông Chùa Viên Minh và Đền Quan Triều, xã Hưng Đạo (Thành phố); Bia Ma nhai Ngự chế của vua Lê Thái Tổ, xã Hồng Việt (Hòa An).

Nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong nước và quốc tế như: thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao; quần thể hồ Thang Hen, núi Mắt Thần; Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén và trên 30 hang động đẹp có tiềm năng khai thác phục vụ du lịch.

Với những giá trị về địa chất hàng triệu năm, địa mạo, lịch sử, văn hóa bản địa đặc sắc, Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng có diện tích 3.072 km2 với trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch Cao Bằng.

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững, tăng cường hiệu ứng quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh, thu hút khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế; khuyến khích thúc đẩy phát triển các mô hình, loại hình dịch vụ du lịch cộng đồng, homestay, phát triển hệ thống đối tác CVĐC.

Cao Bằng có trên 333 km đường biên giới giáp với Trung Quốc, thuận lợi phát triển du lịch biên giới như: Cửa khẩu Tà Lùng (Việt Nam) - Thủy Khẩu (Trung Quốc); Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc); Sóc Giang (Việt Nam) - Bình Mãng (Trung Quốc); thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc).

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và khách du lịch, Cao Bằng có nhiều lợi thế, tiềm năng du lịch bởi đi đến địa phương nào cũng thấy cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, hùng vĩ, nhiều di tích lịch sử, văn hóa bản địa phong phú, đặc sắc. Vì vậy, Cao Bằng có thể xây dựng nhiều sản phẩm du lịch, kết hợp du lịch đỏ với du lịch tâm linh, thắng cảnh thiên nhiên, tham gia lễ hội, khám phá hang động, trải nghiệm homestay với các làng nghề cổ và du lịch treckking, du lịch mạo hiểm, du lịch biên giới…

ĐẦU TƯ TRỌNG ĐIỂM, ĐA DẠNG SẢN PHẨM DU LỊCH

Giám đốc VH-TT&DL Sầm Việt An, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển du lịch tỉnh cho biết: Các cấp, ngành của tỉnh huy động các nguồn lực hàng trăm tỷ đồng xây dựng hạ tầng cơ sở và sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn của Cao Bằng. Đầu tư nâng cấp, cải tạo giao thông trên các tuyến tỉnh lộ, đường vào các khu di tích QGĐB và Khu du lịch thác Bản Giốc.

Đầu tư hạng mục hệ thống xe điện, bến bãi, nhà trưng bày quy mô hiện đại, tôn tạo cảnh quan, con đường hoa, vườn hoa; đầu tư hạ tầng Khu du lịch Phja Oắc - Phja Đén gắn với bảo tồn thiên nhiên Vườn Quốc gia… Các tuyến quốc lộ 3, 4, 34 và tỉnh lộ kết nối các huyện có điểm du lịch được mở rộng, cải tạo, nâng cấp, qua đó rút ngắn khoảng cách di chuyển, thuận lợi cho kết nối các tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh.

Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc và Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc vẫn giữ nguyên khung cảnh hoang sơ, dòng thác nước hùng vĩ bên những cánh đồng lúa chín vàng và môi trường thiên nhiên. Tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) triển khai các dự án đầu tư phù hợp với việc thực hiện Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc).

Thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh là cảnh đẹp nổi tiếng.

Lãnh đạo tỉnh, các cấp, ngành tích cực tham gia tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, mở ra những cơ hội cho công ty, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển du lịch, tạo bước phát triển mới cho du lịch của tỉnh. Đến nay, tỉnh xây dựng 3 tuyến du lịch trong vùng CVĐC và xây dựng nhiều sản phẩm du lịch cùng kết hợp như: Trên 3 tuyến đều có du lịch đỏ truyền thống cách mạng gắn với du lịch tâm linh, tham quan thắng cảnh đẹp núi non hùng vĩ, khám phá di sản, diện mạo, cảnh quan tầm cỡ quốc tế của CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Trải nghiệm du lịch cộng đồng các làng nghề, ẩm thực, hát Then - đàn tính, tham gia lễ hội đặc sắc dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ...; sự phong phú của các sản phẩm du lịch trên cùng một tuyến du lịch đã tạo khác biệt, đặc sắc, đa dạng trên cùng một chuyến đi, tạo sự hấp dẫn, bất ngờ cho du khách đến tham quan.

Bên cạnh khu du lịch trọng điểm, tại các điểm du lịch, tỉnh mở cơ chế, chính sách thu hút các công ty, doanh nghiệp, dự án quan tâm đầu tư vào xây dựng Khu du lịch Ngườm Pục (Thạch An); du lịch sinh thái hồ Thang Hen, thắng cảnh động Ghị Rằng (Trùng Khánh); mô hình du lịch cộng đồng làng Phja Thắp, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) và xóm Lũng Niếc, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh); xây dựng tuyến phố đi bộ, chợ ẩm thực Thành phố; huyện Bảo Lạc triển khai dự án du lịch mạo hiểm khe Hổ Nhảy, du lịch cộng đồng dân tộc Lô Lô, xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc)...; góp phần cải thiện hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch, tạo nét riêng biệt du lịch miền núi.

Huy động các công ty, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư các loại hình dịch vụ du lịch. Toàn tỉnh có 256 cơ sở lưu trú, đạt chuẩn từ khách sạn 1 - 3 sao, 18 homestay, 152 nhà nghỉ với 3.192 phòng/5.109 giường. Có 7 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế, tăng 16,7% so với năm 2016. Nhân lực du lịch 2.028 người, tăng 121,7% so với năm 2016. Các huyện, Thành phố phát triển nhiều nhà hàng, ẩm thực đặc sản vùng, miền, khu vui chơi phục vụ nhu cầu khách du lịch.

Anh Ngô Hoàng Hà, du khách Hà Nội chia sẻ: Tôi lên Cao Bằng nhiều lần. Mỗi lần lên Cao Bằng tôi lại có trải nghiệm mới về du lịch. Giao thông từ Hà Nội - Cao Bằng đến các điểm du lịch ngày càng thuận lợi. Sau khi CVĐC Non nước Cao Bằng được UNESCO vinh danh, tôi đưa gia đình đi trải nghiệm theo tuyến hướng Bắc “Hành trình về với cội nguồn”. Đây là sự khác biệt, đặc sắc mà nhiều tỉnh khác không có sự kết hợp điểm di tích, văn hóa, thắng cảnh đẹp trên cùng một tuyến du lịch.

ĐẨY MẠNH TỔ CHỨC SỰ KIỆN, TĂNG CƯỜNG QUẢNG BÁ, XÚC TIẾN HỢP TÁC

Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển du lịch tham mưu cho tỉnh tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, chính trị kết hợp với tuần lễ du lịch, tạo sự lan tỏa quảng bá hình ảnh Cao Bằng đến bạn bè trong nước và quốc tế để thu hút du khách. Tỉnh đăng cai tổ chức Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc tại Cao Bằng; Lễ đón nhận danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Công bố Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An là Di tích QGĐB gắn với Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” (năm 2018); Hội thảo phát triển du lịch bền vững thông qua mô hình CVĐC Toàn cầu UNESCO (năm 2019); Lễ kỷ niệm 520 năm thành lập tỉnh Cao Bằng, 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tuần VH-TT&DL chào mừng kỷ niệm 520 năm thành lập tỉnh Cao Bằng (năm 2019)...

Nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa trở thành điểm hẹn hấp dẫn thường niên để du khách đến với Cao Bằng như các lễ hội: Về nguồn Pác Bó, du lịch thác Bản Giốc, Thanh Minh tại xã Phúc Sen (Quảng Hòa), đền Kỳ Sầm (Thành phố); Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc và Chợ tình phong lưu; Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô và Lễ mừng cơm mới (Bảo Lạc)…

Hạt dẻ Trùng Khánh sản vật ngon nổi tiếng được khách du lịch tin dùng.

Các cơ quan chức năng chủ động phối hợp các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương tăng cường quảng bá về di tích, danh thắng, văn hóa, sản phẩm du lịch; giới thiệu về du lịch Cao Bằng, qua đó, hình ảnh về miền đất và con người Cao Bằng được thông tin rộng khắp trong và ngoài nước.

Ngoài ra, các hoạt động liên kết, hợp tác được tăng cường, tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tìm kiếm thị trường, thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại, góp phần khai thác, mở rộng thị trường du lịch trong nước và quốc tế. Tỉnh phối hợp với Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức các đoàn khảo sát với sự tham gia của các đơn vị lữ hành trên cả nước, tổ chức tọa đàm với các chủ đề “Phát triển, xây dựng tour, tuyến du lịch Việt Bắc” (tháng 8/2017); “Phát triển sản phẩm du lịch Cao Bằng” (tháng 10/2017); “Phát triển sản phẩm du lịch thác Bản Giốc gắn với CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng” (tháng 11/2019)…

Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng đã ký kết hợp tác, kết nghĩa với các CVĐC trong mạng lưới: Haute - Provonce, Pháp (năm 2018), Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang (tháng 5/2019) nhằm tăng cường quản lý, thúc đẩy liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa các CVĐC toàn cầu.

Hoạt động xúc tiến hợp tác du lịch với nước bạn Trung Quốc được Sở VH-TT&DL 4 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang và Sở Văn hóa và Du lịch Quảng Tây (Trung Quốc) duy trì cơ chế tổ chức hội nghị bàn về phát triển văn hóa, du lịch; các đơn vị lữ hành hai bên đẩy mạnh hoạt động trao đổi khách theo các chương trình đã ký kết.     

Giai đoạn 2016 - 2020, lượng khách đến Cao Bằng đạt trên 5 triệu lượt người, tăng bình quân 19%/năm, tăng 98% so với giai đoạn 2011 - 2015, trong đó, khách quốc tế đạt trên 420.000 lượt, tăng bình quân 42%/năm, tăng 213% so với giai đoạn 2011 - 2015. Doanh thu đạt trên 1.200 tỷ đồng, tăng bình quân 36%/năm, tăng 192% so với giai đoạn 2011 - 2015. Tăng trưởng du lịch bình quân đạt 25,8%/năm, tăng 7,6% so với giai đoạn 2011 - 2015.

Bài 3: Phát huy lợi thế đưa kinh tế cửa khẩu thành mũi nhọn

Cao Bằng có trên 333 km đường biên giới, có 4 cửa khẩu chính và nhiều cặp cửa khẩu phụ. Từ lợi thế trên, Đảng bộ tỉnh xác định thúc đẩy phát triển kinh tế cửa khẩu (KTCK) là một trong 3 đột phá chiến lược là nội dung quan trọng trong Chương trình số 11-CTr/TU, ngày 29/4/2016 của Tỉnh ủy Cao Bằng về phát triển kinh tế đối ngoại giai đoạn 2016 - 2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã khai thác tiềm năng, thế mạnh đưa KTCK thành mũi nhọn thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh.

Xuất khẩu hàng hóa qua Lối mở Nà Đoỏng, Khu kinh tế Cửa khẩu Trà Lĩnh. Ảnh: Ngọc Minh

KHAI THÁC TIỀM NĂNG KHU KINH TẾ CỬA KHẨU

Tháng 3/2014, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Khu KTCK tỉnh Cao Bằng, đây là thế mạnh để tỉnh khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đặc biệt, vị trí địa lý Khu KTCK tỉnh kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của tỉnh Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Quý Châu, Quảng Tây (Trung Quốc) đi qua đường bộ Cao Bằng (Việt Nam) nối vào Quốc lộ 1 rồi tỏa xuống đường biển đến cảng Hải Phòng rất thuận lợi so các tỉnh khác trong khu vực nước ta. Nếu tuyến vận tải đường bộ này được hình thành ra biển qua cảng Hải Phòng sẽ rút ngắn khoảng cách vận chuyển hàng hóa khoảng 1.100 km so với vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh trên ra cảng gần nhất của Trung Quốc.

Từ tuyến đường này mở ra triển vọng phát triển Khu KTCK tỉnh sẽ là một trong những đầu mối giao thông giao lưu, hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc, các nước ASEAN với Trung Quốc, trong khuôn khổ xây dựng khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc.

Bên cạnh vị trí chiến lược kết nối giao thông thuận lợi, Khu KTCK tỉnh có mặt bằng rộng gồm 5 huyện biên giới (Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hà Quảng, Hạ Lang, Thạch An) để phát triển các dịch vụ, sản xuất công nghiệp gắn với lợi thế cửa khẩu sẽ phát triển mạnh như: Khu KTCK Tà Lùng (Quảng Hòa), Khu KTCK Trà Lĩnh (Trùng Khánh) có nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu.

Năm 2016, Trung Quốc cho phép Cửa khẩu Thủy Khẩu đối diện Tà Lùng (Quảng Hòa) và Cửa khẩu Long Bang đối diện Trà Lĩnh (Trùng Khánh) nhập khẩu trái cây tươi của Việt Nam. Tỉnh Cao Bằng và thành phố Bách Sắc, Quảng Tây (Trung Quốc) ký thỏa thuận khung về hợp tác xuất khẩu nông sản, hải sản và hoa quả của Việt Nam qua cặp Cửa khẩu Trà Lĩnh - Long Bang với mục tiêu nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.

Khu KTCK tỉnh đi vào hoạt động thu hút các nguồn vốn đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ sản xuất hàng hóa, du lịch, liên kết với các địa bàn trong tỉnh và vùng để khai thác các thế mạnh về nguồn nguyên liệu địa phương. Đồng thời phát triển mô hình hợp tác KTCK theo các chính sách mở, đồng bộ, phát huy cao nhất tiềm năng, liên kết chặt chẽ với các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Dấu ấn hợp tác kinh tế qua biên giới

Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Nguyễn Kiên Cường cho rằng: Từ năm 2016 - 2020, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã tham mưu cho tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư các dự án tại khu KTCK, khu công nghiệp.

Tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ các tổ chức tư vấn, các nhà đầu tư tại các thành phố lớn trong nước; xây dựng các mối quan hệ đầu mối; tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư tại Hà Nội; cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia các đoàn xúc tiến đầu tư ở Trung Quốc, Đài Loan, Singapore... thu hút nhà đầu tư lớn đến khảo sát môi trường đầu tư và triển khai dự án đầu tư. Giai đoạn 2010 - 2020, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh thẩm định hồ sơ cấp mới 100 Giấy chứng nhận đầu tư vào Khu KTCK, khu công nghiệp.

Tỉnh triển khai nhiều hoạt động đối ngoại với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) trên cơ sở thông qua các cơ chế như: Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp giữa 4 tỉnh Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc); Ủy ban Hợp tác cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc; hai bên tổ chức thực hiện tốt các hiệp định về quản lý cửa khẩu, quản lý biên giới..

Khu KTCK Trà Lĩnh là một trong 4 cửa khẩu của Việt Nam được lựa chọn để xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ngoài nguồn vốn khoảng 600 tỷ đồng đầu tư từ ngân sách nhà nước, hiện nay, Khu KTCK Trà Lĩnh thu hút 17 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 8.000 tỷ đồng xây dựng kho ngoại quan, bãi tập kết hàng hóa, kho đông lạnh…

Một số dự án đi vào hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho giao nhận, lưu giữ hàng hóa, tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động theo mùa vụ. Giai đoạn 2015 - 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tại Khu KTCK Trà Lĩnh đạt 136 triệu USD, kim ngạch tạm nhập tái xuất đạt 446 triệu USD, thu thuế xuất nhập khẩu 256 tỷ đồng; thu phí sử dụng hạ tầng cửa khẩu 128 tỷ đồng.

Hiện nay, Khu KTCK tỉnh có 76 dự án đầu tư đang triển khai, trong đó 67 dự án đầu tư trong nước đăng ký đầu tư khoảng 14.543 tỷ đồng (giải ngân theo tiến độ khoảng 500 tỷ đồng), 9 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư 36,8 triệu USD (giải ngân theo tiến độ khoảng 10 triệu USD)… Có 33 dự án đi vào hoạt động, 35 dự án đang triển khai.

Trong đó có 2 dự án trung tâm Logistics, khu trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực Cửa khẩu Trà Lĩnh đăng ký đầu tư trên 6.000 tỷ đồng; Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại Quảng Hòa đăng ký đầu tư 4.300 tỷ đồng.

Các dự án đi vào hoạt động góp phần hoàn thiện hạ tầng phục vụ hoạt động thương mại biên giới, trao đổi, xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn Khu KTCK tỉnh, tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, giao lưu thương mại, phát triển kinh tế cho tỉnh. Giai đoạn 2010 - 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn đạt trên 16,3 tỷ USD, bình quân tăng 25,5%/năm. Tổng thu ngân sách trên 3,8 nghìn tỷ đồng, bình quân tăng 9,3%/năm, góp cho tổng dự toán thu ngân sách trên địa bàn tỉnh khoảng 30 - 35%/năm.

THÁO GỠ NÚT THẮT ĐƯA KINH TẾ CỬA KHẨU LÀM ĐỘNG LỰC CHO SỰ PHÁT TRIỂN

Phát triển KTCK của tỉnh đạt được thành tựu bước đầu đúng định hướng Chương trình trọng tâm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra, bên cạnh đó còn tồn tại điểm nghẽn: Chính sách phát triển Khu KTCK chưa có chiều sâu, thu hút đầu tư chưa có chiến lược cụ thể; chưa tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư lớn có tính lan tỏa và chưa nêu cụ thể nội dung ưu đãi đầu tư đối với từng lĩnh vực trên địa bàn Khu KTCK.

Chính sách phát triển, quản lý Khu KTCK thường xuyên điều chỉnh gây khó khăn cho việc tiếp cận và phối hợp của các cơ quan liên quan; định hướng chính sách chủ yếu chỉ tập trung định hướng và giải pháp để tăng cường hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa, chưa đánh giá được những thách thức như việc dự báo chính sách biên mậu của Trung Quốc để hoạt động ổn định và bền vững hơn.

Thu hút đầu tư vào Khu KTCK tỉnh chưa đạt được kỳ vọng. Tình hình thực hiện một số dự án đầu tư còn chậm so với thời gian cam kết. Nhiều lĩnh vực hợp tác giữa Cao Bằng với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tuy đã ký kết nhưng chưa được triển khai…

Khó khăn hiện nay là Cao Bằng chưa có khu công nghiệp, vùng sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa tập trung phục vụ xuất khẩu nên hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu chỉ trung chuyển qua địa bàn. Trong khi đó, khoảng cách từ địa phương khác đến Cao Bằng khá xa, chỉ có đường bộ; đường vào một số cửa khẩu, lối mở, điểm thông quan hàng hóa trong nhiều năm gần đây đã xuống cấp chưa được đầu tư, cải tạo.

Hạ tầng cơ sở tuy được đầu tư xây dựng nhưng do nhu cầu thực tế cao, ngân sách của tỉnh hạn hẹp nên hạ tầng cơ sở phục vụ các hoạt động KTCK còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Đây là những “điểm nghẽn” hạn chế phát triển tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Để tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển Khu KTCK của tỉnh, đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Giai đoạn 2020 - 2030, tỉnh từng bước tháo gỡ điểm nghẽn và tập trung đột phá 3 thế mạnh.

Trong đó, Khu KTCK tập trung khai thác phát triển kinh tế biên mậu kết hợp với dịch vụ du lịch để tận dụng lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên. Để thúc đẩy kết nối từ Trung Quốc - Cao Bằng (Việt Nam) - các nước ASEAN, tỉnh tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống đường giao thông, đặc biệt hoàn thành thủ tục ban đầu, khởi động xây dựng tuyến đường cao tốc Trà Lĩnh (Cao Bằng) - Đồng Đăng (Lạng Sơn) thúc đẩy kết nối giao thông vận chuyển hàng hóa và hành khách từ các tỉnh Tây Nam Trung Quốc qua Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng đi các nước ASEAN...

Cao Bằng đã phối hợp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và các địa phương khác của Trung Quốc khảo sát xây dựng đề án thành lập tuyến đường vận tải đường bộ quốc tế mới từ các tỉnh Tây Nam Trung Quốc qua Cửa khẩu Trà Lĩnh đi ra biển thông qua cảng Hải Phòng.

Từ đó hình thành hành lang kinh tế từ Trùng Khánh - Quý Châu - Quảng Tây (qua Bách Sắc)  (Trung Quốc) qua Cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam) kết nối với các nước ASEAN theo đường Hồ Chí Minh và trục nối Cao Bằng - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng theo Quốc lộ 4A ra các nước ASEAN và quốc tế, đáp ứng nhu cầu xây dựng và kết nối mạng lưới giao thông của khu vực, tăng cường năng lực khai thông giao thông thông suốt của các cảng hậu phương thuộc vịnh Bắc Bộ… Thời gian tới, tỉnh tập trung phát triển Khu KTCK thành trung tâm Logistic lớn của cả nước và trở thành cửa ngõ XNK hàng hóa từ các nước ASEAN vào thị trường Trung Quốc và ngược lại.

Ngoài ra, các khu vực cửa khẩu, lối mở khác, giai đoạn 2020 - 2030 tiếp tục đầu tư một số dự án hạ tầng trọng điểm phục vụ công tác quản lý nhà nước và hoạt động kinh tế biên mậu; thu hút đầu tư đối với dự án kho, bãi, chế biến nông lâm, thủy sản.

Bài cuối: Phát triển “tam nông” - đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Xác định tiềm năng, thế mạnh của địa phương là kinh tế nông nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 ban hành Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Từ đó, trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã hình thành nền nông nghiệp hàng hóa có giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cao; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống, giảm nghèo bền vững, tiến tới phát triển ổn định và hội nhập.



Nông dân xã Hưng Đạo (Thành phố) đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP GỠ “ĐIỂM NGHẼN”

Cao Bằng thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp với diện tích đất lâm nghiệp 533.384,7 ha, chiếm 79,56% diện tích tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng khá đa dạng về nhóm đất và loại đất, tạo ra nhiều tiểu vùng sinh thái nông, lâm nghiệp thích hợp với nhiều loại cây trồng, phù hợp với kinh tế nông nghiệp, góp phần vào tăng trưởng chung của tỉnh.

Để thực hiện các mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, trong đó mục tiêu phát triển lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, tỉnh xác định việc thúc đẩy, phát triển chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp rất quan trọng. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bế Xuân Tiến cho biết: Ngành nông nghiệp phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn như bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển hợp tác, liên kết và tiêu thụ trong sản xuất nông, lâm nghiệp.

Tỉnh tập trung thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch trọng tâm như: Nghị quyết số 28/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 20/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND ngày 8/12/2017 của HĐND tỉnh quy định một số mức chi hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020.

Nghị quyết số 24/2020/NQ-HĐND ngày 17/7/2020 của HĐND tỉnh về quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 2468/QĐ-UBND ngày 21/12/2017 của UBND tỉnh về ban hành Đề án tìm kiếm thị trường tiêu thụ nội địa và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa của Cao Bằng, đặc biệt là các sản phẩm từ lĩnh vực nông, lâm nghiệp giai đoạn 2017 - 2020; Quyết định số  183/QĐ-UBND ngày 25/2/2019 của UBND tỉnh về phê duyệt các ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên thực hiện liên kết trên địa bàn tỉnh...

Căn cứ chủ trương, chính sách, các văn bản quy định của Trung ương và Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn xây dựng một số đề án để cụ thể hóa các nội dung triển khai như: Đề án phát triển vùng rau an toàn giai đoạn 2017 - 2020; Đề án nghiên cứu một số mô hình phát triển kinh tế rừng gắn với trồng rừng và bảo vệ môi trường giai đoạn 2017 - 2020; Đề án phát triển chăn nuôi tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2018 - 2020.

Hiện nay, tỉnh tập trung triển khai hiệu quả Đề án nông nghiệp thông minh tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao; Dự án nông nghiệp công nghệ cao của Công ty HiTech Farm Hàn Quốc; các dự án chăn nuôi lợn, bò tập trung; các dự án phát triển cây ăn quả đặc hữu lê, cam, quýt...; các dự án trồng rừng, trồng cây dược liệu. Tiếp tục xây dựng và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, năng suất, chất lượng cao với các sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quy định như VietGap, GlobalGap, hữu cơ trong sản xuất nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

Các địa phương đang tập trung triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp. Thực hiện hiệu quả việc liên kết giữa người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ; nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã thực hiện thành công trên địa bàn tỉnh.

Xác định đúng vai trò nguồn nhân lực trong liên kết "4 nhà", tỉnh tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là nâng cao năng lực điều hành, quản lý cho đội ngũ cán bộ doanh nghiệp, hợp tác xã. Tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, thực hiện các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, hàng hóa dịch vụ trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại. Tiếp tục thúc đẩy việc truy xuất nguồn gốc, xây dựng bao bì, nhãn mác, chứng nhận sản phẩm; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản.

Tỉnh huy động thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp được 841 tỷ đồng. Ngoài ra, vốn đầu tư phát triển được lồng ghép trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình 30a, Chương trình 135 và các chương trình khác để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 là 6.451 tỷ đồng.

Các cấp, ngành tiếp tục hỗ trợ liên kết từ năm 2019 chuyển sang và thẩm định các dự án năm 2020 để hỗ trợ một số liên kết như: Sản xuất miến dong của Hợp tác xã Án Lại; sản xuất ngô ngọt của Hợp tác xã 3 sạch; sản xuất ớt của Công ty DACE. Việc triển khai hiệu quả các chính sách góp phần thúc đẩy, phát triển các hình thức liên kết sản xuất.

Tỉnh đã thu hút 43 dự án đăng ký đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn với tổng số vốn đăng ký đầu tư 6.259 tỷ đồng. Trong đó có một số dự án mang tính chiến lược, lâu dài, tạo tiền đề tốt cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025,  góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

NÔNG NGHIỆP LÀ "TRỤ ĐỠ" PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA TỈNH

Với sự quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, tỉnh tiếp tục duy trì, ổn định các vùng sản xuất sản phẩm chủ lực như: thuốc lá, mía, trúc sào... Quy hoạch phát triển các vùng với các cây trồng, vật nuôi tiềm năng, lợi thế của địa phương có giá trị kinh tế cao như: gừng trâu, miến dong, thạch đen, cây ăn quả (lê, chanh leo, cam, quýt...), lạc giống, lúa chất lượng cao, cây dược liệu; phát triển chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi lợn, bò tập trung; phát triển vùng trồng cỏ, ngô sinh khối phục vụ phát triển chăn nuôi gia súc...

Các tiến bộ khoa học công nghệ về giống, quy trình sản xuất được áp dụng mạnh mẽ góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, một số sản phẩm sản xuất theo quy trình VietGap, hữu cơ như: Giống thuốc lá chất lượng cao đạt trên 98%, diện tích 3.046 ha, sản lượng 7.965 tấn, thu nhập bình quân đạt trên 80 triệu đồng/ha; sử dụng các giống mía Roc 22, Roc 27, KK3 với diện tích 2.586 ha, sản lượng 167.289 tấn, thu nhập bình quân đạt trên 62 triệu đồng/ha; trồng gừng hữu cơ với diện tích 176 ha, sản lượng 3.344 tấn, thu nhập bình quân đạt trên 140 triệu đồng/ha.

Nhằm tiêu thụ sản phẩm đầu ra, tiếp cận thị trường, tỉnh có giải pháp tổ chức sản xuất, đa dạng hóa các hình thức liên kết, khuyến khích liên kết theo hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm để bảo đảm quyền lợi cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và tăng cường công tác quản lý của cơ quan nhà nước.

Đến nay, tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển đa dạng hóa các hình thức liên kết thông qua hợp đồng sản xuất thuốc lá nguyên liệu giữa doanh nghiệp và người dân tại các huyện Hòa An, Hà Quảng... được các doanh nghiệp hỗ trợ người dân từ giống, cho vay phân bón, hỗ trợ khoa học kỹ thuật và tổ chức thu mua các sản phẩm.

Liên kết sản xuất mía nguyên liệu tại các huyện Quảng Hòa, Hạ Lang... giữa người dân và Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng để đầu tư sản xuất và thu mua tạo ra các sản phẩm đường kính; liên kết sản xuất lúa chất lượng cao Japonica theo chuỗi tại huyện Hòa An và Thành phố... được Công ty TNHH một thành viên nông nghiệp Hòa An đầu tư và tiêu thụ sản phẩm với hàng chục tấn gạo ĐS1, PC26 ra thị trường trong và ngoài tỉnh.

Liên kết sản xuất giống lạc vụ hè thu tại huyện Hà Quảng của Công ty TNHH nông lâm nghiệp Hà Quảng để cung ứng lạc giống cho các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An; liên kết sản xuất gừng, ớt hữu cơ tại các huyện: Hà Quảng, Hòa An được Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và tư vấn môi trường (DACE) tham gia đầu tư, thu mua sản phẩm, chế biến và xuất khẩu; liên kết trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng tại các vùng nguyên liệu Công ty TNHH Quang Minh, Doanh nghiệp tư nhân Thắng Lợi, Công ty TNHH Lâm nghiệp Cao Bằng.

Liên kết trồng cây quế tại huyện Nguyên Bình của Công ty TNHH công nghệ sinh học Ngân Hà; liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ lợn rừng, lợn Hương rừng của Hợp tác xã Thắng Lợi tại Hà Quảng; định hướng liên kết trong trồng cỏ, ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi bò sữa tại các huyện: Quảng Hòa, Hạ Lang, Trùng Khánh...

Mô hình trồng thanh long của người dân xã Chu Trinh (Thành phố) cho thu nhập cao.

Các ngành hữu quan triển khai  hoạt động tư vấn về thị trường, tiến hành tìm kiếm thị trường, đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh vào các gian hàng, cửa hàng, siêu thị, các hội chợ thương mại để quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Một số sản phẩm như: thạch đen; rau hữu cơ của Hòa An; rau an toàn của huyện Thạch An, Nguyên Bình; miến dong Phja Đén; gạo nếp Hương Trùng Khánh; gạo nếp Pì Pất Hòa An; cây ăn quả lê, dẻ, cam, quýt; lạp sườn; thịt sấy khô các loại và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác... được giới thiệu, bán ra thị trường và được người tiêu dùng lựa chọn, yêu thích.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong chuỗi hàng hóa, tỉnh tập trung xây dựng bao bì, nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm, triển khai ứng dụng các công nghệ để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân, như: cấp mã Qrcode cho sản phẩm, có 37 sản phẩm các loại của 32 cơ sở đăng ký, trên 18.000 tem truy xuất nguồn gốc được dán lên các sản phẩm hàng hóa để người tiêu dùng có thể sử dụng các phần mềm công nghệ trực tiếp kiểm tra, nắm bắt thông tin sản phẩm.

Tỉnh triển khai Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị tỉnh Cao Bằng” (phần mềm Agrolink.vn) để hỗ trợ kết nối, liên kết nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước trong nghiên cứu, sản xuất, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP), dự kiến đến hết năm 2020 có 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh, 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn cấp huyện.

Với các giải pháp nêu trên góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp, thực hiện hiệu quả Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Sản xuất nông, lâm nghiệp bình quân tăng 2,6%/năm; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 274.000 tấn, vượt 3,4% mục tiêu Nghị quyết Đại hội.

Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 40 triệu đồng/ha; giá trị sản lượng ngành chăn nuôi tăng trên 6%/năm; kinh tế trang trại, gia trại tiếp tục phát triển; một số sản phẩm được xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ như thịt bò, lợn đen... Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường, tỷ lệ che phủ rừng đạt 55,68%.

Từ thực hiện đồng bộ phát triển kinh tế nông nghiệp và đầu tư nguồn lực xây dựng hạ tầng cơ sở, đến hết năm 2019, toàn tỉnh đạt 11 tiêu chí nông thôn mới/xã, tăng bình quân 3,67 tiêu chí so với năm 2016; có 20 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. Đây là tiền đề để tỉnh tiếp tục khai thác  hiệu quả tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống, giảm nghèo bền vững tiến tới phát triển ổn định và hội nhập.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất