Ngày 22-12-2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH13 về việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (gọi tắt là VP) tỉnh, thành phố trên cơ sở tách Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (gọi tắt là Văn phòng chung) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo Nghị quyết, VP là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương và trực thuộc Văn phòng Quốc hội (VPQH). Sau 8 tháng Nghị quyết có hiệu lực thi hành (từ ngày 1-1-2016), đến nay hầu hết các địa phương cơ bản hoàn thành việc bàn giao công chức, người lao động từ Văn phòng chung sang VP. Từ khi tiến hành việc chia tách này đã phát sinh không ít vấn đề bất cập.
1. “Phình” biên chế, tăng kinh phí
Theo Nghị quyết số 1097 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, VP các tỉnh, thành phố (sau chia tách) thuộc VPQH. Biên chế công chức của VP nằm trong tổng biên chế công chức của VPQH. Số lượng biên chế công chức mỗi VP phụ thuộc vào quy mô đoàn ĐBQH. Cụ thể: Đoàn có dưới 10 ĐBQH, biên chế công chức của VP không quá 8 người; đoàn có từ 10 đến dưới 20 ĐBQH, biên chế công chức của VP không quá 10 người; từ 20 ĐBQH trở lên, biên chế công chức của VP không quá 12 người. Về lao động hợp đồng, tại văn bản số 421/VPQH-TCCB ngày 7-3-2016 của VPQH “về việc bàn giao, tiếp nhận công chức, người lao động” đã hướng dẫn: VP có lao động hợp đồng (theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17-11-2000 của Chính phủ). Mỗi VP không quá 2 nhân viên bảo vệ cơ quan (nếu có trụ sở riêng), 2 nhân viên lái xe (đoàn có 2 ĐBQH chuyên trách thì có 3 nhân viên lái xe) và 1 nhân viên tạp vụ. VP có 1 chánh văn phòng và 1 phó chánh văn phòng, riêng TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An có không quá 2 phó chánh văn phòng. Nghị quyết 1097 cũng quy định, chánh văn phòng, phó chánh văn phòng được hưởng chế độ phụ cấp chức vụ bằng giám đốc sở, phó giám đốc sở tại địa phương.
Như vậy, khi tách riêng VP ra khỏi Văn phòng chung tỉnh, thành phố chuyển sang trực thuộc VPQH tại các địa phương có thêm một cơ quan của Trung ương. Đồng thời, “phình” biên chế khi thực hiện việc chia tách. Kết quả tìm hiểu ở một số địa phương cho thấy, nếu UBND các tỉnh, thành phố bàn giao hết số công chức đang trực tiếp tham mưu, giúp việc đoàn ĐBQH (kể cả hưởng lương từ ngân sách địa phương) và lãnh đạo phụ trách lĩnh vực này từ Văn phòng chung sang VP tỉnh, thành phố theo đúng hướng dẫn tại Văn bản số 421/VPQH-TCCB ngày 7-3-2016, thì mỗi tỉnh, thành cũng chỉ điều chuyển được 5-6 công chức trong biên chế sang VP. Do đó, khi bố trí đủ chỉ tiêu biên chế từ 8 đến 12 cho mỗi VP (ngày 18-7-2016, VPQH đã có văn bản số 1581/HD-VPQH hướng dẫn việc tiếp nhận nhân sự theo quy trình không qua thi tuyển công chức và tiếp nhận lao động hợp đồng về công tác tại VP các tỉnh, thành phố trực thuộc VPQH), thì số công chức mỗi VP các tỉnh, thành phố (sau chia tách) sẽ nhiều hơn số công chức trực tiếp làm nhiệm vụ tham mưu, giúp việc đoàn ĐBQH khi ở Văn phòng chung từ 2 đến 3 người.
Chẳng hạn, tại tỉnh Tây Ninh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 795/QĐ-UB ngày 30-3-2016 điều động 5 công chức (gồm 1 Phó Chánh Văn phòng chung, 1 Trưởng Phòng Công tác ĐBQH, 2 chuyên viên, 1 kế toán) cùng 4 lao động hợp đồng (gồm 1 chuyên viên hành chính, 1 tạp vụ, 2 lái xe) từ Văn phòng chung tỉnh về VPQH. Sau đó VPQH ra Quyết định số 475/QĐ-VPQH ngày 9-4-2016 tiếp nhận và bàn giao 5 công chức nêu trên về công tác tại VP tỉnh Tây Ninh từ ngày 1-4-2016. Riêng lao động hợp đồng, VPQH chỉ tiếp nhận 1 tạp vụ và 2 lái xe, còn 1 chuyên viên hành chính không được tiếp nhận do VPQH không có chủ trương ký hợp đồng lao động đảm nhận các nhiệm vụ chuyên môn (thủ quỹ, văn thư...), việc này các chuyên viên kiêm nhiệm.
Tương tự, tại Long An, có 5 công chức (gồm 1 Phó Chánh VP, 1 Trưởng Phòng Công tác ĐBQH, 2 chuyên viên, 1 kế toán trưởng) và 3 lao động hợp đồng (1 lái xe, 1 bảo vệ và 1 tạp vụ) từ Văn phòng chung của tỉnh về công tác tại VP tỉnh từ ngày 1-4-2016. Ngày 28-4-2016, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định điều chuyển 5 công chức, lao động hợp đồng từ Văn phòng chung sang VP tỉnh trực thuộc VPQH từ ngày 28-4-2016. Ở TP. Đà Nẵng 6 công chức và 3 lao động hợp đồng từ Văn phòng chung thành phố về công tác tại VP của TP. Đà Nẵng trực thuộc VPQH kể từ ngày 1-4-2016. Tỉnh Cao Bằng tổ chức Lễ công bố thành lập VP tỉnh, bàn giao 5 công chức và 2 lao động hợp đồng về VP tỉnh từ Văn phòng chung tỉnh. Ngày 30-5-2016 tỉnh Hoà Bình tổ chức Lễ bàn giao công chức, người lao động từ Văn phòng chung về VP tỉnh, điều động 8 cán bộ về VP tỉnh, đồng chí Phó Chánh Văn phòng chung giữ chức Phó Chánh VP tỉnh. UBND tỉnh Hải Dương cũng đã sớm bàn giao 5 công chức và 3 lao động sang VP tỉnh trực thuộc VPQH từ ngày 1-4-2016; trong số 5 công chức, có 1 Phó Chánh Văn phòng chung tỉnh, 1 Trưởng Phòng Công tác ĐBQH, 1 Phó Trưởng Phòng Công tác ĐBQH, 1 chuyên viên và 1 kế toán.
Sơ kết Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 9-2-2007 “về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, định hướng về đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội” (Nghị quyết Trung ương 4, khóa X) cho kết quả biên chế khối đảng, đoàn thể chính trị - xã hội (do Ban Tổ chức Trung ương quản lý) chỉ tăng 3,5%, trong khi Quốc hội là 48,6%. Nay với việc chia tách, thành lập mới, biên chế Quốc hội sẽ còn tăng bao nhiêu? Và Nhà nước sẽ tăng chi ngân sách cho bộ máy này bao nhiêu? Đây là câu hỏi cần lời giải khi chúng ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị khoá XI về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và trong bối cảnh bội chi ngân sách đáng lo ngại hiện nay.
2. Mất lợi thế phối hợp
Lợi thế bị mất đầu tiên khi chia tách Văn phòng chung tỉnh, thành phố là việc sử dụng chung cơ sở vật chất. Sau 8 năm sáp nhập, hiện trụ sở làm việc Văn phòng chung các tỉnh, thành phố đều được xây dựng khang trang, với hệ thống phòng ốc, trang thiết bị bảo đảm phục vụ cho các hoạt động. Nay tách ra, nhiều VP tỉnh, thành phố chưa có trụ sở làm việc, trang thiết bị rất thiếu. VP các tỉnh Tây Ninh, Hải Dương đang sử dụng những phòng làm việc cũ (thuộc Văn phòng HĐND tỉnh). VP tỉnh Long An đã có phương án “ra ở riêng” là mượn khu nhà làm việc cũ của Báo Long An, đang tiến hành sửa chữa để chuyển đến. Trong ngắn hạn, VP các tỉnh Hải Dương, Tây Ninh và nhiều tỉnh, thành phố khác chưa thể di chuyển để trả phòng ốc cho địa phương, do phải chờ bố trí trụ sở mới. Mất lợi thế sử dụng chung cơ sở vật chất, đồng nghĩa với việc ngân sách nhà nước sẽ phải chi một khoản kinh phí lớn để đầu tư xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của VP các tỉnh, thành phố. Trụ sở VP tỉnh sẽ xây dựng thế nào, quy mô ra sao khi cả cơ quan chỉ có 8 biên chế và 1-2 ĐBQH chuyên trách?
Một lợi thế quan trọng nữa cũng không còn được phát huy sau chia, tách là sự phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ được giao của Văn phòng chung. Đồng chí Mai Văn Hải, Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Tây Ninh, nguyên Phó Chánh Văn phòng chung tỉnh Tây Ninh cho biết, thực tế cho thấy công việc tham mưu, phục vụ đoàn ĐBQH tỉnh không phải lúc nào cũng căng thẳng. Cụ thể, vào thời điểm trước và sau các kỳ họp Quốc hội, nhất là trước kỳ họp, Văn phòng chung tỉnh đều phải huy động nhân lực cho việc tổng hợp thông tin cho các ĐBQH, phục vụ hoạt động tiếp xúc cử tri của các tổ ĐBQH. Có lúc, đơn vị đã huy động 6 chuyên viên đi theo 3 tổ ĐBQH tiếp xúc cử tri, bởi nếu cử 1 chuyên viên theo 1 tổ thì không đáp ứng được yêu cầu ghi chép và phục vụ. Ngoài ra, cần có thêm người làm công tác phục vụ, in ấn tài liệu, tiếp khách. Đôi khi thiếu xe phải mượn thêm. Phòng Dân nguyện - Truyền thông, Phòng Đại biểu HĐND của Văn phòng chung hỗ trợ rất tốt việc cung cấp thông tin, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân... phục vụ đoàn ĐBQH tỉnh. Nhưng trong thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội, ngoài 1-2 lãnh đạo, chuyên viên đi theo đoàn ĐBQH thì những người ở nhà sẽ có rất ít việc. Khi còn Văn phòng chung, những người này sẽ được bố trí công việc phù hợp, tận dụng tối đa nhân lực. Tới đây, nếu VP tỉnh bố trí đủ chỉ tiêu biên chế có thể giải quyết được công việc lúc căng thẳng, song lại làm tăng áp lực “thừa người” trong lúc đoàn ĐBQH tham dự kỳ họp tại Hà Nội.
3. Tổ chức bộ máy, cán bộ không hợp lý
Theo Nghị quyết số 1097 và hướng dẫn của VPQH, thì VP tỉnh, thành phố chỉ có chánh văn phòng, phó chánh văn phòng và các chuyên viên, nhân viên, không lập các phòng. Theo đồng chí Đoàn Văn Sử, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Long An, tổ chức bộ máy như vậy là không hợp lý, có sự hụt hẫng trong công tác cán bộ. Trong công tác quy hoạch, cán bộ quản lý cấp phòng là nguồn quan trọng của cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị. Do đó, chuyên viên VP nếu được bổ nhiệm thẳng lên phó chánh văn phòng, không kinh qua quản lý cấp phòng sẽ khó vững vàng, bỡ ngỡ, không đủ tầm. Mặt khác, VP tỉnh, thành phố trực thuộc VPQH không thuộc diện luân chuyển cán bộ của địa phương nên bộ máy dễ rơi vào tình trạng “đóng băng”, triệt tiêu ý chí phấn đấu của chuyên viên trẻ.
Thực tế thời gian qua, sau chia tách Văn phòng chung tỉnh, thành phố đã có nhiều công chức tâm tư do bị thiệt thòi. Nhiều trưởng phòng, phó trưởng phòng Công tác ĐBQH của Văn phòng chung tỉnh, thành phố nay chỉ là chuyên viên VP. Ở Văn phòng chung tỉnh Tây Ninh có Trưởng Phòng Công tác ĐBQH Lâm Thị Kim Chi đã có hồ sơ đề nghị bổ nhiệm chức vụ Phó Chánh Văn phòng chung tỉnh, hiện chỉ là chuyên viên VP tỉnh. Ở Văn phòng chung tỉnh Long An có Trưởng phòng Công tác ĐBQH Phan Hậu, nay chỉ là chuyên viên VP tỉnh. Văn phòng chung tỉnh Hải Dương có Phó Trưởng Phòng Công tác ĐBQH Nguyễn Duy Cường, nay cũng chỉ là chuyên viên VP tỉnh... Được biết, hiện có một số đồng chí nguyên là trưởng phòng Công tác ĐBQH, Văn phòng chung tỉnh đã được đề nghị bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm làm phó chánh VP tỉnh. Tuy nhiên, số cán bộ được bổ nhiệm này không nhiều; đa số sẽ “yên vị“ làm chuyên viên VP. VPQH cũng đã có quy định, các công chức nguyên trưởng phòng, phó trưởng phòng Văn phòng chung nay làm chuyên viên VP tỉnh được bảo lưu phụ cấp chức vụ 6 tháng, nhưng việc này cũng chỉ an ủi được họ phần nào.
Khi chia tách Văn phòng chung tỉnh, thành phố còn có sự ách tắc trong công tác cán bộ. Tại Long An, có trường hợp đồng chí Ngô Văn Lang, nguyên Chánh Văn phòng chung tỉnh không đủ tuổi tái cử đại biểu HĐND tỉnh (sinh năm 1959), nên không được bổ nhiệm lại (Quy định của Luật Tổ chức HĐND là chánh văn phòng HĐND phải là đại biểu HĐND). Đồng chí Ngô Văn Lang cũng không có tên trong danh sách bàn giao, tiếp nhận công chức khi thành lập VP tỉnh. Đồng chí Ngô Văn Lang đang được đề nghị bổ nhiệm quyền hoặc phụ trách VP tỉnh (do không đủ tuổi để bổ nhiệm Chánh VP). Do đó, trong giai đoạn này đồng chí Ngô Văn Lang... không biết giữ chức gì?!
Theo hướng dẫn của VPQH (Văn bản số 421/VPQH-TCCB ngày 7-3-2016), trước mắt, tổ chức đảng và một số đoàn thể VP vẫn sinh hoạt chung với cơ quan đảng và đoàn thể của Văn phòng chung tỉnh; riêng công đoàn VP trực thuộc Công đoàn Cơ quan VPQH. Tiếp đó, ngày 28-6-2016 Đảng ủy Cơ quan VPQH có Công văn số 135-CV/ĐU đề nghị ban thường vụ các tỉnh, thành ủy chỉ đạo các cơ quan chức năng kiện toàn tổ chức đảng của VP, thành lập chi bộ cơ sở VP, trực thuộc đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh, thành phố. Đến hết tháng 8-2016, Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh Tây Ninh, Long An đã ra các quyết định thành lập các chi bộ VP tỉnh, gồm các đảng viên đang công tác tại VP, đồng thời chỉ định các chức danh bí thư chi bộ, phó bí thư chi bộ. Ở Hải Dương, cùng thời điểm này, chưa thành lập chi bộ VP tỉnh, các đảng viên vẫn sinh hoạt tại Chi bộ Văn phòng chung.
4. Thiếu sự đồng thuận
Văn phòng đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố đã từng được tách ra khỏi Văn phòng HĐND, UBND và đoàn ĐBQH (năm 2005), rồi lại được sáp nhập với Văn phòng HĐND (năm 2008). Nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết tách riêng VP, chưa nhận được nhiều sự đồng thuận của các địa phương.
Theo bản tổng hợp kết quả khảo sát tình hình của các Vụ Địa phương 1, 2, 3 thuộc Ban Tổ chức Trung ương, hầu hết ý kiến phản ánh của các địa phương không đồng tình với việc chia tách Văn phòng chung tỉnh, thành phố. Nhiều ý kiến cho rằng, ĐBQH được bầu tại các địa phương phần lớn chỉ có 6-8 đại biểu, trong đó có 2-3 đại biểu công tác ở các cơ quan Trung ương, các đại biểu ở địa phương hầu hết kiêm nhiệm. Hoạt động của ĐBQH ở địa phương chủ yếu là tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp. Do đó, việc thành lập riêng VP với đầy đủ các chức danh chánh, phó chánh văn phòng, văn thư, thủ quỹ (dù kiêm nhiệm), lái xe, bảo vệ... là không hợp lý, cồng kềnh, tốn kém. Đặc biệt, việc này không phù hợp với Kết luận số 64-KL/TW Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) ngày 28-5-2013 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Mặt khác, trưởng đoàn, phó trưởng đoàn ĐBQH tham gia sinh hoạt cấp ủy, làm công tác lãnh đạo, quản lý ở địa phương, nhưng văn phòng tham mưu, giúp việc lại thuộc Trung ương, khó khăn trong việc phối hợp công tác. Có ý kiến nêu vấn đề: Chủ trương của Đảng, Nhà nước là không lập thêm tổ chức mới trừ trường hợp thật cần thiết. Vì vậy, khi mô hình Văn phòng chung đang hoạt động hiệu quả, phù hợp, tiết kiệm, không xuất hiện khó khăn, vướng mắc gì đáng kể... tại sao lại phải thay đổi? Phải chăng do Luật Tổ chức Quốc hội (có hiệu lực thi hành từ 1-1-2016) quy định tại Điều 43: “VP là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các ĐBQH và đoàn ĐBQH tại địa phương” nên nhất thiết phải có cơ quan VP riêng biệt?
Những bất cập trên cần được nghiên cứu, giải trình và có hướng khắc phục nhằm thực hiện chủ trương tinh giản bộ máy và biên chế của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay.
THÀNH SÁNG