LTS: Bốn năm qua, Hà Nội đã thực hiện thường xuyên, nền nếp Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đáng chú ý, nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân đã phát huy kết quả đạt được trong những năm qua gắn với thực hiện chuyên đề năm 2020 về “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Báo Hànộimới giới thiệu loạt bài “Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn Hà Nội - Đường đến thành công”, phản ánh về vấn đề này.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, anh Đặng Văn Tú (ngoài cùng bên trái) đã tích cực xây dựng “Phòng đọc cộng đồng” phục vụ nhân dân thôn Đông Dương, xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Bá Hoạt
Bài 1: Nhân lên giá trị cao đẹp
Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị, thời gian qua đã xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô có những việc làm thiết thực, ý nghĩa vì cộng đồng, qua đó nhân lên những giá trị cao đẹp trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào đời sống xã hội. Họ là hạt nhân phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa bàn dân cư, thiết thực đưa chủ trương của Trung ương và thành phố Hà Nội vào cuộc sống.
Từ làm đẹp cho quê hương…
Dẫn khách đi trên con đường rộng rãi, to đẹp nối từ thôn Thanh Lũng ra quốc lộ 32, Chủ tịch UBND xã Tiên Phong (huyện Ba Vì) Đỗ Đình Trưởng không giấu được niềm vui bởi trước đây, con đường huyết mạch của xã vừa nhỏ hẹp, xuống cấp nay đã khang trang, sạch đẹp. Ông Trưởng nhớ lại: Năm 2012, xã Tiên Phong chủ trương mở rộng đường làng để xây dựng nông thôn mới và gia đình ông Kiều Hải Nam (thôn Thanh Lũng) đã tiên phong hiến gần 40m2 đất thổ cư để mở rộng đường. Không những thế, gia đình ông còn dành toàn bộ số tiền được bồi thường giải phóng mặt bằng ủng hộ địa phương xây dựng nông thôn mới.
"Tấc đất tấc vàng - nhưng nếu cứ so đo thiệt hơn thì việc cải tạo con đường không thể thành công. Mở rộng đường không chỉ giúp đời sống của bà con mà chính gia đình tôi cũng được hưởng lợi", ông Kiều Hải Nam bộc bạch.
Cũng với suy nghĩ tích cực ấy, năm 2017, một lần nữa gia đình ông Kiều Hải Nam lại hiến thêm 202m2 đất canh tác để làm đường giao thông nội đồng. Bà Nguyễn Thị Thanh, người dân thôn Thanh Lũng chia sẻ: "Nhiều người đã noi gương ông Nam, hiến đất mở đường, cùng đoàn kết, đồng thuận một lòng để đưa xã Tiên Phong đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2020".
Cùng với những cá nhân sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng để đóng góp xây dựng nông thôn mới ở khu vực ngoại thành, ở nội thành lại có những "hạt nhân" giữ cho phố phường luôn sạch, đẹp. Ông Chu Văn Chi, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 4 phường Nhật Tân, quận Tây Hồ là một trong nhiều tấm gương điển hình. Suốt 8 năm qua, cứ 5h hằng ngày, ông Chi đạp xe một vòng quanh khu dân cư để thu dọn túi rác, bóc gỡ tờ rơi quảng cáo, rao vặt. Ngày đầu phát động phong trào giữ sạch ngõ phố, ông Chi có sáng kiến mua thùng sơn cũ, phát cho các gia đình để đựng rác; vận động nhân dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; huy động sự vào cuộc của các hội, đoàn thể trong việc giám sát, nhắc nhở giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư.
Bền bỉ "giữ lửa", là hạt nhân quy tụ đoàn kết trong phong trào “sạch phố, đẹp nhà”, “Tuyến ngõ văn minh đô thị kiểu mẫu” tại ngõ 668 đường Lạc Long Quân - nơi ông Chi sinh sống đã được UBND quận Tây Hồ biểu dương và nhân rộng toàn quận. Đồng thời, ông Chi cũng là tác giả của mô hình "Tổ dân phố không rác" tại 6 tuyến phố văn minh đô thị của khu dân cư số 4.
Chứng kiến những việc làm của ông Chu Văn Chi, bà Lê Thị Loan (ngõ 668, đường Lạc Long Quân) chia sẻ: "Việc ông Chi tận tụy với công việc, bất kể nắng, mưa khiến người dân dần thay đổi nhận thức, cùng nhau đồng lòng giữ gìn môi trường thêm sạch, đẹp".
Còn Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân Nguyễn Xuân Trường đánh giá: "Nói đi đôi với làm nên các phong trào do ông Chi gây dựng luôn được bà con đồng tình, ủng hộ”.
... đến những việc làm thiện nguyện, vì cộng đồng
Chứng kiến nhiều người nghèo không đủ điều kiện thuê xe cứu thương để đưa người thân từ bệnh viện về nhà trước khi họ trút hơi thở cuối cùng, bà Phan Thị Bính (khu dân cư số 2, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) đã quyết định bán mảnh đất của gia đình để mua một chiếc xe cứu thương, chở miễn phí người bệnh nghèo trở về quê lúc họ lâm nguy. Từ tháng 12-2018 đến nay, chiếc xe nghĩa tình của bà Bính đã vận chuyển hàng trăm bệnh nhân nghèo ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Chung sức làm việc thiện với bà Bính, đã có 10 tài xế tình nguyện lái xe không lương. Trong đó có ông Mai Văn Toàn ở xã Mỹ Ðức, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đã tình nguyện ra Hà Nội làm lái xe cứu thương miễn phí. Không chỉ dừng ở đó, bà Phan Thị Bính còn tổ chức nấu, phát cơm, cháo từ thiện tại Viện Y học phóng xạ và u bướu quân đội. Đều đặn mỗi tuần, 150 suất cháo và 120 suất cơm được bà Bính gửi đến tận tay bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Ngõ 668 đường Lạc Long Quân là một trong những tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn quận Tây Hồ. Ảnh: Nguyễn Quang
Nhắc đến nghĩa cử cao đẹp của bà Bính, bà Thái Thị Tám (phường Khương Ðình, quận Thanh Xuân) cảm kích: “Những việc làm của bà Bính đã góp phần lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái, từ đó thu hút nhiều người cùng góp sức để thổi lên “ngọn lửa” nhân ái”.
Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Anh Tuấn cho biết, với tấm lòng nhân ái, vì cộng đồng, năm 2020, bà Phan Thị Bính đã được Quận ủy Hoàng Mai khen thưởng và năm 2019, vinh dự được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.
Cũng như bà Phan Thị Bính, quyết tâm thực hiện những việc làm ý nghĩa vì cộng đồng, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Đặng Văn Tú (sinh năm 1991, thôn Đông Dương, xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa) đã cùng những người tâm huyết thực hiện dự án “Phòng đọc cộng đồng” phục vụ nhân dân trong thôn. Anh Tú chia sẻ: “Phòng đọc vốn có tên gọi là “Đông Dương học đường”, từng là nơi nuôi dưỡng người tài cho đất nước. Trải qua thời gian, phòng đọc đã xuống cấp. Mong ước tiếp nối truyền thống hiếu học của cha ông, với sự hỗ trợ của chính quyền và nhiều người khác, “Phòng đọc cộng đồng” thôn Đông Dương được khôi phục khang trang trở lại, với 2.800 đầu sách, thu hút đông đảo độc giả mọi lứa tuổi tới tìm kiếm tri thức”.
Bà Nguyễn Thị Hằng - một độc giả cao niên ở thôn Đông Dương cho biết: “Mừng nhất là các cháu nhỏ đã biết tranh thủ thời gian được nghỉ học, đến phòng đọc xem sách, đọc truyện thay vì sa vào trò chơi vô bổ, thậm chí có hại”. Còn em Nguyễn Thu Thủy (xóm 1, thôn Đông Dương) thông tin: “Phòng đọc có cả sách giáo khoa các loại, ai có nhu cầu có thể mượn trong suốt cả năm học, giúp tiết kiệm chi phí cho nhiều gia đình”.
Khó có thể kể hết những tấm gương bình dị trong học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các khu dân cư trên địa bàn Thủ đô. Bằng những hành động, việc làm thiết thực, ý nghĩa, họ trở thành những "bông hoa đẹp", tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, thôi thúc mọi người có những việc làm đẹp hơn. Từ đó, nhân lên sức mạnh đại đoàn kết, đồng lòng góp sức xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển.
Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn Hà Nội - Đường đến thành công:
Bài 2: Những đóng góp thầm lặng
Cùng với cấp cơ sở, việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh còn diễn ra sôi nổi trong khối các cơ quan, doanh nghiệp của thành phố Hà Nội. Bằng những đóng góp thầm lặng, nhiều cán bộ, đảng viên đã gắn việc học tập, làm theo Bác với nhiệm vụ chuyên môn được giao, từ đó góp phần xây dựng địa phương, đơn vị ngày càng phát triển vững mạnh.
Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu Nguyễn Hữu Thức hướng dẫn người lao động tại xưởng sản xuất. Ảnh: Bá Hoạt
Người “thuyền trưởng“ của gốm Chu Đậu
Đến thăm cơ ngơi khang trang của Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu, (thuộc Đảng bộ Tổng công ty Thương mại Hà Nội - Công ty cổ phần), là thành viên của Tập đoàn BRG, chứng kiến 200 công nhân miệt mài hoàn thiện hàng nghìn chiếc bình gốm làm quà tặng trong các sự kiện của các cơ quan, đơn vị trên cả nước, ít ai biết rằng, doanh nghiệp này từng trải qua những giai đoạn đặc biệt khó khăn.
Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu Nguyễn Hữu Thức dí dỏm nói: “Nhiều người nghĩ tôi mắc khuyết điểm gì đó, nên mới bị điều về Chu Đậu vào năm 2013 - thời điểm hết sức khó khăn với doanh nghiệp”. Tiếp quản công ty, chứng kiến đời sống của cán bộ, nhân viên nơi đây bộn bề lo toan do sản phẩm làm ra chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, trăn trở lớn nhất của Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Thức là khôi phục dòng gốm cổ Chu Đậu, từng phát triển cực thịnh vào thế kỷ XIV-XV, và đến nay nhiều sản phẩm vẫn đang được trưng bày tại 46 bảo tàng thuộc 32 quốc gia.
Sát cánh cùng cán bộ, nhân viên Công ty cổ phần gốm Chu Đậu, Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Thức quyết tâm đổi mới toàn diện quy trình sản xuất để thích nghi với những yêu cầu khắt khe của thị trường trong nước và xuất khẩu. Bằng sự say mê, giai đoạn 2016-2017, các nghệ nhân đã phục chế thành công một số mẫu phiên bản gốm cổ Chu Đậu là bảo vật quốc gia như: Bình phượng hoàng, bình thiên nga phỏng theo mẫu bình gốm cổ Chu Đậu.
Nghệ nhân ưu tú Hạ Bá Định, người 20 năm chứng kiến những thăng trầm của doanh nghiệp cho biết: "Không chỉ nỗ lực tìm tòi đổi mới giúp gốm Chu Đậu chinh phục thị trường trong nước và xuất khẩu ra 30 quốc gia, trên cương vị “thuyền trưởng”, Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Thức luôn tận tâm chăm lo đời sống của cán bộ, nhân viên".
Nhờ sự chèo lái của Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Thức, tổng doanh thu của gốm Chu Đậu năm 2015 đạt 33,5 tỷ đồng, đến năm 2019 tăng lên đạt 84,36 tỷ đồng. Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - Công ty cổ phần Vũ Thanh Sơn đánh giá: “Đồng chí Nguyễn Hữu Thức nhiều năm qua luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có nhiều sáng kiến giúp nâng cao chất lượng, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, đem lại lợi ích kinh tế cao cho tổng công ty. Nỗ lực này được ghi nhận bằng nhiều Bằng khen của Trung ương và thành phố Hà Nội. Mới đây nhất, đồng chí Nguyễn Hữu Thức đã được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liên tiếp (2015-2020)”.
Thế nhưng, khi nói về những kết quả mà Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu có được, Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Thức khiêm tốn khẳng định, thành quả này có được là nhờ tập thể cán bộ, công nhân viên công ty đã đoàn kết, đồng lòng, luôn noi gương Bác vượt qua khó khăn. Qua đó, từng bước khẳng định vị trí của gốm Chu Đậu trên thương trường.
Những “cây sáng kiến“ miệt mài vì tập thể
Gặp anh Nguyễn Việt Hùng, cán bộ tư pháp - hộ tịch UBND thị trấn Sóc Sơn - người được đồng nghiệp gọi là “cây sáng kiến” của huyện Sóc Sơn - ấn tượng đầu tiên với nhiều người là sự tâm huyết, trách nhiệm với công việc. Thành tích của anh Hùng phải kể đến sáng kiến "Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện thủ tục hành chính công trực tuyến mức độ 3 trong lĩnh vực khai sinh, khai tử trên địa bàn thị trấn Sóc Sơn", giúp hơn 2.000 lượt người dân áp dụng thành công. Đáng chú ý, dịch vụ này của thị trấn Sóc Sơn hiện đạt tỷ lệ 100% qua hình thức trực tuyến.
Đặc biệt, sáng kiến "Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý dân cư, quản lý hộ tịch trên địa bàn xã, phường, thị trấn" của anh Nguyễn Việt Hùng đã góp phần thay đổi việc quản lý dân cư từ ghi chép sổ sách thủ công sang số hóa. Ngoài ra, sáng kiến "Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng; đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, đảng viên và các tổ chức trên địa bàn thị trấn Sóc Sơn" của anh Hùng cũng được UBND huyện Sóc Sơn áp dụng. Anh Nguyễn Việt Hùng còn chủ động tham mưu với lãnh đạo thị trấn Sóc Sơn tổ chức đăng ký hộ tịch lưu động; tổ chức lễ trao "Giấy chứng nhận kết hôn" cho công dân, "Trích lục khai tử" cho gia đình khi có việc tang.
Vui mừng khi được UBND thị trấn Sóc Sơn trao giấy chứng nhận kết hôn, anh Nguyễn Long Anh (tổ 4, thị trấn Sóc Sơn) chia sẻ: "Buổi lễ được tổ chức trang trọng, khiến ngày vui của vợ chồng tôi thêm ý nghĩa"… Bí thư Đảng ủy thị trấn Sóc Sơn Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá: "Tấm gương tận tụy trong công việc của anh Nguyễn Việt Hùng đã tạo ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân, góp phần giải quyết nhiều vấn đề mấu chốt trong công tác cải cách hành chính tại địa phương. Anh Hùng rất xứng đáng với danh hiệu "Người tốt, việc tốt” được UBND thành phố Hà Nội trao tặng".
Cũng đam mê công việc như anh Nguyễn Việt Hùng, chị Ngô Thị Hạnh (Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ - Thương mại sản phẩm da LADODA, huyện Gia Lâm) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật giúp tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động. Với tay nghề bậc 5/6 cùng kinh nghiệm 15 năm, chị Ngô Thị Hạnh được giao nhiệm vụ Chuyền phó Chuyền may 2, được gọi là “cây sáng kiến” của công ty. Điển hình là 2 sáng kiến trong quy trình sản xuất cặp học sinh chống gù đã giúp công ty tăng năng suất lao động 30%, đồng thời tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm.
Nhận xét về chị Hạnh, chị Sái Thị Kim Anh, công nhân Chuyền may 2 nói: "Chị Hạnh luôn nhiệt tình chỉ bảo, truyền kinh nghiệm về những công đoạn may khó cho công nhân trẻ mới vào nghề"… Còn theo Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ - Thương mại sản phẩm da LADODA Đinh Thanh Hà, chị Hạnh thường xuyên chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm để anh chị em trong đơn vị cùng tiến bộ nên luôn được đồng nghiệp quý mến, trân trọng. Năm 2018, chị Hạnh đã giành giải Nhất hội thi thợ giỏi thành phố Hà Nội, danh hiệu "Công nhân giỏi Thủ đô". Năm 2019, chị cũng đoạt giải Nhì hội thi "Bàn tay vàng ngành may da" do Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ - Thương mại sản phẩm da LADODA tổ chức.
Bằng tâm huyết, nhiệt tình với nhiệm vụ được giao, những cán bộ, người lao động Thủ đô đã không quản ngại khó khăn, nỗ lực vươn lên đạt thành tích nổi bật trong công việc chuyên môn. Hơn ai hết, họ chính là hạt nhân đoàn kết, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của địa phương, đơn vị.
Bài 3: Gương mẫu, đi đầu thực hiện nhiệm vụ
Đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp luôn đóng vai trò quyết định chất lượng thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều người đứng đầu đã gương mẫu đi đầu, có những việc làm cụ thể, thiết thực gắn với nhiệm vụ được giao. Qua đó được nhân dân, đồng nghiệp tôn trọng, nể phục, từ đó đồng lòng xây dựng địa phương, đơn vị đoàn kết, vững mạnh.
Đồng chí Âu Xuân Kiên (thứ 3 từ trái sang) vừa tái cử Bí thư chi bộ tổ dân phố số 2, phường Việt Hưng, quận Long Biên nhiệm kỳ 2020-2022.
Bí quyết là tinh thần đoàn kết
Trong câu chuyện với người dân tổ dân phố số 2 (phường Việt Hưng, quận Long Biên), chúng tôi cảm nhận được sự tin yêu, tôn trọng của họ dành cho Bí thư chi bộ Âu Xuân Kiên. Mặc dù đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ông Kiên luôn tất bật thực hiện trọng trách "hai vai": Bí thư chi bộ tổ dân phố số 2 và Trưởng Tiểu ban quản lý di tích đình Trường Lâm.
Với 55 đảng viên, Chi bộ tổ dân phố số 2 do ông Âu Xuân Kiên phụ trách luôn giữ vững danh hiệu “Trong sạch, vững mạnh tiêu biểu”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 4 năm liên tục (2016-2019). Nắm rõ tầm quan trọng của việc giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong chi bộ, Bí thư chi bộ Âu Xuân Kiên đã thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Vì thế, với những việc phức tạp như giải phóng mặt bằng Dự án đường 25m C12-C13, Chi bộ tổ dân phố số 2 đã vận động các hộ dân đồng thuận chấp hành bàn giao mặt bằng, không để phát sinh đơn thư, khiếu kiện. “Bí quyết của chúng tôi là tinh thần đoàn kết và đảng viên phải gương mẫu đi đầu”, ông Âu Xuân Kiên chia sẻ.
Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Long Biên Nguyễn Thế Thạch nhận xét: “Ông Kiên là một trong những cán bộ cơ sở tiêu biểu của phường, quận. Mới đây, đảng viên Âu Xuân Kiên cũng vinh dự được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liên tiếp (2015-2020)”.
Đặt nền móng và "chèo lái" Công ty cổ phần Vận tải thương mại Lịch Sự (quận Hoàng Mai), cựu chiến binh Vũ Mạnh Lịch, Bí thư chi bộ, Giám đốc Công ty không chỉ thể hiện vai trò người đứng đầu mà còn tích cực chung sức xây dựng quê hương. Ban đầu, công ty chỉ có 3 xe vận tải, đến nay đã phát triển lên 30 xe với 36 nhân viên. Ông Vũ Mạnh Lịch luôn là hạt nhân đoàn kết trong đơn vị cũng như địa bàn dân cư. Đặc biệt, với tâm niệm “Uống nước nhớ nguồn”, ông Vũ Mạnh Lịch đã nhận phụng dưỡng 2 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; nuôi dưỡng 3 cháu nhỏ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
Đặc biệt, cựu chiến binh Vũ Mạnh Lịch đã đóng góp 30 triệu đồng cải tạo hành lang đê ở phường Trần Phú; kè lại đê, trồng hoa, cây xanh và duy trì vệ sinh sạch đẹp trên tuyến đê hữu Hồng đoạn qua phường Lĩnh Nam với tổng chiều dài 220m, trị giá hơn 300 triệu đồng... “Từ đoạn đê thường xuyên bụi bặm, cỏ mọc um tùm, người dân hay để rác bừa bãi nay đã sạch sẽ. Kết quả đó có công sức của ông Lịch. Đường đê sạch đẹp, bà con đoàn kết cùng nhau dọn dẹp vệ sinh hằng tuần, chị Trần Vân Anh (phường Lĩnh Nam) chia sẻ.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Hoàng Mai Trần Điền nhận xét: "Cựu chiến binh Vũ Mạnh Lịch không chỉ thể hiện được phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ mà còn là điển hình tiêu biểu trong việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ. Từ tấm gương của ông Lịch, chúng tôi đã tuyên truyền để hội viên khác học tập, làm theo".
Tâm huyết, trách nhiệm
Đến phường Kim Giang, địa bàn đầu tiên của quận Thanh Xuân xây dựng thành công mô hình “Khu dân cư 5 không” (không rác thải; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; không vi phạm trật tự xây dựng; không phát sinh mới về tệ nạn xã hội; không còn hộ nghèo), điều dễ thấy là những tuyến phố khang trang, sạch đẹp, trật tự đô thị được duy trì nền nếp. Để đạt được những kết quả này, theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Kim Giang Nguyễn Thị Nga, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường đã đoàn kết xây dựng Kim Giang phát triển vững về chính trị, mạnh về kinh tế, giữ vững trật tự đô thị...
Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu đánh giá: “Nhờ sự đoàn kết, thống nhất cao, Đảng bộ phường Kim Giang đã 4 năm liên tục (2016-2019) đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu. UBND phường 3 năm liên tục (2016-2018) được UBND thành phố Hà Nội tặng Cờ thi đua xuất sắc. Kết quả này đã thể hiện rõ những nỗ lực của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thị Nga trong việc phát huy sức mạnh đoàn kết trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương”.
Còn Bí thư chi bộ khu dân cư số 3 (phường Kim Giang) Phạm Sông Thao bày tỏ: “Là cán bộ trẻ, lại cùng lúc giữ cương vị đứng đầu Đảng ủy, UBND phường, song đồng chí Nguyễn Thị Nga luôn thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ”... Nhắc lại quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, ông Thao cho rằng, với việc thực hiện nghiêm vai trò của người đứng đầu, đồng chí Nguyễn Thị Nga đã xây dựng Đảng bộ phường đoàn kết thống nhất.
Tương tự, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương đã thể hiện rõ vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của địa phương. Là địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh với nhiều dự án, công trình trọng điểm đang được triển khai, đồng chí Trần Thế Cương cùng Thường trực Quận ủy, UBND quận Bắc Từ Liêm đã rất quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành công tác giải phóng mặt bằng. Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2020, quận đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 11 dự án, liên quan đến 319 hộ dân và 4 tổ chức...
Chia sẻ bí quyết thành công trong lĩnh vực này, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương cho biết: "Lãnh đạo quận phải sát sao với công việc, phải phân công rõ người, rõ việc, rõ tiến độ hoàn thành, gắn với trách nhiệm cá nhân. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động để các hộ dân đồng thuận, ủng hộ các chủ trương lớn của quận và thành phố luôn phải đi trước một bước”.
Nhận xét về hiệu quả trong công tác giải phóng mặt bằng của quận Bắc Từ Liêm, ông Bùi Như Biền (phường Xuân Tảo) cho rằng, là địa bàn có nhiều dự án lớn đang triển khai, song sự quyết liệt, sát sao công việc với những chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo quận đã giúp Bắc Từ Liêm trở thành điểm sáng của thành phố trong công tác giải phóng mặt bằng vài năm trở lại đây.
Sự tiên phong, gương mẫu, không ngại khó trong thực thi nhiệm vụ của nhiều cán bộ lãnh đạo đã nhận được phần thưởng quý giá là niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sự nêu gương này cũng thiết thực lan tỏa trong các cơ quan, đơn vị, củng cố đoàn kết nội bộ, tạo sức mạnh giải quyết các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp. Điều đó cũng góp phần đưa Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị được hiện thực hóa trong đời sống xã hội.
Bài 4: Không ngừng phấn đấu vượt qua thử thách
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng bộ Hà Nội phải làm gương cho các đảng bộ khác”, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng bộ thành phố Hà Nội đều không ngừng trau dồi, rèn luyện, nỗ lực vượt qua khó khăn. Nhưng việc hoàn thành tốt những nhiệm vụ chính trị quan trọng ở địa phương là Thủ đô của cả nước luôn không dễ dàng, đòi hỏi phải không ngừng nỗ lực, phấn đấu để có thể vượt qua thử thách.
Vẫn còn những khó khăn
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, qua 4 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tại Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng cho thấy còn không ít khó khăn. Đó là việc một số cấp ủy cơ sở có nhận thức chưa đầy đủ, thụ động trông chờ cấp trên; vẫn có nơi triển khai thiếu chiều sâu, hiệu quả thấp; chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân; chưa có sự đột phá, sáng tạo như mong muốn. Đặc biệt, một số cấp ủy chưa thật sự quan tâm chỉ đạo việc giải quyết những yếu kém, khuyết điểm kéo dài; chưa kiên quyết xử lý triệt để những vi phạm, sai phạm, nhất là về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, khai thác tài nguyên, khoáng sản... gây bức xúc trong nhân dân.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân đã được đổi mới nhưng chưa có những hình thức, nội dung thực sự tạo đột phá, tác động sâu sắc tới nhận thức và hành động của toàn xã hội. Hơn nữa, việc phát hiện các nhân tố điển hình để kịp thời biểu dương, nhân rộng ở một số cơ sở chưa nhiều hoặc các tấm gương chưa thực sự thuyết phục. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của cấp ủy cơ sở còn chưa thường xuyên, liên tục, kịp thời; chưa có nhiều cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề...
Những nhận định trên được hầu hết cán bộ, đảng viên đồng tình, nhất là khi việc thực hiện chuyên đề năm 2020 về “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đang ở giai đoạn cao trào. Làm rõ hơn khó khăn trong quá trình triển khai mô hình "Tổ dân phố không rác", ông Chu Văn Chi, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 4, phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) cho biết: “Công tác mặt trận chủ yếu dựa vào tuyên truyền, vận động, thuyết phục nên quá trình hoạt động thực tế gặp nhiều trở ngại. Đơn cử việc vận động nhân dân giữ vệ sinh môi trường nghe thì đơn giản, nhưng khi vào cuộc lại không dễ. Ban đầu, nhiều người chưa thật sự hưởng ứng bởi họ không tin có thể thay đổi tình hình. Tôi phải âm thầm đi kiểm tra từng ngày, thậm chí từng giờ, cứ thấy rác là dọn, thấy quảng cáo là bóc, xóa. Chỉ khi thấy cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện, người dân mới cảm phục và đoàn kết, nhất trí làm theo”.
Trong khi đó, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) Nguyễn Thị Nga nêu thực trạng, khi triển khai thí điểm mô hình “Tổ dân phố 5 không”, “Khu dân cư 5 không”, việc duy trì tiêu chí “không rác” ở những địa bàn giáp ranh, hay việc duy trì trật tự ở khu dân cư có đa số hộ dân tận dụng vỉa hè làm nơi buôn bán, kinh doanh luôn là thách thức lớn…
Dù khó khăn có thể gặp ở mọi nơi, mọi lúc, nhưng bằng sự nhiệt huyết, trách nhiệm và gương mẫu của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân đã tin tưởng và làm theo.
Chức vụ càng cao, trách nhiệm nêu gương càng lớn
Để giải quyết những bất cập từ thực tế, trong phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 và các năm tiếp theo nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TƯ, Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, các địa phương, cơ quan, đơn vị tập trung triển khai 9 nội dung nhiệm vụ. Trong đó, nhấn mạnh việc các cấp ủy lựa chọn, đề ra giải pháp, có kế hoạch giải quyết ngay từ cơ sở những vấn đề trọng tâm, những hạn chế, khuyết điểm, nhất là vấn đề về phát ngôn, phát biểu không đúng nơi, đúng lúc, lệch lạc về quan điểm, đường lối. Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu việc xây dựng kế hoạch cá nhân cần lựa chọn những công việc phù hợp; vị trí công tác, chức vụ càng cao thì trách nhiệm nêu gương càng phải được chú trọng. Mỗi cán bộ, đảng viên lựa chọn từ một đến hai công việc cụ thể để thực hiện, cuối năm báo cáo với chi bộ hoặc cơ quan, đoàn thể…
Từ thực tế trên địa bàn, chia sẻ kinh nghiệm trong xử lý “điểm nóng”, Bí thư chi bộ tổ dân phố số 2 (phường Việt Hưng, quận Long Biên) Âu Xuân Kiên nhớ lại thời điểm năm 2013, khi quận Long Biên triển khai làm tuyến đường mới, trong đó phải di dời 300 ngôi mộ, mà nếu làm không tốt khâu giải phóng mặt bằng thì tiến độ dự án sẽ chậm trễ. “Cùng với việc nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, chi bộ đã huy động các chi hội: Cựu chiến binh, phụ nữ, người cao tuổi… kiên trì tới từng gia đình vận động, thuyết phục; đồng thời đề xuất cấp trên cho phép đưa những ngôi mộ cùng gia tộc được tập trung tại một khu vực để tiện việc hương khói. Nhờ đó, nhân dân nhất trí bàn giao mặt bằng đúng thời hạn để thực hiện dự án”, Bí thư chi bộ Âu Xuân Kiên đúc kết kinh nghiệm.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Kim Giang Nguyễn Thị Nga chia sẻ: “Việc duy trì giữ gìn vệ sinh môi trường, trật tự đô thị khó là vậy, nhưng khi có sự đoàn kết, thống nhất thì cán bộ, đảng viên và nhân dân đều tích cực tham gia. Thông qua ứng dụng Zalo, tận dụng camera giám sát của các hộ dân, mọi vi phạm đều được phản ánh, xử lý kịp thời. Tiêu chí “không rác”, “không vi phạm trật tự đô thị” nhờ vậy được thực hiện nghiêm”.
Còn theo ông Kiều Hải Nam (thôn Thanh Lũng, xã Tiên Phong, huyện Ba Vì), khi biết đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân; khi người dân nhìn thấy thành quả của sự hy sinh đó làm nên những lợi ích to lớn, lâu dài cho cả cộng đồng thì họ sẽ đồng lòng thực hiện.
Sự bền bỉ, nhiệt huyết; những cách làm sáng tạo; tinh thần gương mẫu, đi đầu của các cá nhân chính là điều cao quý cần nhân rộng khi thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ trong thời gian tới. Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương, thực tế triển khai Chỉ thị số 05-CT/TƯ tại Đảng bộ thành phố Hà Nội cho thấy, toàn Đảng bộ đã nỗ lực đoàn kết, thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ khó, thậm chí chưa có tiền lệ như công tác phòng, chống dịch Covid-19. “Đây là tiền đề vững chắc để thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về thể chất và tinh thần”, đồng chí Nguyễn Lan Hương khẳng định.
Bài cuối: Chủ động, tiên phong trong học tập, làm theo Bác
Trả lời phỏng vấn Báo Hànộimới, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội khẳng định: Qua 4 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị, với tình cảm kính yêu vô hạn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã luôn chủ động, tiên phong, sáng tạo trong học tập, làm theo Bác; coi tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người là lẽ sống, là kim chỉ nam, ngọn đuốc soi sáng quá trình xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trao Cờ thi đua của Thành ủy Hà Nội cho 5 đảng bộ đạt thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ 2015-2020.
- Xin đồng chí chia sẻ đôi nét về những kết quả đã đạt được của Đảng bộ thành phố Hà Nội qua 4 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”?
- Chúng ta đã có 9 năm hưởng ứng, triển khai các chỉ thị của Bộ Chính trị (khóa XI, XII) về học tập và làm theo Bác. Đặc biệt trong 4 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong ban hành các kế hoạch, chương trình thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ; coi tư tưởng, đạo đức, phong cách và mong muốn của Người, rằng: “Đảng bộ Hà Nội phải làm gương cho các đảng bộ khác” là lẽ sống trong quá trình xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, như sinh thời Bác hằng mong muốn.
Thành ủy đã ban hành Kế hoạch số 18-KH/TU ngày 1-9-2016 về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các kế hoạch, hướng dẫn cụ thể khác để triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trên cơ sở đó, UBND thành phố Hà Nội và các quận, huyện, thị xã đã ban hành các kế hoạch, chương trình nhằm triển khai các nhiệm vụ, góp phần đưa việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người trở thành việc làm thường xuyên, nền nếp. Những tư tưởng, tình cảm quý giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấm đượm sâu sắc vào suy nghĩ, việc làm của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Nội.
Không chỉ kêu gọi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức học tập và làm theo Bác, Thành ủy Hà Nội cũng ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Tiêu biểu là việc Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội” và Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16-12-2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Qua đó, từ danh sách 200 vụ việc nổi cộm cần theo dõi ban đầu, tới nay, Ban Chỉ đạo đã giải quyết, đưa ra khỏi danh sách theo dõi gần 150 vụ việc, góp phần quan trọng vào việc giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm tổ chức thành công 100% đại hội đảng bộ cấp cơ sở của thành phố vừa qua.
Những tháng đầu năm 2020, khi cùng với cả nước, Hà Nội phải đối mặt với khó khăn do đại dịch Covid-19, toàn thành phố đã chủ động, đồng lòng thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội; phát huy tinh thần đoàn kết, yêu thương để tới cuối tháng 4, Hà Nội và cả nước đã kiểm soát được dịch, tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố sẵn lòng trao tặng vật tư y tế phòng, chống Covid-19 cho các thành phố kết nghĩa của một số quốc gia, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tình cảm đoàn kết quốc tế, cùng ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.
Hà Nội cũng chủ động, đi đầu trong chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần đưa tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 3,39%, cao gấp 1,8 lần mức bình quân chung của cả nước; thu ngân sách đạt khá, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019. Để khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu trong phục hồi kinh tế, Hà Nội cũng đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2020 cao gấp 1,3 lần mức bình quân chung của cả nước và luôn gắn phát triển kinh tế - xã hội với thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội. Nhờ đó, đến nay, thành phố chỉ còn 0,42% số hộ nghèo và dự kiến cơ bản không còn hộ nghèo vào cuối năm 2020.
Hà Nội cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh để phục vụ nhân dân tốt hơn. Từ vị trí 42 về Chỉ số cải cách hành chính khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cách đây 10 năm, Hà Nội đã vươn lên vị trí thứ 2 trong nhiều năm qua; đồng thời đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, góp phần tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân.
Trong tổ chức đại hội Đảng các cấp hiện nay, chúng ta cảm kích khi nhận thấy rất nhiều đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp của thành phố quá tuổi tái nhiệm nhưng vẫn còn tuổi công tác đã chủ động xin nghỉ hưu trước thời hạn để giúp bộ máy mới hoạt động hiệu quả hơn. Tôi cho rằng, chúng ta đã học tập Bác ở chữ “liêm” và tinh thần “chí công vô tư”.
Tựu trung lại, với mỗi cấp ủy, chính quyền hay mỗi cán bộ, đảng viên của thành phố, học và làm theo Bác đều nhằm mục đích sửa mình để hoàn thiện hơn, phục vụ nhân dân, đất nước tốt hơn, đồng thời qua lời nói, việc làm của mình giúp cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ trở thành nền nếp, thường xuyên trong toàn xã hội.
- Theo đồng chí, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta còn những hạn chế gì trong quá trình triển khai?
- Việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ trên toàn thành phố đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Song thực tế cũng cho thấy, tại một số cấp ủy cơ sở, việc triển khai còn thụ động, trông chờ vào cấp trên. Một số đơn vị cơ sở triển khai có lúc thiếu chiều sâu, ít hiệu quả; chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đáng chú ý, một số cấp ủy chưa thật sự quan tâm, coi trọng chỉ đạo giải quyết những yếu kém, khuyết điểm; chưa kiên quyết xử lý triệt để những vi phạm, sai phạm, nhất là về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, khai thác tài nguyên... gây bức xúc trong nhân dân. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân lại chưa thực sự tạo bước đột phá để có thể tác động sâu sắc tới toàn xã hội… Đây là những hạn chế cần nỗ lực khắc phục trong thời gian tới.
Tôi cho rằng, để triển khai sâu, rộng hơn nữa Chỉ thị số 05-CT/TƯ, thực hành đạo đức cách mạng, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi chi bộ cần tích cực nêu gương trong công việc và đời sống, trở thành việc làm thường xuyên, nền nếp. Đồng thời, mỗi tấm gương đó cần được nhân rộng hơn trong thực tiễn để tạo ra tính lan tỏa, ảnh hưởng sâu rộng tới Đảng bộ và toàn xã hội như quan niệm của Người năm xưa: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
- Thưa đồng chí, vậy thời gian tới, Đảng bộ thành phố sẽ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh như thế nào để đạt được mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại?
- Đã nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn tới Đảng bộ và nhân dân Hà Nội, cả trong thời kỳ kháng chiến cứu nước và trong thời gian xây dựng và phát triển Thủ đô. Tựu trung, tôi thấy rằng mong muốn và yêu cầu của Người đối với Hà Nội tóm gọn một câu trong Lời kêu gọi nhân Ngày Giải phóng Thủ đô (tháng 10-1954): “Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.
Thực hiện ước nguyện của Người, Đảng bộ thành phố tiếp tục đặt mục tiêu bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, mở rộng đối ngoại hợp tác phát triển, nâng cao vị thế của Thủ đô; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước, các hoạt động đối ngoại quốc gia, các sự kiện chính trị lớn diễn ra trên địa bàn. Chủ động hơn nữa trong hội nhập quốc tế và các hoạt động đối ngoại nhân dân, ngoại giao nhân dân.
Trong dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, chúng ta đặt quyết tâm phấn đấu trở thành Thủ đô xanh, giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Đến năm 2025, Hà Nội trở thành thành phố có năng lực cạnh tranh cao trong nước và khu vực; đến năm 2030 trở thành thành phố có năng lực cạnh tranh quốc tế và đến năm 2045 là Thủ đô của nước Việt Nam phát triển, thành phố toàn cầu có thu nhập cao. Chúng ta cũng tập trung xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh với những giá trị nhân văn sâu sắc; tập trung các nguồn lực nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển mạnh sự nghiệp văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô và cho sự phát triển chung của cả vùng và cả nước. Thực hiện tốt chính sách xã hội, chính sách người có công, nâng cao phúc lợi xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn.
Để thực hiện mục tiêu này, Đảng bộ thành phố Hà Nội sẽ tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng bộ và toàn hệ thống chính trị. Mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu các cấp cần xác định rõ trách nhiệm của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ gắn với thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các quy định của Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; nâng cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ nỗ lực xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô. Toàn Đảng bộ cũng sẽ tiếp tục tạo chuyển biến mạnh hơn nữa trong thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU, tăng cường tiếp công dân, đối thoại, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; giải quyết tốt các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Qua đó, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển của năm 2020 và cả nhiệm kỳ; tổ chức kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và Đại hội thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả, có tính lan tỏa đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân trong thành phố; tổ chức thành công đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở và Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố thật sự mẫu mực về cả nội dung, hình thức, nhất là công tác sàng lọc và lựa chọn nhân sự có cả đức và tài, biết hy sinh trước hết cho lợi ích của nhân dân, góp phần tạo thế và lực vững chắc cho sự phát triển của thành phố trong giai đoạn tiếp theo.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Thành ủy!
Hương Ly, Nguyễn Hoa
Báo Hà Nội Mới